Chương XVI. Nhiệt thành vì Vinh quang Thiên Chúa và Ơn cứu độ cho các linh hồn

Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” — Lc 12,49


Chúng ta đã thấy rằng tình yêu đối với người thân cận không gì khác hơn chính là sự mở rộng của tình yêu đối với Thiên Chúa. Do đó, đây là vấn đề của cùng một tình yêu siêu nhiên, đối thần và về cơ bản là thần linh. Trong linh hồn của một tu sĩ, tình yêu này phải trở nên nồng nàn và mãnh liệt đến mức đáng được gọi là lòng nhiệt thành. Đối với một linh hồn được thánh hiến cho Thiên Chúa, việc nuôi dưỡng lòng nhiệt thành vì vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ cho các linh hồn là một bổn phận, một nghĩa vụ không thể không có. Về cơ bản, đây luôn là vấn đề về cùng một lòng nhiệt thành, về ngọn lửa của cùng một tình yêu.

Động cơ

Chúng ta phải làm cho lòng nhiệt thành này gia tăng ở nơi mình, vì việc tuyên khấn đòi buộc chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu và vì chúng ta thuộc về một Dòng tu được sáng lập chủ yếu vì ơn cứu độ cho các linh hồn.

Chúng ta phải nuôi dưỡng lòng nhiệt thành này nếu chúng ta muốn noi gương Chúa. Nhân đức nổi bật của Thánh Tâm rõ ràng là đức ái, nhưng đó là một đức ái mãnh liệt và nồng nàn, đồng thời, cũng là lòng nhiệt thành vì vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ cho các linh hồn. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”

Chúa chúng ta đã có thể gọi lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa là lương thực của Người. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34), là tôn vinh Cha, là làm cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện. Và ý muốn của Chúa Cha cần được thể hiện chính là sự thánh hóa đối với những linh hồn được mời gọi nhận biết Người, yêu mến Người trên hết mọi sự và tôn vinh Người khi nhận được hạnh phúc vĩnh cửu từ Người.

Có thể nói, Chúa chúng ta đã bị nuốt chửng bởi lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa và với các linh hồn trong suốt cuộc đời Người—cách đặc biệt là giây phút trên Thập Giá—và Người vẫn như vậy luôn mãi trong Bí tích Thánh Thể. Trong cuộc đời trần thế của mình, Người đã biểu lộ Danh Thiên Chúa cho nhân loại, mặc khải Thiên Chúa là Cha chung của mọi người bất kể giai cấp hay dân tộc; Người đã mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa như ánh sáng đến thế gian để chiếu soi mọi người và đặc biệt vui thích khi được soi sáng cho những người bé mọn và khiêm nhường; Người mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa là tình yêu và lòng thương xót, Đấng luôn đoái nhìn chúng ta để chữa lành chúng ta. Người tuyên bố rằng các quyền của Thiên Chúa là nền tảng của mọi công lý, nhất là quyền được nhận biết, yêu mến và tôn vinh của Người.

Người tuyên bố rằng sự dữ nghiêm trọng nhất là việc xúc phạm đến Cha của Người là Đấng vô cùng tốt lành. Sự xúc phạm có sức nặng vô hạn này, thứ kéo dài từ quá khứ đến tương lai, thứ mà Người chịu nó đâm thâu và cảm nhận cách sâu sắc, là nỗi đau khổ lớn lao trong cuộc đời Người. Nếu con cái phải chịu đau khổ theo bản năng vì sự xúc phạm mà người ta nhắm đến cha mình, thì Chúa chúng ta hẳn đau khổ biết bao—đặc biệt là khi Người thấy sự xúc phạm này lại đến từ chính chúng ta, là những kẻ mà Người muốn cứu độ!

Người sẵn sàng dâng mình làm vật hiến tế thay cho chúng ta để đền tạ và xin ơn tha thứ cho chúng ta. Trên Thập Giá, Người đã gánh lấy tội lỗi của mọi kẻ thù đối với Người và đối với Chúa Cha; Người chịu đau khổ vì tội lỗi của chúng ta như thể chính Người đã phạm tội—dù Người hằng tìm kiếm vinh quang cho Thiên Chúa với khát khao cháy bỏng. Và Người đã dâng nỗi đau khôn tả này lên Chúa Cha vì chúng ta như một sự đền tạ lớn lao tương xứng với Thiên Chúa. Sự xúc phạm này không thể ngừng tồn tại cho đến khi loài người đang xa cách Thiên Chúa được dẫn đưa trở lại với Người vì ơn cứu độ cho họ và vinh quang cho chính Chúa; vì lý do này, trên Thập Giá, Chúa Giêsu khao khát linh hồn chúng ta, thậm chí đến mức chết vì chúng.

Khi Thánh Catarina thành Siêna hỏi Chúa: “Lạy Chúa, nỗi đau khổ lớn nhất của Chúa là gì, nỗi đau thể xác hay nỗi đau khao khát?” Chúa Giêsu đã trả lời thánh nữ cách vô cùng dịu dàng: “Này con, giữa cái hữu hạn và cái vô hạn thì không thể có sự so sánh. Con hãy xem nỗi đau thể xác của Ta là hữu hạn, còn khao khát về ơn cứu độ cho các linh hồn là vô hạn. Ta đã cảm được cơn khát cháy bỏng này, thập giá của khao khát này, suốt cuộc đời Ta. Đối với Ta, nó còn đau hơn tất cả những nỗi đau mà thân xác phải gánh chịu. Nhưng khi thấy giây phút cuối cùng đang đến gần, Linh hồn Ta đã rất vui mừng, các đặc biệt là vào bữa Tiệc ly tối Thứ Năm Tuần Thánh, khi Ta nói: ‘Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình,’ nghĩa là hiến tế thân xác của Ta cho Cha. Ta đã có một niềm vui, một niềm an ủi lớn lao khi đó, vì Ta thấy đã đến lúc thập giá khao khát này chấm dứt; và càng gần với ngọn roi và những cực hình khác trên thân xác, Ta càng cảm thấy nỗi đau trong mình vơi đi. Nỗi đau của thân xác đã làm cho nỗi đau của khao khát tan biến, vì Ta đã thấy điều mình khao khát sắp sửa được hoàn tất. Với cái chết trên Thập Giá, nỗi đau của khao khát thánh thiện đã chấm dứt, trong khi khao khát và cơn đói cồn cào về ơn cứu độ cho các con vẫn còn. Nếu tình yêu mà Ta dành cho các con bị dập tắt, các con sẽ không còn hiện hữu nữa, vì chỉ có tình yêu này mới bảo tồn sự sống của các con.”

Trong Bí tích Thánh Thể, cũng có lòng nhiệt thành như vậy đối với Thiên Chúa và đối với nhân loại. Trên bàn thờ và trong Nhà tạm, Chúa Giêsu là Đấng tôn thờ Vương quyền của Chúa Cha cách tuyệt vời hơn cả. Vì thế, ngay cả trong ngôi làng nhỏ bé nhất, Thiên Chúa cũng được tôn thờ không ngừng nghỉ. Ngày hay đêm, khi các tín hữu làm việc hay nghỉ ngơi, vẫn có một Đấng không ngừng dâng lên Thiên Chúa sự thờ phượng và tôn thờ tương xứng với Người, bởi lẽ Chúa chúng ta, Đấng hằng sống, không ngừng cầu bầu cho chúng ta và dâng hiến chính Mình Người làm của lễ hiến tế để đền bù cho những sự xúc phạm của chúng ta. Cũng trong Bí tích tình yêu này, Thánh Tâm bày tỏ niềm khát khao đối với linh hồn chúng ta. Mỗi ngày, Người ban chính Người cho chúng ta như lương thực, để thánh hóa chúng ta ngày một nhiều hơn và để đồng hóa chúng ta với Người.

“Vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người” (Cn 8,31). Người xin chúng ta tình yêu như thể Người cần có chúng ta, trong khi chính chúng ta không thể làm được gì nếu không có Người. Người trở thành chỗ dựa và niềm an ủi cho hàng ngàn linh hồn nhiệt thành, từ nhà truyền giáo dám liều mạng để loan báo Tin Mừng, cho đến nữ tín hữu bình thường, người buộc phải sống giữa thế gian và đôi khi, trong những môi trường rất không lành mạnh, nhưng vẫn đều đặn đến tham dự Thánh lễ mỗi sáng và tìm kiếm sức mạnh khi Rước lễ để tự bảo vệ mình khỏi những cám dỗ đang bủa vây.

Việc tuyên khấn buộc chúng ta phải bắt chước lòng nhiệt thành cháy bỏng này của Chúa Giêsu. Thánh Catarina thành Siêna nói: “Tôi muốn thấy các bạn đau khổ thật nhiều vì khao khát ơn cứu độ cho các linh hồn đến nỗi có thể chết vì họ như Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất, có thể chết đi cho thế gian và cho chính các bạn một cách hoàn hảo.”

Chúng ta cũng phải nuôi dưỡng lòng nhiệt thành này vì chúng ta thuộc về một Dòng tu được sáng lập chủ yếu vì ơn cứu độ cho con người. Chúng ta nên nhớ lại gương Thánh phụ Đa Minh của chúng ta, nhớ lại lời cầu nguyện liên lỉ, những lần đánh tội ban đêm và việc ngài không ngừng rao giảng ngay giữa những khó khăn cực độ do những kẻ lạc giáo gây ra.

Lòng nhiệt thành cháy bỏng này khiến ngài nói với kẻ thù của mình, những kẻ mà ngài đã không chủ động trốn khỏi tay chúng: “Nếu các người bắt được tôi, tôi cầu xin các người đừng giết tôi bằng một đòn chí mạng, nhưng hãy chặt từng chi thể của tôi, và sau khi đặt chúng trước mặt tôi, hãy móc mắt tôi và để tôi ngập trong máu.” Toàn bộ tâm hồn của ngài nằm trọn trong tiếng kêu anh hùng này, nó nhắc nhở chúng ta về lòng nhiệt thành của vị tử đạo vĩ đại, Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, người đã khao khát bị thú dữ ăn thịt vì vinh quang của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cũng nên nhớ lại lòng nhiệt thành của Thánh Catarina thành Siêna đối với một số người thường vô ơn, lăng mạ và vu khống ngài.

Sự mở rộng

Chúng ta phải đặc biệt hướng lòng nhiệt thành này đến ơn cứu độ cho những người đồng bào trên quê hương chúng ta. Ngày nay, càng lúc càng có nhiều người tách mình khỏi Thiên Chúa và Chúa Kitô. Không có đức tin, đức cậy và đức ái, họ không có mối quan tâm nào khác ngoài những thú vui và của cải trần thế. Họ phạm tội như uống nước lã mà hầu như không nhận thức được gì, họ hùa nhau chạy tới chốn đọa đày mà lòng dửng dưng, lãnh cảm. Có vô số những người tội nghiệp, bị lừa dối, đang say sưa vui đùa bên miệng vực thẳm mà chẳng hay có thể bị nó nuốt chửng mãi mãi bất cứ lúc nào. Trong khi đó, có những người đã vô cùng hư hỏng, họ đắm chìm trong một cuộc sống trụy lạc tệ hại không ra người, họ điên cuồng dùng mọi phương cách để tước đoạt ánh sáng đem lại sự sống và bánh sự sống của những người bé mọn.

Chúng ta nên thường xuyên nghĩ về Giáo Hội tại thế này là Mẹ của chúng ta. Cuộc chiến chống lại Giáo Hội thật đáng trách và có hậu quả khủng khiếp. Nó hoàn toàn khác với mọi cuộc chiến mang tính con người. Đây là một cuộc chiến tinh thần diễn ra trong sâu thẳm tâm hồn giữa Thiên Chúa và Ma quỷ. Về chuyện này, mặc dù Giáo Hội nhìn thấy hậu quả đời đời của những người chống lại mình, tuy nhiên, Giáo Hội vẫn tiếp tục yêu thương họ như những người con và cầu nguyện để Thiên Chúa chữa lành sự mù lòa cho họ và ngăn họ đi vào con đường tăm tối. Đối với chúng ta, các tu sĩ, hãy trút việc đền tạ Thiên Chúa lên chính mình bằng cách yêu mến Mẹ Giáo Hội của chúng ta với tất cả tinh thần, với sự phục tùng trọn vẹn nhất, với tất cả tâm hồn, tất cả linh hồn và sức lực của chúng ta.

Lòng nhiệt thành của chúng ta cũng phải mở rộng đến Giáo Hội trong luyện ngục. Đối với chúng ta, Giáo Hội này thực sự là người thân cận. Chúng ta phải trợ giúp các chi thể đau khổ của Chúa Kitô và an ủi họ, vì tất cả chúng ta đều thuộc về cùng một thân thể. Những linh hồn này, là các anh chị em của chúng ta, đang phải chịu những khổ hình khôn tả, họ phải chịu cả nỗi đau mất mát lẫn nỗi đau của giác quan.

Thánh Catarina de Ricci đã chịu đựng nỗi đau giác quan này khi ngài hiến dâng chính mình vì một linh hồn. Một ngọn lửa thần bí bùng lên trong thân xác ngài. Từ đầu đến chân ngài nổi lên những vết phồng rộp chứa đầy nước sôi và khi những vết phồng rộp này thấm vào, cơ thể của vị thánh dường như bị thiêu rụi trong lửa. Nhưng ngài vẫn ở trong phòng giam giống như trong lò lửa, chịu đựng cái nóng một cách đau đớn. Sự giày vò này kéo dài bốn mươi ngày thì đột nhiên chấm dứt.

Đối với các linh hồn nơi luyện ngục, khổ hình lớn nhất mà họ phải chịu là nỗi đau mất mát, hay đúng hơn, là tình trạng thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa. Đối với những người sống ở đời này, sự thiếu vắng này không làm chúng ta đau khổ, vì đó là thân phận của chúng ta. Còn đối với các linh hồn trong luyện ngục thì khác, vì họ lẽ ra đã được nhìn thấy Chúa rồi. Họ đã đi đến điểm cuối của hành trình, bị tách khỏi thế gian, bị tước đi mọi an ủi, mọi thú tiêu khiển và mọi phương thế để có thể lập công. Tất cả những gì có trong họ thúc đẩy họ hướng tới một Thiên Chúa mà họ đáng lẽ đã sở hữu nhưng chưa được sở hữu. Họ thấy mình như bị treo lơ lửng giữa hai thế giới. Sự sống của họ vẫn tiếp diễn mà không còn là để lập công nữa, nhưng để chịu đau khổ. Họ đắm chìm hoàn toàn trong đau khổ và không nghĩ đến điều gì khác. Cả Thánh Augustinô và Thánh Tôma đều khẳng định rằng ngay cả nỗi đau nhỏ nhất của họ cũng lớn hơn tất cả những đau khổ mà người ta có thể trải qua ở trần gian này. Tuy nhiên, tất cả những linh hồn này đều thánh thiện, họ là đền thờ của Chúa Thánh Thần, là chi thể của Chúa Kitô, họ không thể phạm tội trong những đau khổ mà họ phải mang lấy vì yêu mến đức công bình của Thiên Chúa.

Những linh hồn này chờ đợi sự trợ giúp, bố thí của chúng ta. Họ không còn có thể lập công được nữa, nhưng chúng ta vẫn có thể làm thay cho họ. Họ không còn được lãnh ân xá nữa, trong khi chúng ta, với chỉ một chút thiện chí và tinh thần đức tin, cũng có thể lãnh thay cho họ bằng cách rút ra từ kho tàng ân xá vô biên của Giáo Hội, nhờ đó, đẩy nhanh việc giải thoát họ ra khỏi luyện ngục. Đó chính là những động cơ cho lòng nhiệt thành của chúng ta, vốn cần được mở rộng đến mọi linh hồn.

Lòng nhiệt thành nên được thực hành như thế nào?

Lòng nhiệt thành này cần phải được thực hành theo mẫu gương của Chúa Giêsu, của Thánh phụ Đa Minh và của Thánh Catarina thành Siêna. Điều này có nghĩa là bằng lời cầu nguyện, bằng việc đền tội và bằng những việc thương xót về tinh thần và thể xác mà luật Dòng đã đặt lên chúng ta. Ngày nay, có nhiều công việc đủ loại được mọi người đưa vào thực hiện, nhưng thường thì linh hồn của những công việc ấy lại bị lãng quên: đền tội và sám hối. Đức Mẹ Lộ Đức, vào thế kỷ XIX, một thế kỷ mà người ta rất lấy làm tự hào về những thành tựu của mình, đã không thấy điều gì cần thiết hơn để nói với các tín hữu ngoài việc: “Hãy cầu nguyện và làm việc đền tội.”

Cầu nguyện là khí cụ hành động chân chính và mạnh mẽ nhất, là điều kiện tiên quyết và là linh hồn của đời sống tông đồ. Những công việc không có lời cầu nguyện đều vô ích, bởi lẽ thứ tác động lên các linh hồn là ân sủng, trong khi ân sủng chỉ có được nhờ lời cầu nguyện: “Cứ xin thì sẽ được.” Việc tông đồ bằng cầu nguyện phải không ngừng hỗ trợ việc tông đồ bằng lời nói và hành động. Một nữ tu bình thường trong bậc giáo dân quỳ dưới chân Thánh giá có thể thu được nhiều điều nhờ lời cầu nguyện của mình hơn là một nhà giảng thuyết tài ba nhưng không cầu nguyện. Tài năng tự nó không làm được gì ngoài việc tạo ra một chút ồn ào. Nó chỉ là “tiếng thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” mà Thánh Phaolô đã nói tới (1 Cr 13,1), trong khi lời cầu nguyện, dù chỉ mình nó mà không kèm theo bất cứ sự khéo léo và tài năng nào, cũng vẫn thực hiện được những điều kỳ diệu và có khả năng chuyển núi dời non.

Thánh Têrêsa thành Avila tiết lộ rằng, qua lời cầu nguyện dưới chân Thánh giá, ngài đã hoán cải được số linh hồn nhiều như Thánh Phanxicô Xaviê, vị Tông đồ của Ấn Độ, người đã mang lời Chúa đi khắp nơi trên thế giới. Chúng ta nên nhớ rằng lời cầu nguyện mà Thánh Têphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội, dâng lên trong giây phút bị ném đá, đã đổ tràn ân sủng xuống trên linh hồn Thánh Phaolô, người khi ấy đang giữ áo choàng cho những kẻ bách hại.

Chúng ta hãy nhớ lại sức mạnh từ lời cầu nguyện của Thánh Phêrô Tử Đạo khi không ngài còn khả năng rao giảng. Trong lúc sắp sửa trút hơi thở cuối cùng và đầm đìa máu, ngài đã nhiệt thành cầu nguyện cho kẻ sát hại mình. Lời cầu nguyện của ngài đã biến đổi linh hồn sát nhân đó, linh hồn mà khi ấy chỉ biết đến những đam mê xấu xa và tàn bạo, trở thành linh hồn của một vị thánh sau này. Ánh sáng chiếu soi linh hồn của con người khốn khổ ấy mãnh liệt đến mức lòng ăn năn sám hối đã đảo ngược tâm hồn anh, khiến anh cay đắng òa khóc vì tội ác của mình, anh xin được mặc tu phục Dòng Đa Minh và trải qua bốn mươi năm thực hành những nhân đức anh hùng nhất và sám hối theo cách nghiêm khắc nhất. Anh đã cảm hóa đồng bọn của mình và nêu gương cho toàn bộ cư dân thành phố đến mức tất cả họ đều gọi anh là “người có phúc.” Anh đã chết như một vị thánh và hài cốt của anh được các tín hữu tôn kính. Đây là sức mạnh của lời cầu nguyện cho ơn cứu độ của các linh hồn! Vậy chúng ta hãy cầu nguyện để việc rao giảng của anh em chúng ta sinh hoa trái tốt lành.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu ẩn mình trong tu viện, bằng lời cầu nguyện, đã làm cho việc tông đồ của hai nhà thừa sai Ấn Độ trở nên hữu hiệu bằng cách chuẩn bị các linh hồn đón nhận và tuân giữ lời họ.

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục như đã nói đến ở trên. Quả không có gì khó để nhường cho họ những ơn đại xá vào các ngày lễ kính các thánh của chúng ta, cũng như tất cả những ơn toàn xá khác mà Mẹ Giáo Hội luôn rộng ban vì lợi ích của những linh hồn tội nghiệp này. Vấn đề ở đây không phải là việc hoàn tất “hành vi anh hùng” theo nghĩa là dùng tất cả mọi hành vi công phúc của chúng ta để mang lại lợi ích tổng thể cho các linh hồn này. Nếu muốn tước đoạt chính mình theo cách như vậy, chúng ta nên suy nghĩ kỹ lưỡng và tìm kiếm lời khuyên, đồng thời, tính đến những gì chúng ta đang cho đi, những gì chúng ta đang từ bỏ, cùng với nỗi đau gia tăng khủng khiếp có thể là hậu quả tất yếu từ nó. Chúng ta phải tin chắc rằng hành động quảng đại này không phát xuất từ trí tưởng tượng hăng say, nhưng từ đức ái và dưới sự linh hứng của Thiên Chúa. Do đó, quả không có gì phù hợp để thực hiện một sự bỏ mình như vậy mà không có sự ưng thuận của vị linh hướng.

Một số người thích để Chúa tùy ý sử dụng những hành vi đền bù và công phúc của họ mà không xác định trước về cách thức Người sẽ xử lý chúng. Chưa cần đạt tới mức này, chúng ta vẫn có thể đóng góp rất nhiều công phúc và hy sinh mỗi ngày để đẩy nhanh việc giải thoát những linh hồn trong luyện ngục! Trong mọi trường hợp, lời cầu nguyện luôn sinh hoa kết quả. Những người thánh thiện không thể làm cho nó trở nên cằn cỗi, trong khi những người tội lỗi, những người luôn có khả năng từ chối hoán cải, thì có thể.

Ngoài việc cầu nguyện, lòng nhiệt thành của Thánh Đa Minh còn thêm việc đền tội thay cho những người không sám hối và thêm việc khổ chế thay cho những người không muốn hãm mình. Noi gương Chúa Kitô, những người hoàn hảo phải cứu chuộc các linh hồn bằng máu của mình, như những gì Thánh Têrêsa thành Avila đã viết: “Nếu người tu sĩ vào tu viện chỉ để đền tội của mình—tôi không hiểu chị ta đang làm điều quái quỷ gì nữa!”

Trong khi thánh hóa chính mình, chúng ta cũng phải thánh hóa anh em mình. Cùng với lời cầu nguyện, còn có một phương thế thánh hóa tuyệt vời khác là thập giá. Khi chúng ta đóng đinh thân xác mình, Chúa có thể tha cho một thân xác đau yếu khốn khổ nào đó—đang bệnh tật, mà có lẽ là do lỗi của chính mình, và chẳng còn chút sức lực nào nữa—hoặc thân xác của một người nghèo nào đó cần đến sức khỏe để nuôi sống đàn con. Khi chúng ta dâng tâm hồn mình làm của lễ cho Thiên Chúa, Người có thể chữa lành một tâm hồn bệnh tật không còn sức mạnh để phá bỏ xiềng xích trói buộc mình. Khi chúng ta hiến dâng ý chí của mình lên cho Thiên Chúa, Người có thể làm cho một ý chí đã chết nào đó trỗi dậy. Như thế, đây là hai phương thế tuyệt vời giúp chúng ta bày tỏ lòng nhiệt thành vì ơn cứu độ cho người khác: cầu nguyện và đền tội.

Tuy nhiên, ngoài những điều này, chúng ta cũng phải nhớ bổ sung thêm những công việc của lòng thương xót về tinh thần và thể xác, cũng như những công việc mà luật Dòng đã quy định cho chúng ta, đó là: chỉ dẫn và giáo dục Kitô giáo, giáo dục bằng gương sáng và lời nói. Chúng ta có sứ mệnh cao cả là đào tạo tinh thần Kitô giáo, nhào nặn nên những tâm hồn và ý chí biết yêu mến Thiên Chúa và người thân cận, và—tại sao không nói?—hình thành nên Chúa Giêsu Kitô và sinh ra Người trong tâm hồn trẻ nhỏ, những người mà Chúa chúng ta rất mực yêu thương, để tới sau này, các em có thể tỏa sáng trên thế gian này giống như những “thành trì được xây dựng trên núi” (Mt 5,14).

Tầm quan trọng của sứ mệnh này đang trở nên lớn lao hơn trong thời đại mà chúng ta đang trải qua, khi hầu như “chẳng còn thấy ai đạo hạnh, giữa loài người, không một kẻ tín trung” (Tv 12,2)—những chân lý về Thiên Chúa, về tình yêu thương quá mức dư đầy của Người, về những quyền không thể chối bỏ của Người, về sự nghiêm khắc nơi đức công bình của Người, cùng với những chân lý liên quan đến những nghĩa vụ cao cả đối với cha mẹ, đối với tổ quốc, đối với người nghèo của Chúa Kitô—đang dần dần bị người ta loại bỏ.

Chúng ta có sứ mệnh uốn nắn những trẻ nhỏ này biết bỏ mình, khiêm nhường, có tinh thần đức tin và đức ái. Chúng ta có sứ mệnh vén mở cho các em việc thờ phượng và tôn thờ Thánh Tâm và Đức Trinh Nữ; dạy các em rằng những người giàu có phải biết coi mình là người quản lý tài sản của Thiên Chúa và phải giúp đỡ những người đang chết dần vì đói, thay vì làm cho tình trạng của họ trầm trọng hơn bằng tính ích kỷ, bằng sự xa hoa và nhu cầu hưởng thụ vô độ của chính mình. Đây là sứ mệnh cao cả và được Thiên Chúa chúc phúc, nếu chúng ta coi đứa trẻ giống như một dòng suối và khi chúng ta tạo nên dòng suối thì những mạch suối nhỏ hơn, tức là gia đình, cũng vậy. Điều mà chúng ta đã khởi sự này sẽ đạt tới đâu? Chỉ có Chúa mới biết. Lòng nhiệt thành này phải luôn luôn đi kèm với đức khôn ngoan và được tiết chế bởi đức khiêm nhường và hiền lành, nhưng đồng thời, không ngừng nồng nàn cháy bỏng.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng nhiệt thành là nhân đức trổi vượt của Thánh Tâm, là nhân đức của Thánh Đa Minh, Thánh phụ của chúng con. Xin dạy chúng con tha thiết cầu nguyện cho các linh hồn sa đọa, dạy chúng con vác thập giá cho họ vì Chúa đã ban cho chúng con những ân sủng bao la mà họ chưa nhận được. Xin cho những đau khổ của chúng con, được nâng đỡ trong sự hiệp nhất với Chúa, làm bớt đi sự mù quáng của tội nhân và lay động tâm hồn họ. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm khao khát các linh hồn đến mức chết vì họ, như chính Chúa đã chết vì họ; hoặc nếu không, đến mức chết đi cho chính mình để được sống đời đời với những linh hồn này trong Chúa!

Chương XV. Ngoan ngoãn trước Chúa Thánh ThầnChương XVII. Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ