Chương 2. Các pháp nhân (Điều 113-123)

Điều 113

§1. Giáo Hội Công Giáo và Tông Tòa đều có tư cách pháp nhân, do chính ý định của Thiên Chúa.

§2. Ngoài các thể nhân, trong Giáo Hội cũng còn có những pháp nhân, nghĩa là, đối với giáo luật, những chủ thể của những nghĩa vụ và quyền lợi tương xứng với bản chất riêng của họ.

Điều 114

§1. Những tập hợp nhân sự hoặc sự vật, nhằm một mục đích phù hợp với sứ mạng của Giáo Hội và vượt trên mục đích của các cá nhân, được thiết lập thành các pháp nhân, do chính quy định của luật hoặc do nhà chức trách có thẩm quyền ban cách đặc biệt qua sắc lệnh.

§2. Những mục đích được nói đến ở §1 được hiểu là những việc liên quan đến hoạt động đạo đức, tông đồ hay bác ái, hoặc thiêng liêng hoặc thế tục.

§3. Nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội chỉ nên ban tư cách pháp nhân cho những tập hợp nhân sự hoặc sự vật theo đuối một mục đích thật sự hữu ích, và có đủ các phương tiện để đạt được mục đích đó, sau khi cân nhắc mọi mặt.

Điều 115

§1. Các pháp nhân trong Giáo Hội là những tập hợp nhân sự hoặc là những tập hợp sự vật.

§2. Một tập hợp nhân sự có thể được thiết lập khi có ít nhất là ba người; tập hợp đó có tính cách hiệp đoàn, nếu các thành viên ấn định hoạt động của tập hợp bằng cách đồng tham gia vào việc quyết định chung, dù đồng quyền hay không, chiếu theo quy tắc của luật và của các quy chế; nếu không, thì tập hợp đó không có tính cách hiệp đoàn.

§3. Tập hợp sự vật hay quỹ tự trị, gồm những tài sản hay sự vật, hoặc tinh thần hoặc vật chất, chiếu theo quy tắc của luật và của các quy chế, được một hoặc nhiều thể nhân hoặc một hiệp đoàn quản trị.

Điều 116

§1. Các pháp nhân công là những tập hợp nhân sự hoặc sự vật được nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội thiết lập, để trong những giới hạn đã được ấn định, họ nhân danh Giáo Hội chu toàn nhiệm vụ riêng đã được trao cho vì lợi ích chung, chiếu theo những quy định của luật; những pháp nhân khác là những pháp nhân tư.

§2. Các pháp nhân công có tư cách pháp nhân, hoặc do chính luật hoặc do một sắc lệnh đặc biệt của nhà chức trách có thẩm quyền ban cách minh nhiên; các pháp nhân tư chỉ có được tư cách này do sắc lệnh đặc biệt của nhà chức trách có thẩm quyền ban tư cách này cách minh nhiên.

Điều 117

Không một tập hợp nhân sự hay sự vật nào muốn có tư cách pháp nhân mà có thể có được tư cách ấy, trừ khi quy chế của tập hợp đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn.

Điều 118

Những người đại diện pháp nhân công và hành động nhân danh pháp nhân ấy, là những người được luật phổ quát hay luật địa phương hoặc quy chế riêng công nhận họ có thẩm quyền này; những người đại diện pháp nhân tư là những người được quy chế trao cho thẩm quyền này.

Điều 119

Đối với các hành vi hiệp đoàn, trừ khi luật hay quy chế đã dự liệu cách khác, thì:

nếu là việc bầu cử, điều gì được đa số tuyệt đối những người hiện diện đồng ý, thì điều ấy có giá trị pháp luật, miễn là đa số những người phải được triệu tập đã hiện diện; sau hai lần bỏ phiếu vô hiệu, phải dồn phiếu cho hai ứng viên đã được nhiều phiếu nhất, hoặc nếu có nhiều ứng viên như vậy, thì phải dồn phiếu cho hai ứng viên nhiều tuổi hơn; sau lần bỏ phiếu thứ ba, nếu các ứng viên có số phiếu ngang nhau, thì ứng viên cao niên nhất sẽ đắc cử;

nếu là các vấn đề khác, điều gì được đa số tuyệt đối những người hiện diện đồng ý, thì điều ấy có giá trị pháp luật, miễn là đa số những người phải được triệu tập đã hiện diện; nếu sau hai lần bỏ phiếu mà số phiếu vẫn ngang nhau, thì vị chủ tọa có thể dùng phiếu của mình để tiêu hủy sự ngang phiếu đó;

nếu vấn đề liên quan đến tất cả mọi người cũng như từng người, thì phải được mọi người chấp thuận.

Điều 120

§1. Pháp nhân tự bản chất là vĩnh viễn; tuy nhiên, pháp nhân cũng chấm dứt, nếu bị nhà chức trách có thẩm quyền chính thức bãi bỏ, hoặc đã ngưng hoạt động từ một trăm năm, pháp nhân tư cũng chấm dứt, nếu chính hiệp hội bị giải thể chiếu theo quy chế, hoặc nếu theo sự phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền, chính quỹ cũng không còn nữa, chiếu theo quy chế.

§2. Nếu số thành viên của pháp nhân có tính cách hiệp đoàn chỉ còn một người, và nếu tập hợp nhân sự chiếu theo quy chế vẫn không chấm dứt, thì việc sử dụng mọi quyền của tập hợp thuộc về thành viên ấy.

Điều 121

Nếu nhiều tập hợp nhân sự hoặc sự vật là pháp nhân công sáp nhập lại thành một tập hợp cũng có tư cách pháp nhân, thì pháp nhân mới này sẽ được thừa hưởng những của cải và những quyền lợi thuộc sản nghiệp riêng của các pháp nhân trước, cũng như đảm nhận những nghĩa vụ mà các pháp nhân trước đã gánh chịu; nhưng phải tôn trọng ý muốn của những người sáng lập và của những người dâng cúng, cũng như những quyền lợi thủ đắc, nhất là trong việc sử dụng của cải và chu toàn các nghĩa vụ.

Điều 122

Nếu một tập hợp có tư cách pháp nhân công được phân chia thế nào để sáp nhập một phần của tập hợp ấy vào một pháp nhân khác, hoặc để thành lập một pháp nhân công biệt lập từ phần được phân chia ra, thì nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội có quyền phân chia, nhưng trước hết phải tôn trọng cả ý muốn của những người sáng lập và dâng cúng, cả những quyền lợi thủ đắc, cũng như những quy chế đã được chuẩn nhận, đồng thời phải đích thân hay nhờ người thi hành lo liệu:

để phân chia những của cải và những quyền lợi thuộc sản nghiệp chung có thể phân chia được, cũng như những món nợ và những nghĩa vụ khác, giữa các pháp nhân liên hệ, theo một tỷ lệ hợp tình hợp lý, sau khi đã xét mọi hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi bên;

để mỗi pháp nhân có quyền sử dụng và hưởng hoa lợi của những tài sản chung không thể phân chia được, cũng như có trách nhiệm gánh chịu những nghĩa vụ gắn liền với những tài sản đó, cũng theo một tỷ lệ hợp tình hợp lý sẽ được ấn định.

Điều 123

Khi một pháp nhân công chấm dứt, việc sử dụng của cải và những quyền lợi thuộc sản nghiệp, cũng như những nghĩa vụ của pháp nhân đó, phải được điều hành theo luật và các quy chế, nếu luật và các quy chế không nói gì thì những của cải, quyền lợi và nghĩa vụ ấy thuộc về pháp nhân trực tiếp cao hơn, nhưng luôn luôn phải tôn trọng ý muốn của những người sáng lập hay dâng cúng cũng như những quyền lợi thủ đắc; khi pháp nhân tư chấm dứt, việc sử dụng những của cải và nghĩa vụ phải được điều hành theo quy chế riêng.

Chương 1. Tình trạng giáo luật của các thể nhân (Điều 96-112)Đề mục 7. Các hành vi pháp lý (Điều 124-128)