1 Vậy, tôi đã quyết định không trở lại với anh em trong lúc ưu phiền.2 Thật thế, nếu chính tôi gây ưu phiền cho anh em, thì ai là người làm cho tôi vui được, nếu không phải là kẻ ưu phiền vì tôi?3 Tôi đã viết trong thư như vậy là để khi đến, tôi khỏi phải ưu phiền vì chính những người đáng lẽ phải làm cho tôi vui, bởi vì đối với tất cả anh em, tôi xác tín rằng niềm vui của tôi cũng là niềm vui của tất cả anh em.4 Thật thế, tôi đã vô cùng đau khổ, con tim se thắt, nước mắt chan hòa khi viết cho anh em: tôi viết không phải để gây ưu phiền, nhưng là để cho anh em biết tôi hết lòng yêu mến anh em.
5 Nếu có ai đã gây ưu phiền, thì không phải là gây ưu phiền cho tôi, mà cho tất cả anh em, một phần nào đó – nói thế, kẻo sợ quá lời.6 Con người đó bị số đông phạt như thế là đủ rồi.7 Vì vậy, tốt hơn, anh em phải tha thứ và an ủi, kẻo người đó bị chìm đắm trong nỗi ưu phiền quá mức chăng.8 Cho nên, đối với người đó, tôi khuyên anh em hãy đặt tình bác ái lên trên hết.9 Thật thế, sở dĩ tôi đã viết thư cho anh em, là để thử anh em, xem anh em có vâng phục về mọi mặt chăng.10 Anh em tha thứ cho ai, thì tôi cũng tha thứ cho người ấy. Và nếu tôi đã tha thứ –trong trường hợp phải tha thứ–, thì cũng là vì anh em, trước mặt Đức Ki-tô,11 kẻo chúng ta bị Xa-tan phỉnh gạt, vì chúng ta không lạ gì ý đồ của nó.
Từ Trô-a đến Ma-kê-đô-ni-a. Viết ra ngoài đề: về sứ vụ tông đồ.
12 Khi tôi đến Trô-a rao giảng Tin Mừng Đức Ki-tô, dù cửa đã mở cho tôi để làm việc Chúa,13 nhưng tôi vẫn không yên lòng, vì không gặp Ti-tô, người anh em của tôi. Tôi từ giã những người ở đó để đi Ma-kê-đô-ni-a.
14 Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Ki-tô, tạ ơn Người là Đấng đã dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Đức Ki-tô, như hương thơm, lan tỏa khắp nơi.15 Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Ki-tô dâng kính Thiên Chúa, tỏa ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất.16 Đối với những người bị hư mất, chúng tôi là mùi tử khí đưa đến tử vong; nhưng đối với những người được cứu độ, chúng tôi lại là hương sự sống đưa đến sự sống. Nhưng ai là người có khả năng thực hiện những điều ấy?17 Thật thế, chúng tôi không phải như nhiều người, những kẻ xuyên tạc Lời Chúa, mà với tư cách là những người trung thực, được Thiên Chúa sai đi, chúng tôi lên tiếng trước mặt Người, trong Đức Ki-tô.
2 Cr 7,16; 10,6; Mt 10,40
e. Ám chỉ chuyến thăm viếng gây đau lòng của thánh Phao-lô tại Cô-rin-tô trước khi viết 2 Cô-rin-tô. X. phần dẫn nhập vào hai thư Cô-rin-tô.
g. Thánh Phao-lô đã bị xúc phạm trầm trọng: chắc có người (dường như trong giới Do-thái) chống đối ngài hoặc người đại diện ngài, hoài nghi tư cách tông đồ và quyền giảng dạy của ngài hoặc của người đại diện ấy. Thánh Phao-lô sẵn sàng tha thứ, nhưng trước đó, cần phải làm sáng tỏ sự việc.
h. Ám chỉ bức thư nghiêm khắc, viết trong nước mắt. Xem thêm 7,8 và phần dẫn nhập vào hai thư Cô-rin-tô.
i. Đối với tất cả anh em, có bản dịch: một khi đã biết chắc anh em là người như thế nào rồi.
k. Ở đây và c. 6 sau: x. c. 2+.
l. Ở đây, có thể nhắc luật Cum-ran, trong đó số đông là một kiểu nói Híp-ri, chỉ cộng đoàn.
m. Trước những lỗi lầm nghiêm trọng, các cộng đoàn thời sơ khai đã phải đi tới những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc, chẳng hạn thánh Phao-lô đã ra lệnh loại trừ người mắc tội loạn luân: 1 Cr 5,1-13 (x. Mt 18,15-17; 1 Cr 11,30-32; 3 Ga 10). Nhưng tình bác ái phải làm dịu bớt những biện pháp ấy.
n. Xa-tan muốn mê hoặc người Ki-tô hữu và lôi kéo họ ra khỏi con đường chân lý (Lc 22,31; Rm 16,17-20; 2 Cr 6,14-16; 11,3-15).
o. Chính ở đây, đang trong chuyến đi truyền giáo lần thứ hai, mà thánh Phao-lô đã được thị kiến, thấy một người xứ Ma-kê-đô-ni-a mời ngài sang lục địa Âu Châu (Cv 16,8-11). Thánh Phao-lô sẽ trở lại Trô-a trong chuyến đi lần thứ ba (Cv 20,5-12). Đàng khác, 2 Tm 4,13 cho biết là tại đó, thánh nhân đã để lại chiếc áo choàng và những bản thảo của ngài tại nhà ông Các-pô. Trô-a này là cửa khẩu chứ không phải thành phố trùng tên trong đất liền. Mục đích chủ yếu của chuyến đi này là đón ông Ti-tô (x. 7,5-6).
p. ds: cửa đã mở cho tôi trong Chúa. Dịch như trên là dựa vào 1 Cr 16,9. X. chú thích i) của câu này.
q. Ông Ti-tô vốn là người ngoại giáo, đã trở thành Ki-tô hữu có lẽ nhờ thánh Phao-lô (x. Tt 1,4). Ông là bạn đường của thánh nhân trong chuyến đi thứ hai tới Giê-ru-sa-lem (Gl 2,1). Thánh Phao-lô giao cho ông trọng trách đi Cô-rin-tô để dàn xếp những vụ lộn xộn xảy ra ở đó, và ông đã hoàn toàn thành công (7,7). Sau đó không lâu, thánh Phao-lô còn gửi ông trở lại Cô-rin-tô xúc tiến cuộc lạc quyên. Đến năm 63-64, ông sẽ đứng đầu các giáo đoàn mà sau khi ra khỏi ngục Rô-ma lần thứ nhất, thánh Phao-lô đã thành lập tại đảo Kê-ta. Chính tại đây, ông đã nhận được bức thư mang tên ông, trong đó thánh Phao-lô gọi ông đến gặp ngài tại Ni-cô-pô-li (Tt 3,12). Trong thời gian thánh Phao-lô ngồi tù lần thứ hai ở Rô-ma, ông Ti-tô ở tại Đan-ma-ti-a (2 Tm 4,10). Hình như ông là người đồng nghiệp ưu tú của thánh Phao-lô, một người khôn khéo và có tính tình cương nghị.
r. Đến 7,5 mới bắt đầu lại phần tiếp lô-gích của 2,12-13 trên. Do đó, có người cho 2,14–7,4 là một bức thư riêng biệt. Nhưng cũng có thể hiểu đây chỉ là một ý trong ngoặc, một đoạn tán rộng (chỉ có điều đoạn này dài bất thường), trong đó thánh Phao-lô nói về thừa tác vụ tông đồ của ngài. Trường hợp này cho thấy rõ tác giả nói miệng và có người chép (x. Dẫn nhập tổng quát vào các thư thánh Phao-lô).
s. Cc. 14-16 mượn ý và hình ảnh của những nghi lễ đón mừng đoàn quân Rô-ma thắng trận khải hoàn. Đám rước có những nô tỳ đi theo đốt hương cho bay tỏa trước vị anh hùng đắc thắng. Đi đầu đám rước là đoàn tù binh; sau nghi lễ, thường thì người ta đem họ đi hành quyết. Các hình ảnh trong đoạn này nhắc lại tập tục đó. Thánh Phao-lô hình dung Đức Ki-tô Phục Sinh như vị tướng lãnh thắng trận, với đoàn người làm cho hương thơm lan tỏa, những người được tham dự cuộc khải hoàn của Người, cũng như những kẻ sẽ bị hư mất.