Chương 1. Lời khai của các bên (Điều 1530-1538)

Điều 1530

Thẩm phán luôn luôn có thể thẩm vấn các bên để phát hiện rõ sự thật, hơn nữa, thẩm phán phải làm việc đó khi một bên yêu cầu hay đế chứng minh một sự kiện mà công ích đòi phải được đặt ra ngoài mọi sự hồ nghi.

Điều 1531

§1. Đương sự nào được thẩm vấn cách hợp pháp buộc phải trả lời và phải nói hết sự thật.

§2. Nếu đương sự từ chối trả lời, thẩm phán thẩm định xem điều gì có thể được rút ra từ đó đế chứng minh các sự kiện.

Điều 1532

Trong những trường hợp liên quan đến công ích, thẩm phán yêu cầu các bên phải thề là họ sẽ nói sự thật, hoặc ít nhất họ phải thề là họ đã nói sự thật, trừ khi có một lý do nghiêm trọng khuyên làm cách khác; trong những trường hợp khác, thẩm phán có thể làm điều đó tùy sự khôn ngoan của mình.

Điều 1533

Các bên, công tố viên và bảo hệ viên có thể đệ trình cho thẩm phán những câu hỏi mà dựa theo đó một bên sẽ bị thẩm vấn.

Điều 1534

Các quy tắc được ấn định ở các điều 1548 §2, 1°, 15521558-1565 về các nhân chứng, cũng được áp dụng thích hợp trong việc thẩm vấn các bên.

Điều 1535

Lời tự thú tư pháp là lời thú nhận rằng một sự kiện liên quan đến chính đối tượng của vụ án đi ngược lại quyền lợi riêng của mình, do một bên nói miệng hoặc viết trên giấy tờ, hoặc tự ý hoặc do thẩm phán hỏi cung, trước mặt thẩm phán có thẩm quyền.

Điều 1536

§1. Lời tự thú tư pháp của một đương sự, nếu thuộc một vấn đề riêng tư và không liên quan đến công ích, thì miễn chuẩn cho các đương sự khác khỏi phải trưng dẫn chứng cớ.

§2. Tuy nhiên, trong những vụ án liên quan đến công ích, lời tự thú tư pháp và những lời khai không có tính cách tự thú của các bên, có thể có giá trị chứng minh, thẩm phán phải thẩm định lời tự thú tư pháp và những lời khai đó trong tương quan với những yếu tố khác của vụ án; nhưng chúng không thể có giá trị chứng minh hoàn toàn nếu không được xác minh bằng những yếu tố vững chắc khác.

Điều 1537

Đối với lời tự thú ngoài tư pháp được trưng dẫn trong một vụ kiện, thẩm phán phải thẩm định xem lời tự thú đó có giá trị đến mức nào, sau khi đã cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh của vụ án.

Điều 1538

Một lời tự thú hay bất cứ lời khai nào khác của một đương sự sẽ không có giá trị, nếu xác nhận được rằng sự tự thú dựa trên sự lầm lẫn về sự kiện hoặc vì bạo lực hay vì một sự sợ hãi nghiêm trọng.

Đề mục 4. Chứng cớ (Điều 1526-1586)Chương 2. Chứng minh bằng tài liệu (Điều 1539-1546)