Mục 1: Trong Cựu Ước (2568-2597)

2568410 / 1736 / 2738

Mặc khải về cầu nguyện trong Cựu Ước diễn ra giữa việc con người sa ngã và được nâng dậy, giữa tiếng đau thương của Thiên Chúa gọi những đứa con đầu tiên của Ngài: “Ngươi ở đâu?... Ngươi đã làm gì?” (St 3,9.13), và lời đáp lại của Người Con độc nhất lúc Người bước vào trần gian: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7).4 Như vậy, việc cầu nguyện gắn liền với lịch sử loài người; cầu nguyện là tương quan với Thiên Chúa trong những biến cố của lịch sử.

Công trình tạo dựng - nguồn mạch của cầu nguyện (2569)

2569288 / 58 / 59

Trước hết, đã có việc cầu nguyện ngay từ những thực tại của công trình tạo dựng. Chín chương đầu sách Sáng Thế mô tả mối tương quan này với Thiên Chúa như việc ông Aben dâng cho Chúa những con đầu lòng của bầy chiên,5 ông Ênóc kêu cầu Danh Chúa6 và “bước đi với Thiên Chúa.”7 Lễ dâng của ông Nôê đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài chúc phúc cho ông, và qua ông, chúc phúc cho toàn thể công trình tạo dựng,8 vì lòng ông ngay chính và vẹn toàn; cả ông nữa cũng “đi với Thiên Chúa” (St 6,9). Biết bao người công chính trong mọi tôn giáo đã cầu nguyện theo cách thức như thế.

Trong giao ước bất diệt với mọi sinh linh,9 Thiên Chúa luôn kêu gọi con người cầu khẩn Ngài. Nhưng nhất là từ tổ phụ Ápraham, việc cầu nguyện mới thật sự được mặc khải trong Cựu Ước.

Lời hứa và lời cầu nguyện của đức tin (2570-2573)

2570145

Ngay khi Thiên Chúa kêu gọi, “ông Ápraham ra đi, như Chúa đã phán với ông” (St 12,4): trái tim ông hoàn toàn “suy phục Lời Chúa”; ông vâng lời. Sự lắng nghe của trái tim quyết định tuân theo Thiên Chúa là điều cốt yếu của việc cầu nguyện, các lời nói chỉ quy về đó. Nhưng việc cầu nguyện của ông Ápraham được diễn tả trước tiên bằng hành động: là con người thinh lặng, ông đã dựng một bàn thờ để kính Chúa ở mỗi chặng dừng chân. Chỉ mãi sau này, lần đầu tiên ông mới cầu nguyện bằng lời: đó là một lời than thở kín đáo, nhắc Thiên Chúa nhớ đến các lời hứa của Ngài, mà xem ra như không được thực hiện.10 Như vậy, ngay từ đầu đã xuất hiện một trong những khía cạnh của tấn bi kịch cầu nguyện: đó là thử thách đức tin vào sự trung tín của Thiên Chúa.

2571494 / 2635

Vì tin vào Thiên Chúa,11 đi trước nhan Ngài và trong giao ước với Ngài,12 tổ phụ Ápraham đã sẵn sàng đón tiếp Vị khách huyền bí vào lều trại của mình. Lòng hiếu khách đặc biệt của tổ phụ tại Mambrê mở đường cho Thiên Chúa loan báo về Người Con đích thực của lời hứa.13 Từ lúc đó, khi được Thiên Chúa bộc lộ cho biết ý định của Ngài, trái tim của tổ phụ Ápraham đã hòa theo lòng trắc ẩn của Chúa mình đối với loài người và dám chuyển cầu cho họ với một niềm tin tưởng bạo dạn.14

2572603

Trong cuộc thanh luyện cuối cùng về đức tin, Thiên Chúa đã đòi ông Ápraham, người “đã nhận được lời hứa” (Dt 11,17), phải sát tế đứa con mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông Ápraham vẫn vững tin: “Lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu” (St 22,8), vì nghĩ rằng “Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy” (Dt 11,19). Như vậy, vị tổ phụ của những người tin đã nên giống Chúa Cha, Đấng chẳng tha chính Con Một của Ngài, nhưng đã trao nộp Người vì hết thảy chúng ta.15 Nhờ cầu nguyện con người được phục hồi tình trạng “giống như Thiên Chúa” và được tham dự vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, là quyền năng cứu độ muôn người.16

2573162

Thiên Chúa đã nhắc lại lời hứa của Ngài với ông Giacóp, tổ phụ của mười hai chi tộc Ítraen.17 Trước khi chạm trán với anh mình là ông Êxau, ông Giacóp đã vật lộn suốt đêm với một nhân vật huyền bí. Vị này không chịu nói tên, nhưng đã chúc phúc cho ông Giacóp trước khi bỏ đi lúc bình minh. Truyền thống linh đạo của Hội Thánh đã xem trình thuật này là biểu tượng của việc cầu nguyện, xét như cuộc chiến đấu của đức tin và sự chiến thắng của lòng kiên trì.18

Ông Môsê và lời cầu nguyện của vị trung gian (2574-2577)

257462

Khi lời hứa bắt đầu được thực hiện (Vượt qua, Xuất hành, ban Lề luật và ký Giao ước) thì lời cầu nguyện của ông Môsê là hình ảnh nổi bật của lời kinh chuyển cầu sẽ được hoàn thành nơi “Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, là Chúa Giêsu Kitô” (1 Tm 2,5).

2575205

Ở đây cũng vậy, Thiên Chúa đã đến trước. Ngài gọi ông Môsê từ giữa bụi cây đang cháy.19 Biến cố này trong truyền thống linh đạo Do Thái và Kitô Giáo sẽ tồn tại như một trong những hình ảnh hàng đầu về cầu nguyện. Thật vậy, nếu “Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác và Thiên Chúa của Giacóp” kêu gọi tôi tớ Ngài là ông Môsê, đó là vì chính Ngài là Thiên Chúa hằng sống, Đấng muốn cho con người được sống. Ngài tỏ mình ra để cứu họ, nhưng Ngài không hành động đơn phương hoặc không đếm xỉa đến họ. Vì thế, Ngài gọi ông Môsê để sai ông đi, để ông cộng tác vào lòng trắc ẩn và công trình cứu độ của Ngài. Để sai ông đi, hầu như Thiên Chúa phải năn nỉ, và sau một tranh luận lâu dài, ông Môsê mới thuận theo ý muốn của Thiên Chúa Cứu Độ. Nhưng trong cuộc đối thoại này, Thiên Chúa đã tín nhiệm ông Môsê, còn ông Môsê thì học cho biết cầu nguyện: ông thoái thác, ông thắc mắc, và nhất là ông yêu cầu; và chính để đáp lại lời yêu cầu của ông mà Thiên Chúa đã bộc lộ cho ông Thánh Danh khôn tả của Ngài, Danh sẽ được mặc khải qua những kỳ công của Ngài.

2576555

“Thiên Chúa đàm đạo với ông Môsê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11). Cách cầu nguyện của ông Môsê là khuôn mẫu của việc cầu nguyện chiêm niệm, nhờ đó người tôi tớ của Thiên Chúa mới trung thành với sứ mạng của mình. Ông Môsê “nói chuyện” thường xuyên và lâu giờ với Chúa, khi ông lên núi để lắng nghe và cầu khẩn Ngài, khi ông xuống gặp dân để nói lại cho họ những lời của Thiên Chúa và để hướng dẫn họ. “Trong toàn thể nhà của Ta, Môsê là người trung thành nhất! Thật vậy, Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền” (Ds 12,7-8), vì “ông Môsê là người hiền lành nhất đời” (Ds 12,3).

2577210 / 2635 / 214

Nhờ sống thân mật với Thiên Chúa thành tín, chậm giận và giàu lòng thương xót,20 ông Môsê đã kín múc được sức mạnh và sự kiên trì để chuyển cầu cho dân. Ông không cầu xin cho bản thân, nhưng cho dân mà Thiên Chúa đã thủ đắc làm dân riêng của Ngài. Ông Môsê đã chuyển cầu trong cuộc chiến với người Amalec,21 và đã chuyển cầu cho cô Myriam được chữa lành.22 Nhưng nhất là sau khi dân bội giáo, ông đã “đem thân cản lối” trước nhan Thiên Chúa (Tv 106,23) để cứu dân.23 Các lý lẽ trong lời cầu nguyện của ông Môsê (lời chuyển cầu cũng là một cuộc chiến nhiệm mầu) sẽ gợi hứng cho sự bạo dạn của những người cầu nguyện thời danh trong dân Do Thái cũng như trong Hội Thánh: Thiên Chúa là tình yêu, nên Ngài cũng công bằng và thành tín. Ngài không thể mâu thuẫn với chính mình, nên Ngài phải nhớ lại các kỳ công của Ngài; vì vinh quang của Ngài, Ngài không thể bỏ rơi dân tộc mang Danh của Ngài.

Vua Đavít và lời cầu nguyện của vị vua (2578-2580)

2578

Việc cầu nguyện của Dân Thiên Chúa sẽ được triển nở dưới bóng nhà Chúa, hòm bia Giao ước và sau này là Đền thờ. Trước hết, chính những người lãnh đạo dân - các mục tử và tiên tri - dạy cho dân cầu nguyện. Cậu bé Samuel cũng phải học nơi mẹ mình cách “đứng trước nhan Chúa”24 và học nơi tư tế Êli để biết cách lắng nghe Lời Chúa: “Lạy Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1 Sm 3,9-10). Sau này, chính Samuel cũng biết đến giá trị và tầm quan trọng của lời chuyển cầu: “Phần tôi, không đời nào tôi phạm tội nghịch cùng Chúa là thôi cầu nguyện cho anh em. Tôi sẽ cho anh em biết đường ngay nẻo chính” (1 Sm 12,23).

2579709 / 436

Đavít đặc biệt là vị vua “đẹp lòng Thiên Chúa”, là mục tử cầu nguyện cho toàn dân và nhân danh toàn dân, là con người mà sự tuân phục thánh ý Thiên Chúa, việc ngợi khen Thiên Chúa và lòng ăn năn thống hối của ông sẽ là mẫu mực cho việc cầu nguyện của dân. Là người được Thiên Chúa xức dầu, lời cầu nguyện của vua Đavít là sự gắn bó trung thành với lời hứa của Thiên Chúa,25 là lòng tín thác đầy yêu mến và hân hoan vào Đấng là Vua và là Chúa duy nhất. Trong các Thánh vịnh, vua Đavít, được Chúa Thánh Thần linh hứng, là vị tiên tri hàng đầu của truyền thống cầu nguyện Do Thái và Kitô Giáo. Lời cầu nguyện của Đức Kitô, Đấng Mêssia đích thực và là con vua Đavít, sẽ mặc khải và hoàn tất ý nghĩa của việc cầu nguyện đó.

2580583

Đền thờ Giêrusalem, ngôi nhà cầu nguyện mà vua Đavít muốn xây dựng, sẽ là công trình của con ông, là vua Salômon. Lời nguyện Cung hiến Đền thờ26 dựa vào Lời hứa của Thiên Chúa và Giao ước của Ngài, vào sự hiện diện tác động của Danh Ngài giữa dân Ngài và vào sự tưởng niệm những kỳ công thời Xuất hành. Lúc đó nhà vua giơ tay lên trời và cầu khẩn Chúa cho chính mình, cho toàn dân, cho các thế hệ tương lai, xin Thiên Chúa tha tội cho họ và ban cho những gì cần thiết hằng ngày, để muôn dân nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất và dân Chúa hết lòng kính mến Ngài.

Êlia, các tiên tri và việc hối cải tâm hồn (2581-2584)

25811150

Đối với dân Thiên Chúa, Đền thờ là nơi dạy cho họ biết cầu nguyện: các cuộc hành hương, các lễ hội, hy tế, lễ dâng ban chiều, dâng hương, bánh “trưng hiến”, tất cả những dấu chỉ này về sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa Tối Cao nhưng rất gần gũi, đều là những lời mời gọi và là những nẻo đường đưa đến việc cầu nguyện. Nhưng thái độ quá chuộng nghi lễ thường lôi kéo dân đến một cách thờ phượng quá bề ngoài. Việc giáo dục đức tin và hối cải tâm hồn là cần thiết. Đó là sứ vụ của các tiên tri trước và sau thời lưu đày.

2582

Êlia là tổ phụ của các tiên tri, thuộc dòng dõi những kẻ tìm kiếm Ngài, những kẻ tìm kiếm tôn nhan Ngài.27 Tên của ông, có nghĩa “Chúa là Thiên Chúa của tôi”, tiên báo tiếng hô của dân đáp lại lời cầu nguyện của ông trên núi Carmel.28 Thánh Giacôbê nhắc đến gương ông Êlia để khích lệ chúng ta cầu nguyện: “Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,16).29

2583696 / 555

Sau khi học biết thương xót lúc ẩn mình tại suối Charith, ông Êlia dạy cho bà góa ở Sarepta tin vào lời Thiên Chúa và củng cố đức tin của bà bằng lời cầu nguyện tha thiết của ông: Thiên Chúa đã làm cho con trai bà góa sống lại.30

Khi ông Êlia dâng hy lễ trên núi Cácmen, đó là lúc thử thách quyết liệt đối với đức tin của dân Thiên Chúa, thì lửa của Chúa đã thiêu hủy của lễ toàn thiêu “vào giờ người ta hiến dâng của lễ ban chiều” nhờ lời khẩn cầu của ông Êlia: “Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con” (1 V 18,37). Các phụng vụ Đông phương đã dùng lại lời khẩn cầu này của ông Êlia trong kinh Khẩn nguyện xin ban Chúa Thánh Thần (Epiclesis) trong thánh lễ.31

Sau cùng, trở lại hoang địa, đến nơi Thiên Chúa hằng sống và chân thật đã tỏ mình ra cho dân Ngài, ông Êlia ẩn mình, như ông Môsê, “trong một hang đá” cho tới khi sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa “đi qua.”32 Nhưng chỉ trên núi Hiển Dung, Đấng mà ông Môsê và ông Êlia đã tìm kiếm tôn nhan, mới được tỏ lộ:33 các ông nhận ra vinh quang của Thiên Chúa nơi tôn nhan Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh.34

25842709

Trong những lúc “riêng một mình với Thiên Chúa”, các tiên tri múc được ánh sáng và sức mạnh cho sứ vụ của mình. Việc cầu nguyện của các ông không phải là chạy trốn thế giới bất trung, nhưng là lắng nghe Lời Thiên Chúa, đôi khi tranh luận hoặc than thở với Chúa, luôn luôn chuyển cầu cho dân để chờ đợi và chuẩn bị cho sự can thiệp của Thiên Chúa Cứu Độ, là Chúa của lịch sử.35

Các Thánh vịnh, lời cầu nguyện của cộng đoàn (2585-2589)

25851093

Từ thời vua Đavít cho tới khi Đấng Mêsia đến, những bản văn cầu nguyện trong Sách Thánh chứng tỏ lời cầu nguyện cho mình cũng như cho tha nhân ngày càng sâu sắc hơn.36 Dần dần các Thánh vịnh được thu tập thành một bộ gồm năm cuốn: đó là sách Thánh vịnh (hay “Những lời ca ngợi”), là tuyệt tác về cầu nguyện trong Cựu Ước.

25861177

Các Thánh vịnh nuôi dưỡng và diễn tả việc cầu nguyện của dân Thiên Chúa với tư cách là cộng đoàn, vào những ngày lễ lớn tại Giêrusalem và mỗi ngày sabát trong các hội đường. Kinh nguyện này vừa có tính cá nhân vừa có tính cộng đoàn, liên quan đến những người đang cầu nguyện và tất cả mọi người; vang lên từ Thánh địa và từ các cộng đoàn Do Thái tản mác khắp nơi, nhưng bao trùm toàn thể công trình tạo dựng. Các Thánh vịnh gợi nhớ các biến cố cứu độ trong quá khứ và hướng đến ngày hoàn tất lịch sử; giúp nhớ lại những lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện, và chờ đợi Đấng Mêsia, Đấng sẽ hoàn tất trọn vẹn các lời hứa ấy. Các Thánh vịnh, đã được Đức Kitô sử dụng để cầu nguyện và đã được hoàn tất nơi Người, vẫn luôn chiếm vị trí thiết yếu trong kinh nguyện của Hội Thánh Người.37

25872641

Tập Thánh vịnh là cuốn sách, trong đó Lời của Thiên Chúa trở thành lời cầu nguyện của con người. Trong các cuốn sách khác của Cựu Ước, thì “các lời nói... loan báo những công trình [Thiên Chúa đã thực hiện cho con người] và làm sáng tỏ mầu nhiệm chứa đựng trong đó.”38 Còn trong tập Thánh vịnh, lời của các tác giả Thánh vịnh vừa diễn tả những công trình cứu độ của Thiên Chúa, vừa ca mừng Ngài vì những công trình đó. Cùng một Thần Khí linh hứng cả công trình của Thiên Chúa, cả lời đáp lại của con người. Đức Kitô sẽ kết hợp cả hai lại với nhau. Trong Người, các Thánh vịnh không ngừng dạy ta cầu nguyện.

2588

Những cách diễn tả đa dạng của lời cầu nguyện trong Thánh vịnh được hình thành từ phụng tự Đền thờ, cũng như từ trái tim con người. Dù là thánh thi, lời kêu cầu trong cơn nguy khốn hay bài ca tạ ơn, lời khẩn cầu cá nhân hay cộng đoàn, bài ca cung đình hoặc khúc hát hành hương, bài suy niệm giáo huấn, các Thánh vịnh đều phản chiếu những kỳ công của Thiên Chúa trong lịch sử dân Ngài và những tình huống mà tác giả Thánh vịnh đã sống. Dù Thánh vịnh có thể phản ánh một biến cố trong quá khứ, nó vẫn bình dị đến nỗi con người thuộc bất cứ hoàn cảnh và thời đại nào cũng có thể sử dụng để cầu nguyện.

2589304

Một số nét chung thường nổi bật trong các Thánh vịnh: sự đơn sơ và bộc phát của lời cầu nguyện, lòng khao khát chính Thiên Chúa qua và với tất cả những gì là tốt lành trong công trình tạo dựng của Ngài, hoàn cảnh khó khăn của tín hữu muốn yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự nhưng phải đối diện với bao kẻ thù và cám dỗ, trong khi chờ đợi Thiên Chúa trung tín ra tay hành động, vẫn xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa và phó thác theo thánh ý Ngài. Lời cầu nguyện của các Thánh vịnh luôn có tâm tình ca ngợi, nên tập sách này có một tên gọi rất phù hợp với điều nó mang đến cho chúng ta: “Những lời ca ngợi.” Vì được sưu tập để dùng trong phụng tự của cộng đoàn, nên cuốn Thánh vịnh vang lên lời mời gọi cầu nguyện đồng thời hát lên lời đáp: Hallelu-Yah! (“Alleluia”): “Hãy ca ngợi Chúa!”

“Còn gì tốt hơn một Thánh vịnh? Vì thế, vua Đavít đã nói rất đúng rằng: ‘Hãy ca ngợi Chúa vì Thánh vịnh thật là tốt đẹp; hãy dâng lời ca ngợi hân hoan và êm dịu lên Thiên Chúa chúng ta’. Quả vậy, Thánh vịnh là lời chúc tụng của dân, lời ca tụng Thiên Chúa, lời ca ngợi của cộng đoàn, tiếng hoan hô của mọi người, lời nói của vũ trụ, tiếng nói của Hội Thánh, lời tuyên xưng đức tin đầy giai điệu.”39

Tóm lược (2590-2597)

2590

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là cầu xin Thiên Chúa ban cho những điều xứng hợp.40

2591

Thiên Chúa không ngừng kêu gọi mỗi người đến gặp gỡ Ngài cách huyền nhiệm trong việc cầu nguyện. Suốt dòng lịch sử cứu độ, cầu nguyện mang tính cách một lời mời gọi hỗ tương giữa Thiên Chúa và con người.

2592

Việc cầu nguyện của ông Ápraham và ông Giacóp được trình bày như một cuộc chiến đấu của đức tin để giữ lòng tín thác vào Thiên Chúa trung tín và xác tín rằng Ngài sẽ ban chiến thắng cho kẻ kiên trì.

2593

Lời cầu nguyện của ông Môsê đáp lại sáng kiến của Thiên Chúa hằng sống muốn cứu độ dân Ngài. Đây là hình ảnh báo trước lời chuyển cầu của Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Kitô Giêsu.

2594

Lời cầu nguyện của dân Thiên Chúa được triển nở dưới bóng Nhà Chúa, Hòm Bia giao ước và Đền Thờ, dưới sự hướng dẫn của các mục tử, đặc biệt là vua Đavít và của các tiên tri.

2595

Các tiên tri kêu gọi dân hối cải tâm hồn và, trong khi nhiệt thành tìm kiếm tôn nhan Thiên Chúa, như tiên tri Êlia, các ngài chuyển cầu cho dân.

2596

Các Thánh vịnh là tuyệt tác về cầu nguyện trong Cựu Ước, gồm hai yếu tố không thể tách rời: vừa có tính cá nhân vừa có tính cộng đoàn. Các Thánh vịnh bao trùm mọi chiều kích của lịch sử, giúp nhớ lại những lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện và chờ đợi Đấng Mêsia ngự đến.

2597

Các Thánh vịnh, đã được Đức Kitô sử dụng để cầu nguyện và đã được hoàn tất nơi Người, vẫn luôn chiếm vị trí thiết yếu trong kinh nguyện của Hội Thánh Người. Các Thánh vịnh luôn thích hợp với mọi người thuộc bất cứ hoàn cảnh và thời đại nào.


Chú thích

4 X. Dt 10,5-7.

5 X. St 4,4.

6 X. St 4,26.

7 X. St 5,24.

8 X. St 8,20 - 9,17.

9 X. St 9,8-16.

10 X. St 15,2-3.

11 X. St 15,6.

12 X. St 17,1-2.

13 X. St 18,1-15; Lc 1,26-38.

14 X. St 18,16-33.

15 X. Rm 8,32.

16 X. Rm 4,16-21.

17 X. St 28,10-22.

18 X. St 32,25-31; Lc 18,1-8.

19 X. Xh 3,1-10.

20 X. Xh 34,6.

21 X. Xh 17,8-13.

22 X. Ds 12,13-14.

23 X. Xh 32,1-34,9.

24 1 Sm 1,9-18.

25 X. 2 Sm 7,18-29.

26 X. 1 V 8,10-61.

27 X. Tv 24,6.

28 X. 1 V 18,39.

29 X. Gc 5,16-18.

30 X. 1 V 17,7-24.

31 X. 1 V 18,20-39.

32 X. 1 V 19,1-14; Xh 33,19-23.

33 X. Lc 9,30-35.

34 X. 2 Cr 4,6.

35 X. Am 7,2.5; Is 6,5.8.11; Gr 1,6; 15,15-18; 20,7-18.

36 X. Er 9,6-15 ; Nhm 1,4-11; Gn 2,3-10 ; Tb 3,11-16 ; Gđt 9,2-14.

37 X. Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh phụng vụ, 100-109: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v. 1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 52-56.

38 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 2: AAS 58 (1966) 818.

39 Thánh Ambrôsiô, Enarrationes in Psalmos, 1, 9: CSEL 64,7 (PL 14,968).

40 Thánh Gioan thành Đamát, Expositio fidei, 68 [De fide orthodoxa 3, 24]: PTS 12,167 (PG 94,1089).

CHƯƠNG I: MẶC KHẢI VỀ CẦU NGUYỆN (2566-2649)Mục 2: Khi thời gian viên mãn (2598-2622)