Mục 3: Trong thời của Hội Thánh (2623-2649)

2623731

Ngày lễ Ngũ Tuần, Thần Khí của Lời hứa được đổ tràn xuống các môn đệ “đang tề tựu ở một nơi” (Cv 2,1), “tất cả... đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện” để chờ đón Ngài (Cv 1,14). Thần Khí, Đấng dạy dỗ Hội Thánh và nhắc cho Hội Thánh nhớ mọi điều Chúa Giêsu đã nói,92 cũng sẽ huấn luyện Hội Thánh về đời sống cầu nguyện.

26241342

Trong cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem, các tín hữu “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Chuỗi thứ tự ấy là nét đặc thù của việc cầu nguyện của Hội Thánh: việc cầu nguyện đặt nền tảng trên đức tin tông truyền, được chứng thực bằng tình bác ái, được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể.

26251092 / 1200

Những lời cầu nguyện này trước hết là những lời các tín hữu nghe và đọc trong Sách Thánh, nhưng họ làm cho những lời ấy trở thành hiện tại, đặc biệt là những lời Thánh vịnh, do chúng được nên trọn trong Đức Kitô.93 Chúa Thánh Thần, Đấng nhắc cho Hội Thánh đang cầu nguyện nhớ đến Đức Kitô như vậy, cũng dẫn đưa Hội Thánh đến chân lý trọn vẹn và khơi dậy những mẫu kinh mới để diễn tả mầu nhiệm khôn dò của Đức Kitô, mầu nhiệm ấy đang hoạt động trong đời sống, trong các bí tích và trong sứ vụ của Hội Thánh Người. Những mẫu kinh này sẽ được khai triển trong các truyền thống phụng vụ và linh đạo quan trọng. Các hình thức cầu nguyện, như được mặc khải trong các tác phẩm của các Tông Đồ thuộc Tân Ước, sẽ mãi mãi là mẫu mực cho kinh nguyện Kitô Giáo.

I. Chúc tụng và thờ lạy (2626-2628)

26261078

Chúc tụng diễn tả động thái sâu xa nhất của việc cầu nguyện Kitô Giáo. Đó là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người; trong đó Thiên Chúa ban ơn và con người tiếp nhận, hai bên mời gọi nhau và nối kết với nhau. Lời kinh chúc tụng là lời đáp của con người đối với những hồng ân của Thiên Chúa: vì Thiên Chúa chúc lành, tâm hồn con người có thể chúc tụng để đáp lại Đấng là nguồn mạch mọi phúc lành.

26271083

Có hai dạng căn bản diễn tả động thái này: có khi là dạng đi lên, tức là lời chúc tụng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần nhờ Đức Kitô dâng lên Chúa Cha (chúng ta chúc tụng Ngài vì Ngài đã chúc lành cho chúng ta94 ); có khi là dạng đi xuống, tức là khẩn cầu ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng nhờ Đức Kitô, từ Chúa Cha mà xuống, (chính Ngài chúc lành cho chúng ta).95

26282096-2097 / 2559

Thờ lạy là thái độ đầu tiên của con người nhìn nhận mình là thụ tạo trước Đấng Tạo hóa của mình. Thờ lạy là tán dương sự cao cả của Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta96 và sự toàn năng của Đấng cứu độ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự dữ. Thờ lạy là phủ phục tinh thần trước “Đức Vua vinh quang”,97 và là lặng thinh kính cẩn trước Thiên Chúa, Đấng “luôn luôn cao cả hơn.”98 Việc thờ lạy Thiên Chúa muôn trùng chí thánh và đáng mến vô cùng làm cho lòng ta khiêm tốn và đem lại sự bảo đảm cho những lời cầu khẩn của chúng ta.

II. Lời kinh cầu xin (2629-2633)

2629396

Từ vựng diễn tả việc khẩn cầu trong Tân Ước có sắc thái phong phú đa dạng: xin, nài xin, nài nỉ, kêu cầu, kêu xin, kêu cứu và thậm chí “chiến đấu trong cầu nguyện.”99 Nhưng hình thức thông thường nhất, vì là tự phát nhất, là cầu xin. Qua lời kinh cầu xin, chúng ta bộc lộ ý thức về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa: là những thụ tạo, chúng ta không phải tự mình mà có, không làm chủ được những nghịch cảnh, cũng chẳng phải là cùng đích của đời mình. Hơn nữa, vì là Kitô hữu, chúng ta biết mình là những tội nhân đã quay lưng lại với Cha chúng ta. Cầu xin, một cách nào đó, đã là trở về với Ngài.

26302090

Tân Ước hầu như không có những lời cầu nguyện than van thường thấy trong Cựu Ước. Từ nay trở đi, trong Đức Kitô phục sinh, lời cầu nguyện của Hội Thánh mang niềm hy vọng, cho dù hiện nay chúng ta vẫn đang trông chờ và mỗi ngày vẫn còn cần hối cải. Lời kinh cầu xin của Kitô Giáo còn xuất phát từ một chiều sâu khác, từ chiều sâu được thánh Phaolô gọi là lời rên siết: tức là lời rên siết của thụ tạo “quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22); cũng là tiếng rên siết của chúng ta “còn trông đợi Thiên Chúa... cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong” (Rm 8,23-24); sau cùng là những “tiếng rên siết khôn tả” của chính Chúa Thánh Thần, Đấng “giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26).

26312838

Cầu xin ơn tha thứ là động thái đầu tiên của lời kinh cầu xin, (như lời người thu thuế: “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, Lc 18,13). Đó là bước đi đầu tiên để có thể cầu nguyện đúng đắn và tinh tuyền. Lòng khiêm tốn đầy tin tưởng phó thác đặt chúng ta vào trong ánh sáng của sự hiệp thông với Chúa Cha và Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô, và hiệp thông với nhau:100 khi đó “bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Ngài ban cho” (1 Ga 3,22). Chúng ta phải cầu xin ơn tha thứ trước khi cử hành Thánh lễ, cũng như trước khi cầu nguyện riêng.

26322816 / 1942 / 2854

Theo giáo huấn của Chúa Giêsu,101 trọng tâm lời kinh cầu xin của Kitô Giáo là sự khao khát và tìm kiếm Nước Chúa đang đến. Vì thế, cần phải có một trật tự trong lời cầu xin: trước tiên là Nước Chúa, rồi đến những gì cần thiết cho chúng ta để đón nhận và cộng tác cho Nước Chúa trị đến. Việc cộng tác như vậy vào sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, nay là sứ vụ của Hội Thánh, là đối tượng cầu xin của cộng đoàn thời các Tông Đồ.102 Kinh nguyện của thánh Phaolô, vị Tông Đồ ngoại hạng, mặc khải cho ta thấy sự quan tâm thánh thiện đến tất cả các giáo đoàn, phải gợi hứng cho kinh nguyện Kitô Giáo như thế nào.103 Bằng cầu nguyện, mọi người đã chịu Phép Rửa đều hoạt động cho Nước Chúa trị đến.

26332830

Khi tham dự vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa như thế, chúng ta cần hiểu rằng mọi nhu cầu đều có thể trở thành đối tượng của lời kinh cầu xin. Đức Kitô, Đấng đã đón nhận tất cả để cứu chuộc tất cả, được tôn vinh nhờ những lời cầu xin mà chúng ta nhân danh Người dâng lên Chúa Cha.104 Được bảo đảm nhờ điều đó nên thánh Giacôbê105 và thánh Phaolô khuyến khích chúng ta cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh.106

III. Lời kinh chuyển cầu (2634-2636)

2634432

Chuyển cầu là lời kinh cầu xin làm cho chúng ta đến gần với kinh nguyện của Chúa Giêsu. Người là Đấng chuyển cầu duy nhất nơi Chúa Cha cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho kẻ tội lỗi.107 “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,25). Chính Chúa Thánh Thần “cầu thay nguyện giúp..., bởi vì Ngài cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).

26352571 / 2577

Chuyển cầu, nghĩa là cầu xin cho những người khác, ngay từ tổ phụ Ápraham, là đặc điểm của một tâm hồn hòa nhịp với lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Trong thời của Hội Thánh, lời chuyển cầu của Kitô hữu tham dự vào lời chuyển cầu của Đức Kitô: đây là cách diễn tả mầu nhiệm các Thánh thông công. Trong lời chuyển cầu, người cầu nguyện “đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4), thậm chí họ cầu nguyện cả cho những người làm hại họ.108

26361900 / 1037

Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã nhiệt thành sống hình thức chia sẻ này.109 Thánh Tông Đồ Phaolô đã cho các cộng đoàn đó tham gia vào thừa tác vụ Tin Mừng của ngài bằng cách này110 nhưng ngài cũng chuyển cầu cho họ nữa.111 Lời chuyển cầu của các Kitô hữu không có ranh giới: “cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền” (1 Tm 2,1), cho những người bách hại,112 cho ơn cứu độ của những người từ khước Tin Mừng.113

IV. Lời kinh tạ ơn (2637-2638)

2637224 / 1328 / 2603

Tạ ơn là nét đặc trưng của kinh nguyện của Hội Thánh; Hội Thánh, khi cử hành Thánh Lễ, biểu lộ và trở thành phù hợp hơn với bản chất của mình. Thật vậy, trong công trình cứu độ, Đức Kitô giải thoát thụ tạo khỏi tội lỗi và sự chết, để thánh hiến chúng một lần nữa và quy hướng chúng về Chúa Cha để tôn vinh Ngài. Lời kinh tạ ơn của các chi thể trong Thân Thể được tham dự vào lời tạ ơn của Đức Kitô là Đầu.

2638

Cũng như trong lời kinh cầu xin, mọi biến cố và nhu cầu đều có thể trở thành lễ phẩm tạ ơn. Các thư của thánh Phaolô thường khởi đầu và kết thúc bằng một lời tạ ơn, và Chúa Giêsu luôn hiện diện trong việc tạ ơn đó. “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5,18). “Anh em hãy siêng năng cầu nguyện; hãy tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn” (Cl 4,2).

V. Lời kinh ca ngợi (2639-2643)

2639213

Ca ngợi là hình thức cầu nguyện nhìn nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa một cách trực tiếp nhất. Lời kinh ca ngợi tán dương Thiên Chúa vì chính Ngài, tôn vinh Ngài không phải vì các công trình của Ngài, nhưng bởi vì NGÀI HIỆN HỮU. Khi ca ngợi Thiên Chúa, chúng ta được thông phần hạnh phúc của những tâm hồn trong sạch, những kẻ yêu mến Ngài trong đức tin trước khi được nhìn thấy Ngài trong vinh quang. Nhờ lời kinh ca ngợi, Thần Khí kết hợp với thần trí chúng ta để chứng nhận chúng ta là con cái Thiên Chúa.114 Ngài làm chứng cho Người Con Một, trong Người, chúng ta được nhận làm nghĩa tử và nhờ Người, chúng ta tôn vinh Chúa Cha. Lời kinh ca ngợi gồm tóm các hình thức cầu nguyện khác và dâng tất cả lên Đấng là nguồn mạch và cùng đích của chúng: đó là “chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta” (1 Cr 8,6).

2640

Thánh Luca, trong sách Tin Mừng của mình, thường nhắc đến thái độ thán phục và ca ngợi trước những phép lạ của Đức Kitô. Trong sách Công vụ Tông Đồ, ngài cũng nhấn mạnh các thái độ này trước những hoạt động của Chúa Thánh Thần: lời ca ngợi của cộng đoàn Giêrusalem,115 của người bất toại được các ông Phêrô và Gioan chữa lành,116 của dân chúng tôn vinh Thiên Chúa vì việc chữa lành đó,117 của dân ngoại ở Pixiđia “vui mừng tôn vinh Lời Chúa” (Cv 13,48).

26412587

“Hãy cùng nhau đối đáp những bài Thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19).118 Như các tác giả được linh hứng của Tân Ước, các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đọc lại sách Thánh vịnh một cách mới mẻ: họ dùng các Thánh vịnh để hát mừng mầu nhiệm Đức Kitô. Dưới tác động mới mẻ của Thần Khí, họ cũng sáng tác những thánh thi và thánh ca, khởi đi từ biến cố độc đáo Thiên Chúa đã thực hiện nơi Con của Ngài: cuộc Nhập thể, cái Chết toàn thắng sự chết, sự Phục sinh và việc Lên trời ngự bên hữu Ngài.119 Chính từ “những kỳ công này” của toàn thể nhiệm cục cứu độ mà các tín hữu dâng lên lời vinh tụng ca (doxologia), ca ngợi Thiên Chúa.120

26421137

Sách Khải Huyền, lời mặc khải “về những điều sắp phải xảy đến”, có những bài thánh ca của phụng vụ thiên quốc,121 nhưng cũng có lời chuyển cầu của “các chứng nhân” (các vị tử đạo).122 Các Tiên tri và các Thánh, tất cả những người đã bị sát hại dưới trần gian để làm chứng cho Chúa Giêsu,123 đoàn người đông đảo “đã trải qua cơn thử thách lớn lao”, và đi trước chúng ta vào Nước Trời, đang hát lên lời ca ngợi vinh quang của “Đấng đang ngự trên ngai và Con Chiên.”124 Hiệp thông với các ngài, Hội Thánh trần gian cũng hát lên những bài thánh ca, trong đức tin và giữa cơn thử thách. Khi cầu xin và chuyển cầu, đức tin hy vọng, dù không còn gì để hy vọng, và tạ ơn “Chúa Cha là nguồn ánh sáng”, Đấng ban xuống “mọi hồng ân tốt lành.”125 Như thế, đức tin là một lời ca ngợi tinh tuyền.

26431330

Thánh lễ chứa đựng và diễn tả mọi hình thức cầu nguyện: đó chính là “lễ phẩm tinh tuyền” của toàn Thân thể Chúa Kitô để tôn vinh Danh Người.126 Truyền thống Đông và Tây phương đều gọi Thánh lễ là “hy lễ ca ngợi” (“sacrificium laudis”).

Tóm lược (2644-2649)

2644

Chúa Thánh Thần, Đấng dạy dỗ và nhắc cho Hội Thánh nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói, cũng dạy Hội Thánh về đời sống cầu nguyện, bằng cách gợi lên những lối diễn tả mới trong những hình thức vẫn có: chúc tụng, cầu xin, chuyển cầu, tạ ơn và ca ngợi.

2645

Vì Thiên Chúa chúc lành cho con người, nên tâm hồn con người có thể chúc tụng để đền đáp Đấng là nguồn mạch mọi phúc lành.

2646

Lời cầu xin nhằm vào các việc xin ơn tha thứ, tìm kiếm Nước Chúa, cũng như cầu xin những ơn cần thiết.

2647

Chuyển cầu là một lời cầu xin cho những người khác. Lời chuyển cầu không có biên giới và bao trùm cả kẻ thù.

2648

Mọi vui buồn, mọi biến cố và nhu cầu đều có thể là chất liệu để tạ ơn; lời tạ ơn của chúng ta được tham dự vào lời tạ ơn của Đức Kitô và lấp đầy cuộc sống của chúng ta: “Hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1 Tx 5,18).

2649

Lời kinh ca ngợi, hoàn toàn vô vị lợi, hướng về Thiên Chúa; lời kinh này hát mừng Thiên Chúa vì chính Ngài, tôn vinh Ngài không phải vì các công trình Ngài thực hiện, nhưng bởi vì NGÀI HIỆN HỮU.


Chú thích

92 X. Ga 14,26.

93 X. Lc 24,27.44.

94 X. Ep 1,3-14; 2 Cr 1,3-7; 1 Pr 1,3-9.

95 X. 2 Cr 13,13; Rm 15,5-6.13; Ep 6,23-24.

96 X. Tv 95,1-6.

97 X. Tv 24,9-10.

98 Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 62, 16: CCL 39,804 (PL 36,758).

99 X. Rm 15,30; Cl 4,12.

100 X. 1 Ga 1,7-2,2.

101 X. Mt 6,10.33; Lc 11,2.13.

102 X. Cv 6,6; 13,3.

103 X. Rm 10,1; Ep 1,16-23; Pl 1,9-11; Cl 1,3-6; 4,3-4.12.

104 X. Ga 14,13.

105 X. Gc 1,5-8.

106 X. Ep 5,20; Pl 4,6-7; Cl 3,16-17; 1 Tx 5,17-18.

107 X. Rm 8,34; 1 Ga 2,1; 1 Tm 2,5-8.

108 Thánh Têphanô, theo gương Chúa Giêsu, đã cầu nguyện cho các lý hình của mình: x. Cv 7,60; Lc 23,28.34.

109 X. Cv 12,5; 20,36; 21,5; 2 Cr 9,14.

110 X. Ep 6,18-20; Cl 4,3-4; 1 Tx 5,25.

111 X. 2 Tx 1,11; Cl 1,3; Pl 1,3-4.

112 X. Rm 12,14.

113 X. Rm 10,1.

114 X. Rm 8,16.

115 X. Cv 2,47.

116 X. Cv 3,9.

117 X. Cv 4,21.

118 X. Cl 3,16.

119 X. Pl 2,6-11; Cl 1,15-20 ; Ep 5,14; 1Tm 3,16; 6,15-16; 2 Tm 2,11-13.

120 X. Ep 1,3-14; 3,20-21; Rm 16,25-27; Gđ 24-25.

121 X. Kh 4,8-11; 5,9-14; 7,10-12.

122 X. Kh 6,10.

123 X. Kh 18,24.

124 X. Kh 19,1-8.

125 X. Gc 1,17.

126 X. Ml 1,11.

Mục 2: Khi thời gian viên mãn (2598-2622)CHƯƠNG II: TRUYỀN THỐNG CẦU NGUYỆN (2650-2696)