Tiết 4: Các Ki-tô hữu: Phẩm trật, giáo dân, đời sống thánh hiến (871-945)

Số
Mục lục
Tra cứu
Câu
Mục lục
Tra cứu

Mục lục

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

BẢNG KÝ HIỆU VIẾT TẮT

TÔNG HIẾN FIDEI DEPOSITUM

LỜI MỞ ĐẦU (1-25)

PHẦN THỨ NHẤT (26-1065)

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

ĐOẠN THỨ NHẤT: “TÔI TIN” - “CHÚNG TÔI TIN” (26-184)

CHƯƠNG I: CON NGƯỜI “CÓ KHẢ NĂNG” ĐÓN NHẬN THIÊN CHÚA (27-49)

CHƯƠNG II: THIÊN CHÚA ĐẾN GẶP CON NGƯỜI (50-141)

Mục 1: Mặc Khải của Thiên Chúa (51-73)

Mục 2: Sự lưu truyền Mặc Khải của Thiên Chúa (74-100)

Mục 3: Thánh Kinh (101-141)

CHƯƠNG III: CON NGƯỜI ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA (142-184)

Mục 1: Tôi tin (144-165)

Mục 2: Chúng tôi tin (166-184)

TÍN BIỂU

ĐOẠN THỨ HAI: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN KI-TÔ GIÁO (185-1065)

CHƯƠNG I: “TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHA” (198-421)

Mục 1: “Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất” (199-421)

Tiết 1: Tôi tin kính Đức Chúa Trời (199-231)

Tiết 2: Chúa Cha (232-267)

Tiết 3: Đấng Toàn Năng (268-278)

Tiết 4: Đấng Tạo Hóa (279-324)

Tiết 5: Trời và đất (325-354)

Tiết 6: Con người (355-384)

Tiết 7: Sự sa ngã (385-421)

CHƯƠNG II: TÔI TIN KÍNH MỘT CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA (422-682)

Mục 2: “Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô, là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi” (430-455)

Mục 3: Chúa Giê-su Ki-tô “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (456-570)

Tiết 1: Con Thiên Chúa làm người (456-483)

Tiết 2: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (484-511)

Tiết 3: Các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Ki-tô (512-570)

Mục 4: Chúa Giê-su Ki-tô đã “chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác” (571-630)

Tiết 1: Chúa Giê-su và Ít-ra-en (574-594)

Tiết 2: Chúa Giê-su “chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết” (595-623)

Tiết 3: Chúa Giê-su Ki-tô được “táng xác” (624-630)

Mục 5: Chúa Giê-su Ki-tô “xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (631-658)

Tiết 1: Đức Ki-tô “xuống ngục tổ tông” (632-637)

Tiết 2: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (638-658)

Mục 6: Chúa Giê-su “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng” (659-667)

Mục 7: “Ngày sau bởi trời”, Người “lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết” (668-682)

CHƯƠNG III: TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN (683-1065)

Mục 8: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” (687-747)

Mục 9: “Tôi tin Hội Thánh Công Giáo” (748-975)

Tiết 1: Hội Thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa (751-780)

Tiết 2: Hội Thánh - Dân Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-tô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần (781-810)

Tiết 3: Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (811-870)

Tiết 4: Các Ki-tô hữu: Phẩm trật, giáo dân, đời sống thánh hiến (871-945)

Tiết 5: “Các Thánh thông công” (946-962) [1474-1477]

Tiết 6: Đức Ma-ri-a - Mẹ Đức Ki-tô, Mẹ Hội Thánh (963-975)

Mục 10: “Tôi tin phép tha tội” (976-987)

Mục 11: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (988-1019)

Mục 12: “Tôi tin hằng sống vậy” (1020-1060)

“Amen” (1061-1065)

PHẦN THỨ BA (1691-2557)

ĐỜI SỐNG TRONG ĐỨC KI-TÔ

ĐOẠN THỨ NHẤT: ƠN GỌI CỦA CON NGƯỜI: SỐNG TRONG THẦN KHÍ (1699-2051)

CHƯƠNG I: PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ (1700-1876)

Mục 1: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa (1701-1715)

Mục 2: Ơn gọi của chúng ta là đến hưởng vinh phúc (1716-1729)

Mục 3: Sự tự do của con người (1730-1748)

Mục 4: Tính luân lý của các hành vi nhân linh (1749-1761)

Mục 5: Tính luân lý của các đam mê (1762-1775)

Mục 6: Lương tâm luân lý (1776-1802)

Mục 7: Các nhân đức (1803-1845)

Mục 8: Tội lỗi (1846-1876)

CHƯƠNG II: CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI (1877-1948)

Mục 1: Cá vị và xã hội (1878-1896)

Mục 2: Sự tham gia vào đời sống xã hội (1897-1927)

Mục 3: Công bằng xã hội (1928-1948)

CHƯƠNG III: ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG (1949-2051)

Mục 1: Luật luân lý (1950-1986)

Mục 2: Ân sủng và sự công chính hóa (1987-2029)

Mục 3: Hội Thánh, Mẹ và Thầy (2030-2051)

MƯỜI ĐIỀU RĂN

ĐOẠN THỨ HAI: MƯỜI ĐIỀU RĂN (2052-2557)

CHƯƠNG I: “NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI, HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN NGƯƠI” (2083-2195)

Mục 1: Điều răn thứ nhất (2084-2141)

Mục 2: Điều răn thứ hai (2142-2167)

Mục 3: Điều răn thứ ba (2168-2195)

CHƯƠNG II: “NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG NGƯỜI LÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH” (2196-2557)

Mục 4: Điều răn thứ tư (2197-2257)

Mục 5: Điều răn thứ năm (2258-2330)

Mục 6: Điều răn thứ sáu (2331-2400)

Mục 7: Điều răn thứ bảy (2401-2463)

Mục 8: Điều răn thứ tám (2464-2513)

Mục 9: Điều răn thứ chín (2514-2533)

Mục 10: Điều răn thứ mười (2534-2557)

Tra cứu

8711268-1269, 782-786

“Các Ki-tô hữu là những người, được tháp nhập vào Đức Ki-tô nhờ phép Rửa Tội, được thiết lập thành dân Thiên Chúa, và do đó được tham dự, theo cách của mình, vào chức vụ tư tế, ngôn sứ [tiên tri] và vương đế của Đức Ki-tô, được kêu gọi, tùy theo điều kiện riêng của mỗi người, để thực thi sứ vụ mà Thiên Chúa đã ủy thác cho Hội Thánh phải hoàn thành trong trần gian.”393

8721934, 794

“Giữa tất cả các Ki-tô hữu, do việc họ được tái sinh trong Đức Ki-tô, có sự bình đẳng thật sự về phẩm giá và hành động, nhờ đó, tất cả mọi người, tùy theo địa vị và nhiệm vụ riêng của mỗi người, cộng tác vào việc xây dựng Thân Thể Đức Ki-tô.”394

873814, 1937

Chính những khác biệt Chúa đã muốn đặt giữa các chi thể của Thân Thể Người, phục vụ cho sự hợp nhất và cho sứ vụ của Thân Thể Người. “Bởi vì trong Hội Thánh có nhiều thừa tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ vụ. Nhiệm vụ được Đức Ki-tô trao phó cho các Tông Đồ và những vị kế nhiệm các ngài là nhân danh Người và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn các giáo dân, những người được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Ki-tô, chu toàn những phần việc của mình trong sứ vụ của toàn dân Thiên Chúa trong Hội Thánh và trong trần gian.”395 Cuối cùng, “trong cả hai thành phần này [phẩm trật và giáo dân], có những Ki-tô hữu, qua việc tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm…, được thánh hiến cách đặc biệt cho Thiên Chúa, và làm ích cho sứ vụ cứu độ của Hội Thánh.”396

I. Cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh (874-896)
Tại sao có thừa tác vụ trong Hội Thánh? (874-879)

8741544

Chính Đức Ki-tô là nguồn mạch của thừa tác vụ trong Hội Thánh. Chính Người đã thiết lập thừa tác vụ, và trao ban thẩm quyền, sứ vụ, phương hướng và mục đích cho thừa tác vụ trong Hội Thánh:

“Để dân Thiên Chúa được chăn dắt và luôn được tăng trưởng, Chúa Ki-tô đã thiết lập các thừa tác vụ khác nhau trong Hội Thánh của Người hầu mưu ích cho toàn thân. Thật vậy, các thừa tác viên, những người sử dụng quyền thánh chức, phục vụ các anh chị em mình, để mọi người thuộc dân Thiên Chúa… đạt tới ơn cứu độ.”397

875166, 1548, 1536

“Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15). Không có ai, không có cá nhân nào hay cộng đoàn nào, có thể tự loan báo Tin Mừng cho chính mình. “Có đức tin là nhờ nghe giảng” (Rm 10,17). Không ai có thể tự ban cho mình lệnh truyền và sứ vụ loan báo Tin Mừng. Người được Chúa sai đi nói và hành động không phải do quyền bính riêng, nhưng do sức mạnh quyền bính của Đức Ki-tô; người đó nói với cộng đoàn không phải với tư cách là một thành viên của cộng đoàn, nhưng nhân danh Đức Ki-tô. Không ai có thể tự ban cho mình ân sủng, ân sủng phải được ban tặng. Điều này giả thiết phải có những thừa tác viên của ân sủng, được Đức Ki-tô ban cho quyền bính và tư cách. Từ nơi Đức Ki-tô, các Giám mục và linh mục lãnh nhận sứ vụ và khả năng (“quyền thánh chức”) để hành động trong cương vị Đức Ki-tô là Đầu (in persona Christi Capitis), còn các phó tế lãnh nhận sức mạnh phục vụ dân Thiên Chúa, qua “việc phục vụ” Lời Chúa, phụng vụ và việc bác ái, trong sự hiệp thông với Giám mục và hàng linh mục của ngài. Thừa tác vụ này, trong đó những người được Đức Ki-tô sai đi nhờ hồng ân Thiên Chúa, thực hiện và ban tặng những gì họ không thể tự thực hiện và ban tặng cho chính mình, được truyền thống Hội Thánh gọi là “bí tích.” Thừa tác vụ của Hội Thánh được trao ban qua một bí tích riêng.

8761551, 427

Được gắn liền cách nội tại với bản chất bí tích của thừa tác vụ của Hội Thánh là đặc tính phục vụ (indoles servitii) của thừa tác vụ đó. Thật vậy, các thừa tác viên hoàn toàn tùy thuộc Đức Ki-tô là Đấng trao sứ vụ và thẩm quyền, nên họ thật sự là “những nô lệ của Đức Ki-tô”,398 theo gương Đức Ki-tô, Đấng đã tự nguyện nhận lấy “thân nô lệ” (Pl 2,7) vì chúng ta. Bởi vì lời và ân sủng mà họ là thừa tác viên, không phải là của họ, nhưng là của Đức Ki-tô, Đấng đã ủy thác cho họ vì những người khác, nên họ đã tự nguyện trở thành nô lệ của mọi người.399

8771559

Cũng vậy, do bản chất bí tích của thừa tác vụ trong Hội Thánh, nên thừa tác vụ đó có đặc tính tập thể (indolem collegialem). Thật vậy, Chúa Giê-su, từ lúc khởi đầu thừa tác vụ của mình, đã thiết lập nhóm Mười Hai, “mầm mống của dân Ít-ra-en mới, đồng thời là nguồn gốc của phẩm trật có chức thánh.”400 Cùng được tuyển chọn một trật, và cùng được sai đi một trật, sự hợp nhất huynh đệ của các ngài sẽ phục vụ sự hiệp thông huynh đệ của tất cả các tín hữu; sự hiệp thông này sẽ là phản ảnh và làm chứng cho sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.401 Vì vậy, Giám mục nào cũng thực thi thừa tác vụ của mình trong Giám mục đoàn, trong sự hiệp thông với Giám mục Rô-ma là vị kế nhiệm thánh Phê-rô và là đầu của Giám mục đoàn; các linh mục thực thi thừa tác vụ của mình trong linh mục đoàn giáo phận, dưới sự hướng dẫn của Giám mục của mình.

8781484

Sau cùng, do bản chất bí tích của thừa tác vụ trong Hội Thánh, nên thừa tác vụ đó có đặc tính cá vị (indolem personalem). Nếu các thừa tác viên của Đức Ki-tô hành động trong sự hiệp thông, thì họ cũng luôn luôn hành động cách cá vị. Mỗi người được kêu gọi cách cá vị: “Phần anh, hãy theo Thầy” (Ga 21,22),402 để, trong sứ vụ chung, người đó phải là một chứng nhân cá vị, khi lãnh trách nhiệm cách cá vị trước mặt Đấng trao ban sứ vụ, và khi hành động “trong cương vị của Người” (“in Eius persona”) hầu phục vụ các nhân vị: “Tôi rửa anh nhân danh Cha…”; “Tôi tha tội cho anh…”

879

Vì vậy, thừa tác vụ bí tích trong Hội Thánh là một việc phục vụ được thực thi nhân danh Đức Ki-tô. Thừa tác vụ đó có đặc tính cá vị và hình thức tập đoàn. Điều đó được thể hiện trong những mối liên hệ giữa Giám mục đoàn và đầu Giám mục đoàn, là vị kế nhiệm thánh Phê-rô, và trong tương quan giữa trách nhiệm mục vụ của Giám mục đối với giáo phận của mình và sự quan tâm chung của Giám mục đoàn đối với Hội Thánh phổ quát.

Giám mục đoàn và vị đứng đầu là Đức Giáo Hoàng (880-887)

880552, 862

“Đức Ki-tô, khi thành lập nhóm Mười Hai, đã thiết lập các ông theo cách thức một tập thể, một nhóm bền vững; Người đã đặt ông Phê-rô, được chọn trong số họ, đứng đầu tập thể đó.”403 “Cũng như do Chúa thiết lập, thánh Phê-rô và các Tông Đồ khác lập thành một Tông Đồ Đoàn, thì Giám mục Rô-ma, vị kế nhiệm thánh Phê-rô và các Giám mục, những người kế nhiệm các Tông Đồ, cũng được kết hợp với nhau như vậy.”404

881553, 642

Chúa đã đặt một mình ông Simon, mà Người đặt tên là Phê-rô, làm đá tảng của Hội Thánh Người. Người đã trao cho ông các chìa khóa của Hội Thánh;405 và đặt ông làm mục tử của toàn thể đoàn chiên.406 “Tuy nhiên, nhiệm vụ tháo gỡ và cầm buộc, đã được ban cho ông Phê-rô, rõ ràng cũng đã được trao ban cho Tông Đồ đoàn, hợp nhất với đầu của mình.”407 Nhiệm vụ mục tử này của thánh Phê-rô và của các Tông Đồ khác thuộc về nền móng của Hội Thánh. Nhiệm vụ đó được tiếp tục bởi các Giám mục dưới quyền tối thượng của Giám mục Rô-ma.

882834, 1369, 837

Đức Giáo Hoàng, là Giám mục Rô-ma và vị kế nhiệm thánh Phê-rô, “là nguyên lý và nền tảng hữu hình và trường tồn của sự hợp nhất, cả của cộng đoàn các Giám mục, cả của cộng đoàn các tín hữu.”408 “Thật vậy, do nhiệm vụ của mình là Đại diện Đức Ki-tô và Mục tử của toàn thể Hội Thánh, Giám mục Rô-ma có quyền trọn vẹn, tối cao và phổ quát trong Hội Thánh và ngài luôn có quyền tự ý thực thi thẩm quyền đó.”409

883

“Giám mục đoàn không có thẩm quyền, nếu không kết hợp với Giám mục Rô-ma là thủ lãnh của họ.” Như vậy, Giám mục đoàn “cũng có quyền trọn vẹn và tối cao trong Hội Thánh phổ quát, nhưng chỉ có thể thi hành thẩm quyền này với sự ưng thuận của Giám mục Rô-ma.”410

884

“Giám mục đoàn thực thi thẩm quyền trong Hội Thánh phổ quát một cách trọng thể trong Công đồng chung.”411 “Nhưng không bao giờ có thể có Công đồng chung, nếu không được vị kế nhiệm thánh Phê-rô phê chuẩn hay ít ra chấp nhận.”412

885

“Giám mục đoàn vừa diễn tả tính đa dạng và tính phổ quát của dân Thiên Chúa vì gồm nhiều người, vừa diễn tả sự hợp nhất của đoàn chiên của Đức Ki-tô, vì được tập họp dưới quyền một vị làm đầu.”413

8861560, 833, 2448

“Mỗi Giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất trong Giáo Hội địa phương của ngài.”414 Như vậy, “mỗi Giám mục thực thi quyền mục vụ của mình trên phần dân Thiên Chúa được ủy thác cho mình”,415 với sự trợ giúp của các linh mục và phó tế. Nhưng, với tư cách là thành viên Giám mục đoàn, mỗi Giám mục tham dự vào sự quan tâm đến tất cả các Giáo Hội,416 các ngài thực thi sự quan tâm đó trước hết bằng việc “điều hành tốt Giáo Hội riêng như một phần của Hội Thánh phổ quát”, như vậy các ngài “mưu ích cho toàn nhiệm thể, cũng là thân thể của các Giáo Hội.”417 Mối quan tâm này được đặc biệt hướng đến những người nghèo,418 những người bị bách hại vì đức tin, cũng như đến các thừa sai đang hoạt động trên toàn trái đất.

887

Các Giáo Hội địa phương lân cận và có chung nền văn hóa tạo thành những giáo tỉnh, hay những tập thể lớn hơn được gọi là giáo miền hay địa hạt thượng phụ.419 Các Giám mục của những tập thể này có thể họp Công nghị hay Công đồng giáo tỉnh. “Cũng vậy, ngày nay các Hội đồng Giám mục có thể góp phần một cách đa dạng và phong phú để ý kiến tập đoàn được áp dụng cụ thể.”420

Nhiệm vụ giảng dạy (888-892) [85-87; 2032-2040]

8882068

Các Giám mục, với các linh mục là những cộng sự viên của ngài, “có nhiệm vụ trước tiên là phải loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi người”,421 theo lệnh truyền của Chúa.422 Các ngài “là sứ giả của đức tin, dẫn đưa những môn đệ mới đến với Đức Ki-tô, và là những vị thầy đích thực” “được ban thẩm quyền của Đức Ki-tô”423 để giảng dạy đức tin tông truyền.

88992

Đức Ki-tô, Đấng là chân lý, để gìn giữ Hội Thánh trong đức tin tinh tuyền do các Tông Đồ lưu truyền, đã muốn cho Hội Thánh của Người được tham dự vào sự bất khả ngộ của riêng Người. “Nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin”, dân Thiên Chúa “gắn bó cách kiên vững với đức tin”, dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền sống động của Hội Thánh.424

890851, 1785

Sứ vụ của Huấn quyền gắn liền với tính chất vĩnh viễn của Giao Ước được Thiên Chúa lập với dân Ngài trong Đức Ki-tô; Huấn quyền phải bảo vệ dân Thiên Chúa khỏi những sai lạc và khiếm khuyết, và bảo đảm cho dân khả năng khách quan để tuyên xưng đức tin chân chính một cách không sai lầm. Như vậy, nhiệm vụ mục tử của Huấn quyền là tỉnh thức lo cho dân Thiên Chúa vững bền trong chân lý, một chân lý có sức giải phóng. Để Huấn quyền hoàn thành nhiệm vụ này, Đức Ki-tô đã ban cho các mục tử đặc sủng bất khả ngộ trong các vấn đề về đức tin và phong hóa. Việc thực thi đặc sủng này có thể mang những dạng khác nhau:

891

“Do nhiệm vụ của ngài, Giám mục Rô-ma, là đầu của Giám mục đoàn, được hưởng ơn bất khả ngộ đó khi, với tư cách là mục tử và thầy dạy tối cao của mọi Ki-tô hữu, là người củng cố anh em mình trong đức tin, ngài công bố một đạo lý về đức tin hoặc phong hóa bằng một hành vi chung thẩm… Ơn bất khả ngộ được hứa ban cho Hội Thánh cũng có nơi Giám mục đoàn, khi các ngài thực thi Huấn quyền tối thượng cùng với vị kế nhiệm thánh Phê-rô”, nhất là trong một Công đồng chung.425 Khi Hội Thánh dùng Huấn quyền tối thượng để “dạy phải tin một điều gì như là do Thiên Chúa mặc khải”426 và như là giáo huấn của Đức Ki-tô, thì người ta “phải gắn bó với những xác quyết đó bằng sự vâng phục của đức tin.”427 “Kho tàng Mặc khải thần linh trải rộng bao nhiêu, thì ơn bất khả ngộ này trải rộng bấy nhiêu.”428

892

Ơn trợ giúp thần linh cũng được ban cho các vị kế nhiệm các Tông Đồ khi giáo huấn cùng với vị kế nhiệm thánh Phê-rô, và cách riêng cho Giám mục Rô-ma, Mục tử của toàn thể Hội Thánh, khi các ngài thực thi Huấn quyền thông thường mà dạy một đạo lý giúp hiểu tốt hơn Mặc khải trong các vấn đề về đức tin và phong hóa, dầu các ngài không xác quyết cách bất khả ngộ, hoặc không diễn tả “một cách chung thẩm.” Các Ki-tô hữu “phải gắn bó với Huấn quyền thông thường này bằng sự vâng phục đạo hạnh của tâm hồn”,429 sự vâng phục đạo hạnh này, tuy khác biệt với sự ưng thuận của đức tin, nhưng nối dài sự ưng thuận của đức tin.

Nhiệm vụ thánh hóa (893)

8931561

Giám mục cũng là “người phục vụ ân sủng của chức tư tế tối cao”,430 nhất là trong bí tích Thánh Thể do chính ngài dâng và ngài bảo đảm việc hiến dâng nhờ các linh mục, là các cộng sự viên của ngài. Thật vậy, bí tích Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Giáo hội địa phương. Giám mục và các linh mục thánh hóa Giáo hội bằng kinh nguyện và việc làm của mình, nhờ thừa tác vụ Lời Chúa và các bí tích. Các ngài thánh hóa Giáo Hội nhờ gương mẫu của mình, “đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,3). Như vậy, “cùng với đoàn chiên được ủy thác cho mình, các ngài có thể đạt tới sự sống vĩnh cửu.”431

Nhiệm vụ cai quản (894-896)

894801

“Như vị đại diện và sứ giả của Đức Ki-tô, các Giám mục cai quản các Giáo Hội địa phương được trao phó cho mình bằng những lời khuyên bảo, khích lệ, gương sáng của mình, và cũng bằng thẩm quyền và và quyền thánh chức”,432 mà các ngài phải thực thi để xây dựng trong tinh thần phục vụ, là tinh thần của Thầy mình.433

8951558

“Quyền năng này, mà các ngài thi hành một cách cá vị, nhân danh Đức Ki-tô, là một quyền năng riêng, thông thường và trực tiếp; tuy việc thực thi quyền này cuối cùng phải được hướng dẫn bởi thẩm quyền tối cao của Hội Thánh.”434 Nhưng không được coi các Giám mục như những đại diện của Giám mục Rô-ma: thẩm quyền thông thường và trực tiếp của vị này trên toàn Hội Thánh không hủy bỏ, nhưng trái lại, củng cố và bảo vệ thẩm quyền của các Giám mục. Thẩm quyền này phải được thực thi trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Giám mục Rô-ma.

8961550

Vị Mục Tử nhân lành phải là gương mẫu và “khuôn mẫu” cho nhiệm vụ mục tử của Giám mục. Ý thức về những yếu đuối của mình, Giám mục “có thể cảm thông với những ai dốt nát và lầm lạc. Ngài không nên từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, mà ngài ân cần săn sóc như những người con thật của mình… Còn các tín hữu phải gắn bó với Giám mục của mình như Hội Thánh gắn bó với Chúa Giê-su Ki-tô và như Chúa Giê-su Ki-tô gắn bó với Chúa Cha.”435

“Tất cả anh em hãy vâng phục Giám mục, như Chúa Giê-su Ki-tô vâng phục Chúa Cha; hãy vâng phục linh mục đoàn như vâng phục các Tông Đồ; và hãy kính trọng các phó tế như kính trọng lệnh truyền của Chúa. Chớ gì không ai làm điều gì có liên quan đến Hội Thánh một cách tách biệt với Giám mục.”436

II. Các Ki-tô hữu giáo dân (897-913)

897873

“Danh xưng giáo dân ở đây được dùng để chỉ tất cả các Ki-tô hữu trừ những thành viên có chức thánh và bậc tu trì đã được Hội Thánh công nhận, nghĩa là các Ki-tô hữu, đã được tháp nhập vào Đức Ki-tô nhờ phép Rửa Tội, đã được thiết đặt vào dân Thiên Chúa, được tham dự vào nhiệm vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Ki-tô theo cách thức của mình, theo phần vụ của mình mà thực thi sứ vụ của toàn dân Ki-tô Giáo trong Hội Thánh và trên trần gian.”437

Ơn gọi của các giáo dân (898-900)

8982105

“Ơn gọi riêng của các giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng việc quản trị và sắp xếp các thực tại trần gian theo ý Thiên Chúa… Vậy một cách đặc biệt, nhiệm vụ của họ là phải soi sáng và sắp xếp thế nào, để các thực tại trần gian, vốn liên kết mật thiết với họ, không ngừng được thực hiện và phát triển theo Đức Ki-tô, để ca ngợi Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc.”438

8992442

Các sáng kiến của các Ki-tô hữu giáo dân là đặc biệt cần thiết khi phải khám phá và phát minh ra những phương tiện để đem các đòi hỏi của đạo lý và đời sống Ki-tô Giáo thấm nhập vào các thực tại xã hội, chính trị và kinh tế. Các sáng kiến này là một yếu tố bình thường của đời sống Hội Thánh:

“Các Ki-tô hữu, và cụ thể hơn, là các giáo dân, đứng ở tuyến đầu của đời sống Hội Thánh; nhờ họ, Hội Thánh là nguyên lý sống động của xã hội nhân loại. Vì vậy, họ đặc biệt phải luôn ý thức rõ ràng hơn rằng không những họ thuộc về Hội Thánh, mà họ còn là Hội Thánh, nghĩa là, là cộng đoàn các Ki-tô hữu trên trần thế dưới sự hướng dẫn của vị làm đầu chung là Giám mục Rô-ma, và của các Giám mục hiệp thông với ngài. Họ là Hội Thánh.”439

900863

Bởi vì việc tông đồ đã được Thiên Chúa trao phó cho họ, cũng như cho mọi Ki-tô hữu khác, qua bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, nên các giáo dân có bổn phận và có quyền lợi làm việc, hoặc một cách cá nhân, hoặc được quy tụ trong các hiệp hội, để sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được mọi người ở khắp trái đất nhận biết và đón nhận; nghĩa vụ này còn khẩn cấp hơn khi chỉ nhờ họ, người ta mới có thể được nghe Tin Mừng và nhận biết Đức Ki-tô. Hành động của họ trong các cộng đoàn Hội Thánh là hết sức cần thiết, đến nỗi nếu không có hành động đó, thì việc tông đồ của các mục tử thường không thể đạt được hiệu quả đầy đủ.440

Giáo dân tham dự vào nhiệm vụ tư tế của Đức Ki-tô (901-903)

901784, 1268, 358

“Các giáo dân, vì đã được thánh hiến cho Đức Ki-tô và được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, được kêu gọi và được chuẩn bị cách kỳ diệu để Thần Khí luôn mang lại những hoa trái dồi dào hơn nơi họ. Thật vậy, tất cả các công việc của họ, những lời cầu nguyện và việc dấn thân làm tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, việc lao động hằng ngày, việc thư giãn tinh thần và thể xác, nếu được thực hiện trong Thần Khí, và cả những khó khăn trong cuộc sống nếu được chịu đựng cách kiên nhẫn, thì tất cả đều trở nên những hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô (x. 1 Pr 2,5), những hiến lễ đó được dâng lên Chúa Cha một cách rất thành kính, khi cử hành Thánh lễ, cùng với lễ vật là Mình Thánh Chúa. Như vậy, các giáo dân, với tư cách là những người tôn thờ bằng hành động một cách thánh thiện ở khắp nơi, cũng dâng chính trần gian lên Thiên Chúa.”441

902

Đặc biệt, các cha mẹ tham dự vào nhiệm vụ thánh hóa “bằng cách sống đời sống phu phụ theo tinh thần Ki-tô Giáo và lo cho con cái được hưởng nền giáo dục Ki-tô Giáo.”442

9031143

Các giáo dân, nếu có những phẩm chất đòi phải có, có thể được chấp nhận lãnh các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ một cách bền vững.443 “Ở đâu nhu cầu Hội Thánh đòi hỏi, vì thiếu thừa tác viên, các giáo dân, dù không có chức đọc sách và giúp lễ, cũng có thể làm thay một số việc của các thừa tác viên, cụ thể là thực thi thừa tác vụ Lời Chúa, chủ tọa các buổi đọc kinh phụng vụ, ban Phép Rửa và cho rước lễ, theo các quy định của giáo luật.”444

904785, 92

“Đức Ki-tô… chu toàn nhiệm vụ ngôn sứ của Người, không những nhờ Phẩm trật… nhưng còn nhờ các giáo dân, những kẻ Người đã đặt làm chứng nhân và ban cho họ cảm thức đức tin và ơn ngôn ngữ.”445

“Dạy dỗ… để dẫn đến đức tin… là nhiệm vụ của bất cứ vị giảng thuyết nào, và cũng là của bất cứ tín hữu nào.”446

Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ ngôn sứ của Đức Ki-tô (904-907)

9052044, 2472

Các giáo dân cũng chu toàn sứ vụ ngôn sứ của mình bằng việc phúc âm hóa, “nghĩa là loan báo Đức Ki-tô bằng chứng từ đời sống và bằng lời nói.” Nơi các giáo dân, “việc phúc âm hóa này… mang một sắc thái đặc thù và một hiệu quả đặc biệt vì được thực hiện trong những hoàn cảnh bình thường của đời sống.”447

“Quả thật, việc tông đồ như vậy không chỉ cốt tại chứng từ đời sống; việc tông đồ thật tìm những cơ hội để loan báo Đức Ki-tô bằng lời nói hoặc cho những người chưa tin… hoặc cho các tín hữu.”448

9062495

Những ai trong các Ki-tô hữu giáo dân có khả năng và đã được huấn luyện, cũng có thể góp phần mình vào việc dạy giáo lý,449 vào việc giảng dạy các khoa học thánh,450 vào các phương tiện truyền thông xã hội.451

907

“Tùy theo kiến thức, thẩm quyền và uy tín bản thân, các Ki-tô hữu có quyền, và đôi khi có cả bổn phận phải bày tỏ cho các vị Mục tử có chức thánh biết ý kiến của họ liên quan tới lợi ích của Hội Thánh, họ cũng có quyền bộc lộ ý kiến của họ cho các Ki-tô hữu khác, miễn là bảo vệ được sự toàn vẹn của tín lý và luân lý, cũng như lòng kính trọng các vị Mục tử, và phải lưu ý đến công ích và phẩm giá của tha nhân.”452

Giáo dân tham gia vào nhiệm vụ vương đế của Đức Ki-tô (908-913)

908786

Đức Ki-tô, nhờ việc Người vâng phục cho đến chết,453 đã truyền thông cho các môn đệ của Người hồng ân là sự tự do vương đế để “bằng sự từ bỏ mình và bằng đời sống thánh thiện, họ có thể chiến thắng vương quốc của tội lỗi nơi chính bản thân họ.”454

“Bất cứ ai chế ngự được thân xác mình và làm chủ bản thân một cách năng động thích hợp, không để linh hồn mình bị khích động bởi các đam mê, thì, vì kiềm chế tốt bản thân bằng một loại quyền năng vương đế, người đó được gọi là vua, người đó biết cai trị bản thân và là thẩm phán của mình, không bị lôi cuốn vào tội lỗi mà thành nô lệ.”455

9091887

“Ngoài ra, khi các cơ chế và hoàn cảnh của trần gian gây nên dịp tội, người giáo dân cũng phải hợp sức làm cho các cơ chế và hoàn cảnh đó trở nên lành mạnh, sao cho chúng phù hợp với các quy luật của đức công bằng, và nâng đỡ hơn là chống lại việc thực thi các nhân đức. Bằng hành động như vậy, họ làm cho nền văn hóa và các công trình nhân loại được thấm nhuần những giá trị luân lý.”456

910799

“Các giáo dân… có thể cảm thấy mình được kêu gọi hay đã được kêu gọi để cộng tác với các Mục tử trong việc phục vụ cộng đoàn Hội Thánh, để làm cho đời sống cộng đoàn được tăng trưởng và phong phú, khi họ thực thi những thừa tác vụ rất đa dạng, tùy theo ân sủng và các đặc sủng, mà Chúa đã muốn rộng ban cho họ.”457

911

Trong Hội Thánh, trong việc thực thi quyền cai quản, “các Ki-tô hữu giáo dân có thể cộng tác chiếu theo quy tắc của luật.”458 Như vậy, có sự hiện diện của họ trong các Công đồng địa phương,459 các Công nghị giáo phận,460 các Hội đồng mục vụ;461 trong việc thực thi trách nhiệm mục vụ trong một giáo xứ;462 cộng tác trong các Hội đồng kinh tế;463 tham gia vào các Tòa án giáo hội,464 v.v…

9122245

Các Ki-tô hữu phải “cẩn thận phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách là phần tử của Hội Thánh, đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách là phần tử của xã hội nhân loại. Họ phải cố gắng nối kết cả hai một cách hài hòa, mà nhớ rằng, họ phải được hướng dẫn bởi lương tâm Ki-tô hữu, trong bất cứ công việc trần thế nào, vì không một hoạt động nhân loại nào, dầu trong các công việc trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa.”465

913

“Như vậy, mỗi giáo dân, do chính những hồng ân đã được ban cho mình, là chứng nhân và đồng thời là dụng cụ sống động của chính sứ vụ của Hội Thánh, ‘tùy theo mức độ Đức Ki-tô ban cho’ (Ep 4,7).”466

III. Đời sống thánh hiến (914-933)

9142103

“Bậc sống… được thiết lập do việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, vẫn thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Hội Thánh một cách vững bền.”467

Các lời khuyên Phúc Âm và đời sống thánh hiến (915-916)

9151973-1974

Các lời khuyên Phúc Âm, vốn có nhiều, được đề ra cho tất cả các môn đệ của Đức Ki-tô. Sự hoàn hảo của đức mến, mà tất cả các Ki-tô hữu được kêu gọi tới, đối với những ai tự nguyện đảm nhận ơn gọi sống đời sống thánh hiến, bao hàm nghĩa vụ tuân giữ đức khiết tịnh trong sự độc thân vì Nước Trời, đức khó nghèo và đức vâng phục. Việc tuyên giữ các lời khuyên này, trong một bậc sống vững bền được Hội Thánh công nhận, là đặc tính của “đời sống thánh hiến” cho Thiên Chúa.468

9162687, 933

Bậc sống “đời sống thánh hiến” xuất hiện như một trong những cách để sống một cách “thân mật hơn” sự thánh hiến đã bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa.469 Trong đời sống thánh hiến, các Ki-tô hữu muốn mình, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, bước theo Đức Ki-tô cách gần gũi hơn, tự hiến cho Thiên Chúa đáng mến trên hết mọi sự, và theo đuổi sự trọn hảo của đức mến để phục vụ Nước Trời, bày tỏ và loan báo trong Hội Thánh sự vinh quang của thế giới tương lai.470

Một cây lớn có nhiều cành (917-919)

9172684

“Như trong một cây lớn mọc lên từ hạt giống do Thiên Chúa gieo trồng và đâm cành cách kỳ diệu và đa dạng trong cánh đồng của Chúa, [đã phát sinh] những hình thức khác nhau của đời sống đan tu hoặc cộng đoàn, và những gia đình khác nhau…, họ làm gia tăng sản nghiệp, vừa sinh ích cho các thành viên, vừa sinh ích cho toàn Thân Thể của Đức Ki-tô.”471

918

“Ngay từ thời sơ khai của Hội Thánh, đã có những người nam và người nữ, có ý muốn nhờ việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm để bước theo Đức Ki-tô cách tự do hơn, và bắt chước Người cách khắng khít hơn, và mỗi người một cách, họ sống một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa. Nhiều người trong số đó, được Chúa Thánh Thần linh hứng, hoặc đã sống cuộc đời cô tịch, hoặc đã lập ra những gia đình tu sĩ mà Hội Thánh, bằng thẩm quyền của mình, đã sẵn lòng chấp nhận và phê chuẩn.”472

919

Các Giám mục phải luôn cố gắng phân định những hồng ân mới của đời sống thánh hiến, được Chúa Thánh Thần phó thác cho Hội Thánh của Ngài; việc phê chuẩn những hình thức mới của đời sống thánh hiến được dành riêng cho Tòa Thánh.473

Đời ẩn tu (920-921)

920

Các ẩn sĩ, dầu không luôn luôn tuyên giữ cách công khai ba lời khuyên Phúc Âm, đã “hiến dâng đời mình để ngợi khen Thiên Chúa và mưu cầu phần rỗi cho thế giới bằng việc sống cách biệt với thế gian hơn, trong sự thinh lặng đơn độc, trong việc chuyên cần cầu nguyện và trong sự sám hối.”474

9212719, 2015

Các ẩn sĩ tỏ cho thấy phương diện nội tâm hơn của mầu nhiệm Hội Thánh, là sự thân mật cá vị với Đức Ki-tô. Dù mắt người ta không thấy, nhưng đời ẩn tu là sự rao giảng thầm lặng về Đức Ki-tô, Đấng mà ẩn sĩ hiến dâng đời mình cho Người, bởi vì Người là tất cả mọi sự đối với họ. Đây là một ơn gọi đặc biệt nhằm gặp được vinh quang của Đấng chịu đóng đinh vào thập giá, trong hoang địa, trong chính cuộc chiến đấu thiêng liêng.

Các trinh nữ và góa phụ sống đời sống thánh hiến (922-924)

9221618-1620

Từ thời các Tông Đồ, đã có những trinh nữ475 và góa phụ Ki-tô hữu476 được Chúa kêu gọi để gắn bó với Người một cách không chia sẻ trong sự tự do hơn của trái tim, thể xác và tinh thần, họ đã quyết định, và được Hội Thánh phê chuẩn, sống trong bậc đồng trinh hoặc tiết dục vĩnh viễn “vì Nước Trời” (Mt 19,12).

9231537, 1672

Các trinh nữ “là những người nói lên sự quyết tâm lành thánh theo sát Đức Ki-tô, họ được Giám mục giáo phận cung hiến cho Thiên Chúa theo nghi thức phụng vụ được phê chuẩn, họ đính hôn cách huyền nhiệm với Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, và hiến thân phục vụ Hội Thánh.”477 Qua nghi thức trọng thể này (Nghi thức Thánh hiến các Trinh nữ), “trinh nữ trở thành một nhân vị được thánh hiến, một dấu chỉ siêu việt của tình yêu của Hội Thánh đối với Đức Ki-tô, một hình ảnh cánh chung của Hiền thê thiên quốc và của đời sống tương lai.”478

924

Gần gũi với những hình thức khác của đời sống thánh hiến,479 bậc đồng trinh đặt người nữ sống giữa trần gian (hoặc nữ đan sĩ) trong kinh nguyện, sám hối, phục vụ anh chị em và làm việc tông đồ, tùy theo bậc sống và đặc sủng được ban cho mỗi người.480 Các trinh nữ được thánh hiến có thể được liên kết lại, để tuân giữ quyết định của mình cách trung thành hơn.481

Đời tu dòng (925-927)

9251672

Đời tu dòng, đã xuất hiện tại Đông phương trong những thế kỷ đầu của Ki-tô Giáo482 và được thực hiện trong các dòng tu do Hội Thánh thiết lập theo giáo luật,483 phân biệt với những hình thức khác của đời sống thánh hiến về phương diện phụng tự, việc tuyên khấn công khai các lời khuyên Phúc Âm, chung sống đời huynh đệ, làm bằng chứng cho sự kết hợp giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh.484

926796

Đời tu dòng xuất phát từ mầu nhiệm Hội Thánh. Đó là một hồng ân Hội Thánh lãnh nhận từ Chúa mình và hồng ân đó, Hội Thánh trao lại, xét như một bậc sống bền vững, cho tín hữu được Thiên Chúa kêu gọi tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm. Như vậy, Hội Thánh có thể vừa biểu lộ Đức Ki-tô vừa nhận biết mình như Hiền Thê của Đấng Cứu Độ. Đời tu dòng, dưới những hình thức khác nhau, được mời gọi để nói lên chính tình yêu của Thiên Chúa, trong ngôn ngữ của thời đại chúng ta.

927854

Tất cả các tu sĩ, dù thuộc dòng miễn trừ hay không miễn trừ,485 đều có chỗ trong số những cộng sự viên của Giám mục giáo phận trong nhiệm vụ mục tử của ngài.486 Ngay từ lúc khởi đầu việc phúc âm hóa, việc gieo trồng và phát triển truyền giáo của Hội Thánh đòi sự hiện diện của đời tu dòng dưới mọi hình thức.487 “Lịch sử chứng minh công lao to lớn của các Hội dòng trong việc truyền bá đức tin và trong việc hình thành các Giáo Hội mới: không những công lao của các Đan viện cổ xưa và các Dòng tu thời Trung cổ, mà còn của những Cộng đoàn trong thời đại chúng ta.”488

Các tu hội đời (928-929)

928

“Tu hội đời là một tu hội của đời sống thánh hiến, trong đó các Ki-tô hữu sống giữa thế giới cố gắng vươn tới sự trọn hảo của đức mến và góp phần vào việc thánh hóa trần gian một cách đặc biệt từ bên trong.”489

929901

“Bằng đời sống được dâng hiến trọn vẹn và hoàn toàn cho việc thánh hóa trần gian”,490 các thành viên của những tu hội này “tham gia vào nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, giữa thế giới và từ thế giới”,491 trong đó, sự hiện diện của họ tác động như men trong bột.492 Bằng chứng của đời sống Ki-tô hữu của họ nhằm quy hướng các việc trần thế theo Thiên Chúa và hình thành trần gian bằng sức mạnh của Tin Mừng. Bằng những mối ràng buộc thánh, họ sống các lời khuyên Phúc Âm và gìn giữ sự hiệp thông và tình huynh đệ với nhau, phù hợp với tính cách thế tục riêng trong lối sống của họ.493

Các tu đoàn tông đồ (930)

930

Bên cạnh những hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến, “là các tu đoàn tông đồ, mà các thành viên theo đuổi mục đích tông đồ riêng của tu đoàn, dù không có lời khấn dòng, và sống chung như anh chị em theo một lối sống riêng, để vươn tới sự trọn hảo của đức mến qua việc tuân giữ hiến pháp. Trong số các tu đoàn ấy, có những tu đoàn mà các thành viên đảm nhận các lời khuyên Phúc Âm” tùy theo hiến pháp của họ.494

Thánh hiến và sứ vụ: loan báo Đức Vua ngự đến (931-933)

931

Người đã được Phép Rửa dành riêng cho Thiên Chúa, nay hiến thân cho Ngài là Đấng đáng mến trên hết mọi sự, như vậy người đó cố gắng để, một cách mật thiết hơn, được thánh hiến cho việc phục vụ Thiên Chúa và dấn thân mưu ích cho Hội Thánh. Nhờ bậc sống đời sống thánh hiến, Hội Thánh biểu lộ Đức Ki-tô và cho thấy Chúa Thánh Thần hành động trong Hội Thánh một cách kỳ diệu như thế nào. Những ai tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm có sứ vụ đầu tiên là sống sự thánh hiến của mình. Vì họ “dấn thân phục vụ Hội Thánh do chính sự thánh hiến của mình, cho nên họ buộc phải hoạt động cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo, theo thể thức riêng của hội dòng.”495

932775

Trong Hội Thánh, như là một bí tích, nghĩa là một dấu chỉ và dụng cụ của sự sống của Thiên Chúa, đời tu dòng xuất hiện như một dấu chỉ đặc biệt của mầu nhiệm Cứu Chuộc. Bước theo và bắt chước Đức Ki-tô “một cách gần gũi hơn”, biểu lộ sự hủy mình ra không của Người “một cách rõ ràng hơn”, là hiện diện “một cách sâu sắc hơn”, trong trái tim Đức Ki-tô, với những người đương thời của mình. Những ai đi trên con đường “hẹp hơn” này khích động anh chị em bằng gương sáng của mình, và “đưa ra một bằng chứng sáng chói và nổi bật rằng, trần gian không thể được biến hình và được dâng lên cho Thiên Chúa nếu không có tinh thần của các mối phúc.”496

933672, 769

Dù chứng tá của họ có đặc tính công khai, như trong bậc tu dòng, hoặc ở mức riêng tư hơn, thậm chí bí mật nữa, thì đối với tất cả những người sống đời sống thánh hiến, ngày Ngự đến của Đức Ki-tô vẫn luôn là nguồn gốc và định hướng của cuộc đời họ:

“Quả thật, bởi vì dân Thiên Chúa không có một thành trì vĩnh viễn ở đời này,… nên bậc sống thánh hiến vừa biểu lộ những sự tốt đẹp của thiên quốc đã hiện diện nơi trần thế này cho tất cả những ai tin, vừa làm chứng rằng một đời sống mới và vĩnh cửu đã được thủ đắc nhờ sự Cứu Chuộc của Đức Ki-tô, vừa tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời.”497

Tóm lược (934-945)

934

“Do sự thiết định của Thiên Chúa, trong Hội Thánh, giữa các Ki-tô hữu có những thừa tác viên có chức thánh, theo luật được gọi là giáo sĩ, và những người khác, được gọi là giáo dân.” Cuối cùng, trong cả hai thành phần đó, có những Ki-tô hữu, qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, được thánh hiến cho Thiên Chúa và như vậy, phục vụ sứ vụ của Hội Thánh.498

935

Đức Ki-tô sai các Tông Đồ của Người và những vị kế nhiệm các ngài đi rao giảng đức tin và thiết lập Nước Người. Người cho họ tham gia vào sứ vụ của Người. Bởi Người, họ lãnh nhận quyền hành động trong cương vị của Người (in Eius persona).

936

Chúa đã đặt thánh Phê-rô làm nền tảng hữu hình của Hội Thánh của Người. Người đã ban cho ông các chìa khóa của Hội Thánh. Giám mục Giáo Hội Rô-ma, vị kế nhiệm thánh Phê-rô, là “thủ lãnh của Giám mục đoàn, là Đấng Đại diện Đức Ki-tô và là Mục tử của toàn thể Hội Thánh trên trần gian.”499

937

Giám mục Rô-ma “do sự thiết định của Thiên Chúa, được hưởng quyền trọn vẹn, tối cao, trực tiếp và phổ quát trong việc chăm sóc các linh hồn.”500

938

Các Giám mục, được thiết đặt bởi Chúa Thánh Thần, kế nhiệm các Tông Đồ. “Mỗi Giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất trong các Giáo Hội địa phương của các ngài.”501

939

Các Giám mục, được các linh mục là các cộng sự viên của ngài, và các phó tế giúp đỡ, có nhiệm vụ giảng dạy đức tin một cách xác thực, cử hành phụng tự thần linh nhất là bí tích Thánh Thể, cai quản các Giáo Hội của mình với tư cách các mục tử thật. Sự quan tâm đến tất cả các Giáo Hội cũng thuộc nhiệm vụ của các ngài, cùng với và dưới quyền Giám mục Rô-ma.

940

“Vì tính chất riêng của bậc giáo dân là sống giữa trần gian và giữa các công việc trần thế, nên họ được Thiên Chúa kêu gọi, để, một khi nhiệt thành theo tinh thần Ki-tô Giáo, họ thực thi việc tông đồ của mình trong trần gian như men trong bột.”502

941

Các giáo dân tham dự vào chức tư tế của Đức Ki-tô: một khi luôn được kết hợp hơn với Người, họ triển khai ân sủng của bí tích Rửa Tội và Thêm Sức trong mọi phương diện của đời sống cá vị, gia đình, xã hội và Hội Thánh, và như vậy, họ thực hiện ơn gọi nên thánh dành cho tất cả những người đã được rửa tội.

942

Các giáo dân, vì sứ vụ ngôn sứ của mình, “cũng được kêu gọi để làm chứng cho Đức Ki-tô trong mọi sự, giữa lòng cộng đồng nhân loại.”503

943

Các giáo dân, vì sứ vụ vương đế của mình, nhờ sự từ bỏ mình và sự thánh thiện của đời sống, có thể nhổ tận gốc quyền thống trị của tội lỗi trong chính bản thân mình và trong trần gian.504

944

Đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa có đặc điểm là công khai tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm về khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục trong một bậc sống bền vững được Hội Thánh công nhận.

945

Người đã được Phép Rửa dành riêng cho Thiên Chúa, nay hiến thân cho Ngài là Đấng đáng mến trên hết mọi sự, trong bậc sống của đời sống thánh hiến, người đó cố gắng để, một cách mật thiết hơn, dâng mình cho việc phục vụ Thiên Chúa và dấn thân mưu ích cho toàn thể Hội Thánh.


Chú thích

393 Bộ Giáo Luật, điều 204,1; x. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 31: AAS 57 (1965) 37-38.

394 Bộ Giáo Luật, điều 208; x. CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 32: AAS 57 (1965) 38-39.

395 CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 2: AAS 58 (1966) 838-839.

396 Bộ Giáo Luật, điều 207,2.

397 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 18: AAS 57 (1965) 21-22.

398 X. Rm 1,1.

399 X. 1 Cr 9,19.

400 CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 5: AAS 58 (1966) 951.

401 X. Ga 17,21-23.

402 X. Mt 4,19.21; Ga 1,43.

403 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 19: AAS 57 (1965) 22.

404 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 25; x. Bộ Giáo Luật, điều 330.

405 X. Mt 16,18-19.

406 X. Ga 21,15-17.

407 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 26.

408 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 27.

409 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 26; x. Id., Sắc lệnh Christus Dominus, 2: AAS 58 (1966) 673; Ibid., 9: AAS 58 (1966) 676.

410 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 26; x. Bộ Giáo Luật, điều 336.

411 Bộ Giáo Luật, điều 337,1.

412 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 27.

413 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 26.

414 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 27.

415 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 27.

416 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 3: AAS 58 (1966) 674.

417 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 28.

418 X. Gl 2,10.

419 X. Canones Apostolorum, 34 [Constitutiones apostolicae, 8, 47, 34]: SC 336,284 (Funk, Didascalia et Constitutiones Apostolorum, 1, 572-574).

420 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 29.

421 CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 4: AAS 58 (1966) 995.

422 X. Mt 16,15.

423 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 25: AAS 57 (1965) 29.

424 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 12: AAS 57 (1965) 16; x. Id., Hiến chế tín lý Dei Verbum, 10: AAS 58 (1966) 822.

425 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 25: AAS 57 (1965) 30; x. CĐ Va-ti-ca-nô I, Hiến chế tín lý Pastor aeternus, c. 4: DS 3074.

426 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 10: AAS 58 (1966) 822.

427 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 25: AAS 57 (1965) 30.

428 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 25: AAS 57 (1965) 30.

429 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 25: AAS 57 (1965) 29-30.

430 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 26: AAS 57 (1965) 31.

431 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 26: AAS 57 (1965) 32.

432 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 27: AAS 57 (1965) 32.

433 X. Lc 22,26-27.

434 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 27: AAS 57 (1965) 32.

435 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 27: AAS 57 (1965) 33.

436 X. Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a, Epistula ad Smyrnaeos, 8, 1: SC 10bis, 138 (Funk 1,282).

437 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 31: AAS 57 (1965) 37.

438 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 31: AAS 57 (1965) 37-38.

439 ĐGH Pi-ô XII, Allocutio ad Patres Cardinales recenter creatos (20-2-1946): AAS 38 (1946) 149; trích dẫn bởi ĐGH Gio-an-Phao-lô II, Tông huấn Christifideles laici, 9: AAS 81 (1989) 406.

440 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 33: AAS 57 (1965) 39.

441 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 34: AAS 57 (1965) 40; x. Ibid., 10: AAS 57 (1965) 14-15.

442 Bộ Giáo Luật, điều 835,4.

443 X. Bộ Giáo Luật, điều 230,1.

444 Bộ Giáo Luật, điều 230,3.

445 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 35: AAS 57 (1965) 40.

446 Thánh Tô-ma A-qui-nô, Summa theologiae, III, q. 71, a. 4, ad 3: Ed. Leon. 12, 124.

447 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 35: AAS 57 (1965) 40.

448 CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 6: AAS 58 (1966) 843; x. Id., Sắc lệnh Ad Gentes, 15: AAS 58 (1966) 965.

449 X. Bộ Giáo Luật, các điều 774.776.780.

450 X. Bộ Giáo Luật, điều 229.

451 X. Bộ Giáo Luật, điều 822,3.

452 Bộ Giáo Luật, điều 212,3.

453 X. Pl 2,8-9.

454 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 36: AAS 57 (1965) 41.

455 Thánh Ambrôsiô, Expositio psalmi CXVIII, 14, 30: CSEL 62,318 (PL 15,1476).

456 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 36: AAS 57 (1965) 42.

457 ĐGH Phao-lô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 73: AAS 68 (1976) 61.

458 Bộ Giáo Luật, điều 129,2.

459 X. Bộ Giáo Luật, điều 443,4.

460 X. Bộ Giáo Luật, điều 463,1-2.

461 X. Bộ Giáo Luật, các điều 511.512.536.

462 X. Bộ Giáo Luật, điều 517,2.

463 X. Bộ Giáo Luật, các điều 492,1.537.

464 X. Bộ Giáo Luật, điều 1421,2.

465 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 36: AAS 57 (1965) 42.

466 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 33: AAS 57 (1965) 39.

467 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 44: AAS 57 (1965) 51.

468 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 42-43: AAS 57 (1965) 47-50; Id., Sắc lệnh Perfectae caritatis, 1: AAS 58 (1966) 702-703.

469 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Perfectae caritatis, 5: AAS 58 (1966) 704-705.

470 X. Bộ Giáo Luật, điều 573.

471 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 43: AAS 57 (1965) 49.

472 CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Perfectae caritatis, 1: AAS 58 (1966) 702.

473 X. Bộ Giáo Luật, điều 605.

474 Bộ Giáo Luật, điều 603,1.

475 X. 1 Cr 7,34-36.

476 X. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông huấn Vita consecrata, 7: AAS 88 (1996) 382.

477 Bộ Giáo Luật, điều 604,1.

478 Nghi thức Thánh hiến các Trinh nữ, Praenotanda, 1, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 7.

479 X. Bộ Giáo Luật, điều 604,1.

480 X. Nghi thức Thánh hiến Trinh nữ, Praenotanda,2, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 7.

481 X. Bộ Giáo Luật, điều 604,2.

482 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 15: AAS 57 (1965) 102.

483 X. Bộ Giáo Luật, điều 573.

484 X. Bộ Giáo Luật, điều 607.

485 X. Bộ Giáo Luật, điều 591.

486 CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 33-35: AAS 58 (1966) 690-692.

487 CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 18: AAS 58 (1966) 968-969; Ibid., 40: AAS 58 (1966) 987-988.

488 ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Redemptoris missio, 69: AAS 83 (1991) 317.

489 Bộ Giáo Luật, điều 710.

490 ĐGH Pi-ô XII, Tông hiến ProvidaMater: AAS 39 (1947) 118.

491 Bộ Giáo Luật, điều 713,2.

492 X. CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Perfectae caritatis, 11: AAS 58 (1966) 707.

493 X. Bộ Giáo Luật, điều 713.

494 Bộ Giáo Luật, điều 713,1-2.

495 Bộ Giáo Luật, điều 783; x. ĐGH Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Redemptoris missio, 69: AAS 83 (1991) 317-318.

496 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 31: AAS 57 (1965) 37.

497 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 44: AAS 57 (1965) 50-51.

498 X. Bộ Giáo Luật, điều 207,1-2.

499 X. Bộ Giáo Luật, điều 331.

500 CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 2: AAS 58 (1966) 673.

501 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 27.

502 CĐ Va-ti-ca-nô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 2: AAS 58 (1966) 839.

503 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 43: AAS 58 (1966) 1063.

504 CĐ Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 36: AAS 57 (1965) 41.

Scroll to Top