Chương VIII. Khó nghèo

Mục lục
Mục lục

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” — Mt 5,3

Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” — Mt 19,29


Một cách tổng quát, chúng ta đã thấy được khổ chế là gì. Bây giờ, chúng ta phải xác định xem, trong bậc sống tu trì, nó cần được tổ chức theo cách vĩnh viễn như thế nào qua việc thực hành ba lời khấn.

Sự phản đối của Chủ nghĩa tự nhiên đối với khổ chế Kitô giáo cũng được mở rộng một cách tự nhiên tới các lời khấn. Đối với những người theo Chủ nghĩa tự nhiên, các lời khấn này là một trở ngại, một sự bần cùng hóa khiến người ta trì trệ. Sự phản đối này chỉ xét đến những khía cạnh bên ngoài của bậc sống tu trì, cụ thể là những gì có mục đích chính là để bảo vệ tâm hồn của người sống bậc thánh hiến. Vì bản chất của nó hoàn toàn thuộc về trật tự siêu nhiên, nên điều này rõ ràng nằm ngoài tầm nhận biết của Chủ nghĩa tự nhiên.

Bậc sống tu trì: Bậc sống Thánh hiến giả thiết Sự tách biệt

Nếu chỉ được xem xét từ bên ngoài, đời sống tu trì có vẻ như một tình trạng tách biệt với thế giới, một điều gì đó thực sự có vẻ rất tiêu cực. Tuy nhiên, nếu quan sát nó trong hiện hữu sâu xa, hay đúng hơn, trong bản chất của nó, chúng ta sẽ thấy rằng đó là một bậc sống thánh hiến, bậc sống của việc hiến thân và thuộc trọn về Thiên Chúa. Chủ nghĩa tự nhiên chỉ nhìn thấy sự tách biệt và không thể nắm bắt được lý do của nó. Nó không thể hiểu tại sao sự tách biệt này lại cần thiết cho việc thánh hiến mà đời tu bảo vệ. Do đó, điều rất quan trọng là phải hiểu được rõ ràng mối quan hệ hiện có giữa hai khía cạnh tích cực và tiêu cực này của đời tu.

Chúa chúng ta đã được thánh hiến và do đó được tách ra

Bậc sống tu trì là trường học về sự thánh thiện, trường học của việc noi theo mẫu gương Chúa chúng ta, Đấng mà ngay từ khi sinh ra đã được thánh hiến để dành riêng cho Thiên Chúa, Đấng đã được thánh hiến từ trong chính bản tính của Người. Mọi hành vi của Người, ngay cả những hành vi bình thường nhất, đều phát xuất từ nhân cách thần linh và được quy về Thiên Chúa qua tình yêu mà Người dành cho Cha.

Linh hồn của Người là lãnh địa nơi Nước Thiên Chúa đã phát triển ở tầm vóc viên mãn. Vì thuộc riêng về Thiên Chúa, nên Người không thể thuộc về thế gian. Người được tách khỏi thế gian, nghĩa là khỏi tội lỗi, khỏi của cải trần thế, khỏi các chức vị và công việc trần thế hàng ngày (khó nghèo); Người được tách khỏi những thú vui, được tự do khỏi những nhu cầu của đời sống gia đình (khiết tịnh), đến nỗi ngay ở tuổi mười hai, Người đã tuyên bố rằng mình phải có bổn phận với công việc của Cha; sau cùng, Người được tách khỏi chính mình, khỏi ý muốn của mình, vì Người không sống cho bất cứ động cơ nào khác ngoài việc làm theo ý muốn của Cha, “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8) (vâng phục).

Đối với chúng ta, điều ngược lại là đúng. Chúa Giêsu, Đấng đến từ trên cao, đã được thánh hiến ngay từ khi sinh ra. Sự siêu vượt này đã tách biệt Người. Trong khi đó, tu sĩ, người tuyên khấn noi theo mẫu gương của Chúa, là kẻ đến từ bên dưới, nghĩa là từ thế gian và từ tội lỗi. Do đó, trước hết, họ phải tách mình ra khỏi thế gian để có thể tận hiến cho Thiên Chúa và thuộc riêng về Người.

Ba sự tách biệt và ba sự thánh hiến

Để linh hồn người tu sĩ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, cần phải có ba sự tách biệt và ba sự thánh hiến đối với của cải bên ngoài, thân xác và tự do cá nhân. Chỉ bằng cách này, sự hòa hợp của tình trạng công chính nguyên thủy mới được tái lập, trong chừng mực mà điều này có thể thực hiện được ở trần gian. Trong tình trạng công chính nguyên thủy, có sự hòa hợp hoàn hảo giữa thân xác và của cải bên ngoài nhằm phục vụ thân xác, giữa linh hồn và thân xác nhằm phục vụ linh hồn, và sau cùng, giữa Thiên Chúa và linh hồn được tiền định để phục vụ Thiên Chúa.

Tội nguyên tổ và tội nói chung đã làm xáo trộn ba sự hòa hợp này. Thay vì sử dụng của cải bên ngoài, thân xác chúng ta lại tự biến mình thành nô lệ cho chúng và tìm cách tích trữ tài sản. Kẻ keo kiệt trở thành nô lệ cho chính kho tàng của mình, người giàu có trở thành nô lệ cho sự thịnh vượng và công việc làm ăn, những thứ khiến anh ta hoàn toàn bị mê hoặc. Đó là dục vọng của đôi mắt, thứ không bao giờ phát sáng và lấp lánh cho đủ trước ánh mắt của những kẻ thèm thuồng. Sau khi phạm tội, linh hồn có xu hướng làm nô lệ cho thân xác thay vì sử dụng nó. Dục vọng của tính xác thịt là như vậy. Và sự tự do của con người, một khi đã được đưa tới tính kiêu ngạo, sẽ từ chối phục tùng Thiên Chúa và phục vụ Người, do đó, trở thành nô lệ cho sự thất thường của chính mình. Đây là lối sống kiêu kỳ.

Mục đích của ba lời khấn chính là để tái lập sự hòa hợp ban đầu. Lời khấn khó nghèo tách chúng ta khỏi của cải bên ngoài, thánh hiến chúng cho Thiên Chúa để chúng không còn là trở ngại nữa, nhưng là phương thế. Lời khấn khiết tịnh tách chúng ta khỏi thân xác, thánh hiến nó cho Thiên Chúa để nó không còn là trở ngại, nhưng là phương thế cho sự sống của linh hồn. Lời khấn vâng phục tách chúng ta khỏi ý chí, khỏi tự do cá nhân, thánh hiến nó cho Thiên Chúa để nó có thể hoàn toàn phục tùng Người.

Khi chúng ta phó thác cho Thiên Chúa của cải, thân xác và sự tự do của mình, Người sẽ biến đổi chúng để chúng không còn là dịp gây ra rối loạn nữa. Người trao chúng lại cho chúng ta như một phương thế dẫn tới ơn cứu độ. Quả là đúng đắn khi khẳng định về người tu sĩ: “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23). Đây là lý do cho ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.

Khi ba nhân đức này lệ thuộc vào đức thờ phượng, vốn có mục đích là thờ phượng và tôn thờ Thiên Chúa cả bên trong lẫn bên ngoài, thì việc thực hành khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục trở thành một hành vi thờ phượng. Đó là sự hiến dâng chính chúng ta cho Thiên Chúa, một sự hiến dâng mà nếu như trọn vẹn, sẽ xứng đáng với tên gọi là lễ hy tế và lễ toàn thiêu.

Để chắc chắn rằng mình không thoái lui, nhưng sẽ kiên trì thực hành các nhân đức khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và thờ phượng, linh hồn người tu sĩ phải tự ràng buộc mình với Thiên Chúa bằng ba lời khấn. Ba lời khấn này làm thành một giao ước ba phần giữa Thiên Chúa và chúng ta, qua đó, chúng ta buộc mình phải thực hành các nhân đức ấy trong một thời hạn nhất định hoặc thậm chí đến chết. Cũng qua cùng một giao ước này, Thiên Chúa buộc chính Người, miễn là chúng ta vẫn trung thành, phải ban cho chúng ta tất cả những gì cần thiết để dẫn đưa chúng ta đến với sự thánh thiện. Ở đây, lời khấn đóng vai trò là một phương thế, một điểm tựa của nhân đức vốn vượt xa chính nó. Thật vậy, nhân đức không chỉ bao gồm những gì là bắt buộc trong đời sống tu trì, nhưng còn bao hàm tính nhạy cảm và quảng đại giúp tạo nên sự hoàn hảo của nó.

Lời khấn, nhất là lời khấn vĩnh viễn, làm cho chúng ta mãi mãi trở thành tài sản của Thiên Chúa. Nó trao cả thể xác và linh hồn của chúng ta cho Thiên Chúa. Nó dâng lên Thiên Chúa cả công việc, lời cầu nguyện, thời gian và những hành động nhỏ nhất của chúng ta. Đổi lại, Thiên Chúa cam kết trao ban cho chúng ta trọn vẹn chính Người.

Giá trị tu trì của Khó nghèo

Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét đức khó nghèo tu trì, nhân đức mà về cơ bản lệ thuộc vào đức thờ phượng và dưới khía cạnh này, xứng đáng được gọi là đức khó nghèo thánh thiện. Cũng như tất cả các nhân đức của đời tu, nó bao hàm sự tách biệt hoặc từ bỏ cùng với một sự thánh hiến.

Tách biệt

Đức khó nghèo tu trì về cơ bản bao hàm việc từ bỏ cả tài sản lẫn quyền tự do sử dụng của cải bên ngoài vì tình yêu đối với Thiên Chúa. Nếu động cơ của sự từ bỏ hay tách biệt này không phải là tình yêu đối với Thiên Chúa, thì người ta không thể nói đến đức khó nghèo thánh thiện, nhưng cùng lắm chỉ là một lối khó nghèo triết học, thứ gắn liền với một thái độ coi thường của cải bên ngoài trong sự dửng dưng, hoặc để thoát khỏi mối bận tâm về chúng, hoặc đôi khi nảy sinh từ sự kiêu ngạo.

Sự từ bỏ mà đức khó nghèo thánh thiện đòi hỏi không phải là sự thiếu thốn [hay bỏ khuyết] của cải bên ngoài. Nghèo khổ và khốn cùng không phải là đức khó nghèo thánh thiện. Chúng ta không từ bỏ của cải bên ngoài nhiều hơn những gì thực hiện đối với thân xác hay sự tự do của mình; nhưng chúng ta từ bỏ quyền sở hữu và việc tự do sử dụng đối với chúng. Đức khó nghèo thánh thiện không cho phép chúng ta gắn bó tâm hồn mình với chúng. Chúng ta nên sử dụng những của cải này với một sự thờ ơ nhất định và hầu như không để tâm tới chúng. Chúng ta phải luôn sẵn sàng từ bỏ những đồ vật mà mình đang sử dụng, kể cả những đồ vật dùng trong việc thực hành lòng sùng kính. Dù sao, chúng vẫn chỉ là những phương thế cho lòng sùng kính của chúng ta và có thể trở thành chướng ngại nếu chúng ta quá gắn bó với chúng.

Bên cạnh quyền sở hữu của cải trên thực tế, đức khó nghèo thánh thiện còn không cho phép chúng ta tự do sử dụng chúng. Chúng ta không nên sử dụng, cho mượn, hay đem tặng trừ khi rõ ràng hoặc ít là ngầm có sự cho phép của bề trên. Chúng ta nên giới hạn bản thân vào những gì thực sự cần thiết và tránh những gì không cần thiết. Những thứ đem lại tiện nghi hơn sẽ trở nên dư thừa bất cứ khi nào những gì ít tiện nghi hơn là đủ. Cách tốt nhất để biết điều gì cần thiết và điều gì không, là tuân theo những gì đã được ban cho tất cả mọi người—không hơn—trừ khi có một lý do đặc biệt nào đó, dẫu vậy, vẫn luôn phải để bề trên quyết định cho mình.

Hơn nữa, đức khó nghèo thánh thiện còn buộc chúng ta phải kiên nhẫn, và vì tình yêu đối với Thiên Chúa, chịu đựng sự một thiếu thốn bất ngờ về điều gì đó cần, khi Chúa Quan Phòng cho phép sự thiếu thốn này thử thách tính kiên nhẫn và lòng tin của chúng ta. Chúng ta nên nhớ rằng, vì tình yêu đối với Thiên Chúa, chúng ta hiếm khi phải rơi vào hoàn cảnh mà những người nghèo khổ trên thế gian rất thường xuyên rơi vào. Đôi khi, họ thậm chí còn không có cả bánh mì để nuôi thân, quần áo, hơi ấm, thời gian để nghỉ ngơi, bác sĩ và thuốc men để chăm sóc sức khỏe. Chúng ta nên có được sức mạnh nào đó để chịu đựng khó khăn mà không kêu ca phàn nàn. Nếu không, làm sao việc thực hành đức khó nghèo lại có thể là một sự khổ chế? Làm sao nó có thể tạo ra nơi chúng ta sức mạnh đời tu và niềm vui, ngay cả giữa những khó khăn và thiếu thốn, mà Chúa mong muốn được thấy để chúng ta có thể trở nên hình ảnh của Người?

Chúng ta phải nhớ đến mức độ mà Chúa Giêsu đã tự tách mình ra khỏi của cải trên thế gian này. Người sinh ra trong chuồng gia súc và chết trên thập giá. Không có gì thuộc quyền sở hữu của Người, ngay cả ngôi nhà mà Người đã ở tại làng Nadarét. Ngôi nhà đó thuộc về Đức Maria. Trong thời gian thi hành sứ vụ, Người không có bất cứ thứ gì là của riêng, thậm chí không có lấy một nơi để tựa đầu. Khi người ta muốn tôn Người lên làm vua, thì Người bỏ chạy. Vinh quang duy nhất mà Người tìm kiếm là vinh quang của Chúa Cha. Vinh quang này, chính Người đã tìm kiếm, đã muốn và đã đòi hỏi. Chúng ta cần phải sống tách biệt như Chúa Giêsu, như các thánh, như Thánh phụ Đa Minh của chúng ta, người thậm chí không có phòng riêng hay một cái giường để nằm nghỉ.

Thánh hiến

Đức khó nghèo thánh thiện không chỉ bao gồm việc từ bỏ quyền sở hữu và sử dụng của cải bên ngoài. Nó còn bao hàm cả việc thánh hiến những tài sản này cho Thiên Chúa. Khi chúng ta dâng chúng cho Chúa, Người cho phép chúng ta sử dụng những của cải này với điều kiện là chúng ta chỉ dùng chúng vì ơn cứu độ cho chúng ta, ơn cứu độ cho các linh hồn, và vì vinh quang lớn lao hơn cho Thiên Chúa. Chúng ta có thể có những tu viện đẹp đẽ, đặc biệt là những nhà thờ nguy nga, mà vẫn thực hành đức khó nghèo thánh thiện. Chúng ta sở hữu những tu viện và nhà thờ này cho Thiên Chúa chứ không phải cho chúng ta; chúng không phải là của chúng ta, nhưng là của Chúa. Chân phước Angelico không thiếu sự khó nghèo khi ngài trang trí phòng ở cho các tu sĩ tại tu viện Saint Mark ở Florence bằng những bức bích họa tái hiện cuộc đời của Chúa.

Trong các tu viện, chúng ta tập hợp quanh Chúa không phải dưới tư cách là những kẻ ăn xin, nhưng là con cái trong nhà. Người ban cho chúng ta dồi dào những gì cần thiết cho linh hồn và thể xác. Tại Bàn Tiệc Thánh Thể, Người ban chính mình cho chúng ta để nuôi dưỡng linh hồn. Trong nhà ăn, Người lo liệu cho chúng ta có đủ lương thực để bồi bổ. Và những gì là “cần thiết” thì không phải dòng tu nào cũng giống nhau. Chúa phân phát cho mỗi người tùy theo bản tính và nhu cầu của sứ vụ tông đồ của họ.

Chúng ta có thể thôi khó nghèo theo hai cách: làm cho những của cải này chệch hướng khỏi cùng đích của chúng, hoặc bằng cách thiếu niềm tin vào Chúa Quan Phòng. Những điều này có nghĩa là chúng ta đang biến của cải của Thiên Chúa thành thứ phục vụ cho lợi ích của riêng mình thay vì mục đích của đời tu. Chúng ta cũng thôi khó nghèo khi tiêu tán của cải của Chúa, khi chúng ta để chúng bị hỏng hóc hoặc thất lạc, và khi chúng ta lãng phí thời gian vào chuyện mơ mộng hay tán gẫu—vì thời gian của chúng ta cũng thuộc về Chúa. Người tu sĩ thực sự nghèo là người chăm chỉ làm việc; và công việc của anh là thứ được thiết lập bởi luật dòng chứ không bởi bất cứ điều gì khác.

Tương tự như vậy, chúng ta cũng thôi mong muốn có được đức khó nghèo thánh thiện nếu, trong những thời điểm mà sự thiếu thốn bắt đầu xuất hiện, chúng ta thiếu tin tưởng vào Chúa Quan Phòng. Khi khấn khó nghèo, chúng ta đã ký một thỏa thuận với Thiên Chúa và trên đó có chữ ký của Người. Người buộc chính mình phải cấp ban cho chúng ta những gì cần thiết, nếu chúng ta trung thành tuân giữ bổn phận của mình, tức là mục đích cụ thể của Dòng chúng ta.

Chúng ta nên nhớ tới Thánh phụ Đa Minh. Khi các anh em đến báo: “Không còn gì để ăn nữa.” Người của Chúa nói: “Hãy đến nhà ăn,” và có các thiên sứ từ trời xuống để phục vụ các tu sĩ. Điều này không thể khác được. Chúa chúng ta đã ban lời, và Thánh Đa Minh cùng với các anh em của ngài không thiếu lời trong họ. Thánh Agnes xứ Montepulciano, nữ tu viện trưởng ở tuổi hai mươi, đã có lúc thấy mình chẳng có nguồn cung cấp nào. Tuy nhiên, ngài yêu mến đức khó nghèo thánh thiện và biết cách vượt qua khó khăn bất chấp những thiếu thốn ngặt nghèo nhất. Ngài đã tin tưởng vào lời Chúa. Người đã tạm rời bỏ thánh nữ mà không ban cho bất cứ thứ gì chỉ để thử thách tình yêu của ngài.

Vậy tại sao chúng ta lại phải lo lắng? Chính Chúa đã nói với tất cả các Kitô hữu: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?… Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,25-33). Vậy nếu Chúa Giêsu đã hứa điều không thể sai lầm này với tất cả các Kitô hữu, thì có gì mà Người sẽ không làm gì cho các tu sĩ, những kẻ đã đặt trong tay Người chính mạng sống của họ?

Thánh Têrêsa thành Avila đã viết: “Chúng ta càng có ít, tôi càng bớt lo. Chúa biết rất rõ rằng tôi cảm thấy khổ tâm khi của bố thí vượt quá mức cần thiết hơn là khi thiếu thốn một thứ gì đó. Và [tới bây giờ] tôi vẫn không thể nói rằng chúng ta đã thiếu thốn gì, vì Thầy đáng kính luôn sẵn lòng đến để trợ giúp chúng ta” (Way of Perfection, ch. 2).

Chúng ta nên cố gắng để có được sự tin cậy siêu nhiên và thần linh kỳ diệu này. Trong những lúc cần kíp, đừng bao giờ bỏ qua những lời cầu nguyện mà Chúa yêu cầu chúng ta thực hiện để dành thì giờ cho những công việc xác thịt không đúng ý Người. Chúng ta cũng đừng bao giờ biến tu viện thành một nhà xưởng để tích trữ những thứ mình cần, hay tìm cách thu lượm của bố thí hoàn toàn bằng phương thế phàm nhân.

Chúng ta nên cố gắng trung thành với Chúa trong việc tuân thủ luật dòng, và Người cũng sẽ trung thành với chúng ta. Như Thiên Chúa đã ban lời Người cho Thánh Đa Minh, Thánh Agnes và Thánh Têrêsa, thì Người cũng ban lời cho cả chúng ta nữa. Chúa đã nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Người không nói “sẽ là của họ” nhưng “là của họ.”

Đó là đức khó nghèo thánh thiện xét dưới hai khía cạnh, tiêu cực và tích cực, của sự tách biệt và thánh hiến. Của cải bên ngoài không còn là trở ngại, vì chúng không còn hấp thụ chúng ta, không còn khiến chúng ta phải bận tâm nữa. Chúng ta sử dụng chúng để duy trì sự sống của thân xác, để cứu độ các linh hồn và làm sáng danh Chúa.

Như vậy, trong một tu viện, nhờ phương thế là đức khó nghèo thánh thiện, chính của cải vật chất đã mang lại sự thờ phượng và tôn thờ Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của mọi thụ tạo. Sự hòa hợp nguyên thủy được tái lập. Bằng cách giải thoát chúng ta khỏi vô số những mối bận tâm trần thế, đức khó nghèo thánh thiện cho phép chúng ta hướng trọn suy tư về Thiên Chúa và các linh hồn, tiến bước trên con đường hoàn thiện và chỉ sống cho Thiên Chúa và các linh hồn. Liệu ai có thể diễn tả được sự phong phú của đức khó nghèo thánh thiện sẽ như thế nào xét dưới khía cạnh này? Anh em chỉ cần đến thăm một số tu viện chuyên về giảng dạy, chăm sóc người nghèo và bệnh nhân là đủ.

Và ở đây, vẫn còn nữa một sự phong phú khác hoàn toàn thuộc về tinh thần. Đức khó nghèo thánh thiện dạy chúng ta thực hành nhiều nhân đức như kiên nhẫn, khiêm nhường và hiền lành. Trên hết, nếu chúng ta ngoan ngoãn, nó sẽ truyền cho chúng ta một tinh thần từ bỏ cách triệt để đến mức chúng ta được thúc đẩy để thực hành nhân đức này không chỉ đối với của cải vật chất, nhưng còn với những của cải tinh thần của trí tuệ, tâm hồn và linh hồn.

Của cải của trí tuệ là tri thức đủ loại; của cải của tâm hồn là tình cảm; và của cải của linh hồn là sự an ủi thiêng liêng và công phúc của chúng ta.

Đức khó nghèo thánh thiện dạy chúng ta đừng coi tri thức và những khả năng nhỏ bé mà mình có là tài sản riêng, bởi lẽ tất cả chúng đều thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta nên tách mình khỏi chúng, bởi nếu không, tài sản riêng mà chúng ta chiếm đoạt sẽ khiến chúng ta rơi vào tình trạng kiêu ngạo. Chúng ta phải thánh hiến công việc trí tuệ của mình cho Thiên Chúa, nghĩa là nghiên cứu những gì Người muốn, khi Người muốn, như Người muốn, chỉ để phục vụ Người, để thờ phượng và tôn thờ Người, và vì vinh quang của Người. Cuộc đời của các vị thánh đủ cho chúng ta thấy rõ rằng Thiên Chúa đã vui lòng tuôn đổ ánh sáng của Người trên những tâm hồn tách mình khỏi những ý tưởng cá nhân của họ như thế nào. Chẳng hạn, chúng ta có thể nhớ lại những hiểu biết sâu sắc của Thánh Catarina thành Siêna, chúng vượt xa sự chiêm niệm thần học ngay cả ở cấp độ cao nhất.

Đức khó nghèo thánh thiện dạy chúng ta tách mình ra khỏi tình cảm. Trái lại, nếu chúng ta gắn bó với chúng, chúng sẽ gây ra sự lãng phí thời gian rất lớn mà chúng ta mắc nợ Thiên Chúa và các linh hồn. Những tình cảm này sẽ trở thành nguy cơ khiến chúng ta rơi vào thuyết duy cảm hoặc những sai lầm nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải thánh hiến tình cảm của mình cho Thiên Chúa và đặt chúng dưới tác động siêu nhiên của đức ái và đức thờ phượng. Khi đó, chúng sẽ lớn lên và chính Chúa sẽ hé lộ cho chúng ta tất cả những kho tàng của một tình bạn thực sự siêu nhiên. Đức khó nghèo thánh thiện cũng dạy chúng ta biết hài lòng khi không được một số anh em hoặc bề trên quý mến. Tình yêu của Chúa Giêsu chưa đủ sao?

Đức khó nghèo về tinh thần giúp chúng ta tách mình khỏi những của cải của linh hồn, tức là khỏi những sự an ủi thiêng liêng. Nó dạy chúng ta đừng tìm kiếm chúng như một mục đích—điều này rất nguy hiểm—vì khi làm như vậy, chúng ta đã đặt vũ khí vào trong tay Ma quỷ. Chúng chỉ nên được khao khát như một phương thế vì mục đích là Chúa. Chúng ta phải chấp nhận bị tước mất chúng khi Chúa thấy điều đó cần thiết cho chúng ta. Đức khó nghèo về tinh thần dạy chúng ta đừng ghen tị với những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho các linh hồn khác, và cũng đừng mong muốn trở thành thánh nhân chỉ trong một sớm một chiều mà không trải qua các cấp độ thử thách trung gian. Nó dạy chúng ta biết tạ ơn Chúa khi Người lấy đi những sự ngưỡng mộ mà người khác dành cho chúng ta, giữ chúng ta lại trong sự khiêm nhường bằng cách đặt chúng ta vào những cơn cùng khốn. Hơn nữa, nó dạy chúng ta biết tước bỏ công trạng của mình và dâng chúng cho Chúa và Đức Mẹ Đồng Trinh để cứu lấy các linh hồn đang còn thiếu thốn. Trong trường hợp này, bằng cách tự mình tước đi những gì của bản thân, chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn những gì trao hiến; và quả thực, chúng ta sẽ nhận được gấp trăm lần.

Sau cùng, sự tước bỏ (kenosis) tự nguyện này giúp chuẩn bị chúng ta cho những gì cần thực hiện để sẵn sàng cho một sự sống mới trên Thiên đàng; cho việc trút bỏ tất cả những gì thuộc về con người, cho việc đóng đinh nội tâm, cho sự trần trụi của linh hồn mà đối với các thánh, là sự khởi đầu và kết thúc của cuộc đời trần thế, trong khi đối với những người khác, là những gì còn phải trải qua trong luyện ngục.

Nguyện xin Chúa giúp chúng con sẵn sàng dấn thân vào công việc thanh tẩy thần linh cách trọn vẹn mà chỉ có Người mới có thể hoàn tất nơi chúng con!

Scroll to Top