1 Bởi thế, vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí.2 Trái lại, chúng tôi khước từ những cách hành động ám muội, đáng xấu hổ, và không dùng mưu mô mà xử trí, cũng chẳng xuyên tạc lời Thiên Chúa; nhưng chúng tôi giãi bày sự thật, và bằng cách đó, chúng tôi để cho lương tâm mọi người phê phán trước mặt Thiên Chúa.3 Tin Mừng chúng tôi rao giảng có bị che khuất, thì chỉ bị che khuất đối với những người hư mất,4 đối với những kẻ không tin. Họ không tin, vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Ki-tô, là hình ảnh Thiên Chúa.5 Bởi chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Ki-tô Giê-su là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giê-su.6 Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Ki-tô.
Gian truân và hy vọng trong công việc tông đồ
7 Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.8 Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng;9 bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt.10 Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.11 Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.12 Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.
13 Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói.14 Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em.15 Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.
16 Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới.17 Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.18 Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.
Ga 8,12; Hr 1,3; 1 Pr 2,9
2 Cr 4,16; 1 Cr 4,9-13; Pl 3,10
Mt 5,11-12; Rm 7,22; 8,18; 1 Pr 1,6
2 Cr 5,7; Rm 8,24-25; Hr 11,1-3
m. ds chỉ có: chúng tôi được công việc phục vụ này do lòng thương xót.
n. Thánh Phao-lô khai triển xác tín này trong cc. 8-11. Không có gì ngăn cản Đức Ki-tô biểu lộ sự sống của Người (4,16).
o. ds: những giấu giếm của sự hổ ngươi. Có lẽ phải hiểu là tính nhát đảm, không dám đưa ra những điều trong Tin Mừng có thể gây khó khăn cho mình.
p. Thánh Phao-lô tiếp tục trong chiều hướng này sau khi khẳng định lòng thành của mình đã nói rõ trên đây (2,17).
q. ds: thần của đời này, nghĩa là Xa-tan (x. 1 Cr 2,6). Ở đây dịch rõ ra ác thần. Đời này chỉ thế giới hiện tại, mang dấu vết của tội lỗi và xa cách Thiên Chúa, đối lập với đời sau (sẽ đến). Đây là chỗ duy nhất Xa-tan được gọi là thần (từ Hy-lạp ho theos).
r. Hình ảnh gợi lên ở đây phải được hiểu gắn liền với c. 6 nhắc lại cuộc Sáng Thế. Trong câu đó, thánh Phao-lô thấy Đức Ki-tô tiêu biểu cho con người tuyệt diệu, hình ảnh tuyệt tác của Thiên Chúa (x. Cl 1,15).
s. Công thức Đức Giê-su Ki-tô là Chúa là lời tuyên xưng đức tin căn bản: x. 1 Cr 12,3; 2 Cr 1,2.
t. Câu này không dẫn sát St 1,3, nhưng được thích nghi, theo lối các thầy ráp-bi.
u. Dịch cách khác: chính Người rực sáng trong lòng trí chúng tôi.
v. Bình sành ngụ ý tính chất yếu đuối của con người Phao-lô (x. 12,7-10). Cũng có thể liên tưởng đến thể xác con người nặn từ bụi đất trong St 2,7 (x. 1 Cr 15,47). Có lẽ do đó có thành ngữ nhà đạo xác đất vật hèn.
x. Những từ dùng trong cc. 8-9 là mượn của ngôn ngữ môn đô vật, kể ra các giai đoạn của cuộc vật lộn, trong đó, nếu không có Chúa, người Tông Đồ sẽ bị quật ngã và đẩy vào chỗ chết.
y. ds: những đau khổ đưa đến cái chết.
a. X. 1,5+. Nhiều lần, thánh Phao-lô nhắc đến những nỗi khổ trong đời sống tông đồ của ngài, coi như cái giá phải trả để hoạt động tông đồ thu hoạch nhiều hoa trái.
b. Ở đây, khác với 5,10, tác giả nhấn mạnh đến vinh quang của người tín hữu (x. 1 Cr 6,14) hơn là đến việc xét xử.
c. Ở Rm 7,22, thánh Phao-lô dùng từ con người bên trong để chỉ con người có lý trí và thông minh. Ở đây, ngài cho đối lập: một bên là tăng trưởng thiêng liêng, một bên là suy tàn thể xác. Và con người bên ngoài thì tương tự con người cũ trong Ep 4,22 và Cl 3,9. Thánh Phao-lô đối chiếu khi thì con người bên trong – con người bên ngoài (như ở đây), khi thì trong thân xác – ngoài thân xác (12,2), khi thì con người cũ – con người mới (Ep 4,22-24). Tuy không hẳn hoàn toàn tương đương, những cụm từ đó nói lên sự biến chuyển thể hiện trong con người do sự hiện diện sáng tạo của Đức Ki-tô.
d. Bản Hy-lạp dùng hai chữ báros doxês để nói lên hai ý hàm chứa trong chữ Híp-ri Käbôd: vừa là trọng lượng, hiển hách, uy nghi, vừa là vinh quang. Vì thế, ở đây dịch ra là một khối vinh quang.
đ. Thật ra, câu này đối chiếu không phải vô hình với hữu hình, cho bằng đối chiếu điều mắt đã nhìn thấy với điều lòng vẫn ước mong mà chưa xuất hiện.