Chương 3 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu

Câu 1. Hồi ấy - tức là vào thời của Chúa Giê-su. Trong Kinh Thánh, những từ ngữ như vậy không phải lúc nào cũng biểu thị rằng có những sự kiện sắp được thuật lại và cũng không có ý dùng thời điểm đó làm cơ sở xác định cho những gì đã xảy ra ngay trước đó hay sẽ được thực hiện ngay sau đó. Đây là một cách nói mà người Do-thái hay sử dụng ngay cả khi nó không có chút liên hệ nào với các yếu tố thời gian. Như ta thấy ở đây, từ “hồi ấy” được dùng khi nói về việc ông Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa, mặc dù thời điểm này cách biến cố Chúa Giáng Sinh (sự kiện được thuật lại ngay trước đó) khoảng 30 năm.

Câu 2.Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” - Thay vì từ “sám hối”, học giả Tin Lành Pháp Theodore Beza (1519-1605) lại dịch là “ăn năn”. Đây cũng là chi tiết mà những người Tin Lành dựa vào để chống lại quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về việc đền tội.

Giáo Hội bảo tồn cách diễn tả nguyên gốc. Sự thay đổi thực sự của tội nhân không thể được thực hiện trọn vẹn khi chỉ dừng lại ở việc ăn năn, tức là thay đổi suy nghĩ và bắt đầu một đời sống mới. Ngoài những hành vi đó, họ cần phải có một cảm thức đau buồn thực sự vì những tội mình đã làm xúc phạm tới Thiên Chúa trong quá khứ, sự quyết tâm tự nguyện từ bỏ tội lỗi và vượt qua những thử thách như các dịp tội, các cơn cám dỗ.

Câu 3. Dẫn từ Sách ngôn sứ I-sai-a:

Có tiếng hô: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta (Is 40,3).

Câu 6. Phép rửa - Chữ La-tinh baptismus phát xuất từ βάπτισμα [báptisma] hoặc βαπτισμός [baptismós] trong Tiếng Hy-lạp chỉ việc giặt sạch một vật gì đó khi nhấn chìm hoàn toàn trong nước. Bí tích Rửa Tội trong Hội Thánh sơ khai cũng được thực hiện như vậy. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo, dù bảo tồn nguyên vẹn đức tin Ki-tô Giáo, nhưng không trói buộc mình trong những khuôn phép và nghi lễ, đã cho phép Bí tích Rửa Tội được thực hiện bằng cách rót hay rẩy nước lên người được rửa tội, hoặc đặt một hay hai ngón tay ướt lên đầu của trẻ em trong bí tích này.

Câu 7. phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc - Đây là hai giáo phái tồn tại trong dân Do-thái thời bấy giờ. Phái Xa-đốc chủ trương không có sự sống lại, các linh hồn và sự bất tử của linh hồn. Đối nghịch với họ là phái Pha-ri-sêu. Nhóm này có vẻ tôn giáo hơn, họ tự cho mình là người hiểu biết chính xác về Lề Luật và tuân giữ các truyền thống của cha ông, kể cả những truyền thống do họ tự nghĩ ra. Tên của nhóm này bắt nguồn từ chữ פרושים [prushim] trong tiếng Híp-ri biểu thị sự tách biệt, phân biệt với những người khác. Do đó, họ còn có tên gọi khác là biệt phái. Vì cho mình là thông hiểu Lề Luật, truyền thống và thánh thiện hơn người khác nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các điều đó, nhiều người trong phái Pha-ri-sêu là những kẻ giả hình và kiêu ngạo.

cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống - Điều này chỉ án phạt sau khi chết dành cho kẻ gian ác. Một số người giải thích rằng đó là những tai họa sắp giáng xuống Giê-ru-sa-lem cũng như dân tộc Do-thái.

Câu 8. Xem chú giải câu 2.

Câu 9. Đừng lầm tưởng rằng nếu bạn là con cháu Áp-ra-ham thì bạn sẽ thoát khỏi sự phán xét và trừng phạt của Thiên Chúa cho những điều ác bạn đã làm.

Câu 13. Câu hỏi được đặt ra là tại sao Chúa Giê-su, một người không có tội lỗi lại đến xin ông Gio-an làm phép rửa. Theo các Giáo Phụ, việc này có hai ý nghĩa:

1. Đức Giê-su công nhận phép rửa và sứ vụ của người đi trước Ngài là Gio-an Tẩy Giả.

2. Đức Giê-su nêu gương cho chúng ta về sự kiêm nhường khi tự đặt mình vào giữa những người tội lỗi. Người đến làm phép rửa như thể muốn sám hối mặc dù Người không hề có tội.

Ngoài ra, theo Thánh Ambrôsiô, Đức Giê-su muốn thánh hóa nước sông Gio-đan và ban nhân đức của người được thanh tẩy khỏi tội lỗi cho những ai chịu phép rửa bởi nước ấy.

Chương 2Chương 4
Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mác-cô