Mục 5: Điều răn thứ năm (2258-2330)

Số
Mục lục
Tra cứu
Câu
Mục lục
Tra cứu

Mục lục

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

BẢNG KÝ HIỆU VIẾT TẮT

TÔNG HIẾN FIDEI DEPOSITUM

LỜI MỞ ĐẦU (1-25)

PHẦN THỨ NHẤT (26-1065)

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

ĐOẠN THỨ NHẤT: “TÔI TIN” - “CHÚNG TÔI TIN” (26-184)

CHƯƠNG I: CON NGƯỜI “CÓ KHẢ NĂNG” ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA (27-49)

CHƯƠNG II: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (50-141)

Mục 1: Mặc Khải của Thiên Chúa (51-73)

Mục 2: Sự lưu truyền Mặc Khải của Thiên Chúa (74-100)

Mục 3: Thánh Kinh (101-141)

CHƯƠNG III: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (142-184)

Mục 1: Tôi tin (144-165)

Mục 2: Chúng tôi tin (166-184)

TÍN BIỂU

ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KI-TÔ GIÁO (185-1065)

CHƯƠNG I: “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA” (198-421)

Mục 1: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất” (199-421)

Tiết 1: Tôi tin kính Đức Chúa Trời (199-231)

Tiết 2: Chúa Cha (232-267)

Tiết 3: Đấng Toàn Năng (268-278)

Tiết 4: Đấng Tạo Hóa (279-324)

Tiết 5: Trời và đất (325-354)

Tiết 6: Con người (355-384)

Tiết 7: Sự sa ngã (385-421)

CHƯƠNG II: TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA (422-682)

Mục 2: “Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô, là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi” (430-455)

Mục 3: Chúa Giê-su Ki-tô “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (456-570)

Tiết 1: Con Thiên Chúa làm người (456-483)

Tiết 2: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (484-511)

Tiết 3: Các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Ki-tô (512-570)

Mục 4: Chúa Giê-su Ki-tô đã “chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác” (571-630)

Tiết 1: Chúa Giê-su và Ít-ra-en (574-594)

Tiết 2: Chúa Giê-su “chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết” (595-623)

Tiết 3: Chúa Giê-su Ki-tô được “táng xác” (624-630)

Mục 5: Chúa Giê-su Ki-tô “xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (631-658)

Tiết 1: Đức Ki-tô “xuống ngục tổ tông” (632-637)

Tiết 2: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (638-658)

Mục 6: Chúa Giê-su “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng” (659-667)

Mục 7: “Ngày sau bởi trời”, Người “lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết” (668-682)

CHƯƠNG III: TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN (683-1065)

Mục 8: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” (687-747)

Mục 9: “Tôi tin Hội Thánh Công Giáo” (748-975)

Tiết 1: Hội Thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa (751-780)

Tiết 2: Hội Thánh - Dân Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-tô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần (781-810)

Tiết 3: Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (811-870)

Tiết 4: Các Ki-tô hữu: Phẩm trật, giáo dân, đời sống thánh hiến (871-945)

Tiết 5: “Các Thánh thông công” (946-962) [1474-1477]

Tiết 6: Đức Ma-ri-a - Mẹ Đức Ki-tô, Mẹ Hội Thánh (963-975)

Mục 10: “Tôi tin phép tha tội” (976-987)

Mục 11: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (988-1019)

Mục 12: “Tôi tin hằng sống vậy” (1020-1060)

“Amen” (1061-1065)

PHẦN THỨ BA (1691-2557)

ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KI-TÔ

ĐOẠN THỨ NHẤT: ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI: SỐNG TRONG THẦN KHÍ (1699-2051)

CHƯƠNG I: PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ (1700-1876)

Mục 1: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa (1701-1715)

Mục 2: Ơn gọi của chúng ta là đến hưởng vinh phúc (1716-1729)

Mục 3: Sự tự do của con người (1730-1748)

Mục 4: Tính luân lý của các hành vi nhân linh (1749-1761)

Mục 5: Tính luân lý của các đam mê (1762-1775)

Mục 6: Lương tâm luân lý (1776-1802)

Mục 7: Các nhân đức (1803-1845)

Mục 8: Tội lỗi (1846-1876)

CHƯƠNG II: CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI (1877-1948)

Mục 1: Cá vị và xã hội (1878-1896)

Mục 2: Sự tham gia vào đời sống xã hội (1897-1927)

Mục 3: Công bằng xã hội (1928-1948)

CHƯƠNG III: ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG (1949-2051)

Mục 1: Luật luân lý (1950-1986)

Mục 2: Ân sủng và sự công chính hóa (1987-2029)

Mục 3: Hội Thánh, Mẹ và Thầy (2030-2051)

MƯỜI ĐIỀU RĂN

ĐOẠN THỨ HAI: MƯỜI ĐIỀU RĂN (2052-2557)

CHƯƠNG I: “NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI, HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI” (2083-2195)

Mục 1: Điều răn thứ nhất (2084-2141)

Mục 2: Điều răn thứ hai (2142-2167)

Mục 3: Điều răn thứ ba (2168-2195)

CHƯƠNG II: “NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH” (2196-2557)

Mục 4: Điều răn thứ tư (2197-2257)

Mục 5: Điều răn thứ năm (2258-2330)

Mục 6: Điều răn thứ sáu (2331-2400)

Mục 7: Điều răn thứ bảy (2401-2463)

Mục 8: Điều răn thứ tám (2464-2513)

Mục 9: Điều răn thứ chín (2514-2533)

Mục 10: Điều răn thứ mười (2534-2557)

Tra cứu

“Ngươi không được giết người” (Xh 20,13).

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: ‘Chớ giết người’. Ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,21-22).

2258356

Sự sống con người phải được coi là điều linh thánh, vì từ lúc khởi đầu của mình, sự sống đó ‘đòi phải có hành động của Đấng Tạo Hoá’ và mãi mãi được liên kết một cách đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, là cùng đích duy nhất của mình. Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của sự sống từ khi sự sống khởi đầu cho tới khi kết thúc: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể dành cho mình quyền trực tiếp đem cái chết đến cho một thụ tạo nhân linh vô tội.”33

I. Tôn trọng sự sống con người (2259-2283)
Bằng chứng trong lịch sử thánh (2259-2262)

2259401

Trong trình thuật người anh là Ca-in giết em là A-ben,34 Sách Thánh cho thấy, ngay từ những buổi đầu của lịch sử nhân loại, đã có sự giận dữ và ham muốn nơi con người, đó là những hậu quả của nguyên tội. Con người trở thành kẻ thù của đồng loại mình. Thiên Chúa vạch rõ tính hiểm ác của tội huynh đệ tương tàn: “Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta. Giờ đây, ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra” (St 4,10-11).

2260

Giao ước giữa Thiên Chúa và loài người được dệt bằng những lời nhắc nhớ về hồng ân của Thiên Chúa là sự sống con người, và về bạo lực sát nhân của con người:

“Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình… Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 9,5-6).

Cựu Ước luôn coi máu như dấu chỉ linh thánh của sự sống.35 Giáo lý này vẫn luôn là điều cần thiết cho mọi thời đại.

22611756, 1956

Thánh Kinh xác định luật cấm của điều răn thứ năm: “Ngươi không được giết kẻ vô tội và công chính” (Xh 23,7). Cố ý giết một kẻ vô tội là một trọng tội chống lại phẩm giá của thụ tạo nhân linh, chống lại “khuôn vàng thước ngọc” (regula aurea) và sự thánh thiện của Đấng Tạo Hóa. Luật cấm giết người có giá trị phổ quát: bắt buộc mọi người và mỗi người, mọi lúc và mọi nơi.

22622844

Trong Bài giảng trên núi, Chúa nhắc lại điều răn này: “Chớ giết người” (Mt 5,21), Người còn thêm vào đó lệnh cấm giận dữ, căm ghét và báo thù. Thậm chí Đức Ki-tô còn đòi hỏi môn đệ của Người phải đưa cả má bên kia,36 phải yêu kẻ thù của mình.37 Chính Người đã không tự vệ và bảo ông Phê-rô xỏ gươm vào bao.38

Sự tự vệ hợp pháp (2263-2267)

22631737

Sự tự vệ hợp pháp của các cá vị và các tập thể không phải là một luật trừ đối với luật cấm giết người vô tội tức là việc giết người có chủ ý. “Hành vi của người tự vệ nguyên nó có thể có hậu quả kép: một đàng là để bảo tồn sự sống của chính mình; nhưng đàng khác lại có việc giết kẻ tấn công.”39 “Không gì cấm một hành vi có hai hậu quả, chỉ có một hậu quả là do chủ ý, còn hậu quả kia không do chủ ý.”40

22642196

Tình yêu đối với chính mình vẫn luôn là nguyên tắc căn bản của luân lý. Vì vậy, làm thế nào để quyền được sống của chính mình được tôn trọng là điều hợp pháp. Ai bảo vệ mạng sống mình, thì không mắc tội giết người, mặc dầu có giáng một ngọn đòn chí tử vào kẻ tấn công. “Nếu ai bảo vệ mạng sống mình mà sử dụng bạo lực quá mức cần thiết, thì hành vi này sẽ là bất hợp pháp.

Còn nếu người đó đẩy lui bạo lực một cách chừng mực, thì đó sẽ là tự vệ hợp pháp… Cũng không nhất thiết là để được cứu, thì người ta phải từ khước hành vi tự vệ chừng mực, hầu tránh giết chết người khác: bởi vì người ta buộc phải lo cho sự sống của mình hơn là cho sự sống của người khác.”41

22652240

Sự bảo vệ hợp pháp không những là một quyền, mà còn là một bổn phận quan trọng của người có trách nhiệm về sự sống của những người khác. Việc bảo vệ công ích đòi phải đặt kẻ xâm phạm bất chính ra ngoài khả năng tác hại. Vì vậy, những ai nắm quyền bính hợp pháp có quyền sử dụng cả đến vũ khí để ngăn chặn những kẻ xâm phạm đến cộng đồng dân sự đã được ủy thác cho trách nhiệm của họ.

22661897-1898, 2308

Nỗ lực của Nhà Nước, nhằm giới hạn sự lan tràn những cách hành động làm tổn thương các quyền con người và những chuẩn mực nền tảng của sinh hoạt dân sự, đáp ứng với đòi hỏi bảo vệ công ích. Công quyền hợp pháp có quyền và có bổn phận đề ra những hình phạt tương xứng với tính nghiêm trọng của tội phạm. Hình phạt có mục tiêu đầu tiên là đền bù sự vô trật tự do lỗi lầm gây ra. Nếu phạm nhân tự nguyện chấp nhận, thì hình phạt có giá trị đền tội. Từ đó, ngoài việc bảo vệ trật tự công cộng và an ninh cho các nhân vị, hình phạt còn có mục tiêu chữa trị: hình phạt, trong mức độ bao nhiêu có thể, phải góp phần cải hóa phạm nhân.

22672306

Việc chính quyền hợp pháp sử dụng án tử hình, sau khi đã xét xử công minh, từ lâu đã được xem như một giải pháp xứng hợp với tính trầm trọng của một số tội ác, và một phương thế bảo vệ công ích có thể chấp nhận được, dù rất khắc nghiệt.

Tuy nhiên ngày nay, chúng ta ngày càng ý thức rằng phẩm giá của con người không bị mất đi ngay cả sau khi họ đã phạm những tội ác rất trầm trọng. Hơn nữa, một sự hiểu biết mới mẻ về ý nghĩa của các án phạt hình sự được nhà nước áp dụng đã rõ nét hơn. Sau cùng, những hệ thống cầm tù hữu hiệu hơn đã được phát triển, bảo đảm quyền an ninh của công dân, nhưng đồng thời cũng không tước đi cách vĩnh viễn khả năng hoán cải của phạm nhân.

Vì thế, trong ánh sáng của Tin Mừng, Giáo hội dạy rằng “án tử hình là không thể chấp nhận vì án phạt này là sự tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”;42 Giáo hội quyết tâm hoạt động nhằm khuyến khích việc loại bỏ án tử hình trên khắp thế giới.

Tội giết người có chủ ý (2268-2269)

22681867

Điều răn thứ năm coi việc giết người cách trực tiếp và có chủ ý là một trọng tội. Kẻ sát nhân và những người cộng tác một cách có chủ ý phạm tội kêu thấu tới trời đòi báo thù.43

Tội giết trẻ thơ,44 giết anh em, giết cha mẹ, giết người phối ngẫu là những tội ác đặc biệt nghiêm trọng, vì các dây liên kết tự nhiên bị phá huỷ. Sự quan tâm tới nòi giống hoặc tới sự chăm sóc sức khoẻ công cộng không thể biện minh cho bất cứ việc giết người nào, dù do công quyền ra lệnh.

22692290

Điều răn thứ năm cũng cấm làm một điều gì với ý hướng gây chết người cách gián tiếp. Luật luân lý cấm đặt một người nào đó vào chỗ nguy tử nếu không có lý do nghiêm trọng, cũng như cấm từ chối giúp đỡ một người đang lâm nguy.

Xã hội nhân loại để người ta chết đói mà không nỗ lực trợ giúp, là một bất công đáng ghê tởm và là trọng tội. Các con buôn nào do sự ham lợi của mình mà gây ra đói kém và chết chóc cho anh em đồng loại, cũng phạm tội giết người cách gián tiếp. Họ bị quy tội về điều này.45

Giết người không có chủ ý không bị quy tội về mặt luân lý. Nhưng nếu ai, không có lý do tương xứng, mà hành động gây chết người, thì mặc dù không cố ý gây ra cái chết đó, vẫn không được tha thứ khỏi trọng tội.

Tội phá thai (2270-2275)

22701703, 357

Sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai, phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối. Ngay từ giây phút bắt đầu hiện hữu, các thụ tạo nhân linh phải được nhìn nhận có các quyền lợi của một nhân vị, trong đó có quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi thụ tạo vô tội.46

“Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1,5).

“Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 139,15).

2271

Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều trái ngược một cách nghiêm trọng với luật luân lý.

“Không được phá thai cũng như không được giết trẻ sơ sinh.”47

“Thiên Chúa là Chúa của sự sống, đã giao phó cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn nhiệm vụ đó cách xứng đáng với con người. Vì vậy, sự sống ngay từ lúc tượng thai, phải được bảo vệ hết sức cẩn thận: việc phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm.”48

22721463

Cộng tác chính thức vào việc phá thai là một trọng tội. Theo giáo luật, Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho tội ác chống lại sự sống con người này. “Người nào thi hành việc phá thai, và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae)”,49 “tức khắc do chính sự kiện phạm tội”,50 theo những điều kiện đã được giáo luật dự liệu.51 Làm như vậy, Hội Thánh không có ý đặt giới hạn cho lòng thương xót. Hội Thánh muốn cho thấy tính cách nghiêm trọng của tội ác đã phạm, sự thiệt hại không thể sửa chữa được đã gây ra cho người vô tội bị giết chết, cho cha mẹ của em và cho toàn xã hội.

22731930

Quyền được sống là quyền bất khả nhượng của mỗi người vô tội. Đây là một yếu tố cấu thành của xã hội dân sự và của luật pháp của xã hội đó:

“Những quyền bất khả nhượng của nhân vị phải được xã hội dân sự và công quyền nhìn nhận và tôn trọng. Những quyền này không tùy thuộc vào các cá nhân, không tùy thuộc vào các cha mẹ, cũng không phải là một nhân nhượng do xã hội và Nhà Nước làm ra, nhưng những quyền này thuộc về bản tính con người và gắn liền với nhân vị do chính hành động tạo dựng, là nguồn gốc của con người. Trong những quyền căn bản đó, phải kể đến quyền được sống và được toàn vẹn thân thể mà mỗi thụ tạo nhân linh được hưởng, từ lúc tượng thai cho đến khi chết.”52

“Khi luật dân sự tước của một hạng người quyền được hưởng sự bảo vệ mà luật pháp phải mang lại, thì Nhà Nước đã phủ nhận sự bình đẳng của mọi công dân trước luật pháp. Khi Nhà Nước không đem sức mạnh của mình bảo vệ quyền của mỗi người, đặc biệt những người yếu kém, thì chính các nền tảng của một Nhà Nước pháp quyền bị lung lay… Do việc tôn trọng và bảo vệ trẻ em sẽ chào đời, ngay từ lúc tượng thai, luật pháp phải dự liệu những hình phạt tương xứng chống lại bất cứ sự cố ý vi phạm nào đến các quyền của trẻ em.”53

2274

Vì phải được đối xử như một nhân vị từ lúc tượng thai, nên phôi thai phải được bảo vệ, chăm sóc và chữa trị trong sự toàn vẹn của nó, bao nhiêu có thể, cũng như bất cứ thụ tạo nhân linh nào khác.

Việc khám thai trước khi sinh là điều hợp pháp về mặt luân lý, “nếu việc đó tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi thai và của thai nhi, và nếu nhắm đến việc bảo tồn hay chữa trị phôi thai… Nhưng việc khám thai sẽ trái ngược cách nghiêm trọng với luật luân lý, nếu có ý khám thai để căn cứ vào kết quả, có thể dẫn đến phá thai: Khám thai… không được trở thành tương đương với việc tuyên án tử hình.”54

2275

“Những can thiệp trên phôi người phải được coi là hợp pháp, với điều kiện là, phải tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi thai, và không kèm theo những nguy cơ không tương xứng cho phôi thai, nhưng phải nhắm tới việc chữa trị, cải thiện tình trạng sức khỏe, hoặc để cứu sống chính phôi thai.”55

“Sản xuất những phôi người để lạm dụng, nghĩa là để sử dụng như ‘một vật liệu sinh học’, là vô luân.”56

“Một số thử nghiệm can thiệp trên bộ nhiễm sắc thể hoặc gen di truyền không phải để trị liệu, nhưng nhằm sản xuất ra những con người được tuyển lựa theo phái tính hoặc theo những đặc điểm khác được định sẵn. Những việc làm nhân tạo đó nghịch lại với phẩm giá của nhân vị, sự toàn vẹn và căn tính ‘duy nhất, không trùng lắp’ của con người.”57

Cái chết êm dịu (Euthanasia) (2276-2279)

22761503

Phải đặc biệt tôn trọng sự sống của những người tàn tạ, yếu ớt. Những người bệnh hoạn hoặc khuyết tật (handicap) phải được nâng đỡ để sống một cuộc sống bình thường, bao nhiêu có thể.

2277

Cái chết êm dịu trực tiếp, với bất cứ lý do nào hoặc dùng phương tiện nào, cốt tại việc chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, bệnh hoạn hoặc hấp hối. Về phương diện luân lý, việc này không thể chấp nhận được.

Như vậy, một hành động hoặc một thiếu sót, tự nó hoặc với ý hướng, gây ra cái chết để chấm dứt sự đau đớn, là một tội giết người, nghịch lại một cách nghiêm trọng với phẩm giá của nhân vị và với sự tôn trọng Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo hóa của con người. Một phán đoán sai lầm mắc phải cách ngay tình, không thay đổi bản chất của hành vi sát nhân này, một hành vi luôn phải cấm chỉ và loại trừ.58

22781007

Việc ngưng các phương tiện y khoa, quá tốn kém, mạo hiểm, ngoại thường hoặc không tương xứng với những kết quả mong muốn, có thể là hợp pháp. Đây là sự từ chối “việc trị liệu khắc nghiệt.” Theo cách này, ta không muốn đưa đến cái chết, nhưng chấp nhận vì không thể ngăn cản được cái chết. Chính bệnh nhân phải quyết định, nếu họ có thẩm quyền và khả năng, nếu không, việc quyết định phải do những người có quyền theo luật pháp, nhưng luôn phải tôn trọng ý muốn hợp lý và quyền lợi hợp pháp của người bệnh.

2279

Dù cái chết xem ra gần kề, vẫn phải chăm sóc bình thường cho bệnh nhân, chứ không thể ngưng một cách hợp pháp. Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau, để làm dịu bớt sự đau đớn của người hấp hối, cả khi có nguy cơ rút ngắn những ngày sống của họ, về mặt luân lý có thể được coi là phù hợp với nhân phẩm, miễn là không nhắm đến cái chết như mục đích hay như phương tiện, nhưng chỉ tiên đoán và phải chấp nhận cái chết như điều không thể tránh. Việc chăm sóc để giảm đau là một hình thức tuyệt vời của đức mến vô vị lợi. Vì thế, công việc này cần được khuyến khích.

Tội tự sát (2280-2283)

22802258

Mỗi người chịu trách nhiệm về sự sống của mình trước mặt Thiên Chúa là Đấng đã ban sự sống cho mình. Chính Ngài vẫn là Chủ tể tối thượng của sự sống. Chúng ta buộc phải đón nhận sự sống với lòng biết ơn và gìn giữ sự sống để tôn vinh Ngài và để cứu độ linh hồn chúng ta. Chúng ta là những người quản lý chứ không phải những ông chủ của sự sống mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta. Chúng ta không có quyền định đoạt về sự sống.

22812212

Tự sát nghịch với khuynh hướng tự nhiên của thụ tạo nhân linh là muốn bảo tồn và kéo dài sự sống của mình. Tự sát nghịch lại một cách nghiêm trọng với tình yêu chính đáng đối với bản thân. Tự sát còn xúc phạm đến tình yêu đối với người lân cận, bởi vì nó cắt đứt một cách bất công những mối dây liên đới với gia đình, quốc gia và nhân loại mà chúng ta vẫn còn có trách nhiệm đối với các cộng đồng đó. Tự sát đối nghịch với tình yêu của Thiên Chúa hằng sống.

22821735

Nếu tự sát với ý định nêu gương, nhất là đối với giới trẻ, thì tội này còn mang thêm tính nghiêm trọng là làm gương xấu. Cộng tác có chủ ý vào việc tự sát là trái nghịch với luật luân lý.

Những rối loạn tâm thần trầm trọng, lo âu hay quá sợ hãi trước một thử thách, trước đau khổ hoặc cực hình, có thể làm giảm thiểu trách nhiệm của người tự sát.

22831037

Không được tuyệt vọng về ơn cứu độ vĩnh cửu của những người tự mình tìm đến cái chết. Thiên Chúa có thể ban cho họ những cơ hội thống hối để được ơn cứu độ, bằng những đường lối mà chỉ một mình Ngài biết. Hội Thánh cầu nguyện cho những người tự hủy hoại mạng sống mình.

II. Tôn trọng phẩm giá con người (2284-2301)
Tôn trọng linh hồn tha nhân: gương xấu (2284-2287)

22842847

Gương xấu là thái độ hoặc cách hành động dẫn người khác đến chỗ làm điều xấu. Ai làm gương xấu, người đó trở thành tên cám dỗ người lân cận. Người đó làm hại đến nhân đức và sự chính trực; người đó có thể đưa anh em mình đến cái chết về phần thiêng liêng. Gương xấu trở thành một trọng tội, nếu bằng hành động hay bằng sự thiếu sót, gương xấu chủ ý lôi kéo tha nhân đến chỗ phạm trọng tội.

22851903

Gương xấu trở thành đặc biệt nghiêm trọng do thế giá của những người làm gương xấu hoặc do sự yếu đuối của những người phải chịu gương xấu. Điều ấy đã khiến Chúa chúng ta chúc dữ: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn… sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn”59 (Mt 18,6). Gương xấu là nghiêm trọng, khi do những người, theo bản chất hoặc nhiệm vụ, có bổn phận dạy dỗ và giáo dục kẻ khác gây ra. Chúa Giê-su đã quở trách các kinh sư và các Pha-ri-sêu về điều đó: Người đã so sánh họ như sói đội lốt chiên.60

22861887, 2498

Gương xấu có thể phát sinh do luật pháp hoặc những thể chế, do thời trang hoặc dư luận.

Như vậy, mắc tội làm gương xấu, là những ai thiết lập những luật lệ hoặc những cơ cấu xã hội dẫn đến việc phong hóa bị suy đồi và đời sống đạo hạnh bị hư hỏng, hoặc đến việc “những hoàn cảnh xã hội, dù cố ý hay không, làm cho người ta khó, hoặc hầu như không thể, thực hiện được một đời sống Ki-tô Giáo phù hợp với các điều răn của Nhà Làm Luật tối thượng.”61 Cũng mắc tội làm gương xấu, là các chủ nhân đặt ra những luật lệ khuyến khích gian lận, các bậc phụ huynh làm cho con cái “tức giận”,62 hoặc những kẻ khích động dư luận một cách gian manh, khiến dư luận quay lưng lại với những giá trị luân lý.

2287

Ai sử dụng các quyền lực mình đang có vào những hoàn cảnh dẫn người khác đến việc làm điều xấu, thì mang tội gây gương xấu và chịu trách nhiệm về điều xấu mình đã trực tiếp hoặc gián tiếp khuyến khích. “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã” ( Lc 17,1).

Tôn trọng sức khỏe (2288-2291)

22881503, 1509

Sự sống và sức khỏe thể lý là những ơn rất quý giá Thiên Chúa giao phó cho chúng ta. Chúng ta phải chăm sóc chúng cách hợp lý, dù vẫn phải lưu tâm đến những nhu cầu của tha nhân và của công ích.

Việc chăm sóc sức khỏe của các công dân phải được sự trợ giúp của xã hội để có những điều kiện sống giúp họ lớn lên và đạt tới mức trưởng thành: cơm ăn, áo mặc, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục căn bản, việc làm và trợ cấp xã hội.

2289364, 2113

Mặc dù luân lý đòi phải tôn trọng sự sống thể xác, nhưng luân lý không dành cho nó một giá trị tuyệt đối. Luân lý chống lại não trạng tân ngoại giáo, có ý muốn cổ võ sự tôn thờ thân xác, hy sinh tất cả cho thân xác, thờ ngẫu tượng là sự trọn hảo thể lý và sự chiến thắng trong các hoạt động thể dục thể thao. Một não trạng như vậy, vì chọn lọc người khỏe và loại bỏ người yếu, có thể đi tới chỗ làm băng hoại các tương quan giữa con người.

22901809

Đức tiết độ giúp tránh mọi thái quá như: ăn uống quá độ, lạm dụng rượu, thuốc hút và y dược. Những người ở trong trạng thái say rượu hoặc say mê tốc độ không chừng mực, gây nguy hiểm cho sự an toàn của tha nhân hoặc của chính mình trên đường, trên biển hoặc trên không, đều có tội cách nghiêm trọng.

2291

Việc sử dụng ma túy gây ra những tàn phá hết sức nghiêm trọng cho sức khỏe và mạng sống con người. Ngoài những chỉ dẫn để trị liệu một cách tỉ mỉ, sử dụng ma túy là một tội nghiêm trọng. Việc bí mật sản xuất và buôn bán ma túy là đáng ghê tởm; đó là sự cộng tác trực tiếp, vì các hoạt động đó xúi giục những việc sử dụng chống lại luật luân lý cách nghiêm trọng.

Tôn trọng con người và nghiên cứu khoa học (2292-2296)

2292

Những thí nghiệm khoa học, về y khoa hoặc về tâm lý, trên các cá vị hoặc các nhóm người, có thể góp phần vào việc chữa bệnh và sự tiến bộ của sức khoẻ cộng đồng.

2293159, 1703

Việc nghiên cứu khoa học cơ bản và cả nghiên cứu áp dụng, là một biểu lộ đầy ý nghĩa quyền bá chủ của con người trên công trình tạo dựng. Khoa học và kỹ thuật là những sự trợ giúp rất quý giá khi được đưa vào phục vụ con người, và giúp phát triển toàn diện con người để mưu ích chung; nhưng khoa học và kỹ thuật tự chúng không thể đem lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho sự tiến bộ của con người. Khoa học và kỹ thuật quy hướng về con người, xuất phát từ con người và tiến bộ nhờ con người; vì thế, chính nơi con người và các giá trị luân lý của con người, khoa học và kỹ thuật mới tìm được sự chỉ dẫn cho mục đích của chúng và ý thức được những giới hạn của chúng.

22942375

Thật là ảo tưởng, khi đòi cho việc nghiên cứu khoa học và những áp dụng khoa học tính trung lập về luân lý. Đàng khác, những tiêu chuẩn định hướng không thể rút ra chỉ từ hiệu quả kỹ thuật, hoặc từ sự hữu ích cho những người này nhưng lại tổn hại cho những người khác, hoặc tệ hơn nữa, từ những ý thức hệ đang chiếm ưu thế. Khoa học và kỹ thuật, do bản chất của nó, đòi hỏi phải tuyệt đối tôn trọng các tiêu chuẩn căn bản của luân lý; phải nhằm phục vụ nhân vị, phục vụ các quyền bất khả nhượng của nhân vị, lợi ích đích thực và toàn vẹn của nhân vị, theo dự định và ý muốn của Thiên Chúa.

22951753

Những nghiên cứu hoặc thí nghiệm trên con người không thể hợp pháp hóa những hành vi tự chúng là nghịch với phẩm giá của các nhân vị và với luật luân lý. Sự ưng thuận của các đương sự, nếu có, cũng không biện minh được cho những hành vi như vậy. Thí nghiệm trên con người là không hợp pháp về mặt luân lý, nếu sự thí nghiệm đó làm cho mạng sống hoặc sự toàn vẹn tâm sinh lý của đương sự rơi vào những nguy cơ không tương xứng hoặc không thể tránh khỏi. Ngoài ra, thí nghiệm trên con người là không phù hợp với phẩm giá của nhân vị, nếu nó được tiến hành mà không có sự ưng thuận có ý thức của đương sự hoặc của những người có quyền đối với đương sự.

22962301

Việc ghép các bộ phận cơ thể là phù hợp với luật luân lý, nếu các nguy hiểm và rủi ro về thể lý và tâm lý nơi người cho, tương xứng với lợi ích được tìm kiếm nơi người nhận. Việc hiến các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý đáng khen thưởng, và phải được khuyến khích như sự biểu lộ tình liên đới quảng đại. Không thể chấp nhận về mặt luân lý, nếu người cho, hoặc những thân nhân có quyền trên đương sự, không ưng thuận cách minh nhiên. Ngoài ra, không thể chấp nhận về mặt luân lý, việc trực tiếp cưa cắt khiến tàn phế, hoặc trực tiếp gây cái chết, dù nhằm làm cho cái chết của những người khác chậm lại.

Tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể (2297-2298)

2297

Nạn bắt cóc và giữ làm con tin gieo kinh hoàng và, bằng những đe dọa, tạo áp lực không thể chịu nổi cho các nạn nhân. Những việc này là bất hợp pháp về mặt luân lý. Khủng bố đe dọa, gây thương tích và giết người cách bừa bãi; việc này đi ngược lại sự công bằng và bác ái cách nghiêm trọng. Tra tấn, tức là dùng bạo lực về thể lý hay luân lý để điều tra, để trừng phạt tội phạm, để đe dọa đối phương, để thỏa mãn lòng thù ghét, là nghịch với sự tôn trọng con người và phẩm giá con người. Ngoài những trường hợp được thực hiện thật sự vì lý do trị liệu, việc cắt bỏ, hủy hoại hoặc triệt sản có chủ ý một cách trực tiếp trên những người vô tội đều nghịch với luật luân lý.63

22982267

Trong quá khứ các chính phủ hợp pháp thường sử dụng những biện pháp tàn bạo để duy trì lề luật và trật tự, mà thường các mục tử của Hội Thánh đã không phản kháng việc đó; chính những vị này còn áp dụng các quy định của bộ luật Rô-ma về tra tấn trong tòa án riêng của mình. Không kể những sự kiện đáng tiếc đó, Hội Thánh luôn luôn dạy bổn phận phải nhân từ và thương xót; Hội Thánh đã cấm các giáo sĩ không được gây đổ máu. Thời gian gần đây, người ta thấy rõ là các biện pháp tàn bạo đó không cần thiết cho trật tự công cộng, cũng chẳng phù hợp với những quyền hợp pháp của con người. Trái lại, những biện pháp đó còn đưa đến những suy thoái tồi tệ nhất. Phải đấu tranh để hủy bỏ những biện pháp tàn bạo đó. Phải cầu nguyện cho các nạn nhân và các lý hình.

Tôn trọng người chết (2299-2301)

22991525

Phải lưu tâm và chăm sóc những người hấp hối để giúp họ sống những giây phút cuối đời của mình cách xứng đáng và bình an. Họ phải được thân nhân giúp đỡ bằng lời cầu nguyện. Những người này phải liệu sao cho bệnh nhân kịp thời lãnh nhận các bí tích để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.

23001681-1690

Thi hài của những người đã qua đời phải được cư xử với lòng tôn trọng và với đức mến, trong đức tin và đức cậy vào sự phục sinh. Mai táng người chết là công việc của lòng thương xót đối với thân thể con người;64 việc đó tỏ lòng quý trọng con cái Thiên Chúa, là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

2301

Việc mổ và khám nghiệm tử thi có thể được chấp nhận về mặt luân lý, với lý do để điều tra pháp lý hoặc nghiên cứu khoa học. Việc hiến tặng nhưng không các bộ phận cơ thể sau khi chết là hợp pháp và có thể là có công phúc.

Hội Thánh cho phép hỏa táng nếu việc này không biểu lộ sự hoài nghi về đức tin vào sự phục sinh của thân xác.65

III. Bảo vệ hòa bình (2302-2317)
Hòa bình (2302-2306)

23021765

Khi nhắc lại điều răn: “Chớ giết người” (Mt 5,21), Chúa chúng ta đòi chúng ta giữ trái tim bình an và Người tố cáo tính vô luân của việc giận dữ và sự căm ghét.

Giận dữ là một ước muốn trả thù. “Ước muốn báo thù vì điều xấu của kẻ đáng bị phạt, là không hợp pháp”: nhưng bắt phải đền bù “nhằm sửa chữa lại các thói xấu và duy trì điều tốt của đức công bằng” là điều đáng khen ngợi.66 Nếu giận dữ đến độ chủ ý muốn giết chết hay làm bị thương nặng người lân cận, là xúc phạm đến đức mến một cách nghiêm trọng; đó là tội trọng. Chúa nói: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,22).

23032094, 1933

Căm ghét có chủ ý là điều nghịch với đức mến. Căm ghét người lân cận là có tội, khi một người chủ ý muốn điều xấu cho người khác. Căm ghét người lân cận là có tội nặng, khi một người chủ ý muốn cho người khác bị thiệt hại nghiêm trọng. “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).

23041909, 1807

Sự tôn trọng và sự phát triển đời sống con người đòi phải có hòa bình. hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, và không thể giản lược vào việc giữ được thế quân bình giữa các lực lượng đối nghịch nhau. hòa bình không thể có được trên trái đất, nếu không có sự bảo vệ của cải của các nhân vị, không có sự truyền thông tự do giữa con người, không có sự tôn trọng phẩm giá của con người và của các dân tộc, không có sự chuyên chăm thực thi tình huynh đệ. hòa bình là “sự ổn định của trật tự.”67 hòa bình là “sự nghiệp của đức công minh” (Is 32,17) và là hiệu quả của đức mến.68

23051468

Hòa bình trên trần thế là hình ảnh và hoa trái của bình an của Đức Ki-tô, “Thủ lãnh Hòa Bình” thời Mê-si-a (Is 9,5). Nhờ máu đổ ra “trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù hận” ngay trong thân xác Người,69 Người đã giao hòa loài người với Thiên Chúa và làm cho Hội Thánh trở thành bí tích hợp nhất nhân loại và kết hợp nhân loại với Thiên Chúa.70 “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người tuyên bố: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5,9).

23062267

Những ai khước từ hành động bạo lực và đổ máu, sử dụng những phương tiện tự vệ vừa tầm những kẻ khá yếu đuối, để bảo vệ quyền lợi của con người, là những người làm chứng cho đức mến của Tin Mừng, miễn là điều này không phương hại đến các quyền lợi và bổn phận của những người khác và các tập thể khác. Họ làm chứng cách hợp pháp cho tính nghiêm trọng của những nguy cơ về thể lý và luân lý, khi sử dụng bạo lực, với những tàn phá và chết chóc của bạo lực.71

Tránh chiến tranh (2307-2317)

2307

Điều răn thứ năm cấm chủ ý hủy hoại mạng sống con người. Vì mọi cuộc chiến đều kéo theo những tai họa và những bất công, nên Hội Thánh khẩn thiết thúc giục mỗi người cầu nguyện và hành động, để lòng nhân lành của Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ ngàn đời của chiến tranh.72

23082266

Mỗi công dân và mỗi người lãnh đạo đều buộc phải hành động để tránh chiến tranh.

Tuy nhiên, “bao lâu nguy cơ chiến tranh tồn tại, bao lâu chưa có quyền bính quốc tế nào có thẩm quyền và có đủ sức mạnh, thì một khi đã tận dụng mọi phương thế dàn xếp ôn hòa, các chính phủ có thể được phép sử dụng quyền bảo vệ hợp pháp.”73

23092243, 1897

Phải xem xét cẩn thận các điều kiện tỉ mỉ để bảo vệ hợp pháp bằng sức mạnh quân sự. Một quyết định như thế rất nghiêm trọng, nên phải hội đủ các điều kiện nghiêm ngặt của tính hợp pháp về luân lý. Cùng một trật, đòi phải có:

— Thiệt hại do kẻ xâm lược gây ra cho quốc gia hoặc cho cộng đồng các quốc gia có tính lâu dài, nghiêm trọng và chắc chắn;

— Tất cả các phương thế khác để chấm dứt tình trạng này rõ ràng là bất khả hoặc vô hiệu;

— Phải hội đủ các điều kiện quan trọng để thành công;

— Việc sử dụng vũ khí không kéo theo những tai hại và hỗn loạn nghiêm trọng hơn tai hại ta đang cố loại trừ. Khả năng tàn phá của các phương tiện chiến tranh hiện đại là sức ép nghiêm trọng nhất phải được thẩm định trong điều kiện nầy.

Trên đây là những yếu tố truyền thống được liệt kê trong học thuyết “chiến tranh chính đáng.” Việc thẩm định các điều kiện đó để có tính hợp pháp về luân lý, thuộc về sự phán đoán khôn ngoan của những người có bổn phận về công ích.

23102239, 1909

Trong trường hợp này, công quyền có quyền và bổn phận đề ra cho các công dân những nghĩa vụ cần thiết để bảo vệ tổ quốc. Những ai phục vụ tổ quốc trong quân đội, là những người phụng sự cho an ninh và tự do của các dân tộc. Khi chu toàn đúng đắn nhiệm vụ của mình, họ thật sự góp phần vào công ích và vào việc gìn giữ hòa bình.74

23111782, 1790

Công quyền phải dự liệu một cách công bằng cho trường hợp những người, vì lý do lương tâm, từ chối sử dụng vũ khí, trong khi họ vẫn buộc phải phục vụ cộng đồng nhân loại bằng một hình thức khác.75

2312

Hội Thánh và lý trí con người đều tuyên bố hiệu lực trường tồn của luật luân lý, trong thời gian xảy ra các cuộc xung đột có vũ trang. “Không phải vì chiến tranh đã chẳng may khai diễn, mà do đó các phía đối nghịch nhau được phép muốn làm gì thì làm.”76

23132242

Phải tôn trọng và đối xử cách nhân đạo với thường dân, thương binh và tù binh.

Những hành động chủ ý nghịch với quyền của các dân tộc và với các nguyên tắc phổ quát của quyền đó, và cả các mệnh lệnh buộc thi hành những hành động đó, đều là tội ác. Sự tuân phục mù quáng không đủ để những ai tuân hành các mệnh lệnh đó được tha thứ. Như vậy, việc tiêu diệt một dân tộc, một quốc gia hoặc một nhóm dân thiểu số phải bị kết án như một tội trọng. Bổn phận luân lý đòi buộc phải chống lại các lệnh truyền “diệt chủng.”

2314

“Mọi hành động hiếu chiến nhằm tiêu diệt một cách không phân biệt toàn thể những thành phố hoặc những vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó, đều là tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người, phải bị kết án cách mạnh mẽ và không do dự.”77 Nguy cơ của chiến tranh hiện đại là tạo dịp cho những người sở hữu các vũ khí khoa học, đặc biệt là vũ khí nguyên tử, sinh học hoặc hóa học, phạm những thứ tội ác như thế.

2315

Thật là nghịch lý, nhiều người xem việc tích lũy vũ khí như một phương thế để can ngăn đối phương khỏi gây chiến. Họ coi đó là phương thế hữu hiệu nhất, khả dĩ bảo đảm hòa bình giữa các quốc gia. Về mặt luân lý, phải rất dè dặt đối với phương thức can ngăn này. Việc chạy đua vũ trang không bảo đảm được hòa bình. Việc đó không những không loại bỏ các nguyên nhân gây chiến, mà còn có nguy cơ làm cho các nguyên nhân đó trở thành trầm trọng hơn. Việc chi tiêu những khoản tiền khổng lồ để chuẩn bị vũ khí ngày càng tối tân, ngăn cản việc trợ giúp các dân tộc nghèo đói;78 việc chi tiêu đó cản trở sự phát triển của các dân tộc. Tự trang bị vũ khí cách thái quá làm gia tăng những nguyên nhân xung đột và tạo thêm nguy cơ lây lan các xung đột.

23161906

Việc sản xuất và buôn bán vũ khí ảnh hưởng đến công ích của các quốc gia và của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, các nhà cầm quyền có quyền và bổn phận quy định về vấn đề này. Những lợi nhuận ngắn hạn tư nhân hay công cộng không thể biện minh hợp pháp cho các tổ chức kinh doanh thúc đẩy bạo lực và xung đột giữa các quốc gia, và gây nguy hại cho lãnh vực luật pháp quốc tế.

23171938, 2538, 1941

Những bất công và bất bình đẳng thái quá trong lãnh vực kinh tế và xã hội, lòng tham lam, sự ngờ vực và tính kiêu căng đang sinh sôi nảy nở giữa người ta và các quốc gia, không ngừng đe dọa nền hòa bình và gây ra chiến tranh. Bất cứ điều gì được thực hiện nhằm khắc phục những xáo trộn này, đều góp phần vào việc xây dựng hòa bình và tránh chiến tranh:

“Bởi vì con người là những kẻ tội lỗi, nên nguy cơ chiến tranh còn đe dọa họ, và sẽ còn đe dọa cho tới cuộc Ngự đến của Đức Ki-tô. Tuy nhiên, bởi vì là những người được liên kết bằng đức mến, con người thắng vượt được tội lỗi, nên bạo lực sẽ bị thắng vượt, cho tới khi lời sau đây được hoàn thành: ‘Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến’ (Is 2,4).”79

Tóm lược (2318-2330)

2318

“Chính Thiên Chúa nắm trong tay hồn của mọi sinh vật cũng như hơi thở của tất cả người phàm” (G 12,10).

2319

Toàn bộ đời sống con người, từ lúc tượng thai cho đến khi chết, là điều linh thánh, bởi vì Thiên Chúa muốn dựng nên con người vì chính họ, theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa hằng sống và thánh thiện.

2320

Giết một thụ tạo nhân linh là chống lại một cách nghiêm trọng phẩm giá con người và sự thánh thiện của Đấng Tạo Hoá.

2321

Luật cấm giết người không hủy bỏ quyền làm cho kẻ xâm phạm bất chính mất khả năng tác hại. Sự bảo vệ hợp pháp là một bổn phận quan trọng của những người có trách nhiệm về mạng sống người khác hay công ích.

2322

Ngay từ lúc tượng thai, đứa bé đã có quyền được sống. Việc phá thai trực tiếp, nghĩa là, hoặc được muốn như mục đích hoặc được muốn như phương tiện, đều là một hành vi “ô nhục”80 , nghịch lại luật luân lý một cách nghiêm trọng. Theo giáo luật, Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông cho tội ác chống lại sự sống con người này.

2323

Vì phải được đối xử như một nhân vị từ lúc tượng thai, nên phôi thai phải được bảo vệ, chăm sóc và chữa trị trong sự toàn vẹn của nó, cũng như bất cứ thụ tạo nhân linh nào khác.

2324

Cái chết êm dịu (euthanasia) có chủ ý, với bất cứ hình thức và lý do nào, đều là tội giết người. Tội này nghịch lại cách nghiêm trọng với phẩm giá của nhân vị, và với sự tôn trọng Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo hóa của con người.

2325

Tự sát là nghịch lại cách nghiêm trọng với đức công bằng, đức cậy và đức mến. Điều răn thứ năm cấm tự sát.

2326

Gương xấu là một trọng tội, nếu bằng hành động hay bằng sự thiếu sót, nó chủ ý lôi kéo tha nhân đến chỗ phạm trọng tội.

2327

Vì mọi cuộc chiến đều kéo theo những tai họa và những bất công, nên chúng ta phải làm bất cứ điều gì có thể một cách hữu lý, để tránh chiến tranh. Hội Thánh cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi ôn dịch, nạn đói và chiến tranh.”

2328

Hội Thánh và lý trí con người đều tuyên bố hiệu lực trường tồn của luật luân lý, trong thời gian xảy ra các cuộc xung đột có vũ trang. Những hành động chủ ý nghịch với quyền của các dân tộc và với các nguyên tắc phổ quát của quyền đó, đều là tội ác.

2329

Việc chạy đua vũ trang là một tai họa hết sức nghiêm trọng cho nhân loại và xúc phạm đến người nghèo một cách không thể tha thứ được.81

2330

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).


Chú thích

33 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, Introductio, 5: AAS 80 (1988) 76-77.

34 X. St 4,8-12.

35 X. Lv 17,14.

36 X. Mt 5,22-26.38-39.

37 X. Mt 5,44.

38 X. Mt 26,52.

39 Thánh Tô-ma A-qui-nô, Summa theologiae, II-II, q. 64, a. 7, c: Ed. Leon. 9, 74.

40 Thánh Tô-ma A-qui-nô, Summa theologiae, II-II, q. 64, a. 7, c: Ed. Leon. 9, 74.

41 Thánh Tô-ma A-qui-nô, Summa theologiae, II-II, q. 64, a. 7, c: Ed. Leon. 9, 74.

42 [1] ĐGH Phan-xi-cô, Diễn văn dành cho các tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hội đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Việc Tân Phúc Âm Hóa tổ chức (11-10-2017): L’Osservatore Romano (13-10-2017), 5.

43 X. St 4,10.

44 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 51: AAS 58 (1966) 1072.

45 X. Am 8,4-10.

46 X. Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, 1, 1: AAS 80 (1988) 79.

47 Đi-đa-kê 2,2: SC 248,148 (Funk 1,8); x. Epistula Pseudo Barnabae 19, 5: SC 172,202 (Funk 1,90); Epistula ad Diognetum 5, 6: SC 33,62 (Funk 1,398); Tertullianô, Apologeticum, 9, 8: CCL 1,103 (PL 1,371-372).

48 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 51: AAS 58 (1966) 1072.

49 Bộ Giáo Luật, điều 1398.

50 Bộ Giáo Luật, điều 1314.

51 X. Bộ Giáo Luật, các điều 1323-1324.

52 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, 3: AAS 80 (1988) 98-99.

53 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, 3: AAS 80 (1988) 99.

54 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, 1, 2: AAS 80 (1988) 79-80.

55 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, 1, 3: AAS 80 (1988) 80-81.

56 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, 1, 5: AAS 80 (1988) 83.

57 Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae, 1, 6: AAS 80 (1988) 85.

58 X. Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Tuyên ngôn Jura et bona: AAS 72 (1980) 542-552.

59 X. 1 Cr 8,10-13.

60 X. Mt 7,15.

61 ĐGH Pi-ô XII, Nuntius radiophonicus (1/6/1941): AAS 33 (1941) 197.

62 X. Ep 6,4 ; Cl 3,21.

63 X. ĐGH Pi-ô XI, Thông điệp Casti connubi: DS 3722-3723.

64 X. Tb 1,16-18.

65 X. Bộ Giáo Luật, điều 1176,3.

66 Thánh Tô-ma A-qui-nô, Summa theologiae, II-II, q. 158, a. 1, ad 3: Ed. Leon. 10, 273.

67 Thánh Augustinô, De civitate Dei, 19,13: CSEL 402,395 (PL 41,640).

68 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 78: AAS 58 (1966) 1101.

69 X. Ep 2,16 ; Cl 1,20-22.

70 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 1: AAS 57 (1965) 5.

71 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 78: AAS 58 (1966) 1101-1102.

72 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 81: AAS 58 (1966) 1105.

73 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 79: AAS 58 (1966) 1103.

74 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 79: AAS 58 (1966) 1103.

75 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 79: AAS 58 (1966) 1103.

76 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 79: AAS 58 (1966) 1103.

77 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 80: AAS 58 (1966) 1104.

78 X. ĐGH Phao-lô VI, Thông điệp Populorum progressio, 53: AAS 59 (1967) 283.

79 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 78: AAS 58 (1966) 1102.

80 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 27: AAS 58 (1966) 1048.

81 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 81: AAS 58 (1966) 1105.

Scroll to Top