Chương XIII. Tâm nguyện

Mục lục
Mục lục

Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” — Ga 8,12

Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” — Lc 11,28


Sau khi xem xét tính hiệu quả của cầu nguyện và nền tảng của nó, bây giờ, chúng ta sẽ bàn đến bản chất của tâm nguyện [cầu nguyện trong tâm trí], các cấp độ khác nhau và đối tượng nó, cũng như xét xem sự chuẩn bị cho nó phải như thế nào và hiệu quả của nó là gì.

Tâm nguyện là gì?

Các Giáo Phụ và tất cả các bậc thầy về đời sống thiêng liêng đều nói rằng Tâm nguyện là việc nâng linh hồn lên tới Thiên Chúa. Ở độ cao này, sẽ dễ dàng hơn để nói nó không phải là gì thay vì nói nó là gì. Để biết nó là gì, nó hẳn phải được kinh nghiệm. Thật vậy, ở đây chúng ta không chỉ đơn thuần đề cập đến việc nâng cao tâm hồn vốn là điều cần thiết cho mọi kinh nguyện bằng lời [khẩu nguyện] và tuyệt đối cần thiết cho tất cả các tín hữu để được ơn cứu độ. “Tâm nguyện ngụ ý việc suy xét sâu sắc hơn nhiều về các mầu nhiệm của đức tin. Nó không đến mức không thể thiếu cho ơn cứu độ, nhưng chắc chắn rất hữu ích và ít nhiều không thể thiếu đối với cấp độ hoàn thiện mà chúng ta được kêu gọi đạt tới” (André Marie Maynard, Traité de la vie interieure, Vol. I, 121 D).

Hình thức tâm nguyện này luôn tồn tại trong Giáo Hội. Cả Thánh Têrêsa thành Avila và Thánh Inhaxiô nhà Loyola đều không phải là người đầu tiên giới thiệu nó. Tuy nhiên, vì trong thời đại của các ngài, người ta không còn tự giác thực hành tâm nguyện nữa, nên cần phải biến nó thành luật buộc và thiết lập một khoảng thời gian nhất định trong cộng đoàn để dành cho việc này. Từ đó, đã nảy sinh ra nhiều phương pháp tâm nguyện khác nhau. Đối với Dòng chúng ta, thời gian dành cho tâm nguyện đã được ấn định bởi Tổng Công hội năm 1515. Trong khi bản thân tâm nguyện đã được thực hành từ trước đó rất lâu rồi.

Lịch sử Dòng chúng ta kể lại rằng có một anh em giáo dân nghèo sau khi chữa bệnh trở về đã không còn nhận ra tu viện Thánh Giacôbê nữa, vì như anh nói, anh không còn nhìn thấy các tu sĩ thực hành tâm nguyện trước bàn thờ. Thánh Tôma luôn dành một phần thời gian trong đêm để tâm nguyện. Thánh Anbéctô đã soạn cả một chuyên luận về chủ đề này. Còn với Thánh phụ Đa Minh của chúng ta, cả cuộc đời ngài là một giờ tâm nguyện liên lỉ, bất kể ngày hay đêm, ở trong tu viện hay trên đường.

Ngay từ khi thành lập, các Dòng Cát Minh và Xitô đều đã được hiến dâng cho việc tâm nguyện. Và điều gì sẽ nét đặc trưng cho đời sống nội tâm trong hang toại đạo của những linh hồn sẵn sàng chịu tử đạo trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai? Chúng ta sẽ mô tả ra sao về cuộc đời của Thánh nữ Maria Mađalêna sau khi hoán cải? về cuộc đời của Thánh Gioan? của Thánh Phaolô? của tất cả các tông đồ? và của Đức Trinh Nữ Maria? Họ là những người sống chiêm niệm và tâm nguyện.

Chúa chúng ta, Đấng đã vui hưởng Thị kiến vinh phúc, từng cho chúng ta một ví dụ khi Người cảm thấy cần phải tách mình ra khỏi các tông đồ để rút lui vào nơi cô tịch. Nếu có khuyến khích việc cầu nguyện nơi công cộng, thì Người cũng đã nói: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,5-6).

Ngay cả trước khi Chúa đến, chẳng phải cũng đã có những người biết cầu nguyện nội tâm sao? Nếu không có nó, làm sao chúng ta có thể hiểu được Sách Thánh Vịnh, Sách Khôn Ngoan, Sách Diễm Ca? Làm sao chúng ta có thể tin rằng những cuốn sách này vẫn được lưu giữ nếu dân Chúa thời Cựu Ước không hiểu gì về chúng? Bởi vậy, tâm nguyện ngụ ý việc suy xét sâu sắc hơn nhiều về các mầu nhiệm của đức tin hơn là khẩu nguyện. Việc suy xét này về cơ bản khác với một nghiên cứu đơn thuần về sự thật, với việc suy tư mang tính triết học hay thần học.

Mục đích của nó không phải là tri thức thông thường, nhưng là tri thức siêu nhiên và tình yêu đối với chân lý. Thật vậy, vấn đề không phải chỉ là nâng cao trí tuệ, nhưng là nâng cao con người toàn diện hướng về Thiên Chúa. Đó là một sự bay lên mà trong đó, tình yêu cũng góp phần nhiều như trí tuệ. Quả thật, tình yêu chính là nguyên lý và mục đích của tâm nguyện.

Cha Antoine Massoulié nói rằng: “Có những linh hồn suy lý, tò mò về những điều thuộc về Thiên Chúa, tuy nhiên, họ không phải là những linh hồn dành cho tâm nguyện. Nếu trong suy xét của mình, họ kinh nghiệm một niềm vui vượt quá mọi niềm vui của các giác quan, thì niềm vui này thường chỉ phát xuất từ tri thức chứ không phải từ đức ái. Họ bị lay động bởi tình yêu dành cho tri thức hơn là tình yêu dành cho Thiên Chúa, Đấng mà họ mong muốn thâm nhập. Vì thế, niềm vui này thường làm tăng tính kiêu ngạo của họ và chỉ khiến họ thêm tự mãn mà thôi” (x. André Marie Maynard, Traité de la vie interieure, Vol. I, 120 D).

Thánh Tôma đã đưa ra một sự phân biệt giữa việc nghiên cứu và tâm nguyện trong cuộc đời ngài. Mặc dù việc nghiên cứu của ngài phát xuất từ đức ái và có sự phong phú siêu nhiên, tuy nhiên, thánh nhân cảm thấy cần phải gián đoạn chúng, bỏ lại Aristotle và những luận thuyết của các Giáo Phụ để đến quỳ trước bàn thờ và nói chuyện với Chúa. Tôma thường bất chợt rơi nước mắt khi cầu nguyện. Nếu chỉ là một học giả, ngài sẽ không thể viết được Kinh nhật tụng kính Thánh Thể cũng như những bài chú giải về Aristotle. Trong Summa Theologiae, chính ngài đã đưa ra sự phân biệt rõ ràng giữa suy lý với tâm nguyện hay chiêm niệm.

Việc suy lý hay nghiên cứu không nhất thiết phát xuất từ đức ái và cũng không tất yếu dừng lại ở tình yêu dành cho Thiên Chúa: chúng ta có thể hiến thân cho việc nghiên cứu thần học mà không cần có đức ái. Trong khi đó, việc tâm nguyện hay chiêm niệm chủ yếu phát xuất từ đức ái và dừng lại ở một hành vi yêu mến Thiên Chúa.

Chính nhờ tình yêu mà chúng ta tìm cách chiêm ngắm Thiên Chúa, và việc chiêm ngắm vẻ đẹp và sự tốt lành của Thiên Chúa làm gia tăng tình yêu của chúng ta. Thậm chí cần phải nói rằng, ở dưới thế này, chiêm niệm là phương thế để đạt tới mục đích, liên quan đến tình yêu, vì ở dưới thế, tình yêu dành cho Thiên Chúa hoàn hảo hơn tri thức của chúng ta về Người. Thật vậy, tình yêu đẩy chúng ta về phía Thiên Chúa, trong khi tri thức về Thiên Chúa, theo một cách nào đó, kéo Người vào trong chúng ta và thu nhỏ Người về mức tương xứng với chúng ta.

Sự tốt lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa trổi vượt hơn bất cứ điều gì mà chúng ta có thể tưởng tượng. Vì thế, chúng ta có thể yêu mến Người nhiều hơn những gì chúng ta có thể biết về Người, và đến khi thấy Người diện đối diện, tình yêu còn hoàn hảo hơn tri thức.

Sau cùng, mục đích của việc chiêm niệm dưới thế là hành vi yêu thương mà nó hướng tới. “Terminus et finis vitae contemplativae habetur in Affectu”1 (ST II-II, q. 180, a. 7 ad 1). Tâm nguyện có mục đích khơi dậy ngọn lửa của đức ái. “Trong tư tưởng của tôi, có một ngọn lửa bùng cháy” (x. Tv 39,4).

Hành vi của ba nhân đức đối thần và ơn khôn ngoan

Để nâng con người toàn diện lên cùng Thiên Chúa, tâm nguyện phải phát xuất từ ba nhân đức đối thần: từ đức tin, trong chừng mực nó là tri thức, từ đức cậy và đức ái, trong chừng mực chúng là một hành vi yêu thương. Tuy nhiên, trong tâm nguyện, hoặc ít là ở đích đến của tâm nguyện, tri thức và tình yêu phải hòa quyện với nhau cách nào đó trong một hành vi duy nhất. Chúng phải hòa nhập vào—tri thức với tâm tình yêu mến—về Thiên Chúa, vào cái nhìn yêu thương hướng về Cha chúng ta ở trên trời, hướng về những sự hoàn hảo vô hạn của Người, hướng về Chúa chúng ta. Cái nhìn yêu thương này nơi chúng ta phát xuất từ những ân huệ hoàn hảo nhất của Chúa Thánh Thần, từ tinh thần yêu thương ngự trong chúng ta và từ ơn khôn ngoan.

Chúa Thánh Thần khiến chúng ta thốt ra những tiếng than van khôn tả và làm cho chúng ta kêu lên: “Ápba, Cha ơi!”—lời duy nhất mà đàn con biết nói cùng Đấng đã ban cho họ sự sống, Đấng bảo vệ, hướng dẫn và yêu thương họ. Người cho phép chúng ta xem xét điều gì đó về chân lý thần linh (về Ba Ngôi Chí Thánh, về Mầu nhiệm Nhập Thể, về Ơn Cứu Chuộc) bằng phương thế là một sự thưởng nếm, một cái động chạm, một kinh nghiệm thân mật đi cùng với sự chắc chắn tuyệt đối nhất. Người mặc khải cho chúng ta ý nghĩa ẩn giấu của Tin Mừng: “Hãy nếm thử xem Chúa ngọt ngào làm sao” (x. Tv 34,9).

Dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, ý chí yêu mến đối tượng thần linh mà đức tin vén mở cho nó với tất cả sức lực. Trí tuệ đánh giá cách thực nghiệm điều gì đó về sự tốt lành của đối tượng này thông qua tác động mà đối tượng thực hiện trên ý chí, thứ được điều chỉnh khi tự nguyện tùng phục đối tượng. Ngay cả dưới thế này, các tín điều về Mầu nhiệm Nhập Thể và Ơn Cứu Chuộc cũng làm thỏa mãn và vượt quá những khát vọng chính đáng và cao cả nhất của chúng ta. Qua phương thế các tín điều, quả thực chính Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta cảm được Người trong sự mờ tối của đức tin và ở với chúng ta như một người bạn, không còn nằm trong những sự thật thuần lý và trừu tượng (như trong một cuốn sách về thần học), nhưng xuất hiện như một Ngôi Vị sống động và nguồn mạch của sự sống.

“Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” Chúa chúng ta đã phán như vậy với một phụ nữ khi bà thốt lên: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” (Lc 11,27-28). Nếu Đức Trinh Nữ hạnh phúc, thì đó không phải là vì Mẹ đã tạo nên thân xác của Đấng Cứu Thế, nhưng trước hết là vì, theo một cách nào đó, Mẹ đã thụ thai Người trong tinh thần qua phương thế cầu nguyện và bởi vì Mẹ đã được hiệp nhất với Con mình qua tri thức sâu sắc và tình yêu nồng cháy nhất.

Việc tâm nguyện này, cái nhìn say đắm yêu thương này, là sự yên nghỉ của con người trong Thiên Chúa, một sự yên nghỉ giả thiết và dùng để thưởng công cho nỗ lực khổ chế. Như Thánh Cyrillô thành Alexandria đã nói: “Đó là sự yên nghỉ của linh hồn đắm mình trong vẻ đẹp của Thiên Chúa thông qua chiêm niệm, trong đó, nó kinh nghiệm tình yêu của Người nhờ đức ái.”

Các cấp độ khác nhau

Trong tâm nguyện, chúng ta cũng có nhiều cấp độ như trong ơn khôn ngoan, các cấp độ này tăng lên tương ứng với sự tăng trưởng của đức ái. Một số người đơn sơ không qua trường lớp, và đặc biệt là các trinh nữ Kitô giáo, thường có được ơn khôn ngoan cao quý hơn nhiều so với các nhà thần học.

Ở đây, chúng ta có thể phân biệt ra ba cấp độ. Ở cấp độ đầu tiên của tâm nguyện, ta thấy có những người đã khởi sự đời sống thiêng liêng, họ cảm nhận một sự gớm ghét đối với sự dữ và bị thu hút bởi sự thiện. Cấp độ thứ hai bao gồm những người đang ngày càng tiến bộ nhờ việc bỏ mình và thực hành khổ chế. Và sau cùng, cấp độ thứ ba quy tụ những người hoàn toàn trống rỗng về bản thân, họ là những người có các nhân đức đã được thanh tẩy đến tầm vóc anh hùng.

“Nói chung, những người hoàn hảo được kêu gọi để thực hiện một sự chiêm niệm mà họ có được và duy trì không bởi bất cứ điều gì khác ngoài việc siêng năng thực hành suy ngẫm và là hệ quả của một sự chiêm niệm thụ động không lệ thuộc vào hoạt động của con người, nhưng chỉ lệ thuộc vào lòng nhân lành của Thiên Chúa vốn tự mình hoạt động nơi chúng ta” (André Marie Maynard, Traité de la vie interieure, Vol. II, 10, 4°). Thánh Têrêsa thành Avila (Way of Perfection, ch. 19) phân biệt hai lối chiêm niệm này bằng cách so sánh cầu nguyện thụ động với một nguồn nước suối và cầu nguyện chủ động với dòng nước đã chảy một thời gian trên mặt đất và đã đánh mất sự trong trẻo vì trộn lẫn với bùn đất mà nó cuốn theo. Trên thực tế, trong cầu nguyện thụ động, nguồn suối là Chúa Thánh Thần, Đấng hiến mình cách trực tiếp cho chúng ta, hoạt động trong chúng ta và tách chúng ta khỏi thế gian bằng tri thức mà chính Người ban xuống. Trong khi ở chiêm niệm tích cực, vốn là kết quả từ việc suy ngẫm của chúng ta, có sự bất toàn trong các hành vi nhân loại được trộn lẫn với nó như bùn đất hòa vào nước ân sủng và chân lý thần linh. Do đó, khi chúng ta tự làm nảy sinh thái độ coi thường thế gian, sự suy xét này, vì vẫn mang tính con người, buộc chặt tư tưởng của chúng ta vào những đối tượng mà về cơ bản vẫn làm chúng ta thích thú (Thánh Têrêsa thành Avila, sđd.).

Trong cầu nguyện thụ động, không có điều gì giống như vậy tồn tại. Thiên Chúa nhấc chúng ta ra khỏi thế gian, kéo chúng ta về với Người và ngay lập tức, cho chúng ta một thị kiến về mọi sự ở thế gian bên dưới. Thị kiến này rõ ràng hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể đạt được sau nhiều năm kiên trì suy ngẫm (Thánh Têrêsa thành Avila, sđd.; x. Dialogue, ch. 100). Quả thực, trong tình trạng này, việc làm chủ của các ân huệ bởi Chúa Thánh Thần đối với các nhân đức và cách hành động của con người được hiện thực hóa: nó đại diện cho giai đoạn trưởng thành của đời sống thiêng liêng.

Tuy nhiên, trong nguồn nước suối sống động này lại có rất nhiều cấp độ khác nhau! (André Marie Maynard, Traité de la vie interieure, Vol. II, tr. 192-256). Chúng trải từ những linh hồn chỉ cầu nguyện thụ động cho riêng mình, đến những linh hồn tràn đầy sự sống thần linh, như Thánh Đa Minh, người đắc thủ điều đó cho toàn thể dòng tu, và sau cùng đến một linh hồn độc nhất, đó là Đức Trinh Nữ, người nâng đỡ tất cả chúng ta bằng lời cầu nguyện của Mẹ.

Những cấp độ xuất chúng này về ơn khôn ngoan và tri thức trong tâm tình yêu mến hoàn toàn độc lập với bất cứ thị kiến nào, dù là lời siêu nhiên hay mặc khải tư vốn không giả thiết tình trạng ân sủng như một yếu tố thiết yếu và tự thân chúng cũng không thiết yếu cho sự phát triển viên mãn của đức ái, nhưng đúng hơn, được ban như các phép lạ để cộng tác vào việc thánh hóa và cứu độ các linh hồn khác.

Đối tượng

Đối tượng của tâm nguyện là gì? Trước hết, đó rõ ràng là Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi cùng với tất cả những gì đã được Mặc khải cho biết về bản tính và những sự hoàn hảo vô hạn của Người. Kế đến, một cách đặc biệt, là Chúa Giêsu Kitô, Con Đường không thể không có để mọi người, ngay cả những người đã tiến bộ nhiều trong đời sống thiêng liêng, được nâng lên Thiên Chúa. Hơn nữa, chính cuộc Khổ nạn và Cái chết trên Thập giá của Người, những điều được chiêm ngắm dưới ánh sáng của các thuộc tính thần linh về đức công chính và lòng thương xót, đã soi sáng hy lễ của Chúa chúng ta. Chúng ta đặc biệt nêu gương cảnh tượng Thập giá, nguồn nuôi dưỡng đức ái, vì đây là bằng chứng lớn nhất về tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Vì không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Chúa Con, nên nếu không có Chúa Giêsu, người ta chỉ có thể có một tri thức trừu tượng và mang tính triết học, nhưng không có được tri thức siêu nhiên, kinh nghiệm và giàu tình cảm về Thiên Chúa vốn là trọng tâm của tâm nguyện.

Bên cạnh đó, đối tượng thứ yếu của tâm nguyện là các thụ tạo, trong chừng mực chúng biểu lộ Thiên Chúa cho chúng ta. Trong số tất cả các thụ tạo, chúng ta nhắm đến những thụ tạo mà nơi chúng, hình ảnh của Thiên Chúa được phản chiếu rõ ràng hơn: linh hồn của các thánh và Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Ngoài ra, còn có một đối tượng khác nữa của tâm nguyện là đời sống của chúng ta, thứ hẳn phải được dẫn dắt bởi ý muốn của Thiên Chúa để tạo ra trong chúng ta hình mẫu thần linh của chúng ta, Chúa Giêsu Kitô. Người là hình ảnh, là sự huy hoàng của Chúa Cha và là sự biểu lộ cho bản tính của Người (x. Hr 1,3).

Như vậy, chúng ta đã xem xét tâm nguyện, nguyên lý, mục đích, các cấp độ và đối tượng của nó. Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét việc thực hành nó.

Thực hành Tâm nguyện như thế nào

Theo Đấng đáng kính Louis xứ Granada, nhiều người tin rằng tâm nguyện cũng giống như bất cứ môn nghệ thuật nào; do đó, để trở nên thành thạo, chỉ cần học phương pháp của nó và áp dụng nó một cách máy móc là đủ. Ảo tưởng của họ phát xuất từ việc một số tác giả hiện đại, bằng cách xây dựng một phương pháp tâm nguyện, đã khiến cho người ta tin rằng những quy tắc này, nếu được tuân thủ một cách chu đáo, có thể thay thế ân sủng thần linh. Tuy nhiên, đây là một khái niệm nhuốm màu chủ nghĩa tự nhiên về tâm nguyện. Không có gì phải nghi ngờ, các phương pháp tâm nguyện đều rất hữu ích và thường đóng vai trò cần thiết, cách đặc biệt đối với những người mới bắt đầu; tuy nhiên, tâm nguyện chủ yếu phụ thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa và tác động của Chúa Thánh Thần. Đó là lời của Chúa Thánh Thần mà chúng ta nghe được trong chính mình và là lời mà chúng ta chuẩn bị chính mình để đón nhận chủ yếu bằng cách thực hành đức khiêm nhường và tuân theo ý muốn của Thiên Chúa.

Trong khi đó, có những người khác lại rơi vào thái cực đối nghịch. Họ xem nhẹ mọi phương pháp và mọi sự chuẩn bị để rồi chính họ phàn nàn rằng, khi muốn hồi tâm và đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, họ chẳng tìm thấy bất cứ điều gì ngoại trừ sự trống rỗng và bóng tối.

Chuẩn bị xa

Tâm nguyện giả thiết một sự chuẩn bị xa và một sự chuẩn bị gần. Sự chuẩn bị xa không gì khác hơn chính là việc khổ chế đối với các đam mê và buông bỏ thế gian và chính mình nhờ đức khiêm nhường. Rõ ràng là nếu tinh thần của chúng ta bận tâm đến những thú vui và công việc trần thế, nếu linh hồn của chúng ta bị kích động bởi những đam mê, bởi những tình cảm quá ư con người hay bởi thói ghen tị, thì chúng ta không sẵn sàng bước vào tâm nguyện. Nếu chúng ta thường xuyên bận tâm đến chính mình, nếu chúng ta bỏ qua đức khiêm nhường, thì chúng ta làm sao có thể để cho mình được Thiên Chúa thấm nhập và nghe được tiếng Người? Nếu không có khổ chế và khiêm nhường, các phương pháp tâm nguyện đều là vô giá trị.

Sự chuẩn bị xa tốt nhất chính là siêng năng thực hành ba lời khấn—tách linh hồn ra khỏi những thú vui, khỏi những sự thế gian và khỏi cái tôi kỷ—cùng với việc kiên nhẫn vác thập giá giúp chế ngự chúng ta. Nếu hôm nay bạn trung thành trong việc tránh tội nhẹ, tán gẫu và chuyện trò vô bỏ, thì ngày mai Chúa cũng sẽ trung tín và cho bạn nghe được lời Người trong tâm nguyện.

Chuẩn bị gần

Chuẩn bị gần phải vận dụng trí tuệ và ý chí. Chúng ta cần phải vận dụng trí năng của mình bằng việc lựa chọn một chủ đề đã xác định. “Người muốn quá nhiều thứ sẽ không đạt được gì cả.” Trừ khi sự chú ý của chúng ta tập trung vào điều gì đó rõ ràng, nếu không, chúng ta có nguy cơ không nghĩ đến bất cứ điều gì cả.

Tốt nhất, nên chọn một chủ đề từ cuộc đời của Chúa chúng ta vì Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Người là biểu hiện và vẻ đẹp của Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta. Người là hình mẫu cho chúng ta bao lâu chúng ta còn là lữ khách trần thế. Nơi Người có sự cô đọng của tổng thể đức tin, tín điều và luân lý. Thánh Têrêsa thành Avila khuyên chúng ta hãy suy niệm về cuộc đời của Chúa Giêsu theo chu kỳ của năm phụng vụ, kết hiệp lời cầu nguyện của mình với lời cầu nguyện của Giáo Hội Hoàn Vũ và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, Đấng không ngừng chuyển cầu cho Giáo Hội của Người. Chúng ta đừng suy niệm về niềm vui của Lễ Hiển Linh vào Thứ Sáu Tuần Thánh! Sau cùng, khi xem xét cuộc đời của Chúa, chúng ta nên dành thời gian để suy niệm tập trung nhất về những nhân đức trái ngược với lỗi lầm chủ yếu của chúng ta, những nhân đức mà chúng ta thực hành ít hơn các nhân đức khác. Trên hết, chúng ta phải học nơi Người sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng, chính xác như những gì Người đã dạy chúng ta.

Một khi chủ đề đã được chọn, chúng ta nhất thiết phải chuẩn bị ý chí của mình bằng lời cầu nguyện. Đối với tâm nguyện, như chúng ta đã nói, chỉ suy lý thôi thì chưa đủ; chúng ta còn phải yêu mến ThiênChúa và làm cho ý chí của mình tuân theo thánh ý của Người. Chỉ cầu nguyện mới có thể đem đến cho chúng ta ân sủng tùng phục này, qua đó, đặt chúng ta trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

Sau khi cầu nguyện, chúng ta phải suy niệm về chủ đề đã chọn. Cho dù đó là một nhân đức của Chúa hay một sự kiện trong cuộc đời Người, chúng ta đều phải suy niệm theo trật tự đã được chỉ ra trong kinh Lạy Cha. Điều này có nghĩa là chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa trước rồi sau đó mới tới mình. Chúng ta chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa nơi các nhân đức của Thầy Chí Thánh, Nước Thiên Chúa mà các nhân đức ấy đem lại, và việc chu toàn thánh ý của Người.

Chúng ta có thể dừng lại một chút trong tâm nguyện ở đỉnh cao của kinh Lạy Cha để trí tuệ nhường cho ý chí thời gian để yêu mến, để thưởng nếm Thiên Chúa trong Chúa chúng ta, để vui mừng trong vinh quang của Người. Chúng ta nên lắng nghe Người nếu Người muốn nói chuyện với chúng ta—nếu chúng ta xứng đáng được Người nói. Chúng ta nên duy trì như thế bao lâu tình yêu của chúng ta còn tỉnh thức, rồi sau đó, chúng ta mới hạ xuống để xin lương thực hằng ngày và sức mạnh để thực hành mẫu gương mình đã suy niệm tới, cũng như để chống lại cám dỗ. Chúng ta nên tha thứ cho người khác và xin ơn tha thứ cho quá khứ của mình. Sau đó, chúng ta phải đưa ra một giải pháp cho tương lai, tuy nhiên, không phải là một giải pháp mơ hồ, vì như thế sẽ không hiệu quả, nhưng là một giải pháp rõ ràng dựa trên chủ đề suy niệm, bởi lẽ nó liên quan đến cuộc sống của chúng ta.

Nếu việc chúng ta không thể thực hiện được việc suy niệm theo cách này, dù nó rất đơn giản, nếu chúng ta không thể đẩy lùi những sự xao lãng hoặc không đủ hồi tâm để suy niệm, hoặc nếu chúng ta chỉ thấy sự khô khan và sầu khổ, thì chúng ta nên thực hành cầu nguyện trong tâm hồn. Kiểu cầu nguyện này chỉ cốt ở việc muốn ở lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa để yêu mến Người hơn chính mình, ở việc phó mình cho ý chí thần linh, ở trạng thái hạnh phúc trong sự trống rỗng của mình và nhìn nhận rằng Thiên Chúa vượt trên tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng.

Hình thức tâm nguyện giàu tình cảm này là một trong những hình thức hiệu quả nhất nếu linh hồn khiêm nhường và quảng đại. Nó được phân biệt với sự trì trệ lười biếng bằng sự tỉnh táo của tình yêu—đây vẫn là hành vi căn bản của tâm nguyện. Theo một nghĩa nào đó, hình thức cầu nguyện này cũng dễ hơn các hình thức khác vì không phải tất cả các linh hồn đều có khả năng duy trì việc lập luận sâu sắc, tuy nhiên, hầu hết đều có thể dễ dàng đi tới những chuyển động về tình cảm khi suy niệm kinh Lạy Cha và cách thức để thực hành lời kinh này trong cuộc sống. Như vậy, mọi Kitô hữu đều có khả năng trở lại chính mình nếu họ thực hành khổ chế và bỏ mình.

Hiệu quả

Bây giờ, chúng ta sẽ nói về hiệu quả của tâm nguyện. Như chúng ta đã biết, hiệu quả cấp thiết của cầu nguyện là việc chắc chắn nhận được ân sủng cần cho ơn cứu độ, khi chúng ta cầu xin Thiên Chúa với sự khiêm tốn, tín thác và kiên trì. Nếu Chúa không lắng nghe lời cầu nguyện đúng đắn này, thì Người sẽ tự mâu thuẫn với chính mình, vì Người truyền cho chúng ta phải tìm cách cứu mình, khuyên nhủ chúng ta rằng ân sủng là điều thiết yếu để được cứu độ và bảo chúng ta hãy cầu nguyện để nhận được ân sủng này. Do đó, nếu Người không lắng nghe lời cầu nguyện đúng đắn mà chính Người truyền linh hứng và truyền lệnh, thì Người sẽ không còn là Thiên Chúa nữa.

Tuy nhiên, tâm nguyện không chỉ có hiệu quả cấp thiết như vậy thôi. Nó còn giúp chúng ta phát triển mọi nhân đức, nhất là ba nhân đức, mà cùng với đức khiêm nhường, làm thành trọng tâm của đời sống người Kitô hữu: đức tin, đức cậy và đức ái. Do đó, chúng ta nên can đảm dành thời gian cho tâm nguyện để đức tin của chúng ta không chỉ là tri thức hời hợt và bằng ngôn từ, thứ chỉ dừng lại ở các công thức, nhưng là đức tin thâm nhập được ý nghĩa sâu xa của lời thần linh. Chúng ta nên dành thời gian cho tâm nguyện để có thể học cách hy vọng vào một mình Thiên Chúa, thay vì cậy dựa vào chính mình và trông chờ nơi người khác. Chúng ta hẳn cũng phải dành thời gian cho tâm nguyện để có thể yêu mến Thiên Chúa bằng tình yêu mà Người mong muốn, với tình yêu mà Người đã bày tỏ cho chúng ta trên Thập Giá và tiếp tục bày tỏ trong Bí tích Thánh Thể.

Chúng ta nên dành thời gian cho tâm nguyện để có thể mở rộng tình yêu đối với Thiên Chúa đến tất cả những linh hồn được Thiên Chúa yêu thương, đến những người khiến chúng ta đau khổ cũng như những người làm chúng ta hài lòng. Chúng ta nên cầu nguyện cho mọi linh hồn—đó sẽ là việc tông đồ hiệu quả hơn một bài giảng mà không có tình yêu. Giống như Thánh Catarina thành Siêna, chúng ta phải cầu nguyện nhân danh Chúa Kitô và nhân danh tất cả các linh hồn hợp thành Nhiệm Thể Người. Giống như thánh nữ, chúng ta nên đón nhận tất cả họ vào linh hồn mình và đặt họ trong trái tim Thiên Chúa. Giống như ngài, chúng ta thực hiện những hành vi công giáo, nghĩa là những hành vi phổ quát của sám hối, của đức tin, đức cậy và đức ái. Bằng cách này, việc tâm nguyện của chúng ta sẽ tan biến trong lời cầu nguyện của chính Chúa Kitô, Đấng hằng sống, và Người sẽ đưa chúng ta đến với Thiên Chúa trên đôi cánh của Thánh Thần Tình Yêu.


Chú thích

1 “Thời lượng cũng như mục đích của đời sống chiêm niệm đều nằm ở sự khao khát.”

Scroll to Top