III. LỜI LẼ CỦA ÔNG Ê-LI-HU
Ông Ê-li-hu can thiệp
1 Ba người này thôi không trả lời ông Gióp, vì họ nghĩ ông là người công chính.2 Nhưng ông Ê-li-hu, con ông Ba-rác-ên, người Bút, thuộc thị tộc Ram đã nổi giận với ông Gióp, vì ông này dám cho mình công chính hơn Thiên Chúa.3 Ông Ê-li-hu cũng nổi giận với ba người bạn vì họ đã không tìm được câu trả lời nào đáp lại ông Gióp, mà còn lên án Thiên Chúa nữa.
4 Đang khi họ tranh luận với ông Gióp, thì ông Ê-li-hu chờ, vì họ nhiều tuổi hơn ông.5 Nhưng khi thấy ba người không còn thốt ra câu trả lời nào nữa, thì ông Ê-li-hu nổi giận.6 Ông Ê-li-hu, con ông Ba-rác-ên, người Bút, lên tiếng nói:
Lời mở đầu
Tôi là một người trẻ, còn các ông là những người già,
vì thế, tôi ngại ngùng sợ hãi
không dám bày tỏ sự hiểu biết của tôi với các ông.
7 Tôi tự nhủ: “Kẻ già mới có quyền ăn nói,
người cao tuổi mới dạy lẽ khôn ngoan.”
8 Nhưng thật ra sinh khí trong con người,
tức hơi thở của Đấng Toàn Năng, mới làm cho hiểu biết.
9 Không phải tuổi tác làm cho người ta được khôn ngoan,
và chưa chắc người già cả đã phân biệt được phải trái.
10 Vì thế tôi nói: “Xin hãy nghe tôi,
tôi đây sẽ bày tỏ sự hiểu biết của mình.”
11 Này tôi đã chờ đợi lời lẽ của các ông,
đã mở tai nghe các ông lý luận;
đang lúc các ông tìm tòi chữ nghĩa.
12 Tôi đã chú ý theo dõi các ông,
nhưng chẳng ai bắt bẻ được ông Gióp,
không người nào đối đáp nổi lời lẽ của ông.
13 Vậy các ông đừng nói: “Chúng tôi đã tìm được khôn ngoan,
chính Thiên Chúa dạy dỗ chúng tôi
chứ không phải người phàm!”
14Tôi sẽ không chuẩn bị lời lẽ,không theo kiểu các ông mà trả lời ông Gióp.
15 Họ sững sờ, không trả lời nữa, họ không có đủ lời.
16 Tôi chờ đợi vì họ không nói,
họ ngưng lại và không trả lời nữa.
17 Đến lượt tôi, tôi sẽ trả lời,
phần tôi, tôi sẽ bày tỏ sự hiểu biết của tôi.
18 Quả thật, tôi đầy ứ lời lẽ, thần khí ở trong tôi thúc giục tôi nói.
19 Phải, lòng dạ tôi như rượu ứ đầy, làm nứt vỡ các bầu da mới.
20 Tôi muốn nói cho lòng vơi nhẹ, nên mở miệng cất tiếng trả lời.
21 Tôi sẽ không về phe ai cả,
cũng chẳng tâng chẳng bốc một người nào.
22 Tôi đâu biết tâng bốc; chẳng vậy, Đấng đã làm ra tôi
sẽ cất tôi đi trong khoảnh khắc.
G 12,12; 15,10; Hc 25,4-6
r. Nhân vật Ê-li-hu không được nói đến ở phần mở đầu cũng như ở đoạn kết. Vì thế, có nhiều người cho rằng tác giả phần đối thoại bằng thi ca đã chen nhân vật này vào. Nhân vật này thể hiện chính con người tác giả. Ta có thể phân đoạn như sau: Ch. 32 giới thiệu ông Ê-li-hu và lời mở đầu của ông. Ch. 33 khuyên bảo ông Gióp; ch. 34 nói với ba người bạn của ông Gióp; ch. 35 nói với ông Gióp và ba người bạn về tính siêu việt và quan phòng của Thiên Chúa. Các chương 36,1–37,13 nói đến Thiên Chúa là nhà giáo dục, là Chúa Tể của vũ trụ. 37,14-24 chuyển tiếp sang phần Thiên Chúa dạy bảo.
Tư tưởng của ông Ê-li-hu không có gì mới lạ, mà chỉ lặp lại quan điểm của ba người bạn của ông Gióp. Vì thế, có người nghĩ rằng, nếu có bỏ các chương 32-37 này đi, sách Gióp cũng không thiếu, tư tưởng vẫn mạch lạc.
s. Bút là một thị tộc có họ hàng với thị tộc Út của ông Gióp.
t. Tên một người trong số con cháu của ông Giu-đa (x. R 4,19; 1 Sb 2,9-10.25.27).
u. Lời mở đầu (32,6b-22) gồm hai phần: ông Ê-li-hu trách các người bạn không bắt bẻ được ông Gióp (32,6b-13). Sau đó ông Ê-li-hu độc thoại (32,14-22) với vẻ tự cao.
v. So với ba người bạn già của ông Gióp, thì ông Ê-li-hu quá trẻ. “Kính lão đắc thọ”, ông đã giữ im lặng nghe ba vị này nói xong, rồi mới lên tiếng.
x. Đó là quan niệm thông thường. Nhưng có những người được đặc sủng, như vua Sa-lô-môn, cậu Đa-ni-en, để tỏ bày khôn ngoan của Thiên Chúa cho người khác.
y. Hay Thần Khí của Thiên Chúa vừa ban sự sống (x. 27,3; 33,4; St 2,7) vừa ban khôn ngoan, hay bất cứ khả năng đặc biệt nào (x. St 41,8; Xh 31,3; Ds 27,18; Is 11,2; Đn 5,12-13).
a. X. 12,12; 15,10; Hc 25,2-6. Khôn ngoan không nhất thiết đồng hành với tuổi già. Lòng đạo mới thực sự tiếp nhận khôn ngoan đích thực, vì khôn ngoan đến từ Thiên Chúa (x. Cn 1,7; 2,6; 10,31; 15,33; Kn 1,5-7; 7,22-23; 9,17; 1 Cr 2,6). Ông Ê-li-hu cũng như tác giả Tv 119,99 cảm thấy được hiểu biết hơn bậc lão thành, vì Thiên Chúa đã mặc khải cho ông.
b. Châm biếm các bạn của ông Gióp. Họ không tìm được lý chứng chắc chắn để bắt bẻ ông Gióp.
c. Thái độ tự cao tự đại của ông Ê-li-hu coi thường ba người bạn.
d. Cc. 18-20 cho thấy ông Ê-li-hu không thể im lặng được nữa; ông buộc phải nói cho vơi nhẹ tâm hồn.
đ. Theo công tâm mà nói, chứ không nể nang.