Chương 20 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 1. Nước Trời giống như (Bản văn Hy-lạp bắt đầu bằng chữ “bởi” để kết nối với câu cuối chương 19) - Dụ ngôn này được Chúa Giê-su đưa ra nhằm diễn tả các thời đại khác nhau trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, được ẩn dụ qua các giờ trong một ngày lao động. Bên cạnh đó, thông qua cách gia chủ trả công cho các thợ làm vườn nho, Người hé lộ cho chúng ta cách Thiên Chúa đối xử với những người được chọn để thừa hưởng Nước Trời hay Hội Thánh mà Người thiết lập.
Có nhiều ý kiến khác nhau về hình ảnh những người đứng đầu và những người đứng chót trong dụ ngôn này. Một số vị, như Thánh Hi-la-ri-ô, Thánh Grêgôriô, hay Giám mục Theophylact cho rằng nó diễn tả việc các vị thánh, ở những hoàn cảnh và mức độ khác nhau sẽ không bị giảm bớt phần thưởng dẫu cho họ đến phục vụ Chúa ở thời kỳ cuối cùng trong lịch sử nhân loại - hoặc theo quan điểm của Thánh Basiliô Cả, Thánh Giê-rô-ni-mô, hay Thánh Fulgentius (465-527/533), họ được Chúa kêu gọi lúc cuối đời. Dĩ nhiên, đối với những người được kêu gọi sau, chúng ta phải hiểu rằng họ cần có sự nhiệt thành lớn hơn người khác khi cộng tác với các ân sủng thần linh, trong phần đời còn lại, họ đã sửa chữa và bù đắp những khiếm khuyết và sai lầm trước đây của mình; do đó, đôi khi có thể xảy ra việc những người được kêu gọi sau, nhờ sự nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa lại nhận được phần thưởng lớn hơn những người kém nhiệt thành được kêu gọi trước họ.
Ngoài ra, nhiều nhà chú giải cho rằng hình ảnh những người làm thuê trong dụ ngôn này đại diện cho người Do-thái và các Ki-tô hữu hay dân ngoại. Với người Do-thái, sau khi mang cái ách của Luật Mô-sê suốt nhiều thời đại, “phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”, họ không nhận được gì nhiều hơn lời hứa mà Thiên Chúa ban cho những ai tuân giữ Lề Luật. Trong khi đó, các Ki-tô hữu, nhờ nhận biết Đức Giê-su Ki-tô, họ nhận được một phần thưởng dồi dào dù chỉ phải thực hiện công việc được coi là dễ dàng hơn dưới cái dưới ách êm ái của Tin Mừng. Như trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca, Chúa Giê-su đã nói với người Do-thái: “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13,28-29). Như vậy, người Do-thái có thể phải cằn nhằn rằng họ là những người đầu tiên được kêu gọi làm dân Thiên Chúa và sống theo Lề Luật, nhưng lại không được ưu tiên hơn những người được kêu gọi sau.
Thánh Gio-an Kim Khẩu khi đọc dụ ngôn này đã so sánh hình ảnh vườn nho với các điều răn của Thiên Chúa, thời gian lao động với cuộc sống hiện tại. Giờ thứ nhất, thứ ba, thứ sau, thứ chín và thứ mười một tượng trưng cho thời thơ ấu, tuổi trẻ, giai đoạn trưởng thành, lúc trung tuổi và khi đã gần đất xa trời.
Câu 3. Khoảng giờ thứ ba - Người Do-thái chia khoảng thời gian ban ngày (từ lúc bình minh đến hoàng hôn) ra mười hai giờ (Ga 11,9), theo cách tính ngày nay sẽ là từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Về mặt luân lý, các mốc thời gian ở đây diễn tả những thời đại khác nhau trong lịch sử cứu độ từ lúc Khởi đầu đến Ngày tận thế. Lúc tảng sáng, giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, giờ thứ mười một và thứ mười hai lần lượt đại diện cho thời đại ông A-đam, ông Nô-ê, ông Áp-ra-ham, ông Mô-sê, Đức Ki-tô và Ngày tận thế.
những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ - Cái chợ là hình ảnh của thế gian, nơi có những người khát khao tìm kiếm ơn cứu độ nhưng vẫn ở không cho đến khi họ được nhận biết Chúa, nói cách khác, họ là những người dân ngoại. Những người này dù được kêu gọi sau, nhưng lại được hưởng cùng một lời hứa với dân Do-thái. Đó cũng là ý nghĩa của câu cuối cùng chương 19 và câu 16 chương này: những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
Câu 11. vừa lãnh vừa cằn nhằn - Chúng ta đừng hiểu nhầm rằng trên Thiên Đàng, nơi mỗi người nhận được phần thưởng xứng đáng với công phúc của mình lại có sự đố kỵ, bất mãn hay suy bì, tị nạnh. Qua chi tiết này, Chúa Giê-su chỉ muốn chúng ta hiểu rằng với những người được kêu gọi ở những thời điểm được coi là muộn màng, thậm chí lúc cận kề cái chết, nếu họ trở lại với Thiên Chúa bằng tất cả sự chân thành, họ cũng sẽ được một phần thưởng lớn lao đến nỗi khiến người khác có thể phải ghen tỵ.
Câu 16. kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít - Thiên Chúa kêu gọi tất cả mọi người (Mt 11,28) nhưng chỉ những ai tin tưởng và đi theo Người mới được chọn. Quả vậy, với ý chí tự do, nhiều kẻ sẽ không tin Người. Mặt khác, có những người sau khi được kêu gọi, mặc dù đã chạm đến đức tin và có thể biện giáo (bảo vệ đức tin bằng những bằng chứng và lý luận thuyết phục) nhưng rồi cũng không giữ được ơn gọi và lại sa ngã một lần nữa (Xem lại Chú giải Mt 10, câu 22). Do đó, con số những người được cứu độ chỉ là phần ít nếu so với những người phải diệt vong.
Câu 17. Cùng với Mt 16,21; 17,22, đây là lần thứ ba Đức Giê-su tiên báo cho các môn đệ về Cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Người.
Câu 20. đến gặp Đức Giê-su - Khi Chúa Giê-su tiên báo về cái chết và sự sống lại của Người, các môn đệ đã nghĩ rằng ngay sau các biến cố ấy, Người sẽ lên ngôi trị vì tại Giê-ru-sa-lem. Chính điều này đã khiến bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến xin Người ưu ái hai con của bà hơn các môn đệ khác. Nhưng Chúa Ki-tô trả lời họ rằng họ không biết mình đang xin gì, vì danh dự được trao ban không phải vì mối quan hệ quen biết, nhưng dựa vào công phúc mỗi người. Theo cách tương tự, các chức vụ trong Hội Thánh không phải được trao cho những người thân quen, nhưng là cho những ai xứng đáng.
Câu 22. chén - Đó là một phép ẩn dụ biểu thị sự đau khổ và cái chết của Chúa Ki-tô (Tv 75,9; Is 51,17). Hai ông Gio-an và Gia-cô-bê, với sự sốt sắng nhưng thiếu sự khiêm nhường, đã thưa rằng họ uống nổi chén của Người.
Câu 23. Chén của Thầy, các người sẽ uống - Thánh Gia-cô-bê đã trở thành tông đồ đầu tiên chịu tử đạo (Cv 12,2) còn Thánh Gio-an, theo truyền thống, đã bị quẳng vào vạc dầu sôi nhưng thoát chết cách lạ lùng và bị đày đến đảo Pát-mô.
Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được - Lạc giáo Arius đã lấy chi tiết này để tái phủ nhận sự đồng bản thể của Chúa Giê-su và Chúa Cha.
Dựa theo quan điểm của Thánh Augustinô, chúng ta có thể hiểu chính xác câu này như sau:
Thứ nhất, Chúa Giê-su cho hai tông đồ của mình biết rằng Người không thể hứa ban cho họ phần thưởng Nước Trời, vì họ đang có khuynh hướng kiêu ngạo và tham vọng. Việc thiên vị những người chưa xứng đáng như vậy hiển nhiên không phù hợp với sự công bình của Thiên Chúa.
Thứ hai, qua hai vế của câu trả lời này, có một sự tách biệt được tạo ra. Sự tách biệt đó không phải là giữa Chúa Cha và Chúa Con, như thể Chúa Cha có thể ban những điều mà Chúa Con không thể, nhưng là giữa những người được tuyển chọn nhờ công phúc (được chuẩn bị cho) với những người không xứng đáng khi họ muốn được vào Nước Trời nhờ sự thiên vị và ưu ái (được cho bởi quyền).
Câu 24. mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó - Vì hai người này đã muốn trở thành những người đứng đầu trong số các tông đồ.
Câu 25. thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân - Đó là những kẻ đối xử với người dưới bằng sự chuyên quyền, độc đoán và bạo lực. Chúa chúng ta muốn dập tắt sự bực tức của các tông đồ với hai anh em ông Gio-an bằng cách diễn tả cho họ sự khác biệt giữa thế gian và Giáo Hội, rằng các chức vị trong Giáo Hội không phải là mục đích tìm kiếm của những người không có và cũng không phải cái gì đó quá được ưa thích bởi những người đã có.
Đối với vua chúa trần gian, họ đặt dân chúng dưới ách thống trị và bắt người khác phải phục tùng mọi ý định cá nhân của mình. Còn với các đấng bậc trong Giáo Hội, sự ưu tiên của họ thể hiện ở việc làm đầy tớ cho những người dưới quyền, quản lý và cung cấp những gì các tín hữu đã lãnh nhận từ Chúa Ki-tô; họ hy sinh lợi ích của cá nhân để phục vụ lợi ích của người khác, thậm chí, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì phần rỗi của những người mà Chúa trao phó cho họ. Vì thế, việc đòi hỏi vị trí ưu tiên trong Giáo Hội không những không xứng hợp bởi nó thể hiện khuynh hướng tham vọng quyền lực, mà xét theo khía cạnh này, đòi hỏi đó còn hoàn toàn vô lý khi người yêu cầu chưa có đầy đủ những phẩm chất cần thiết kể trên.
Ngoài ra, cũng cần minh định rằng qua những lời dạy này, Chúa Giê-su muốn ngăn chặn tính tự cao tự đại và tham vọng quyền lực của các tông đồ, chứ không có ý bác bỏ mọi chức vị cao trọng trong Hội Thánh, giống như những gì mà một số người Thanh giáo tuyên bố.
Câu 30. Một trong hai người mù này được Mc 10,46 giới thiệu tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.