Chương XI. Thập giá

Mục lục
Mục lục

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” — Mt 16,24


Chúng ta đã suy tư về tính thiết yếu của khổ chế chủ động trong đời sống và về giá trị của khổ chế được tổ chức theo cách vĩnh viễn trong đời sống tu trì qua việc thực hành ba lời khấn. Chúa chúng ta đã ngụ ý điều này, khi Người nói: “phải từ bỏ chính mình”; nhưng Người cũng nói thêm: “vác thập giá mình mà theo.” Như vậy, chỉ bỏ mình và khổ chế thôi vẫn chưa đủ. Chúng ta còn phải kiên nhẫn vác thập giá mà Chúa ban để thanh tẩy chúng ta và cứu độ các linh hồn.

Cái mà chúng ta gọi là “thập giá” trong thuật ngữ Kitô giáo (hình ảnh loại suy cho những đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu) là những đau khổ về thân xác và luân lý trong đời sống hàng ngày, những đau khổ nảy sinh từ mối quan hệ của chúng ta với thế giới bên ngoài và với những người xung quanh. Cách đặc biệt, họ là những người được Thiên Chúa trực tiếp gửi đến cho chúng ta để thanh tẩy chúng ta và cứu độ các linh hồn. Giống như Thánh giá do Chúa Cha đặt lên Chúa Giêsu, chúng là cái giá để chúng ta được hưởng ơn cứu độ. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).

Tính thiết yếu của thập giá trong đời sống Kitô hữu phát xuất từ việc chúng ta mang đâu đó trong mình những mầm mống của một sự dữ sâu xa, tuy nhiên, chúng ta không biết cách chính xác rằng những nguyên lý của sự chết này được tìm thấy ở đâu. Ngay cả khi chúng ta đã khổ chế và cố gắng hết sức để duy trì sự ổn định và lòng nhiệt thành trong đời sống tu trì, thì vẫn còn đó rất nhiều thiếu sót vô thức trong chúng ta: nhục dục thiêng liêng và kiêu ngạo thiêng liêng, việc bám víu vào phán đoán và ý muốn riêng của mình, v.v. Tất cả những điều này đều cản trở chúng ta trong việc vươn tới những gì mà chúng ta phải trở thành—tức là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Kitô. Giữa người tu sĩ bình thường và vị thánh tu sĩ có một vực thẳm ngăn cách! Và vực thẳm này được bắc cầu bằng thập giá được sinh ra trong sự kiên nhẫn.

Chúa biết rõ nơi nào sự dữ đang ẩn náu trong chúng ta hơn chúng ta. Vì muốn chữa lành chúng ta, Người sai các sứ giả của Người đến khuyên răn chúng ta, và chính Người sẽ đặt dụng cụ vào vết thương nơi chúng ta để lấy ra từ đó mọi gốc rễ của sự hư hoại. Và ngay cả khi chúng ta không bị bệnh, Người vẫn sẽ sai thập giá đến để tách chúng ta ra khỏi những tình cảm mà mặc dù chính đáng, nhưng lại cản trở chúng ta trở nên hoàn toàn siêu nhiên.

Sau cùng, Người gửi thập giá đến cho chúng ta để chúng ta có thể trợ giúp Người như những khí cụ cứu chuộc. Nếu muốn cứu các linh hồn, chúng ta phải sử dụng cùng một phương thế mà Chúa đã sử dụng. Chúa Kitô đã hiện ra với Thánh Rose thành Lima vào ngày mà ngài được nhận áo dòng, dưới hình dáng một nhà điêu khắc, và đề nghị thánh nữ giúp Người chế tác một khối đá cẩm thạch. Thánh nữ trả lời rằng mình chỉ biết dệt vải và nấu ăn. Sau đó, Chúa cho ngài hiểu rằng khối đá cẩm thạch đó, thứ vẫn chưa thành hình và thô ráp, chính là ngài, và rằng ngài phải kiên nhẫn chịu sự đục đẽo và mài giũa để có thể trở nên hình ảnh của Thầy, một viên đá quý trong thành trì vĩnh cửu của các linh hồn.

Tính thiết yếu của thập giá tỷ lệ thuận với mức độ vinh quang mà Thiên Chúa muốn dẫn chúng ta đến. Có một số người mà chúng ta đã nhầm lẫn và động lòng trắc ẩn khi gọi họ là “những linh hồn bị dày vò”, tuy nhiên, họ sống giữa những đau khổ gần như triền miên là bởi vì Chúa muốn dẫn họ lên cao hơn nhiều so với những người khác, những người không bị dày vò nhưng dễ an phận bằng lòng. Ở điểm này, tất cả các thánh đều nói rằng: “Thiên Chúa càng yêu thương chúng ta bao nhiêu thì thập giá Người gửi cho chúng ta càng nặng bấy nhiêu.”

Kiên nhẫn là nhân đức của các thánh (x. Thánh Têrêsa và Thánh Tauler). “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).

Đời sống thiêng liêng không thể đạt tới một sự mãnh liệt nhất định nếu không có cái chết sâu sắc, điều mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể tạo ra nơi chúng ta.

Để kiên nhẫn vác thập giá, chúng ta cần phải hiểu và thấy được mục đích của thập giá. Vì thế, không hề vô ích nếu chúng ta biết được những cách khác nhau mà Chúa dùng để thử thách các cá nhân vì mục đích thanh tẩy họ. Có một số loại thập giá có mục đích thanh tẩy tri giác và giúp nó hoàn toàn tùng phục tinh thần. Những thập giá như vậy có tần suất thường xuyên và phổ biến đối với nhiều người, đặc biệt là những người mới bắt đầu. Trong khi đó, có những thập giá khác nặng hơn và có mục đích là thanh tẩy hoàn toàn tinh thần và giúp nó tùng phục Thiên Chúa. Những thập giá như vậy chỉ được trao cho một số ít những người đã có sự tiến bộ trong đời sống nội tâm.

Thập giá của tri giác

Một trong những bất toàn lớn nhất của những người mới bắt đầu là nhục dục thiêng liêng và kiêu ngạo thiêng liêng. Chúng ta quá gắn bó với vị ngọt khả giác mà chúng ta tìm thấy trong việc thực hành lòng sùng kính, chúng ta tìm kiếm nó như một mục đích chứ không chỉ đơn thuần là một phương thế để đến với Thiên Chúa. Chúng ta khoe khoang về sự hoàn thiện của mình và xét đoán tha nhân rất nghiêm khắc. Chúng ta tỏ ra như những bậc thầy, trong khi thực sự vẫn chỉ là những anh tập sự kém cỏi.

Chúa thấy cần phải cai sữa cho chúng ta. Và Người quyết định lấy đi sữa là những an ủi khả giác để ban cho chúng ta một thứ thức ăn cần thiết hơn, một loại lương thực thiêng liêng hơn. Khi đó, tri giác của chúng ta sẽ chỉ còn thấy những sự khô khan và sầu khổ. Nhờ đó, chúng ta cũng trở nên khiêm nhường hơn, không còn xét đoán tha nhân một cách nghiêm khắc như trước và không còn tỏ ra như những bậc thầy.

Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng sự khô khan thiêng liêng này không bao giờ khiến chúng ta chán nản, vì nếu nó đi kèm với việc tách khỏi thế gian và thường xuyên nhớ đến Thiên Chúa, thì đó là một bằng chứng rằng nó không đến từ sự hâm hẩm của chúng ta. Đúng hơn, nó là một lợi ích cho chúng ta: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi.” Thập giá này dạy chúng ta biết phục vụ Thiên Chúa vì chính Người, với lòng vị tha, và nó bảo vệ chúng ta khỏi những ảo tưởng của Ma quỷ.

Để thanh tẩy tri giác của chúng ta, Thiên Chúa còn ban cho chúng ta những thập giá khác. Người có thể gửi đến cho chúng ta bệnh tật, tước đi tình bạn mà có lẽ đã cuốn hút chúng ta quá mức, lấy đi những danh dự hoặc một chức vụ nhất định, chẳng hạn, những thứ dường như lẽ ra phải dành cho chúng ta. Nhưng trên hết, Người tước đi những của cải mà chúng ta đã dành trọn tình cảm và đến với chúng ta vì lòng thương xót để xin chúng ta phần tình yêu mà chúng ta đã không nghĩ phải trao cho Người. Khi sự trống rỗng này chưa đủ, Người lại thương xót chúng ta hơn khi cho phép có ít nhiều những sự ngược đãi và những cơn cám dỗ của Ma quỷ.

Tuy nhiên, những thập giá nhỏ bé mà chúng ta phải vác có là gì so với thập giá của các thánh? Chúng ta hãy nhớ đến Thánh Phêrô Tử Đạo của chúng ta, người đã được một số phụ nữ thánh thiện đến viếng thăm tại phòng riêng của ngài. Vì điều này, ngài đã bị cáo buộc tại Công hội về một tội ô nhục mà ngài không hề phạm. Vì không muốn tiết lộ những ân sủng từ Trời khiến mình được quý mến, thánh nhân chấp nhận đứng nghe lời khiển trách nặng nề từ phía bề trên mà không nói lại một lời. Ngài bị trục xuất khỏi tu viện ở Bologna và bị chuyển tới Iesi miền Le Marche. Sự ô nhục đè nặng trên ngài, khiến ngài mất hết danh dự. Vị thánh đã phàn nàn với Chúa. Một ngày nọ, khi phủ phục dưới chân thánh giá, với đôi mắt đẫm lệ, ngài kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết con vô tội. Làm sao Chúa có thể cho phép một lời buộc tội sai trái như vậy hủy hoại thanh danh của con?” Có một giọng nói vang lên từ cây thánh giá: “Phải chăng Ta đã không bị bỏ rơi để chịu nhục và đã chẳng bị đè bẹp trước những lời nhục mạ bất chấp sự vô tội của Ta sao? Hãy học theo gương của Ta mà chịu đựng những lời vu khống cay nghiệt nhất!” Nhờ kinh nghiệm này, kể từ đó trở đi, Phêrô Tử Đạo đã hiểu được mầu nhiệm Thập giá và tất cả vẻ huy hoàng của Thập giá. Từ sự sỉ nhục này, vốn thực sự là cuộc viếng thăm của Chúa, ngài đã rút ra cho mình nhiều điều hơn là từ những ân huệ khiến cho những vị khách thánh thiện vô tình gây ra sự sỉ nhục.

Khi chính chúng ta và những gì chúng ta đã làm cho cộng đoàn không được thừa nhận, khi những ý hướng tốt đẹp của chúng ta bị người khác hiểu lầm, hãy nhớ đến mẫu gương của Thánh Benedict Labre. Có lần, một trợ sĩ Dòng Tên, vốn ban đầu ấn tượng bởi lòng nhiệt thành nơi người lang thang tội nghiệp của Chúa, muốn gặp và nói chuyện với ngài, nhưng sau đó, anh ta đổi ý và hủy gặp. Mọi chứng từ sau đó của người trợ sĩ nhằm tìm kiếm sự cảm thông của vị thánh đều làm tổn thương sự khiêm nhường trong tâm hồn ngài. Lần khác, khi một số đứa trẻ ném rác vào ngài và coi ngài như một gã ngốc, ngài đã đi chậm lại và thậm chí dừng lại để thưởng nếm sự khổ chế này. Dường như chưa thỏa mãn với những lời lăng mạ, một ngày nọ, hai thanh niên lưu manh quăng ngài xuống đất rồi kéo râu và giật tóc ngài, chúng giẫm đạp lên ngài và nhổ vào mặt ngài. Dẫu vậy, vị thánh không tìm cách tự vệ hay trốn chạy. Một số người qua đường tỏ ra phẫn nộ đã xua đuổi những kẻ phạm pháp. Chúng bực bội: “Hắn ta là một thằng ngốc. Tại sao chúng ta không vui vẻ với hắn một chút?” Một phụ nữ can đảm đáp lại: “Chính chúng mày mới là những kẻ ngốc. Ông ấy là một vị thánh.” Con người tội nghiệp của Chúa Kitô đã trở thành một kẻ ngốc, một kẻ ngốc trong sự điên rồ của Thập giá vốn là sự khôn ngoan tối thượng trước mặt Thiên Chúa.

Đó là chuyện của các thánh. Còn những thập giá mà chúng ta phải vác thì nhẹ hơn nhiều, vì chúng ta không được kêu gọi đạt tới mức độ thánh thiện cao cả như vậy. Chúng ta phải khiêm nhường để không cầu xin Thiên Chúa những thập giá vượt quá sức mình, nhưng hãy kiên nhẫn chịu đựng những thập giá vừa sức mà Chúa gửi đến, những thập giá mà Người yêu cầu chúng ta phải vác. Chúa Giêsu đã nói với tất cả mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”

Loại thập giá giúp thanh tẩy tri giác của chúng ta, bằng cách nâng nó lên và bắt nó lệ thuộc ngày càng hoàn hảo hơn vào tinh thần, giúp chúng ta hiểu rõ mình hơn. Nó vén mở cho chúng ta thấy sự bất xứng và yếu đuối của mình, dạy chúng ta xem nhẹ bản thân, và như Thánh Phaolô gợi ý, coi người khác trọng hơn mình. Nó cũng dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa tốt hơn, không phải qua những sự an ủi khả giác, nhưng qua những nỗi gian truân khốn khổ. Kết quả là, không phải Chúa Giêsu trong máng cỏ nữa, nhưng là Chúa Giêsu trên Thập giá đã mặc khải chính Người cho chúng ta thông qua kinh nghiệm của chúng ta. Từ đó, chúng ta bắt đầu thực sự yêu mến Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn thiêng liêng, và yêu cả những đòi hỏi cấp bách của tình yêu đối với Người là những điều cũng hoàn toàn thiêng liêng. Khi làm như vậy, con người toàn diện của chúng ta trở nên được thiêng liêng hóa.

Thập giá của tinh thần

Tuy nhiên, vẫn còn có những thập giá khác nặng hơn chỉ được đặt lên những người đã tiến bộ rất nhiều trong đời sống nội tâm. Đó là những thập giá mà chúng ta nên biết không phải để xin Chúa ban cho chúng ta, nhưng là để chúng ta có thể thấy mình vẫn còn cách xa những đỉnh cao của tình yêu, cũng như thấy được sự điên rồ của thói kiêu ngạo thiêng liêng, thứ xui khiến chúng ta tin rằng mình đã là người tiến bộ trên con đường hoàn thiện.

Chính Chúa Thánh Thần đã thấy là hữu ích khi hé lộ cho tất cả mọi người những thập giá khủng khiếp qua cuốn sách có một không hai về ông Gióp. Chỉ những thập giá như vậy mới giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của một số câu cảm thán được thốt ra từ miệng Chúa Giêsu trên đồi Canvê, cũng như biết được những loại đau khổ nào đang chờ đợi mình trong luyện ngục.

Mục đích của những thập giá này không phải là để thiêng liêng hóa tri giác của chúng ta, nhưng là để siêu nhiên hóa tinh thần của chúng ta. Chúng tách tinh thần ra khỏi chính mình và giúp nó tùng phục Thiên Chúa theo cách mà có thể nói rằng, nó được biến đổi nên một với Người giống như cách gỗ trở thành mồi cho lửa, sưởi ấm và chiếu sáng như lửa (Thánh Gioan Thánh Giá). Những thập giá tinh thần này do Thiên Chúa trực tiếp gửi đến và giúp cho phần cao hơn của linh hồn chịu đau khổ. Phương thế mà Thiên Chúa dùng để thanh tẩy chúng ta là một ánh sáng siêu nhiên sống động và mãnh liệt đến nỗi con mắt của linh hồn, vì chưa đủ sức chịu đựng, trở nên bị chói lóa và mù lòa, phải chịu đau khổ tột cùng giống như những gì xảy ra với con cú khi nó bị chói mắt và đui mù dưới ánh sáng mặt trời quá độ.

Tuy nhiên, ánh sáng thần linh mầu nhiệm này, thứ mặc dù chói lóa, vẫn giúp cho người ta nhìn thấy. Trước hết, nó giúp cho linh hồn thấy được thực tại về mình, thấy được những chiều sâu không thể ngờ tới của sự khốn cùng nơi mình. Kế đến, nó mặc khải cho linh hồn về Thiên Chúa trong tính siêu việt và tinh tuyền vô hạn của Người. Mặc dù rất mơ hồ, sự mặc khải này diễn ra theo một cách thức hoàn toàn mới mẻ đến nỗi linh hồn dường như bị choáng váng và không còn thấy được mối liên hệ giữa tri ​​thức này và tri thức mà trước đây nó đã từng yêu thích. Mặc dù được nâng lên nhờ những vất vả khó nhọc để hướng tới ánh sáng, nhưng đối với người ta, nó dường như đang ngày càng bị đêm tối bao trùm.

Bây giờ, chúng ta sẽ xem cách Thiên Chúa thanh tẩy các thánh bằng cuộc thăng thiên đau đớn đối với đức khiêm nhường, đức tin, đức cậy và đức ái của họ, nghĩa là những nhân đức thuộc về các cấp độ cao hơn của linh hồn và tinh thần. Bằng cách này, chúng ta sẽ khám phá ra tính hời hợt và bất toàn trong đức khiêm nhường, đức tin, đức cậy và đức ái của chúng ta.

Thiên Chúa đã trực tiếp dạy dỗ các thánh về đức khiêm nhường, Người mặc khải chính mình cho họ và chỉ cho họ thấy vực thẳm ngăn cách họ với Người. Chúng ta cũng nên học hỏi đức khiêm nhường bằng cách chiêm ngắm cuộc đời các thánh và đo lường vực thẳm ngăn cách các ngài với chúng ta.

Đức khiêm nhường là nền móng của toàn bộ dinh thự tinh thần. Để một công trình có thể tồn tại vững chắc và lâu bền, nền móng của nó cần phải rất sâu. Tiếp theo, đá tảng của toàn bộ dinh thự này là đức tin. Hầu hết tất cả chúng ta hiện nay đều bằng lòng với việc đặt khối đá này phía trên nền móng và tiến hành xây cất trên nó; tuy nhiên, điều này là chưa đủ và dinh thự sẽ không thể tồn tại được. Có lúc, chúng ta hiểu rất rõ rằng mình cần phải đào sâu; tuy nhiên, chúng ta lại cảm thấy bằng lòng với việc hầu như không làm được gì đáng kể, thậm chí không tạo ra được chút xây xát nào trên bề mặt, để rồi sau vài năm sống trong đời tu, dinh thự của chúng ta chỉ còn đôi chút vững chắc hơn so với lúc ban đầu và chỉ một cơn bão cũng đủ để phá hủy toàn bộ. Vì thế, chúng ta nhất thiết phải đào sâu. Và ở đây, đức khiêm nhường giúp chúng ta làm được điều đó.

Khi Chúa chúng ta muốn xây dựng một dinh thự thiêng liêng nguy nga nơi một người, chính Người sẽ để mắt tới việc đào móng và tính đến những độ sâu mà chúng ta thậm chí không ngờ. Ánh sáng siêu nhiên chói lọi mà Người gửi đến, thứ khiến cá nhân ấy trở nên mù lòa, sẽ vén mở cho nó thấy được những nỗi khốn cùng, sự yếu đuối và nghèo nàn của mình.

Nó thấy rằng bản thân mình chẳng là gì cả, rằng tự thân mình, nó chẳng thể làm được điều gì khác ngoài những sai lầm, tội lỗi và trở về hư vô. Ở điểm này, Thánh Angela xứ Foligno tự thấy ngài chỉ là một vực thẳm của tội lỗi. Cùng với đó, linh hồn cũng thấy mình không thể làm được điều gì cho ơn cứu độ và có ấn tượng rằng tất cả những gì mình đảm nhận đều thất bại, trong khi những gì người khác thực hiện lại thành công. Có vẻ như thay vì tiến lên thì nó lại đi thụt lùi.

Một ngày nọ, Thánh Benedict Labre bắt đầu xưng tội bằng những lời sau đây: “Thưa cha, con là một tội nhân rất tệ; xin cha giúp con xưng tội cho tốt.” Cha giải tội, người không hề quen biết hối nhân này, tin rằng mình đang nói chuyện với với một tội nhân biết ăn năn hối cải và bắt đầu có những lời động viên. Tuy nhiên, trong tất cả những gì Benedict Labre xưng thú, cha giải tội không thể tìm thấy bất cứ tội lỗi nào. Vì nghĩ rằng người ngồi bên kia không biết cách xưng tội, nên ngài đã hỏi hối nhân một số câu về Mười Điều Răn; nhưng rồi những câu trả lời rất sâu sắc mà ngài nhận được khiến vị linh mục hiểu rằng mình đang giải tội cho một vị thánh.

Thánh Đa Minh đã tự đánh đòn hàng đêm vì tội lỗi của mình. Những vị thánh này, dù cuối cùng có được Chúa tôn vinh tới đâu, cũng không trở nên kiêu ngạo; họ đã kinh nghiệm được nỗi khốn cùng của chính mình.

Sau khi đã dùng thập giá để dạy các thánh trở nên hiền lành và khiêm nhường trong lòng, giống như Người, Chúa bắt đầu thanh tẩy đức tin của họ. Đức tin là nhân đức cốt ở việc tin vào bất cứ điều gì Thiên Chúa mặc khải chỉ vì Thiên Chúa là Đấng đã mặc khải điều đó. Trên thực tế, đây mới là lý do khiến chúng ta tin, mặc dù cũng có nhiều động cơ đệ nhị khác giúp cho hành vi của đức tin trở nên dễ dàng hơn. Chẳng hạn, chúng ta tin vì chúng ta kinh nghiệm được hành động của Thiên Chúa thực hiện ở nơi mình qua những sự an ủi mà Người ban cho chúng ta và qua sự tiến bộ mà Người giúp chúng ta đạt tới, hoặc vì những việc chúng ta đảm nhận vì Chúa có được thành công, hoặc vì chúng ta thấy sự hài hòa của các tín điều với nhau và với những chân lý tự nhiên vĩ đại.

Nhưng hãy giả sử đến một lúc nào đó, Thiên Chúa lấy đi tất cả những động cơ đệ nhị này ra khỏi chúng ta, khiến chúng ta không còn kinh nghiệm được hành động của Người trong chúng ta nữa. Chúng ta chẳng còn cảm được điều gì ngoài nỗi sầu khổ và khô khan thiêng liêng, đồng thời, không có được thành công trong bất cứ việc gì, giống như tình huống đã xảy ra với Thánh Đa Minh tại Fanjeaux. Chúng ta hãy giả sử rằng sự hài hòa trong giáo lý biến mất và nhường chỗ cho sự tối tăm mù mịt. Không còn gì nữa ngoại trừ một điều duy nhất là động cơ của niềm tin: Thiên Chúa đã phán như vậy và xác nhận nó bằng các phép lạ của Người.

Bằng cách này, Chúa thử luyện đức tin của các thánh để thanh tẩy nó. Những ánh sáng siêu nhiên mà Người gửi đến và nhờ đó, làm cho các tín điều trở nên chói lọi một cách không ngờ, khiến họ mù lòa. Vì trước đây, họ đã quen với việc tin theo một cách khá hời hợt, nên giờ đây, họ cảm thấy hoang mang và thậm chí tự hỏi rằng liệu mình có đánh mất đức tin hay không. Về điểm này, Chúa cũng cho phép có những cám dỗ của ma quỷ.

Chân phước Henry Suso đã phải chịu đựng cám dỗ kiểu này trong suốt mười năm. Thánh Vincent de Paul, người từng hiến mình để cứu lấy linh hồn của một linh mục, đã bị cám dỗ như vậy đến độ ngài phải tự hỏi xem liệu cuối cùng, mình có chối bỏ đức tin hay không. Khi không còn phân định được điều này, thánh nhân liền lấy một chiếc ghim cắm vào tay áo và nói: “Khi tôi thực hiện hành động bên ngoài là rút chiếc ghim này ra, tôi sẽ không còn tin nữa.” Ngay giữa lúc đức tin bị che mờ và bất chấp mọi khó khăn, chống đối, ngài đã tin tưởng với tất cả sức mạnh của mình chỉ vì động cơ duy nhất này: “Vì Chúa đã phán như vậy.” Như thế, ngài đã hoàn tất việc thiêu hủy trí tuệ của mình một cách đau đớn trước lời thần linh khó hiểu, và hành động này đã đưa ngài đến với một thế giới mới. Chẳng phải chỉ khi mặt trời lặn, chúng ta mới có thể thấy được các tinh tú trên bầu trời hay sao? Tương tự như vậy, ánh sáng thông thường của lý trí nơi chúng ta phải bị dập tắt thì đức tin tinh tuyền mới có thể trở nên đêm tối huy hoàng mà Thánh Kinh nói đến: “Và đêm đen sẽ là ánh sáng trong niềm vui của tôi” (x. Tv 139,11).

Tiếp sau sự thanh tẩy đức tin là thanh tẩy đức cậy. Đức cậy là nhân đức khiến chúng ta khao khát đạt tới và chiếm hữu Thiên Chúa bằng cách tin tưởng vào sự trợ giúp của Người. Trên thực tế, để đạt tới Thiên đàng và sống đời tu trì, chúng ta tín thác vào Thiên Chúa—đó là động cơ chủ yếu của đức cậy. Nhưng chúng ta cũng cậy dựa vào chính mình, vào các nhân đức của mình, vào sự thành công trong công việc, vào bạn hữu và vào sự trợ giúp của bề trên. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa đột nhiên lấy khỏi chúng ta tất cả những sự trợ giúp nhân bản này—bạn hữu, tình cảm, sự quý trọng của bề trên—nếu Người tỏ cho chúng ta thấy những nỗi khốn cùng và yếu đuối của chúng ta, liệu chúng ta có còn hy vọng vào Người nữa không?

Chúng ta nên nhớ lại mẫu gương của Thánh Gioan Tẩy Giả, người sau khi loan báo rằng Nước Trời đã đến gần, liền bị tống ngục và chứng kiến cái ác thắng thế. Vậy ngài có phải chiến đấu để khỏi ngã lòng không? Trong căn phòng giam tăm tối và chật hẹp, Thánh Gioan Thánh Giá gần như đã từ bỏ công việc cải cách Dòng Cát Minh khi ngài tự hỏi, liệu phân tích đến cùng, những kẻ bắt bớ ngài có đúng khi chống lại ngài hay không. Thánh Angela xứ Foligno cũng đã tự hỏi liệu mình có bị cám dỗ tuyệt vọng không.

Các thánh đã hy vọng chống lại mọi hy vọng của con người vì động cơ duy nhất này: Thiên Chúa là Đấng vô cùng quyền năng và tốt lành. Không phải Người bỏ rơi chúng ta trước, nhưng luôn muốn vực chúng ta dậy từ những thương tổn khi linh hồn của chúng ta kêu cầu Người. Như thế, Chúa Giêsu thanh tẩy đức cậy nơi những người bạn thân thiết nhất của Người trong lò thử thách đau khổ.

Tiếp sau đức cậy là đức ái. Đức ái là nhân đức tối thượng khiến chúng ta yêu mến Thiên Chúa chỉ vì chính Người, vì Người là Đấng vô cùng tốt lành và vì Người đã yêu thương chúng ta trước (x. 1 Ga 4,10). Đây là động lực chính khiến chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng tìm thấy nhiều động cơ đệ nhị khác. Chẳng hạn, Người ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin, kéo chúng ta đến với Người và khiến công việc chúng ta đảm nhận vì Người được thành công.

Nhưng nếu chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa trong nỗi sầu khổ thiêng liêng, trong bóng tối mịt mù, trong sự thiếu vắng mọi an ủi khả giác và thiêng liêng; nếu chúng ta phải tiếp tục yêu mến Người một cách hữu hiệu, phải chu toàn mọi bổn phận và kiên trì cầu nguyện chỉ vì Người là Đấng vô cùng tốt lành và đã chết trên Thập giá vì chúng ta, liệu chúng ta có đủ sức để thực hiện hành vi của đức ái cao cả này không? Khi linh hồn không còn nhận được điều gì từ Thiên Chúa cũng như loài người ngoài những cay đắng; khi nó rơi vào tình trạng giống như Chúa Giêsu khi Người kêu lên trên Thập giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”, thì khi đó, theo một nghĩa nào đó, hành vi yêu thương của linh hồn sẽ cứu độ thế giới và hiệp công cứu chuộc giống như Đức Mẹ Sầu Bi. Ôi, sự cao cả vô song của các thánh, những đỉnh cao mà chúng ta còn cách xa biết chừng nào!

Hãy xem người vợ hiền của anh thủy thủ, chị vẫn không ngừng nghĩ đến chồng mình mặc dù lâu nay, chị đã không còn nhận được tin tức gì về anh và không biết anh sống chết thế nào. Chị vẫn tiếp tục yêu anh trong nỗi đau buồn như thể anh đang có mặt, chị không muốn yêu ai khác và tiếp tục dạy các con yêu mến cha. Nếu chúng ta ngưỡng mộ người vợ ấy, thì chúng ta phải ngưỡng mộ và yêu mến các cô dâu của Chúa Kitô hơn biết bao, những người—như Thánh Rose thành Lima, Thánh Têrêsa thành Avila, Thánh Mary Magdalen de Pazzi—vẫn mười lăm, hai mươi năm chờ đợi Chúa Giêsu Kitô trở lại với linh hồn mình, không ngừng nghĩ đến Người và yêu mến Người bằng một tình yêu mãnh liệt dù đầy những đau buồn. Và tất cả đó cũng chỉ vì một động cơ duy nhất: Chúa Giêsu vô cùng tốt lành và Người đã chết trên Thập giá vì chúng ta!

Làm sao để vác Thập giá

Từ những gì đã nói, chúng ta có thể phát triển giáo lý về con đường vác thập giá. Các bạn, hỡi những người thánh thiện, những hiền thê của Chúa Kitô, xin giúp chúng tôi hiểu được mầu nhiệm thập giá này và vị trí mà nó phải chiếm giữ trong cuộc đời chúng tôi.

Chúng ta biết rằng chúng ta không nên xin Chúa những thập giá mà Người cho là không phù hợp để gửi đến vì sự yếu đuối của chúng ta. Chúng ta cũng không nên coi thường những thập giá nhỏ, vì những thập giá lớn có thể khiến chúng ta kiêu ngạo. Và chúng ta biết rằng chỉ ngưỡng mộ thập giá của các thánh thôi thì chưa đủ, cũng như không có gì khó chịu hơn khi ra vẻ là những vị tử đạo trong khi thực tế chúng ta không được như thế.

Vậy thì chúng ta nên gạt bỏ những ảo tưởng đáng trách này. Chúng ta không nên phàn nàn về sự đau khổ do lỗi lầm của tha nhân gây nên, trong khi chúng ta còn làm cho họ đau khổ hơn nữa. Chúng ta nên học cách vác những thập giá mà Chúa gửi đến cho chúng ta: không phải những thập giá đẹp lòng chúng ta, nhưng là những thập giá đẹp lòng Người. Chúng ta phải dạy chính mình chịu đựng chúng với sự nhẫn nhịn, với lòng mến và lòng biết ơn.

Với sự nhẫn nhịn. Chúng ta nhất thiết phải chịu đựng. Sự tiến bộ hiện đại, vốn tìm cách xóa sổ thập giá giống như những “kẻ thù của thập giá” mà Thánh Phaolô nói đến (Pl 3,18), sẽ không bao giờ đạt được điều nó mong muốn. Ngay cả khi có thể giảm bớt nỗi đau về mặt thân xác, thì nó liệu có thể làm được gì về mặt luân lý? Tất yếu phải chịu đựng. Nếu chúng ta tự làm khổ mình như tên trộm dữ, sự cáu gắt của chúng ta sẽ chỉ làm tăng thêm đau khổ. Chúa đòi chúng ta để cho Người hành động—tức là để cho Người tái tạo hình ảnh của Người trong chúng ta.

Với lòng mến. Chúa không đòi chúng ta phải yêu mến đau khổ tự nó, nhưng yêu mến nó như một phương thế cứu độ, như một liều thuốc đắng giúp chúng ta phục hồi sức khỏe. Người không đòi chúng ta phải cảm nhận tình yêu này qua giác quan, nhưng đòi phải chứng tỏ nó qua sự kiên trì trong việc thực hành các bổn phận đời tu của mình bất chấp những khó khăn, cách đặc biệt là trong cầu nguyện. Chúa Giêsu muốn được chúng ta hướng về Người với lời cầu nguyện nhiệt thành, vì Người đã quyết định lắng nghe chúng ta và dẫn dắt chúng ta lên cao hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể mong đợi. Vì thế, chúng ta hãy yêu mến thập giá vì yêu thương các linh hồn và vui vẻ đón nhận việc được liên kết với Chúa trong công cuộc cứu chuộc của Người.

Với lòng biết ơn. Thập giá là điều thiết yếu cho chúng ta. Việc Chúa thử thách chúng ta cũng chỉ là vì Người yêu thương chúng ta, muốn chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người, thiêng liêng hóa tri giác và siêu nhiên hóa tinh thần của chúng ta, ban cho chúng ta một tri thức cao quý hơn về chính mình và về Người, cũng như ban cho chúng ta một đức mến mạnh mẽ hơn.

Đời sống chủ động rõ ràng là cần thiết, tuy nhiên, thập giá còn cần thiết hơn, bởi lẽ nhờ thập giá, sự thanh tẩy thụ động của Thiên Chúa dành cho chúng ta mới được hoàn tất—và hành động của Thiên Chúa thì phong phú hơn hành động của chúng ta nhiều. Cùng với đức khiêm nhường, thập giá giúp phát triển nơi chúng ta ba nhân đức thật sự thần linh và là trọng tâm của đời sống người Kitô hữu: đức tin, đức cậy và đức mến. Thập giá làm cho tâm hồn chúng ta nên giống với tâm hồn Chúa Kitô, và do đó, giống Thiên Chúa.

Đôi khi, tác dụng này của thập giá còn cao cả đến mức nó phản chiếu lên thân xác con người. Một ngày nọ, Thánh Benedict Labre đang đi ngang qua các con phố ở Rôma thì một họa sĩ, người đã đến thăm tất cả các viện bảo tàng của Ý mà không tìm thấy thứ mình cần, đã chặn ngài lại. Anh ta cầu xin ngài đi theo anh và dẫn ngài về phòng. Ở đó, sau khi vẽ xong bức chân dung người nghèo của Chúa Kitô, người họa sĩ đã quỳ xuống, hôn tay thánh nhân và kêu lên: “Anh có khuôn mặt của Chúa Kitô!”

Vào một dịp khác, người ta nhìn thấy vị thánh tội nghiệp được bao phủ bởi một ánh sáng rực rỡ. Từ khuôn mặt ngài, phát ra những tia sáng rực rỡ đến mức như thể ngài đang bốc cháy. Đó là hoa trái của thập giá trong tâm hồn ngài. Cũng chính vì những thập giá như vậy, nên các thiên thần ghen tị với chúng ta vì không thể làm chứng cho Chúa về tình yêu này. Thập giá dẫn mọi Kitô hữu tới ánh sáng đích thực của Thiên Chúa là khúc dạo đầu của Thiên đàng: Per crucem ad lucem (Qua Thập giá tới Ánh Sáng).

Scroll to Top