Mục 2: Khi thời gian viên mãn (2598-2622)
2598
Vấn đề cầu nguyện được mặc khải cho chúng ta cách trọn vẹn trong Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Khi tìm hiểu việc cầu nguyện của Người qua những gì các chứng nhân kể lại trong Tin Mừng, chúng ta được đến gần Đấng thánh là Chúa Giêsu, như đến gần Bụi cây đang cháy: trước tiên chiêm ngưỡng chính Người cầu nguyện, rồi lắng nghe Người dạy chúng ta cầu nguyện, để sau cùng nhận biết Người nhận lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào.
Chúa Giêsu cầu nguyện (2599-2606)
2599470-473 / 584 / 534
Con Thiên Chúa, khi trở thành Con Đức Trinh Nữ, cũng đã học cầu nguyện theo trái tim nhân loại của Người. Chúa Giêsu đã học những công thức cầu nguyện nơi thân mẫu Người là đấng hằng ghi nhớ và luôn suy niệm trong lòng về mọi điều “cao cả” của Đấng Toàn Năng.41 Người cầu nguyện bằng những lời kinh và âm điệu của dân Người, trong Hội đường Nadarét và trong Đền Thờ. Nhưng kinh nguyện của Người còn phát xuất từ một nguồn mạch sâu kín hơn, như chính Người đã hé mở cho thấy lúc Người lên mười hai tuổi: “Con có bổn phận ở nhà của Cha con” (Lc 2,49). Ở đây, tính cách mới mẻ của việc cầu nguyện trong thời viên mãn bắt đầu được mặc khải: đó là lời cầu nguyện của Người Con, mà Chúa Cha vẫn chờ mong nơi các con cái của Ngài, cuối cùng đã được chính Người Con Một thực hiện trong nhân tính của Người cùng với con người và vì con người.
2600535 / 554 / 612 / 858 / 443
Tin Mừng theo thánh Luca nhấn mạnh đến tác động của Chúa Thánh Thần và ý nghĩa của việc cầu nguyện trong thừa tác vụ của Đức Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện trước những thời điểm quyết định trong sứ vụ của Người: trước khi Chúa Cha làm chứng về Người lúc Người chịu phép rửa,42 lúc Người Hiển Dung,43 và trước khi Người hoàn thành ý định yêu thương của Chúa Cha bằng cuộc thương khó của Người.44 Người cũng cầu nguyện trước những thời điểm quyết định liên quan đến sứ vụ của các Tông Đồ của Người: trước khi gọi và chọn nhóm Mười Hai,45 trước khi ông Phêrô tuyên xưng Người là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”,46 và để lòng tin của vị thủ lãnh các Tông Đồ khỏi bị suy yếu trong cơn thử thách.47 Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước các biến cố cứu độ, mà Chúa Cha đòi Người phải thể hiện, là sự phó thác khiêm nhường và đầy tin tưởng của ý chí nhân loại của Người cho ý muốn đầy yêu thương của Chúa Cha.
26012765
“Có một lần Chúa Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: ‘Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện’” (Lc 11,1). Chẳng phải là người môn đệ của Đức Kitô, vì chiêm ngưỡng Thầy mình cầu nguyện trước, rồi khao khát cầu nguyện đó sao? Lúc đó, người này có thể học cầu nguyện từ bậc Thầy của việc cầu nguyện. Khi chiêm ngưỡng và lắng nghe Người Con, các con cái học biết cầu nguyện với Chúa Cha.
2602616
Chúa Giêsu thường lui vào nơi thanh vắng, lên núi, nhất là lúc đêm khuya, để cầu nguyện.48
Vì trong cuộc Nhập Thể, Người đã thông phần nhân tính, nên Người mang lấy mọi người trong kinh nguyện của Người, và Người dâng họ lên Chúa Cha bằng việc tự hiến chính mình Người. Chính Người, Ngôi Lời “đã mặc lấy xác phàm”, trong lời cầu nguyện nhân loại của mình, thông phần vào những gì “các anh em” của Người đang sống;49 Người cảm thông những yếu đuối của họ để giải thoát họ khỏi những yếu đuối ấy.50 Chính vì mục đích này mà Chúa Cha đã sai Người đến. Những lời nói cũng như việc làm của Người là biểu hiện rõ ràng về những gì Người cầu nguyện “trong thầm kín.”
26032673 / 2546 / 494
Các tác giả sách Tin Mừng giữ lại hai lời cầu nguyện minh nhiên của Đức Kitô trong thời gian Người thi hành tác vụ. Cả hai đều khởi đầu bằng lời tạ ơn. Trong lời nguyện thứ nhất,51 Chúa Giêsu tuyên xưng, nhận biết và chúc tụng Chúa Cha vì Chúa Cha đã giấu các mầu nhiệm Nước Trời đối với những người tưởng mình khôn ngoan, nhưng lại mặc khải cho “những người bé mọn” (những người nghèo của các mối phúc). Sự rung cảm của Người, “Vâng, lạy Cha!” nói lên những gì tận đáy lòng Người, sự gắn bó của Người với “điều đẹp ý” Chúa Cha, như vọng lại lời “Xin vâng” của Mẹ Người lúc thụ thai Người, và như khúc dạo đầu cho lời Người sẽ thưa với Chúa Cha trong cơn hấp hối. Toàn bộ kinh nguyện của Chúa Giêsu đều chất chứa tâm tình gắn bó yêu thương của trái tim nhân loại của Người đối với “mầu nhiệm thánh ý” của Chúa Cha.52
2604478 / 2746
Lời cầu nguyện thứ hai được thánh Gioan53 ghi lại vào lúc trước khi La-da-rô được cho sống lại. Lời tạ ơn đi trước biến cố: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhận lời con” hàm ý là Chúa Cha luôn nhận lời Người cầu xin; và Chúa Giêsu thêm ngay: “Con vẫn biết Cha luôn nghe lời Con” hàm ý Chúa Giêsu luôn nài xin Chúa Cha. Như vậy, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, được khởi đầu bằng tâm tình tạ ơn, mặc khải cho chúng ta biết phải cầu xin như thế nào: trước khi nhận được hồng ân, Chúa Giêsu đã gắn bó với Đấng ban ơn, cũng là Đấng tự ban mình trong các hồng ân của Ngài. Đấng ban ơn thì quý trọng hơn hồng ân bội phần, chính Ngài là “Kho tàng” và tâm hồn của Con Ngài quy hướng về chính Ngài; hồng ân chỉ là điều được “ban thêm.”54 Lời nguyện “tư tế” của Chúa Giêsu55 có một vị trí độc nhất vô nhị trong nhiệm cục cứu độ (lời nguyện này sẽ được suy niệm ở cuối Đoạn thứ nhất). Thật vậy, lời cầu nguyện này cho thấy kinh nguyện của Đức Kitô Thượng Tế luôn là lời cầu nguyện của ngày hôm nay, và đồng thời cũng dạy chúng ta cách cầu nguyện cùng Chúa Cha (vấn đề sẽ được bàn đến trong Đoạn thứ hai).
2605614
Khi đến Giờ hoàn tất ý định yêu thương của Chúa Cha, Chúa Giêsu cho thoáng thấy chiều sâu khôn dò của lời cầu nguyện của Người Con, không những trước khi Người tự nguyện trao nộp chính mình (“Lạy Cha,... xin đừng cho ý Con thể hiện, mà là ý Cha”: Lc 22,42), mà cả đến những lời cuối cùng của Người trên thập giá, lúc mà cầu nguyện và tự hiến trở nên một. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34); “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43); “Thưa Bà, đây là con của Bà... Đây là Mẹ của anh” (Ga 19,26-27); “Tôi khát” (Ga 19,28); “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34);56 “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30); “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) cho đến cả “tiếng kêu lớn” khi Người trao hơi thở.57
2606403 / 653 / 2587
Tất cả những đau khổ của nhân loại trong mọi thời, dưới ách nô lệ tội lỗi và sự chết, tất cả mọi lời van xin và chuyển cầu suốt lịch sử cứu độ, đều được thu tóm vào Tiếng kêu lớn của Ngôi Lời Nhập Thể. Chúa Cha đón nhận tất cả và, vượt quá mọi mong đợi, Ngài nhận lời tất cả khi cho Con Ngài sống lại. Như vậy, toàn thể kinh nguyện trong nhiệm cục tạo dựng và cứu độ được thực hiện và hoàn tất. Tập Thánh vịnh trao cho chúng ta chìa khóa của việc cầu nguyện trong Đức Kitô. Chính trong “Ngày hôm nay” của biến cố Phục sinh, Chúa Cha phán: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con. Con cứ xin, rồi Cha ban tặng, muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa” (Tv 2,7-8).58
Thư gửi tín hữu Do Thái dùng những lời lẽ bi thảm để diễn tả lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã đem lại chiến thắng cứu độ như thế nào: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9).
Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện (2607-2615)
2607520
Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, là Người đã dạy chúng ta cầu nguyện. Con đường đối thần của lời cầu nguyện của chúng ta là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Cha Người. Nhưng Tin Mừng còn lưu lại cho chúng ta giáo huấn minh nhiên của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện. Là nhà sư phạm, Người bắt đầu từ hiện trạng của chúng ta, và từng bước một dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Cha. Khi nói với đám đông dân chúng đang đi theo Người, Chúa Giêsu khởi đi từ những gì họ đã biết về cầu nguyện theo như Giao ước cũ và mở cho họ thấy nét mới mẻ của Nước Trời đang đến. Người mặc khải cho họ nét mới mẻ này qua các dụ ngôn. Sau cùng, với các môn đệ là những người sẽ phải làm thầy dạy cầu nguyện trong Hội Thánh, thì Người nói rõ về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
2608541 / 1430
Ngay từ Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến việc hối cải tâm hồn: phải hòa giải với người anh em trước khi đến dâng lễ phẩm trên bàn thờ,59 phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình,60 phải cầu nguyện cùng Chúa Cha, Đấng hiện diện “nơi kín đáo” (Mt 6,6), không lải nhải nhiều lời,61 thật lòng tha thứ trong cầu nguyện,62 có tâm hồn thanh khiết và lo tìm kiếm Nước Trời.63 Cuộc hối cải này hoàn toàn hướng về Chúa Cha, và đượm tình con thảo.
2609153 / 1814
Tâm hồn, một khi đã sẵn sàng hối cải như vậy, sẽ học biết cầu nguyện trong đức tin. Tin là gắn bó đầy tình con thảo với Thiên Chúa, vượt quá những gì chúng ta cảm thấy và hiểu biết. Sự gắn bó này có thể thực hiện được vì Người Con yêu dấu đã mở lối cho chúng ta đến với Chúa Cha. Người có thể yêu cầu chúng ta “tìm kiếm” và “gõ”, vì chính Người là cửa và là con đường.64
2610165
Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha và tạ ơn trước khi nhận được các hồng ân của Chúa Cha thế nào, thì Người cũng dạy chúng ta bạo dạn như những người con như vậy: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi” (Mc 11,24). Sức mạnh của cầu nguyện là như thế: “mọi sự đều có thể, đối với người tin” (Mc 9,23) bằng một đức tin không nghi nan.65 Chúa Giêsu rất buồn phiền “vì sự cứng tin” của đám bà con thân thuộc của Người (Mc 6,6), và vì lòng tin yếu kém của các môn đệ Người,66 trái lại Người thán phục trước lòng tin mạnh mẽ của viên sĩ quan Rôma67 và người phụ nữ xứ Canaan.68
26112827
Lời cầu nguyện của đức tin không hệ tại ở chỗ thưa: “Lạy Chúa, Lạy Chúa”, nhưng là sẵn lòng thi hành thánh ý của Chúa Cha.69 Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Người đem vào lời cầu nguyện70 sự quan tâm cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa.
2612672 / 2725
Nơi Chúa Giêsu, “triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15), Người kêu gọi con người hối cải, tin tưởng và tỉnh thức nữa. Khi cầu nguyện, người môn đệ chăm chú hướng về Đấng hiện có và đang đến, vừa tưởng nhớ việc Người đến lần thứ nhất trong xác phàm khiêm hạ, vừa hy vọng Người đến lần thứ hai trong vinh quang.71 Đối với các môn đệ, cầu nguyện là một cuộc chiến đấu trong sự hiệp thông với Thầy mình, và chính nhờ tỉnh thức trong cầu nguyện mà ta không sa chước cám dỗ.72
2613546 / 2559
Có ba dụ ngôn chính về cầu nguyện được thánh Luca lưu lại cho chúng ta:
— Dụ ngôn thứ nhất, “Người bạn quấy rầy”,73 mời gọi cầu nguyện cách khẩn khoản: “Anh em cứ gõ cửa thì cửa sẽ mở cho anh em.” Chúa Cha trên trời sẽ ban cho người cầu nguyện bất cứ điều gì người ấy cần và nhất là ban Chúa Thánh Thần, Đấng chứa đựng mọi hồng ân.
— Dụ ngôn thứ hai, “Bà góa quấy rầy”,74 tập trung vào một trong các phẩm tính của việc cầu nguyện: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”, với sự kiên trì của lòng tin. “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
— Dụ ngôn thứ ba, “Người Pharisêu và người thu thuế”,75 liên quan đến sự khiêm tốn trong lòng của người cầu nguyện. “Lạy Thiên Chúa, xin thương con là kẻ tội lỗi.” Hội Thánh không ngừng lấy lời cầu nguyện ấy làm lời cầu nguyện của mình: Kyrie eleison! (Xin Chúa thương xót chúng con!)
2614434
Khi Chúa Giêsu ký thác cách công khai cho các môn đệ Người mầu nhiệm cầu nguyện với Chúa Cha, thì Người tỏ cho các ông kinh nguyện của các ông - và cũng là của chúng ta - phải thế nào, một khi Người sẽ trở về với Chúa Cha trong nhân tính đã được tôn vinh của Người. Vào lúc đó điều mới mẻ là “cầu xin nhân danh Người.”76 Lòng tin vào Người đưa các môn đệ đến chỗ biết Chúa Cha, vì Chúa Giêsu là “Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Lòng tin mang lại hoa trái trong lòng mến: đó là tuân giữ lời Người, các giới răn của Người, đó là cùng với Người ở lại trong Chúa Cha, Đấng yêu mến chúng ta trong Người, đến độ ở lại trong chúng ta. Trong Giao ước mới này, chúng ta xác tín rằng những lời cầu xin của chúng ta được đoái nhận, niềm xác tín đó dựa trên nền tảng là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.77
2615728
Hơn nữa, khi lời cầu nguyện của chúng ta được kết hợp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Chúa Cha “sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,16-17). Nét mới mẻ này của lời cầu nguyện và của các điều kiện [để cầu nguyện] xuất hiện suốt diễn từ cáo biệt.78 Trong Chúa Thánh Thần, kinh nguyện Kitô Giáo là sự hiệp thông tình yêu với Chúa Cha, không phải chỉ nhờ Đức Kitô mà còn trong Người nữa: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,24).
Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện (2616)
2616548 / 2667
Lúc Người còn đang thi hành tác vụ, lời cầu nguyện với Chúa Giêsu đã được chính Người nhận lời, qua các dấu lạ, những dấu lạ này tiền dự vào sức mạnh của sự chết và sự sống lại của Người. Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện của đức tin, được diễn tả bằng lời nói (của người bệnh phong,79 của ông Giairô,80 của người phụ nữ Canaan,81 của người trộm lành82 ), hay trong thinh lặng (của những kẻ khiêng người bất toại,83 của người đàn bà bị bệnh loạn huyết đụng chạm vào áo Người,84 nước mắt và dầu thơm của người phụ nữ tội lỗi85 ). Lời nài xin tha thiết của những người mù: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9,27) hay “Lạy Ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi” (Mc 10,48) được sử dụng lại trong truyền thống Khẩn nguyện Chúa Giêsu (Oratio ad Iesum): “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Chúa Giêsu luôn đáp lại lời cầu xin Người với đức tin, bằng cách chữa lành bệnh tật hoặc thứ tha tội lỗi: “Cứ về bình an, lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
Thánh Augustinô đã khéo léo tóm tắt ba chiều kích của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Người cầu nguyện cho chúng ta, vì Người là vị Tư Tế của chúng ta; Người cầu nguyện trong chúng ta vì Người là Đầu của chúng ta; Người được chúng ta cầu nguyện, vì Người là Thiên Chúa của chúng ta. Vậy chúng ta phải nhận biết tiếng nói của chúng ta trong Người, lẫn tiếng nói của Người trong chúng ta.”86
Lời cầu nguyện của Đức Trinh Nữ Maria (2617-2619)
2617148 / 494 / 490
Lời cầu nguyện của Đức Maria được mặc khải cho chúng ta vào buổi bình minh của lúc thời gian viên mãn. Trước cuộc Nhập Thể của Con Thiên Chúa và trước việc đổ tràn Thánh Thần xuống, lời cầu nguyện của Mẹ cộng tác cách độc đáo vào kế hoạch ưu ái của Chúa Cha: vào lúc Truyền tin để Đức Kitô được thụ thai,87 vào lúc Hiện Xuống để Hội Thánh, Thân thể của Đức Kitô, được hình thành.88 Hồng ân của Thiên Chúa được đón nhận nơi lòng tin của người nữ tì khiêm tốn của Ngài, sự đón nhận mà Ngài đã đợi chờ từ lúc khởi sự thời gian. Người nữ ấy, đã được Đấng Toàn Năng làm cho “đầy ân sủng”, đã đáp lại bằng việc tiến dâng trọn bản thân mình: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin thực hiện cho tôi như lời của Ngài.” Lời thưa Fiat (Xin vâng) chính là lời cầu nguyện của Kitô Giáo: tất cả là của Chúa bởi vì chính Chúa là tất cả của chúng ta.
26182674 / 726
Tin Mừng mặc khải cho chúng ta Đức Maria cầu nguyện và chuyển cầu trong lòng tin như thế nào: tại Cana,89 Thân mẫu Chúa Giêsu cầu xin Con mình lo đến nhu cầu của bữa tiệc cưới. Bữa tiệc này là dấu chỉ của một Bữa tiệc khác, là tiệc cưới Chiên Con, Đấng ban tặng Mình Máu Người theo lời nài xin của Hội Thánh, Hiền Thê của Người. Vào giờ của Giao ước mới, gần bên thánh giá,90 Đức Maria đã được nhận lời, với tư cách là Người Nữ, tức là bà Evà mới, đích thực là “Mẹ của chúng sinh.”
2619724
Do đó, bài ca của Đức Maria91 (tiếng Latinh là Magnificat và tiếng Byzantin là Megalinárion) là bài ca vừa của Mẹ Thiên Chúa vừa của Hội Thánh, bài ca vừa của Thiếu nữ Xion, vừa của dân mới của Thiên Chúa, bài ca tạ ơn vì sự viên mãn của các ân sủng được ban tràn đầy trong Nhiệm cục cứu độ, bài ca của “những người nghèo” thấy niềm hy vọng của mình được thực hiện nhờ việc hoàn thành các lời hứa dành cho cha ông chúng ta, “cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.”
Tóm lược (2620-2622)
2620
Trong Tân Ước, khuôn mẫu tuyệt hảo của cầu nguyện là lời cầu nguyện đầy tình con thảo của Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu - thường được thực hiện trong nơi vắng vẻ và kín đáo - bao hàm sự gắn bó đầy tình yêu với thánh ý Chúa Cha cho đến tận thập giá, và sự tin tưởng tuyệt đối là được nhận lời.
2621
Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện với tâm hồn trong sạch, với đức tin sống động, luôn kiên nhẫn và sự bạo dạn của người con. Người đòi buộc họ phải tỉnh thức và mời gọi họ dâng lên Thiên Chúa những lời cầu xin nhân danh Người. Chính Chúa Giêsu Kitô nhận những lời cầu nguyện dâng lên Người.
2622
Kinh nguyện của Đức Maria, trong lời “Xin vâng” và trong bài ca “Magnificat” của Mẹ, có nét đặc thù là sự quảng đại hiến dâng trọn bản thân Mẹ trong đức tin.
Chú thích
41 X. Lc 1,49; 2,19.51.
42 X. Lc 3,21.
43 X. Lc 9,28.
44 X. Lc 22,41-44.
45 X. Lc 6,12.
46 X. Lc 9,18-20.
47 X. Lc 22,32.
48 X. Mc 1,35; 6,46; Lc 5,16.
49 X. Dt 2,12.
50 X. Dt 2,15; 4,15.
51 X. Mt 11,25-27; Lc 10,21-22.
52 X. Ep 1,9.
53 X. Ga 11,41-42.
54 X. Mc 6,21.33.
55 X. Ga 17.
56 X. Tv 22,2.
57 X. Mc 15,37; Ga 19,30.
58 X. Cv 13,33.
59 X. Mt 5,23-24.
60 X. Mt 5,44-45.
61 X. Mt 6,7.
62 X. Mt 6,14-15.
63 X. Mt 6,21.25.33.
64 X. Mt 7,7-11.13-14.
65 X. Mt 21,21.
66 X. Mt 8,26.
67 X. Mt 8,10.
68 X. Mt 15,28.
69 X. Mt 7,21.
70 X. Mt 9,38; Lc 10,2; Ga 4,34.
71 X. Mc 13; Lc 21,34-36.
72 X. Lc 22,40.46.
73 X. Lc 11,5-13.
74 X. Lc 18,1-8.
75 X. Lc 18,9-14.
76 X. Ga 14,13.
77 X. Ga 14,13-14.
78 X. Ga 14,23-26 ; 15,7.16 ; 16,13-15.23-27.
79 X. Mc 1,40-41.
80 X. Mc 5,36.
81 X. Mc 7,29.
82 X. Lc 23,39-43.
83 X. Mc 2,5.
84 X. Mc 5,28.
85 X. Lc 7,37-38.
86 Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 85, 1: CCL 39,1176 (PL 36,1081); x. Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh phụng vụ, 7: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v. 1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 24.
87 X. Lc 1,38.
88 X. Cv 1,14.
89 X. Ga 2,1-12.
90 X. Ga 19,25-27.
91 X. Lc 1,46-55.