CHƯƠNG III: TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN (683-1065)

683424 / 2670 / 152 / 249

“Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’” (Gl 4,6). Sự nhận biết đó của đức tin chỉ có thể có được trong Chúa Thánh Thần. Để được hiệp thông với Đức Kitô, trước hết cần phải được Chúa Thánh Thần đánh động. Ngài đến với chúng ta trước và khơi dậy đức tin trong chúng ta. Nhờ phép Rửa Tội của chúng ta, là bí tích đầu tiên của đức tin, mà sự sống, vốn bắt nguồn nơi Chúa Cha và được ban cho chúng ta trong Chúa Con, được truyền thông một cách thân mật và cá vị bởi Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh:

Bí tích Rửa Tội “ban cho chúng ta ơn tái sinh trong Chúa Cha, nhờ Con của Ngài, trong Chúa Thánh Thần. Bởi vì những ai mang Thần Khí Thiên Chúa, thì được dẫn đến với Ngôi Lời, nghĩa là đến với Chúa Con; nhưng Chúa Con trình diện họ với Chúa Cha và Chúa Cha ban cho họ sự bất diệt. Vì vậy, không có Thần Khí thì không thể thấy Con Thiên Chúa, và không có Chúa Con thì không ai có thể đến gần Chúa Cha, bởi vì Chúa Con là sự nhận biết Chúa Cha, và sự nhận biết Con Thiên Chúa là nhờ Chúa Thánh Thần.”1

684236

Chúa Thánh Thần, bằng ân sủng của mình, là Đấng đầu tiên trong việc khơi dậy đức tin của chúng ta và trong sự sống mới, sự sống đó là nhận biết Chúa Cha và Đấng Chúa Cha đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô.2 Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần lại là Đấng cuối cùng trong cuộc mặc khải các Ngôi Vị trong Ba Ngôi Chí Thánh. Thánh Grêgôriô thành Nazien, “Nhà thần học”, giải thích tiến trình này qua đường lối sư phạm là “sự hạ cố” của Thiên Chúa:

“Cựu Ước đã giảng dạy một cách tỏ tường về Chúa Cha, nhưng một cách hơi lờ mờ về Chúa Con. Rồi Tân Ước cho chúng ta thấy cách rõ ràng về Chúa Con, và trình bày một cách lờ mờ nào đó về thần tính của Chúa Thánh Thần. Còn bây giờ, chính Thần Khí ngự giữa chúng ta và công bố cho chúng ta một cách tỏ tường hơn về Ngài. Quả vậy, sẽ là không khôn ngoan, nếu thần tính của Chúa Cha chưa được tuyên xưng, mà đã giảng dạy cách tỏ tường về Chúa Con; và nếu thần tính của Chúa Con chưa được đón nhận, thì việc giảng dạy về Chúa Thánh Thần, nói một cách quá đáng, là như chất thêm một gánh khá nặng cho chúng ta:... Nhờ những tiếp cận âm thầm thích hợp hơn và... những tiến dần lên, rồi những phát triển và tăng tiến ‘từ sự sáng sủa này đến sự sáng sủa khác’, ánh sáng của mầu nhiệm Ba Ngôi chiếu tỏa những tia sáng rạng ngời.”3

685236

Vì vậy, tin vào Chúa Thánh Thần là tuyên xưng rằng Ngài là Một trong Ba Ngôi Chí Thánh, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, “được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.”4 Do đó, vấn đề về mầu nhiệm thần linh của Chúa Thánh Thần đã được trình bày trong “thần học về Ba Ngôi.” Vì vậy ở đây, chúng ta chỉ bàn về Chúa Thánh Thần trong “Nhiệm cục” thần linh.

686258

Chúa Thánh Thần cùng hoạt động với Chúa Cha và Chúa Con từ lúc khởi đầu cho đến khi hoàn tất kế hoạch cứu độ chúng ta. Nhưng chỉ trong “thời sau hết”, bắt đầu từ cuộc Nhập Thể cứu chuộc của Chúa Con, Chúa Thánh Thần mới được mặc khải và truyền thông, được nhận biết và đón nhận với tư cách là một Ngôi Vị. Lúc đó kế hoạch của Thiên Chúa, được hoàn thành trong Đức Kitô, Đấng là “Trưởng tử” và là Đầu của công trình tạo dựng mới, đã có thể được thành hình cụ thể trong nhân loại nhờ việc tuôn đổ Thần Khí: Hội Thánh, các Thánh thông công, phép tha tội, xác phàm sẽ sống lại, và sự sống đời đời.


Đề mục


Chú thích

1 Thánh Irênê, Demonstratio praedicationis apostolicae, 7: SC 62,41-42.

2 X. Ga 17,3.

3 Thánh Grêgôriô thành Nazien, Oratio 31 (Theologica 5), 26: SC 250,326 (PG 36,161-164).

4 Tín biểu Nicêa - Constantinôpôli: DS 150.

Mục 7: “Ngày sau bởi trời”, Người “lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết” (668-682)Mục 8: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” (687-747)