Chương 15 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 1. Sử gia Do-thái Josephus mô tả: Người Pha-ri-sêu quan sát cuộc sống xung quanh dưới con mắt cứng nhắc và đơn điệu, khinh thường những gì được coi là cao lương mỹ vị. Họ tuân thủ một cách nghiêm ngặt những nguyên tắc của lý trí và dành sự kính trọng đặc biệt cũng như phục tùng những lời dạy và truyền thống của tiền nhân như một thứ luật bất thành văn. Họ gán mọi sự cho số phận nhưng không phủ nhận sự tự do của ý chí. Sự bất tử của linh hồn cùng với một phần thưởng hay án phạt cho con người sau khi chết là những giáo lý khiến họ tâm đắc nhất. Những người này cũng được tiếng là khôn ngoan, mực thước và liêm khiết.
Câu 2. truyền thống của tiền nhân - Người Pha-ri-sêu có nhiều truyền thống khác nhau được truyền lại từ tổ tiên họ, chúng được gọi là thứ luật - luật thứ hai sau Luật Mô-sê. Một số trong các truyền thống đó là những đòi hỏi quá mức về luật lệ, trong khi số khác lại trái với Lề Luật. Chúng là nguyên nhân khiến họ thường xuyên xét nét tha nhân và cũng giúp lý giải vì sao họ không thể đón nhận Chúa Giê-su. Trong khi Người muốn họ giảm bớt sự chú ý vào những điều vặt vãnh vốn không có chút liên hệ nào tới đạo đức hay tôn giáo, thì họ khăng khăng coi những lễ nghi bên ngoài đó là chuẩn mực để đánh giá và gắn bó một cách mật thiết với lòng đạo đức. Trên thực tế, những truyền thống họ đặt ra không có Lề Luật nào quy định và chắc chắn không phát xuất từ Thiên Chúa. Chúng chỉ là những quy tắc rườm rà nhằm thể hiện sự văn minh, lịch sự, hay liêm khiết theo kiểu máy móc và giả tạo mà ở đây là việc yêu cầu rửa tay trước khi ăn. Truyền thống này có thể là do họ hiểu sai theo nghĩa đen câu trong Sách ngôn sứ I-sai-a: Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết (Is 1,16).
Câu 3. truyền thống của các ông - Đây là những luật truyền miệng bất thành văn, chúng được người Do-thái (ngoại trừ giáo phái Caraite) coi trọng ngang hàng với Luật Mô-sê đã được ghi chép. Những luật này được tập hợp lại trong bảy mươi hai cuốn sách và được biên soạn thành một cuốn cabbala [קַבָּלָה] (trong Tiếng Híp-ri, nghĩa là “truyền thống”), một bản tóm tắt các vấn đề về thần học và phụng vụ của Do-thái Giáo. Các cuốn sách này được Ga-ma-li-ên (Cv 5,34) và những người khác trong Thượng Hội Đồng Do-thái giữ cho đến khi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 70 SCN. 120 năm sau, một thầy ráp-bi Do-thái tên Giu-đa đã biên soạn một cuốn sách khác về chúng có tên là Mishna [מִשְׁנָה] hay thứ luật, nó được bổ sung và giải nghĩa sau đó trong hai bản sách Talmud [תַּלְמוּד] (trong Tiếng Híp-ri, nghĩa là “học tập”, “nghiên cứu”, có vai trò như một cuốn bách khoa toàn thư của Do-thái Giáo) là Talmud Giê-ru-sa-lem và Talmud Ba-by-lon.
Câu 5-6. Truyền thống này được người Pha-ri-sêu tính toán để làm giàu cho chính họ, bằng cách miễn cho con cái trách nhiệm trợ giúp cha mẹ nếu họ dâng vào Đền Thờ và các tư tế những thứ mà lẽ ra phải dành cho cha mẹ mình. Đây là điều trái với Lề Luật cũng như luật tự nhiên và bị Chúa Giê-su lên án. Thánh Gio-an Kim Khẩu cho rằng con cái làm theo lời họ sẽ phạm tội gấp đôi vì chẳng những không dâng của lễ lên Thiên Chúa, mà còn từ chối giúp đỡ cha mẹ khi họ gặp khó khăn.
Câu 9. vô ích - Bởi vì người Pha-ri-sêu đã bãi bỏ các điều răn của Thiên Chúa để tuân theo giới luật của người phàm. Tuy nhiên, sẽ có những người đánh đồng giới luật phàm nhân được nói đến ở đây với giáo luật của Hội Thánh hay truyền thống các tông đồ. Nhưng không phải vậy. Những điều đó không phát xuất từ mệnh lệnh của con người, nhưng do bởi ý định của Thiên Chúa, được truyền lại cho chúng ta thông qua các sứ giả của Người. Về điểm này, Thánh Phao-lô đã căn dặn: thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ (2 Tx 2,15).
Câu 11. Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế - Chúng ta phải thương xót và cầu nguyện cho những ai mù quáng tin rằng việc ăn một thứ thịt nào đó sẽ làm cho con người ra ô uế. Chẳng có sự ô uế nào trong thức ăn và cũng chẳng có thứ bụi bẩn nào khi ăn thứ gì đó, mà nếu không rửa tay, có thể làm cho linh hồn ra ô uế, nhưng tội lỗi, những ý định bất tuân chống lại huấn lệnh và ý muốn của Thiên Chúa mới là thứ làm cho con người ra ô uế.
Khi A-đam lấy trái cấm ăn, không phải trái cây ông đưa vào miệng làm cho ông ra ô uế, nhưng là ý định chống lại luật Thiên Chúa của ông. Tương tự như vậy, việc một người Do-thái thời Cựu Ước ăn thịt heo (Lv 11,7), một Ki-tô hữu thời các tông đồ ăn tiết hoặc thịt con vật chưa cắt tiết (Cv 15,20.29), hay một tín hữu Công Giáo ngày nay ăn thịt trong những ngày Hội Thánh dạy phải giữ chay, mà không có lý do chính đáng, thì khi đó, họ ô uế không phải do thức ăn họ sử dụng, nhưng do ý định bất tuân của mình chống lại mệnh lệnh từ Thiên Chúa hoặc những người được Chúa trao phó thẩm quyền.
Hãy nhớ rằng tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ, vì lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện thánh hóa những thứ đó (1 Tm 4,4-5).
Câu 14. Cứ để mặc họ - Không phải Chúa Giê-su muốn để mặc cho các kinh sư và người Pha-ri-sêu sa ngã, nhưng Người muốn nói rằng nếu họ bực tức và vấp phạm vì lòng gian tà của mình, thì hãy mặc cho họ xử sự như vậy. Chúng ta không thể lơ là việc giảng dạy hay đón nhận sự thật dù nó làm cho một số người khó chịu.
Theo Thánh Grêgôriô, nếu chúng ta gặp phải những sự gièm pha khi rao giảng sự thật cho người khác, chúng ta phải chịu đựng nó thay vì lảng tránh sự thật. Chúa chúng ta nói họ bị mù, vì thế, hãy để mặc họ. Đối với những thửa đất thường xuyên được tưới những giọt nước từ Trời mà vẫn còn cằn cỗi, thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi (Lc 13,35). Và nó sẽ không được tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; Chúa sẽ truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống (Is 5,6). Dù Thiên Chúa không bao giờ từ chối trao ban ân sủng cho con người khi họ cầu xin, tuy nhiên, đôi khi, người ta từ chối sự trợ giúp đó. Họ rơi vào tình trạng tuyệt vọng, khi Chúa Ki-tô bảo các môn đệ rời bỏ họ. Giống như người Sơ-đôm đã bị tiêu diệt ngay khi Lót, người công chính và tốt lành trước mắt Thiên Chúa ra khỏi thành, như Giê-ru-sa-lem bị tàn phá bởi người Rô-ma sau khi Chúa Giê-su Lên Trời, các tội nhân này ở trong một tình trạng vô cùng nguy hiểm, họ bị các thừa tác viên của Hội Thánh bỏ mặc, họ giống như người bị nhiễm một căn bệnh quái ác, vô phương chữa trị.
Câu 19. những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống - Chúa Giê-su đề cập đến một loạt những hành vi phạm tội chống lại người thân cận để nói với chúng ta rằng Người thậm chí còn mong muốn chúng ta nên yêu người thân cận hơn là tôn thờ Người.
Câu 21. Có thể sẽ có người thắc mắc là tại sao Chúa Giê-su lại đi vào vùng đất của dân ngoại, trong khi Người truyền lệnh cho các tông đồ tránh những nơi đó? Lý do thứ nhất có thể là vì Chúa không phải tuân theo những quy tắc giống như Người đưa ra cho các môn đệ của mình; một lý do khác nữa có thể là Người đi đến Tia và Xi-đôn không phải là để rao giảng, do đó, Thánh Mát-thêu ghi lại rằng người lui về đó, có vẻ là để nghỉ ngơi.
Tia và Xi-đôn là hai thành thị cách nhau khoảng 20 dặm và đều nằm ven biển Địa Trung Hải, các nước tiếp giáp với phía tây và phía bắc Ga-li-lê trong thời kỳ này cũng được gọi chung là miền duyên hải, con đường ra biển hay vùng lãnh thổ của Tia và Xi-đôn. Cư dân cổ xưa của khu vực này là hậu duệ của người Ca-na-an (vì Xi-đôn là con cả của ông Ca-na-an - St 10,15). Người Hy-lạp gọi nó là Phê-ni-xi, sau khi bị chinh phục bởi đế quốc Rô-ma, nó trở thành một phần thuộc tỉnh Xy-ri. Do đó, người phụ nữ trong câu 22 được Thánh Mát-thêu gọi là người phụ nữ Ca-na-an, trong khi Thánh Mác-cô gọi bà là một người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri (Mc 7,26).
Câu 22. xin dủ lòng thương tôi - Đức tin mạnh mẽ của người phụ nữ Ca-na-an được tán dương một cách công bằng, cho dù bà là người ngoại. Bà tin rằng Chúa Giê-su là Thiên Chúa, Người mà bà gọi là Chúa của mình (bản dịch Tiếng Việt là Ngài), và là con vua Đa-vít. Bà không nói gì về công trạng của mình, nhưng cầu xin sự thương xót của Thiên Chúa, không phải là thương xót con gái tôi, nhưng là thương xót tôi. Để thỉnh cầu lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su, bà nói lên tất cả sự khổ cực của mình: Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!
Câu 23-27. Nhưng Người không đáp lại một lời - Đừng hiểu lầm rằng Chúa chúng ta từ chối giúp đỡ và đáp lại bà bằng thái độ khinh miệt, nhưng Người muốn nhân dịp này để thử thách và để bà chứng tỏ đức hạnh của mình. Khi Chúa nói rằng “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.”, bà không hề ghen tị mà vẫn tiếp tục cầu xin tha thiết và gọi Người là Chúa của bà - “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”. Khi Chúa Giê-su có ý ví dân ngoại với lũ chó con (theo ngôn ngữ mà người Do-thái thời bấy giờ thường sử dụng), bà không những không bực tức mà ngay lập tức thừa nhận tình trạng của mình - “Thưa Ngài, đúng thế” và tiếp tục cầu xin: “nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Quả là một người có lòng tin mạnh mẽ và sự khiêm nhường đáng nể phục.
Qua câu chuyện của người phụ nữ Ca-na-an, chúng ta nhận được một chỉ dẫn về đức tin, lòng khiêm nhường và sự kiên trì mà chúng ta cần phải có khi cầu nguyện. Để làm cho những tôi tớ của mình cảm nhận được lòng thương xót và háo hức hơn để có được nó, Chúa thường tỏ ra không chú ý đến những lời cầu nguyện của họ cho đến khi họ thực hiện chúng trong sự khiêm nhường và nhẫn nại. Khi đó, như Chúa đã hứa, “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho”.
Câu 29-31. Người phụ nữ Ca-na-an đã tin Chúa một cách mạnh mẽ ngay cả khi chưa nhận được gì. Còn dân Do-thái phải nhờ những việc lạ lùng mới có lòng tin, thậm chí ngay cả khi chứng kiến những phép lạ ấy, nhiều người trong số họ vẫn hoài nghi về thiên tính của Chúa Giê-su. Như vậy, một người ngoại đã có lòng tin mạnh hơn nhiều so với con cháu Áp-ra-ham.