Chương III. Quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô

Mục lục
Mục lục

Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” — Ga 14,6

Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” — 1 Ga 4,10


Quyền năng nào trợ giúp chúng ta? Đó phải là hành động cứu chuộc của Chúa Kitô. “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” Sau khi suy ngẫm về mục đích của đời sống thiêng liêng – trở nên đồng hình đồng dạng với Ngôi Lời Thiên Chúa trong ánh sáng vinh quang, chúng ta đã xem xét thứ chủ yếu chống lại sự tiến bộ này và luôn có thể đe dọa cũng như phá hủy nó: tội. Bây giờ, chúng ta sẽ xác định quyền năng mà nhờ đó, chúng ta có thể chiến thắng cả tội lỗi lẫn khuynh hướng xấu vốn là hậu quả của tội; quyền năng mà với nó, chúng ta có thể nâng mình lên trên những giới hạn của con người và đạt tới mục đích thiêng liêng mà Sự Quan Phòng và Lòng Thương Xót đã định sẵn cho chúng ta.

Quyền năng cứu chuộc

Quyền năng làm chỗ cậy dựa cho đời sống thiêng liêng của mọi linh hồn đang phấn đấu để được giải thoát khỏi sự dữ và vươn tới Thiên Chúa, là hành động cứu chuộc của Chúa Kitô, tình yêu luôn chủ động và hữu hiệu mà Người hướng tới Chúa Cha và tới chúng ta. Chính Người đã nói với chúng ta rằng: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,4-5). Cành nho chỉ có thể sống được nếu chúng kết hiệp với cây nho và nhận lấy nhựa từ nó. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề [nghĩa là những ai đang mang gánh nặng của lỗi lầm và đau khổ], hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32).

Chính cuộc sống này dạy chúng ta rằng, giữa những thử thách và cám dỗ, sức mạnh của một linh hồn được phát sinh từ ý thức thực tiễn và mang tính kinh nghiệm của nó về giá trị vô hạn của Ơn Cứu Chuộc, về tính hữu hiệu toàn năng từ cái chết trên Thập Giá của Chúa Kitô. Một ngày nọ, trong tòa giải tội, một phụ nữ tội nghiệp đang giãi bày với vị linh mục về nỗi đau luân lý mà chị đang gặp phải. Chị bị người chồng, các con và tất cả mọi người bỏ rơi; chị bị vu khống thậm tệ bởi những người mà lẽ ra có thể tin tưởng; chị bị ốm và bị cơn đói hành hạ. Vị linh mục giải tội, người nhận thấy mình đang đối thoại với một Kitô hữu chân chính, đã nói thẳng với chị: “Chúa của chúng ta đã chịu đau khổ hơn chị, vì yêu chị.” Người phụ nữ tội nghiệp, với đầy đủ xác tín, đã thốt lên: “Đúng vậy, thực sự đúng là như vậy!” Chị lại tìm thấy sức mạnh và có thể tiếp tục con đường của mình.

Theo định nghĩa của Giáo Hội, hành động cứu chuộc của Chúa Kitô có giá trị và tính hữu hiệu vô hạn. Nó đền bù thỏa đáng mọi thứ tội, sửa chữa hoàn toàn mọi sự xúc phạm chống lại Thiên Chúa, kể cả khi mức độ nghiêm trọng của sự xúc phạm ấy là vô hạn. Nó đền bù mọi tội của con người và còn hơn thế nữa. Nó đền bù mọi sự phản nghịch chống lại Thiên Chúa, mọi sự bội giáo, mọi hành vi tuyệt vọng và tự phụ, mọi cảm giác hận thù và mọi loại tội ác. Nó ban thưởng mọi ân sủng cho ngay cả những linh hồn hèn hạ nhất, miễn là họ không ngoan cố bám chặt vào sự dữ đến cùng. Chúng ta không thể nghĩ ra một giới hạn nào cho tính hữu hiệu của hành vi cứu chuộc.

Sự toàn năng cứu chuộc nơi hành vi của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến mình trên Thập Giá, phát xuất từ sự kiện rằng đó là một hành vi hoàn hảo của đức ái được thực hiện bởi một Ngôi Vị Thần Linh; hành vi hoàn hảo của Ngôi Lời Nhập Thể. Đó là một hành vi siêu nhiên của đức ái đối với Thiên Chúa, khiến Người quên đi mọi tội. Hành vi của đức ái như thế do Ngôi Lời Nhập Thể thực hiện, do nhân cách thần linh của Ngôi Lời, có được tính hữu hiệu vô hạn để đền bù, đền tội và làm cho đáng được ban thưởng.

Sách giáo lý dạy trẻ nhỏ như thế. Nhưng chính chúng ta liệu có hiểu được ý nghĩa của nó không? Đối với chúng ta, nó có trở thành giáo lý của đời sống và kinh nghiệm thường nhật không? Thật dễ dàng để nói rằng nhờ nhân cách thần linh, hành vi đức ái của Chúa Kitô có được một giá trị và tính hữu hiệu vô hạn; tuy nhiên, trong suy niệm và cầu nguyện, chúng ta có tìm cách để hiểu được đầy đủ ý nghĩa sâu xa vượt trên sự hiểu biết của các thiên thần của câu nói đơn giản này không?

Nhân cách của Ngôi Lời Nhập Thể

Nhân cách của Ngôi Lời Nhập Thể. Câu này có nghĩa là gì? Những nhầm lẫn khác nhau về ý nghĩa của từ “nhân cách” hiện đã lan tràn khắp thế gian. Ngày nay, nhiều người nói một cách khoa trương về sự phát triển nhân cách của họ, mặc dù trên thực tế, họ chỉ đang phát triển một số ân huệ tự nhiên khiến mình khác biệt với những người khác, những ân huệ khiến lòng kiêu hãnh của họ ngày càng tăng lên. Họ tin rằng việc thực hành bỏ mình và các nhân đức thụ động như khiêm nhường, vâng lời, nhẫn nại và hiền lành, nghĩa là tuân theo tổng thể giáo huấn luân lý Kitô giáo, chỉ làm tiêu tan nhân cách của một người.

Họ chưa bao giờ suy ngẫm nghiêm túc trong lời cầu nguyện về những gì tạo nên giá trị thực sự của nhân cách cùng với thực tế rằng nó chỉ có thể đạt tới sự phát triển cao nhất nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chúng ta sẽ tập trung một chút vào tư tưởng này và cố gắng nâng mình lên dần dần, từ sự phô bày thông thường về nhân cách đến những sự biểu lộ về nhân cách của Chúa Giêsu. Đây là nhân cách mà tự nó đã chứa đựng nơi mình lời giải thích tổng thể về quyền năng cứu chuộc.

Nhân cách là thứ phân biệt con người với những sinh vật thấp kém hơn như động vật, thực vật và sỏi đá. Nơi mỗi người chúng ta, nhân cách là nguyên lý của lý trí và tự do, một nguyên lý đảm bảo cho chúng ta sự độc lập đối với thế giới vật chất và nhờ đó, chúng ta có thể hiện hữu độc lập sau khi thân xác bị tan rã. Đó là một nguyên lý cho phép chúng ta hành động với sự tự chủ và tự do trong tình trạng hiện tại của mình, giúp chúng ta có thể chống lại sự hấp dẫn của những thứ thuần túy khả giác theo phán đoán của trí tuệ và lựa chọn của tự do.

Mặc dù tất cả mọi người đều là người, nhưng không phải vì thế mà ai ai cũng có nhân cách ở tầm vóc như nhau. Nhiều người hầu như chỉ sống dưới ách thống trị của các giác quan và đam mê mà không tìm cách vượt lên trên mức độ đời sống của động vật. Những phán đoán và hành động của họ không được quyết định bởi xác tín cá nhân; thay vào đó, họ đón nhận mà không cần suy xét những ý tưởng từ môi trường xung quanh, từ báo chí, từ đảng phái chính trị của họ. Trong khi từ chối vâng lời các bề trên hợp pháp của mình với lương tâm đầy đủ, họ lại thụ động khuất phục trước những thành kiến ​​của một hội nhóm và cho phép mình bị lôi kéo bởi những lời hứa hẹn hết sức bùi tai. Họ thất bại trong việc thoát khỏi sức hấp dẫn trong khoảnh khắc và trở nên mất kiểm soát, cho phép mình bị thôi thúc như một con vật, do đó, thành kẻ dưới quyền người đầu tiên tiếp cận họ. Đây là cấp độ thấp nhất của nhân cách.

Nhân cách có thể dần được nâng cao như hoạt động của tinh thần và sẽ tự giải phóng mình khỏi một đời sống khả giác thuần túy. Chúng ta có thể đạt tới điều này qua việc học cách kiểm soát những tác động gây ra đối với mình thay vì khuất phục chúng một cách thụ động. Sau cùng, nhân cách có thể được nâng cao khi chúng ta học cách quyết định và lựa chọn với sự tự do trọn vẹn, thay vì phản ứng theo bản năng trước những mời mọc hấp dẫn lôi kéo chúng ta.

Tuy nhiên, trong sự phát triển nhân cách này, có ẩn chứa một mối nguy hiểm nghiêm trọng. Vì nhân cách được đo lường bằng sự độc lập của chủ thể hành động, nên một số người tin rằng sự phát triển cao nhất của nhân cách cốt ở sự độc lập tuyệt đối. Họ không chỉ xem xét sự độc lập này trong quan hệ với các cấp độ thấp hơn của thực tại, tới những thứ mà chúng ta không bao giờ được phép làm nô lệ cho chúng, nhưng còn trong quan hệ với các bề trên của chúng ta và với chính Thiên Chúa. Tên gọi thực sự của nhân cách giả tạo này là bất phục tùng, phản nghịch, vô tín và vô thần. Về cơ bản, nó bắt nguồn từ sự kiêu ngạo và được thực hiện ở mức độ trọn vẹn nơi Ác quỷ.

Trái lại, mầu nhiệm Nhập Thể dạy chúng ta rằng nhân cách con người phát triển theo mức độ mà linh hồn, trong khi tự nâng mình lên trên thế giới khả giác thuần túy, lại đặt mình trong sự lệ thuộc chặt chẽ hơn vào những gì tạo nên sự sống đích thực của tinh thần. Điều đó có nghĩa là phụ thuộc chặt chẽ hơn vào sự thật và ân sủng, hay phân tích đến cùng, vào Thiên Chúa.

Trong khi các triết gia vĩ đại hiếm khi nắm được điều này, thì các vị thánh đã thực sự nắm bắt được con đường cho sự phát triển toàn diện về nhân cách. Con đường đó cốt ở việc đánh mất nhân cách của chính chúng ta theo một cách nào đó trong nhân cách của Thiên Chúa, Đấng duy nhất sở hữu nhân cách theo nghĩa hoàn hảo của từ này. Chỉ một mình Người mới có thể hoàn toàn độc lập trong hiện hữu và hành động của mình, tức là chỉ một mình Người mới độc lập với toàn bộ công trình sáng tạo.

Vì thế, các thánh, khi đạt tới một cấp độ về tri thức và tình yêu, đã nỗ lực hết mình để thay thế nhân cách của họ bằng nhân cách của Thiên Chúa, chết đi với chính mình để Thiên Chúa có thể ngự trị trong họ. Họ được trang bị một sự gớm ghét thánh thiện đối với cái tôi của mình. Họ tìm cách lấy Thiên Chúa làm nguyên lý hành động cho mình, họ không còn hành động theo các quy luật của thế gian hay sự xét đoán hạn chế của riêng họ, nhưng theo những ý tưởng và quy luật của Thiên Chúa như đã nhận được qua đức tin. Họ tìm cách thay thế ý muốn của mình bằng ý muốn thần linh, và hành động không còn vì họ, nhưng vì Thiên Chúa, yêu mến Người không chỉ như yêu chính mình, nhưng còn vô cùng hơn chính mình và bất cứ điều gì khác. Họ hiểu rằng đối với họ, Thiên Chúa phải trở thành một cái tôi khác thâm sâu hơi cái tôi của họ. Họ hẳn nhìn nhận rằng Thiên Chúa là “họ” hơn chính họ, bởi vì Người là Hữu Thể siêu việt. Vì thế, họ nỗ lực mạnh mẽ để từ bỏ nhân cách và mọi thái độ độc lập trước Chúa; họ tìm cách biến mình thành thứ gì đó thần linh. Do đó, họ đã phát triển tới một nhân cách mạnh mẽ nhất mà chúng ta có thể quan niệm. Bằng một cách nào đó, họ đạt được những gì mà Thiên Chúa sở hữu tự bản tính, đó là sự độc lập khỏi mọi thụ tạo không chỉ trong thế giới hữu hình, nhưng còn trong thế giới trí tuệ.

“Các vị thánh có đế chế, vinh quang, chiến thắng và sự tráng lệ của họ, họ không cần sự tráng lệ về mặt xác thịt hay tinh thần; tri thức về khoa học nhân loại không thêm gì vào sự hoàn thiện của họ trong trật tự siêu nhiên. (Việc là một thiên tài toán học chẳng giúp ích gì cho một vị thánh.) Họ được Thiên Chúa và các thiên thần, chứ không phải con người và những linh hồn ham học hỏi, biết đến. Chỉ Thiên Chúa là đủ cho họ rồi!” (Pascal).

Một khi đã thay thế nhân cách của mình bằng nhân cách của Thiên Chúa ở một mức độ nào đó, vị thánh có thể thốt lên như Thánh Phaolô: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20). Vậy từ nay trở đi, chính vị thánh hay Thiên Chúa sống trong anh ta? Trong trật tự của các hoạt động nhận biết và yêu thương, vị thánh đã thay thế cái tôi của mình bằng cái tôi thần linh, nhưng trong trật tự hữu thể, cái tôi của anh vẫn phân biệt với Thiên Chúa.

Trên phương diện này, Chúa Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là Con Người, xuất hiện như một mục tiêu không thể đạt tới mà sự thánh thiện vẫn chỉ cố gắng tiệm cận. Nơi Người, cái tôi nhân loại nhường chỗ cho một Ngôi Vị Thần Linh là gốc rễ của mọi hoạt động, không chỉ trong trật tự nhận biết và yêu thương, nhưng còn trong trật tự hữu thể. Chúng ta phải nói một cách đúng đắn về Chúa Giêsu rằng Người tuyệt đối không có nhân cách con người, nhưng tồn tại và hiện hữu độc lập hoàn toàn nhờ vào quyền năng từ chính nhân cách của Ngôi Lời mà qua đó, Người cấu thành một hữu thể độc nhất. Đây là lý do tối hậu cho nhân cách phi thường mà lịch sử chưa từng và sẽ không bao giờ có một gương mẫu nào khác. Là lý do tối hậu cho sự uy nghi vô hạn của cái tôi độc nhất và ngoại lệ của Chúa Kitô.

“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Ta sẽ đổ sức mạnh mới vào những linh hồn mệt mỏi của các con, sẽ vực dậy những linh hồn đã chết của các con. “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,37-38). “Ai tin thì được sự sống đời đời… và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,47.44). “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).

Cái tôi này của Chúa Kitô là cái tôi của Ngôi Lời Nhập Thể. Cũng như trong chúng ta, linh hồn và thể xác thuộc về cùng một ngôi vị, thì nhân tính và thiên tính nơi Người cũng thuộc về cùng một Ngôi Vị, đó là Ngôi Lời.

Đức ái của Chúa Kitô

Nếu hành vi đức ái được thực hiện bởi một Kitô hữu khiêm tốn nhất đã trổi vượt hơn trực giác của một thiên tài, nếu hành vi đức ái được thực hiện bởi các thánh đã tạo ra những điều lớn lao kỳ diệu trong linh hồn của những người xung quanh, thì hành vi đức ái của Chúa Kitô, một hành vi của ý chí nhân loại thuộc về Ngôi Lời, sẽ có giá trị như thế nào? Hành vi như thế, dù nhỏ nhất, cũng đủ để cứu chuộc nhân loại và sửa chữa mọi sự phản nghịch, bởi lẽ mọi hành vi công phúc, dù là nhỏ nhất, của Ngôi Lời Thiên Chúa cũng đều có giá trị vô hạn.

Chúng ta đã biết hành vi đức ái này của Chúa Giêsu là gì. Quả đúng là “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Nhưng Chúa chúng ta đã trao phó mạng sống mình cho kẻ thù của Người và của Cha Người. Trong vườn Ghếtsêmani, Người đã thấy tất cả tội lỗi trong quá khứ và tương lai, bao gồm mọi tội của những kẻ xử tử Người; Người chứng kiến mình bị​​ bỏ rơi bởi những kẻ vẫn theo Người, thấy những sự bắt bớ, bội phản và hận thù; thấy mức độ nghiêm trọng vô hạn của việc xúc phạm đến Thiên Chúa. Trong linh hồn nhân loại, Người đã chịu đau khổ vì mọi sự dữ và mọi sự xúc phạm đến Chúa Cha, tương ứng với tình yêu mà Người dành cho Cha và cho chúng ta. Người đau khổ như một người anh thấy cha mình bị xúc phạm bởi những đứa em mà cha luôn cố gắng chỉ dẫn điều tốt.

Chúa Giêsu đã tự mình gánh lấy mọi tội của con người, đã chịu đau khổ vì họ như thể chính Người là kẻ đã phạm các tội của họ, như thể chính Người là kẻ vô đạo, phản nghịch, điên cuồng, hèn hạ, vô ơn và phạm thượng. Người cảm thấy cơn thịnh nộ và lời nguyền rủa của Thiên Chúa đè nặng lên linh hồn mình, trong khi hỏa ngục với cơn giận dữ tột độ của nó bùng lên chống lại mình. Sự khủng khiếp của sự dữ và mọi nết xấu cộng lại dường như bóp nghẹt Người tức khắc. Một tiếng kêu bật ra từ môi Người trên Thập Giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46).

Giữa bóng tối và sự bỏ rơi này, Chúa chúng ta đã thực hiện hành vi yêu thương cao cả nhất của Người. Giữa nỗi thống khổ này, Người yêu mến Chúa Cha trên hết mọi sự và yêu thương chúng ta đến độ hy sinh mạng sống mình để cứu độ chúng ta, chỉ tiếc rằng một số lượng lớn hơn đã không được cứu. Hành vi yêu thương này mang lại sự đền bù dồi dào cho mọi thù hận. Sự vâng phục mà nó bao hàm sẽ bù đắp cho mọi sự phản nghịch trước mặt Thiên Chúa. Những sự sỉ nhục của Cuộc Khổ Nạn cứu chuộc mọi hành vi kiêu ngạo. Sự dịu dàng của Người bị đóng đinh sửa chữa mọi hành vi giận dữ, và sự đau khổ của Người trả giá cho mọi nhục dục.

Nhiệm Thể

Hành vi đức ái này của Ngôi Lời Nhập Thể đã cứu độ thế giới. Hành vi ấy vẫn có thể cứu chúng ta ngày nay và gìn giữ mọi linh hồn. “Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa” (Rm 6,9), “Người hằng sống để chuyển cầu cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa” (Dt 7,25). Hành vi yêu thương của Người tiếp tục bảo vệ chúng ta khỏi mọi cám dỗ của thế gian và Ác quỷ.

Ai có thể nghi ngờ về tính hữu hiệu vô hạn của tình yêu Chúa Kitô và sự toàn năng của Người chống lại sự dữ? “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31). “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

Công trình cứu chuộc này của Chúa Kitô háo hức chờ đợi được tuôn đổ dồi dào trên chúng ta. Chúa Kitô là đầu của nhân loại và sự sống ân sủng từ Người tuôn chảy xuống loài người giống như trong cơ thể, sự kích thích của các dây thần kinh được truyền từ đầu đến các chi thể, và như trong cây cối, nhựa sống chảy từ thân cây tới các cành. Thật vậy, các linh hồn kết hiệp với Chúa Kitô qua đức tin và đức ái hình thành nên một thân xác được gọi cách thích đáng là “Nhiệm Thể” Chúa Kitô. Đó là một thực tại còn chân thực hơn cả thân thể con người. Giống như đời sống tinh thần thì lớn hơn và thực hơn đời sống của các giác quan, vốn chỉ là cái bóng của đời sống tinh thần, thì tới lượt mình, ở một phạm vi lớn hơn, đời sống siêu nhiên cũng chân thực hơn thân thể con người hay thậm chí là sự sống tự nhiên của tinh thần thuần khiết.

Do đó, những mối dây liên kết các chi thể của Nhiệm Thể với nhau và với Chúa Giêsu Kitô là những mối liên kết siêu nhiên của một thực tại cao cả đến mức chỉ Thiên Chúa mới có thể hoàn tất và hiểu nó hoàn toàn.

Hành vi chính yếu của Nhiệm Thể Chúa là việc dâng hiến của lễ hy sinh trong Thánh Lễ. Linh mục chủ tế dâng hy lễ nhân danh các tín hữu, nhưng cách chính yếu, Chúa Kitô là Đấng hiến mình thông qua vị linh mục. Đó luôn là một và cùng một cuộc hiến tế độc nhất của Hy tế Thập Giá được lặp đi lặp lại dưới hình thức không đổ máu, một hành vi luôn sống động trong trái tim Chúa Kitô, Đấng không ngừng chuyển cầu và dâng hiến chính mình cho Chúa Cha vì chúng ta. Dưới khía cạnh này, tôi thậm chí có thể nói rằng Chúa Kitô tiếp tục chịu đau khổ vì chúng ta, như lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa tuyên bố, chịu đau khổ nơi các chi thể của Người và nơi các thánh của Người, giống như một người mẹ đau khổ trong con của bà khi bà thấy con mình đau khổ. Do đó, Hy tế Thập Giá được tiếp tục trong hy tế của Thánh Lễ theo cách mầu nhiệm nhưng chân thực, và chính hành vi hiến tế của Chúa Con dâng lên Chúa Cha đã giữ gìn thế giới.

Sự sống được tuôn đổ vào Nhiệm Thể qua phương thế các bí tích: qua phương thế xá giải có chức năng làm sống lại các chi thể đã chết; qua Bí tích Thánh Thể giúp bảo tồn sự sống ân sủng và đổi mới lòng nhiệt thành đã suy yếu vì tội nhẹ; và sau cùng, qua phương thế là mọi sự linh hứng nội tâm và mọi ân sủng thực sự mà Chúa ban cho chúng ta. Đó là nguồn mạch của sự sống thần linh tuôn chảy từ Thiên Chúa đến chúng ta, tuôn chảy vào sự sống đời đời. Đã bao nhiêu lần chúng ta nhận thấy quyền năng này của Chúa Kitô: trong đời sống cá nhân, qua phép giải tội và Rước lễ; và trong đời sống xã hội của Giáo Hội, khi Giáo Hội luôn đứng lên sau những cuộc bách hại khốc liệt nhất, trẻ trung hơn, mạnh mẽ hơn!

Vì thế, chúng ta phải tin tưởng vào quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô, quyền năng mà toàn bộ đời sống siêu nhiên phải lấy làm nền tảng. Chúng ta nên lắng nghe lời mời gọi của Người: “Hãy đến với Ta… Ta sẽ cho các con được nghỉ ngơi.” Dường như Người nói với chúng ta: “Trong Phép Rửa, Ta đã ban cho con một linh hồn trong sáng và tỏa sáng; hãy nhìn xem giờ đây nó đã hư hại tới mức nào; nhưng hãy đến với Ta và Ta sẽ đổi mới nó. Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai đã làm trí tuệ ra tối tăm và đánh mất lý tưởng, Ta sẽ soi sáng cho các con. Hãy đến với Ta, hỡi những ai có lương tâm lầm lạc, Ta sẽ sửa chữa nó. Hãy đến với Ta, hỡi những ai có ý chí yếu nhược, Ta sẽ củng cố nó cho các con; và những ai có tâm hồn cứng cỏi, hãy đến đây, Ta sẽ dạy lại cho nó về niềm vui và tình yêu Thiên Chúa.”

Chúa Giêsu Kitô có quyền năng dẫn chúng ta đến mục đích tối hậu và chỉ Người mới có thể đồng hóa chúng ta với Ngôi Lời Thiên Chúa vì chính Người là Ngôi Lời. Dù biết tội của chúng ta, Người đã không chỉ mong muốn chữa lành chúng ta, nhưng còn nâng chúng ta lên cao hơn bằng bửu huyết của Người. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

Trong những mặc khải tư của Chúa Kitô cho Thánh nữ Margaret Mary Alacoque, Người đã than thở về sự lạnh lẽo của một số linh hồn đã được thánh hiến cho Người. Chúng ta nên để Người làm việc trong chúng ta, để Người đồng hóa chúng ta với chính Người, và cầu xin Người dạy chúng ta một con đường thực tiễn để cộng tác với hành động của Người và đi theo con đường mà chính Người đã vạch ra cho chúng ta.

Scroll to Top