Chương 2. Diễn tiến tố tụng (Điều 1720-1728)

Điều 1720

Nếu Đấng Bản Quyền nhận thấy phải tiến hành bằng một sắc lệnh ngoài tòa:

ngài phải thông báo cho bị cáo biết cáo trạng với những chứng cớ, và cho họ quyền tự biện hộ, trừ khi bị cáo được triệu tập cách hợp pháp nhưng đã lơ là không ra trình diện;

ngài phải cẩn thận cân nhắc mọi chứng cớ và mọi luận cứ với hai hội thẩm;

ngài phải ra một sắc lệnh, chiếu theo quy tắc của các điều 1342-1350, để trình bày ít là cách vắn tắt những lý do về pháp lý và về sự kiện, nếu nhận thấy rõ là tội phạm đã xảy ra và nếu tố quyền hình sự chưa bị tiêu hủy.

Điều 1721

§1. Nếu Đấng Bản Quyền quyết định tiến hành một vụ tố tụng hình sự trong tòa, ngài phải chuyển những án từ điều tra tới công tố viên, để vị này nộp đơn khởi tố lên thẩm phán, chiếu theo quy tắc của những điều 15021504.

§2. Ở tòa thượng cấp, công tố viên nào đã được thiết lập cho tòa đó, thì phải giữ vai trò nguyên cáo.

Điều 1722

Để phòng ngừa gương xấu, để bảo vệ tự do của các nhân chứng và để bảo đảm sự lưu hành của công lý, thì sau khi hội ý với công tố viên và chính bị cáo, Đấng Bản Quyền có thể trong bất cứ giai đoạn nào của vụ án, cấm bị cáo thi hành thừa tác vụ thánh, hay một chức vụ và nhiệm vụ nào trong Giáo Hội, buộc hoặc cấm bị cáo không được cư ngụ ở một nơi hoặc một địa hạt nào, và cũng có thể cấm người đó không được công khai tham dự Thánh Thể, tất cả các biện pháp này phải được thu hồi khi không còn lý do và đương nhiên chấm dứt khi việc tố tụng hình sự kết thúc.

Điều 1723

§1. Khi triệu tập bị cáo ra tòa, thẩm phán phải mời bị cáo tự chọn cho mình một luật sư chiếu theo quy tắc của điều 1481 §1, trong thời hạn do chính thẩm phán ấn định.

§2. Nếu bị cáo không chọn luật sư, thì chính thẩm phán sẽ bổ nhiệm một luật sư trước khi đối tụng, luật sư này phải giữ nhiệm vụ bao lâu bị cáo không chọn luật sư cho mình.

Điều 1724

§1. Ở bất cứ cấp bậc nào của vụ án, công tố viên có thể bãi nại do mệnh lệnh hoặc với sự đồng ý của Đấng Bản Quyền đã quyết định bắt đầu vụ án.

§2. Để có hiệu lực, việc bãi nại này phải được bị cáo chấp nhận, trừ khi tòa tuyên bố là chính bị cáo đã vắng mặt.

Điều 1725

Trong khi tranh luận vụ án, hoặc trên giấy tờ hoặc bằng khẩu biện, chính bị cáo, hoặc luật sư của bị cáo, hoặc người đại diện của bị cáo, luôn luôn có quyền viết hay nói sau cùng.

Điều 1726

Ở bất cứ cấp bậc và giai đoạn nào của vụ tố tụng hình sự, nếu thấy rõ bị cáo đã không thực hiện tội phạm, thẩm phán phải tuyên bố điều đó bằng một bản án và tha bổng bị cáo, ngay cả khi tố quyền hình sự đã bị tiêu hủy cùng một lúc.

Điều 1727

§1. Bị cáo có thể kháng cáo, ngay cả khi bản án chỉ tha cho bị cáo, vì hình phạt có tính tùy ý hay vì thẩm phán đã dùng quyền được nói đến ở các điều 13441345.

§2. Công tố viên có thể kháng cáo mỗi khi xét thấy việc sửa lại gương xấu hay việc lập lại công lý đã không được quy định đầy đủ.

Điều 1728

§1. Miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của các điều trong chương này, trừ khi bản chất của sự việc không cho làm như thế, những điều liên quan đến việc xử án nói chung và việc xử án hộ sự thông thường phải được áp dụng trong tố tụng hình sự, mà vẫn giữ những quy tắc riêng biệt của những vụ án liên quan đến công ích.

§2. Bị cáo không bị buộc phải thú nhận tội phạm và cũng không bị buộc phải tuyên thệ.

Chương 1. Điều tra sơ khởi (Điều 1717-1719)Chương 3. Tố quyền đòi bồi thường thiệt hại (Điều 1729-1731)