Chương 14 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 1. tiểu vương - tetrarch - từ này phát xuất từ tiếng Hy-lạp (τετράρχης [tetrárkhēs], được ghép lại bởi τετρα [tetra], nghĩa là “bốn”, và άρχης [árkhēs], nghĩa là “người cai trị, người đứng đầu”) dùng để chỉ một trong số bốn người nắm quyền cai trị một phần tư vương quốc hay tỉnh trong mô hình tứ đầu chế thời cổ đại. Tiểu vương Hê-rô-đê này là Hê-rô-đê An-ti-pa, con trai sinh bởi người vợ thứ sáu của Hê-rô-đê Cả (người xuất hiện ở chương 2) và cai trị miền Ga-li-lê.
Gio-an Tẩy Giả đã khiển trách An-ti-pa vì ông ta lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của tiểu vương Phi-líp-phê, anh trai mình, làm vợ. Vì hành động đó, ông Gio-an đã bị tống ngục. Ông bị giam trong lâu đài Machaerus khoảng một năm trước khi bị xử tử.
Kết cục của An-ti-pa sau này khá thê thảm. Do ly dị người vợ đầu là con gái vua Aretas IV, mối quan hệ của ông ta với vương quốc láng giềng Nabatae trở nên bất ổn. Một cuộc chiến tranh giữa hai bên đã nổ ra từ năm 34-36 SCN. Quân đội của An-ti-pa bị tổn thất nặng nề đến nỗi ông ta phải cầu cứu hoàng đế Rô-ma là Ti-bê-ri-ô. Ti-bê-ri-ô đã lệnh cho tổng trấn xứ Xy-ri là Vitellius tới ứng cứu, nhưng khi quân chi viện chưa kịp tham chiến thì Ti-bê-ri-ô đã qua đời vào năm 37 SCN. Vitellius sau đó đã từ chối tham gia vào cuộc chiến vì cho rằng mình không đủ thẩm quyền.
Khi hoàng đế Rô-ma mới là Caligula lên ngôi, ông ta lại cho Hê-rô-đê Ác-ríp-pa, anh trai Hê-rô-đi-a, cháu của An-ti-pa quyền cai trị phần đất của Phi-líp-phê cùng với tước hiệu là vua. Hê-rô-đi-a, vì ghen tị, đã xúi giục An-ti-pa tới Rô-ma để xin Caligula cho mình làm vua. Nhưng do bị Ác-ríp-pa tố cáo âm mưu phản loạn, An-ti-pa đã bị bắt đi lưu đày ở Tây Ban Nha, Hê-rô-đi-a cũng xin đi theo ông ta. Họ bị tịch thu hết tài sản và chết ở đó trong cảnh khốn cùng.
Câu 2. từ cõi chết trỗi dậy - Thánh Giê-rô-ni-mô cho đây là một lời nói mỉa mai. Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng câu nói đó phát xuất từ suy nghĩ thật của Hê-rô-đê An-ti-pa, do ông ta lo sợ bị Gio-an Tẩy Giả báo thù sau khi kết án chết cho ông một cách bất công.
Câu 3. Nhân vật Phi-líp-phê ở đây khác với tiểu vương Phi-líp-phê được nhắc đến trong Lc 3,1.
Câu 5. sợ dân chúng - Nỗi sợ Thiên Chúa giúp chúng ta sửa chữa bản thân, còn nỗi sợ con người chỉ làm kiềm chế chứ không loại bỏ được ham muốn làm điều ác. Sự kiềm chế đó chỉ có thể chế ngự người ta một thời gian và thậm chí làm gia tăng sự háo hức thưởng thức sự ác mà họ sẽ tìm dịp thuận lợi để thực hiện.
Câu 7. thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho - Một lời thề độc hay một lời hứa xấu sẽ không bị ràng buộc và càng làm gia tăng sự bất tín của người thề hứa.
Câu 9. vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc - Điều này thể hiện sự vô đạo của Hê-rô-đê. Ông không thấy hối hận về hành vi giết người, ngoại tình và loạn luân của mình, nhưng lại sợ vi phạm một lời thề vốn không bị ràng buộc. Ông đã phạm sai lầm khi đưa ra một lời thề như vậy và làm điều tồi tệ hơn khi thực hiện nó.
Trong 1 Sm 25, vua Đa-vít đã thề một điều ác là sẽ đổ máu và tự tay báo thù Na-van. Ông thậm chí đã thề là giết không bỏ sót một người đàn ông con trai nào trong nhà Na-van. Nhưng vì những lời lẽ tử tế của bà A-vi-ga-gin, ông đã hủy bỏ lời thề đó.
Câu 11. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ - Đó là cách đối xử tuyệt vời của Đấng Toàn Năng với những tôi tớ của Người. Khi họ còn ở thế gian này, Người cho họ chịu đau khổ, bị loại bỏ bởi những kẻ bất lương, vì Người biết rằng điều đó là tốt cho phần rỗi đời đời của họ. Như chúng ta thấy ở đây, Gio-an Tẩy Giả, người dọn đường cho Đức Ki-tô, người được Chúa Giê-su tuyên bố là cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, đã bị tống ngục và sau một năm bị giam cầm, ông phải chết theo yêu cầu của một kẻ ngoại tình. Nhìn những đau khổ và bất công ghê gớm mà ông Gio-an phải gánh chịu, có lẽ không một ai còn muốn phàn nàn với Chúa về những thử thách nhỏ nhặt mà Người mang đến cho chúng ta trong cuộc đời trần thế này.
Câu 13. lánh khỏi nơi đó - Chúa Giê-su đã tiếp tục sứ vụ của mình trong suốt thời gian Gio-an Tẩy Giả bị giam cầm. Và khi hay tin ông bị xử tử, Người đã lánh đi. Người làm vậy để tránh các phiền toái không đáng có gây ảnh hưởng tới việc rao giảng Tin Mừng, chứ không phải vì sợ hãi Hê-rô-đê. Bởi lý do đó, nhà truyền giáo đã dùng từ lánh thay vì trốn.
Câu 16. chính anh em hãy cho họ ăn - Qua chi tiết này, Chúa Giê-su chỉ dẫn chúng ta rằng khi có người khó khăn xin của bố thí, chúng ta không nên gửi họ đến với những người khác, hay bảo họ đi nơi khác, nếu chính mình có thể giúp đỡ họ.
Câu 19. Những mẩu bánh đã được nhân lên một cách kỳ diệu trong tay Chúa Giê-su, khi Người dâng lời chúc tụng, bẻ ra, và nó cũng được nhân lên cả trong tay các tông đồ, những người phân phát cho dân chúng. Các Ki-tô hữu cũng nên học Chúa Giê-su ở điểm này, trước các bữa ăn, hãy biết cảm tạ Chúa vì người đã ban lương thực cho chúng ta và xin Người thánh hóa chúng trước khi ta sử dụng.
Ngoài ra, qua phép lạ này, chúng ta thấy rằng Chúa có thể làm cho một vật thể hữu hình xuất hiện ở nhiều nơi cùng một lúc. Một số người giả định rằng có những chiếc bánh vô hình đã được đặt vào tay các tông đồ và những người có mặt, và như vậy, họ ăn thứ lương thực vô hình. Điều này không chính xác bởi sau đó, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy.
Nếu thứ lương thực nuôi sống thân xác có thể được làm cho xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau trong cùng một thời điểm, thì với lương thực nuôi hồn, hiển nhiên Chúa cũng có thể làm như vậy, thậm chí dễ dàng hơn. Vì thế, sẽ thật sai lầm nếu ai đó phản đối niềm tin cho rằng thân thể Chúa Ki-tô có thể hiện diện ở nhiều nơi trong Bí tích Thánh Thể. Nói chung, chúng ta không nên hoài nghi về những điều như vậy, vì Chúa là Đấng Toàn Năng, không có gì mà Người không thể làm được.
Câu 20. Ai nấy đều ăn và được no nê - Phép lạ này được thực hiện vào tối Thứ Năm, cùng ngày với việc Chúa Giê-su lập Bí tích Thánh Thể.
Câu 23. Người lên núi một mình mà cầu nguyện - Chúng ta cũng hãy học theo Chúa Giê-su. Đôi khi, nên biết tạm lánh khỏi những người xung quanh, đến một nơi riêng tư thích hợp để trò chuyện với Chúa qua những lời cầu nguyện. Những đám đông xung quanh thường là một sự phân tâm lớn đối với các Ki-tô hữu nhiệt thành.
Câu 25. Vào khoảng canh tư - Người Do-thái thời đế quốc Rô-ma chia một đêm, từ hoàng hôn tới bình minh ngày hôm sau, ra bốn canh, mỗi canh ba tiếng đồng hồ. Thời gian dài ngắn mỗi canh phụ thuộc vào các mùa trong năm. Vào những ngày điểm phân (khoảng 20 tháng 3 và 22 tháng 9, khi đó, thời gian ban ngày bằng với ban đêm), canh một bắt đầu từ 6 giờ tối và canh tư kết thúc vào 6 giờ sáng hôm sau. Như vậy, theo thánh Giê-rô-ni-mô, các môn đệ đã phải hứng chịu cơ bão suốt cả đêm.
Qua hình ảnh này, chúng ta hiểu rằng sau khi được nghỉ ngơi trong các thánh lễ, lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, các Ki-tô hữu cũng phải ra đi và tiếp tục hành trình của cuộc sống thế gian với muôn vàn khó khăn và cạm bẫy rình chờ. Lời Chúa và Thánh Thể sẽ giúp cho chúng ta có sức mạnh để chống lại sự dữ và sự ác.
Câu 28. Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài - Thánh Phê-rô, người thường xuất hiện trong các trình thuật nói về niềm tin và tình yêu dành cho Chúa Ki-tô, đã hăng hái như thường lệ. Ông tin rằng nếu được Thầy ra lệnh, ông có thể làm được những điều mà tự bản thân không thể. Ngoài ra, chữ nếu ở đây không thể hiện một sự hoài nghi trong đức tin của Thánh Phê-rô, như Calvin giả thuyết, bởi sau đó, Chúa Giê-su đã đáp lại lời cầu xin của ông - điều Người không làm cho những kẻ nghi ngờ mình.
Câu 29. Trong lịch sử, đã từng có những nhóm người ngả theo trường phái được gọi là Docetism (hay Ảo thân thuyết, tên gọi này bắt nguồn từ từ nguyên tiếng Hy-lạp δοκεῖν [dokeĩn - có vẻ] / δόκησις [dókēsis - hiện hình, bóng ma]. Họ bác bỏ nhân tính của Chúa Giê-su và cho rằng thân thể của Người không phải là thực thể như thân xác chúng ta, nhưng là một dạng ảo ảnh không có thật. Họ cũng lấy chi tiết Chúa Giê-su đi trên mặt nước để làm cơ sở cho quan điểm của mình. Học thuyết này đã bị bác bỏ dứt khoát tại Công Đồng Ni-xê năm 325 và Giáo Hội cũng lên án những người theo chủ thuyết này là lạc giáo.
Như chúng ta thấy ở đây, không phải chỉ Chúa Giê-su mà ngay cả Thánh Phê-rô, một người bình thường cũng có thể đi trên mặt nước.
Câu 30. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm - Chừng nào Thánh Phê-rô còn giữ con mắt và đức tin tập trung vào Chúa Giê-su thì ông còn có thể đi trên mặt nước. Nhưng chỉ một khoảnh khắc nghĩ về bản thân, sự yếu đuối của mình và sự dữ dội của những cơn gió, ông liền bị chìm xuống. Và lại một lần nữa, đức tin đã cứu ông khi ông kêu cầu và Chúa đã đưa tay giữ ông lại.
Qua niềm tin của Thánh Phê-rô, chúng ta tin vào những điều chúng ta có thể làm được nhờ sự trợ giúp của Chúa. Qua nỗi sợ của ông, chúng ta cảm nhận được những yếu đuối của mình. Và cuối cùng, ta biết rằng không ai có thể nhận được từ Chúa sức mạnh mà họ không kêu cầu, và nếu không có Người, chúng ta chẳng làm được gì bằng sức riêng của mình.
Câu 31. Ở đây, Chúa Giê-su thực hiện tới năm phép lạ: (1) Đi trên mặt nước; (2) Cho Thánh Phê-rô làm điều tương tự; (3) Cứu ông khỏi chìm xuống nước; (4) Làm cho gió yên biển lặng; và (5) Cho con thuyền ngay lập tức cập bến an toàn.
Những phép lạ này phác họa nên cuộc đời của một Ki-tô hữu: Anh ta được ở cùng với Chúa Giê-su, bước đi trong cuộc đời trần thế với muôn vàn thử thách và cám dỗ. Trong khi đó, Chúa làm dịu bớt những đam mê, cám dỗ và bắt bớ; dẫn dắt anh ta với sự trung tín của Người và tiếp tục hỗ trợ cho đến khi anh ta đi tới bến bờ của sự yên nghỉ và đời sống vĩnh cửu.
Câu 33. Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa - Câu nói này không nên bị hiểu nhầm là họ đã biết về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nhưng cần hiểu rằng họ chỉ muốn thể hiện sự tôn thờ với Chúa Giê-su và sẵn sàng tuyên bố rằng Người là Đấng Mê-si-a. Trong Cựu Ước, nhiều vị vua và ngôn sứ cũng được gọi là con Thiên Chúa (St 6,2; Xh 4,22-23; Tv 82,6; Tv 89,27,...).
Câu 36. Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi - Do đó, người Công Giáo có truyền thống tôn kính các thánh tích liên quan tới Chúa Giê-su. Những đồ vật ấy giúp chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Ngài và củng cố đức tin nơi chúng ta.