Chương 13 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 3. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều - Có lẽ Chúa Giê-su đã nói với dân chúng nhiều hơn những gì mà Thánh sử Mát-thêu ghi lại ở đây.
Có nhiều cách giải thích để hiểu tại sao Chúa Giê-su thường dùng dụ ngôn để dạy dỗ họ. Thứ nhất, trí tưởng tượng phong phú của người phương Đông khiến họ dễ dàng thưởng thức những câu chuyện đầy hình tượng này. Qua đó, họ được đánh thức sự chú ý và trau dồi vốn hiểu biết của bản thân. Thứ hai, sự thiếu hợp tác, không sẵn sàng của một số đối tượng người nghe khiến Chúa Giê-su thường xuyên giấu những chỉ dẫn của mình phía sau các dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có các môn đệ xung quanh, Người đã giải thích ý nghĩa cho họ vì họ là những người chuẩn bị tốt hơn và luôn chân thành tìm kiếm lời giải thích thỏa đáng cho các dụ ngôn đó. Nguyên nhân thứ ba chính là để ứng nghiệm lời tiên tri của các vị ngôn sứ về Đấng Mê-si-a (Tv 78,2-4; Is 6,9-10). Đây cũng là đề tài nổi bật của Tin mừng Mát-thêu.
Trong trình thuật Bài giảng trên núi (Mt 5), Chúa Giê-su không sử dụng các dụ ngôn để truyền đạt những chỉ dẫn của mình cho dân Do-thái vì đối tượng người nghe lúc đó hầu hết là những người thuộc giới bình dân, ít chữ nghĩa. Còn ở đây, trong số những người nghe Người giảng có cả các kinh sư và người Pha-ri-sêu, những người am hiểu về Luật Mô-sê. Chúa Giê-su đã khéo léo lồng ghép những lời dạy có khi đơn giản và có khi tối nghĩa để cho mọi đối tượng nghe giảng đều có thể nhận được những chỉ dẫn phù hợp với trí hiểu của mình.
Câu 8. Số hạt được sinh ra đại diện cho giá trị con người ở đời này và phần thưởng dành cho họ ở đời sau. Rõ ràng, có một sự khác biệt tùy theo công phúc của từng người. Thánh Augustinô đã có một sự so sánh rất thú vị: Hạt được gấp trăm là các trinh nữ tận hiến, sáu chục là các góa phụ thánh hiến và ba chục là những người lập gia đình.
Những người lạc giáo, chẳng hạn như Jovinian (?-405), đã phủ nhận điều này và khẳng định rằng không có sự khác biệt nào về mức độ của công phúc đời này hay phần thưởng đời sau.
Câu 9. Ai có tai thì nghe - Qua lời dạy này, Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của các dụ ngôn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được dạy rằng không phải tất cả, nhưng chỉ những ai được soi sáng và thúc đẩy bởi ơn trên mới có thể hiểu đúng Lời Chúa. Bản thân các tông đồ cũng không hiểu các dụ ngôn có ý nghĩa gì cho đến khi được Chúa Giê-su giải thích. Lc 24,45 nói rằng Người đã mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh.
Thiên Chúa là Người nói trong Kinh Thánh và chính Người cũng sẽ ban cho chúng ta ơn để hiểu những gì viết trong đó. Chân lý của Người được che giấu khỏi mắt những người kiêu căng, nhưng mặc khải cho những ai bé mọn. Thánh Phao-lô trong Cv 13,27 đã nói với người Do-thái rằng mặc dù Kinh Thánh được đọc cho họ nghe mỗi ngày sa-bát, nhưng dân cư thành Giê-ru-sa-lem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giê-su, để rồi chính họ đã đóng đinh Đấng Cứu Độ mà Kinh Thánh họ nghe không ngừng tiên báo. Vì thế, chúng ta không thể hiểu Kinh Thánh nói gì nếu không được Thiên Chúa khai mở, để tai chúng ta nghe, tim chúng ta tin và tâm trí chúng ta hiểu.
Bà Ha-ga đã ở gần một giếng đầy nước nhưng bà đã khóc vì không tìm thấy nước cho con trai mình uống. Và Chúa đã mở mắt cho bà để bà thấy cái giếng ngay bên mình (St 21,15-19). Qua câu chuyện này, học giả Ôrigiênê nói rằng nếu không được Thiên Chúa mặc khải, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng đọc Kinh Thánh mà không tìm thấy bất cứ lợi ích nào cho linh hồn mình, dù cho đó là một nguồn mạch dồi dào nuôi dưỡng nó. Hãy luôn luôn cầu nguyện nhiệt thành trong sự khiêm nhường để được Chúa Thánh Thần soi sáng. Từ đó, chúng ta tìm thấy những chỉ dẫn cần thiết đưa chúng ta tới đời sống vĩnh cửu.
Câu 10-11. Những bí ẩn về Nước Trời không được Chúa Giê-su tiết lộ cho các kinh sư và người Pha-ri-sêu vì họ không muốn tin vào Người, mặc dù về mặt danh nghĩa, họ có trách nhiệm giải thích lời các vị ngôn sứ cho dân Do-thái. Qua chi tiết này, chúng ta cũng hãy học tập các môn đệ của Chúa, hãy chạy đến với Người để được nghe giải thích về những điều bí ẩn trong Tin Mừng.
Có nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần đưa vào tay mỗi người một cuốn Kinh Thánh và hết thảy nhân loại sẽ được hoán cải. Họ nghĩ rằng Kinh Thánh đã chứa đựng toàn bộ các chỉ dẫn cần thiết rồi, chỉ cần nắm được Kinh Thánh là sẽ được hưởng Ơn Cứu Độ. Hãy nhớ rằng lệnh truyền cuối cùng của Chúa Giê-su cho các môn đệ và những người kế vị chức vụ của họ là: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,19-20). Trong lời dạy này, rõ ràng không có một từ nào nói tới việc ghi chép và biên soạn Kinh Thánh. Trong suốt 2500 năm, từ thời ông A-đam tới thời ông Mô-sê, dù không hề có Kinh Thánh, nhưng các gia tộc và những người tôi tớ Chúa vẫn biết được các chỉ dẫn của Ngài như tôn trọng ngày sa-bát, dâng các hy tế và hiến lễ, hay thực hiên các nghĩa vụ đạo đức với tha nhân. Và trong hơn 400 năm sau thời Chúa Giê-su, thư quy Kinh Thánh, như đang được người Tin lành chấp nhận rộng rãi, vẫn còn chưa hoàn thiện. Nếu các tông đồ và các nhà truyền giáo không làm gì hơn ngoài việc xuất bản các tác phẩm của họ và phổ biến chúng đến mọi quốc gia ngoại giáo, thì chắc chắn không một quốc gia nào, không một người ngoại nào sẽ từ bỏ các vị thần của họ để tin vào Chúa Giê-su, Đấng bị đóng đinh.
Câu 12. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất - Chỉ dẫn này tiếp tục được Chúa Giê-su nhắc lại trong một vài dịp khác, đặc biệt trong dụ ngôn về những yến bạc (Mt 25,14-30; Lc 8,18; Lc 19,12-27). Để ý các trích đoạn này với một chút suy tư, chúng ta sẽ tìm thấy một chân lý, hay đúng hơn, một lời cảnh báo cho những người thờ ơ và biếng nhác trong việc phụng sự Thiên Chúa.
Theo Thánh Augustinô quan sát, những người nhận được những ơn phúc và ân sủng từ Thiên Chúa nhưng không biết tận dụng và làm cho chúng sinh lợi ích sẽ bị xem như không có, mặc dù chúng chưa bị lấy đi.
Như các kinh sư và người Pha-ri-sêu ở đây, họ là những người được nhận các chức vụ cao trong việc phụng tự và giảng dạy Lời Chúa cho dân Do-thái, nhưng lại không biết tận dụng vốn hiểu biết của mình để làm lợi cho người khác mà chỉ dùng chúng để thỏa mãn sự kiêu căng của bản thân. Vì họ đã không tin vào Chúa Giê-su và đứng lên chống lại Người, nên những gì họ đang sở hữu sẽ bị tước bỏ. Đó là Đền Thờ, chức vụ tư tế và thậm chí cả sự thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực. Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, những thứ tốt đẹp đó sẽ được trao lại cho các tông đồ.
Thánh Gio-an Kim Khẩu chú giải: Với những ai khao khát sống chu toàn Lề Luật của Thiên Chúa thì không chỉ được thỏa lòng, mà tất cả các đức tính tốt đẹp khác cũng sẽ được ban thêm cho họ. Trái lại, với những ai không khao khát chu toàn Lề Luật, thì ngay cả những gì họ có, hoặc tưởng rằng mình có, cũng sẽ bị lấy đi. Vì họ đã làm cho chính mình trở nên không xứng đáng với những điều tốt đẹp đó.
Câu 13. họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu - Trong Is 6,9, ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo trước về sự mù quáng, không nhận biết Đấng Mê-si-a của dân Do-thái. Chi tiết này được nhắc lại tới 5 lần khác nữa trong Tân Ước: Mc 6,14; Lc 8,10; Ga 12,40; Cv 28,26 và Rm 11,8. Tuy nhiên, cũng cần mình định rõ rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đui mù” của người Do-thái xuất phát từ chính sự cố chấp và cứng tin của họ chứ không phải là do Chúa gây ra. Một số người lạc giáo và phạm thánh thường dùng chi tiết này như một cách chứng mình rằng Chúa là Người làm ra tội lỗi và là nguyên nhân của tội lỗi.
Câu 15. X. Is 6,10. Ẩn ý ở đây là nhắc lại một chân lý rằng nếu hoán cải, họ sẽ được Thiên chúa thứ tha.
Câu 16-17. Chúa Giê-su tuyên bố rằng các môn đệ của Ngài được ban phúc hơn nhiều ngôn sứ và những người công chính thời xưa. Trong khi những người ấy chỉ nhìn thấy Đấng Ki-tô bằng đôi mắt đức tin, thì các môn đệ lại được thấy Ngài bằng đôi mắt xác thịt của họ.
Câu 24. Qua dụ ngôn cỏ lùng, Thánh Gio-an Kim Khẩu chỉ ra cho chúng ta ba điểm cần lưu tâm:
1. Giáo Hội của Chúa trên mặt đất này bao gồm cả người tốt và kẻ xấu (Trong ruộng có cả lúa và cỏ lùng mọc chung xen lẫn).
2. Thiên Chúa không phải là tác giả của cái ác (Người không gieo cỏ lùng vào ruộng của mình, nhưng là ma quỷ đã thừa cơ làm nảy sinh chúng).
3. Thiên Chúa không phải lúc nào cũng trừng phạt kẻ ác ngay ở đời này, nhưng Người kiên nhẫn chịu đựng họ.
Câu 25. đang ngủ - Khi các vị mục tử của Giáo Hội bị ru ngủ, hoặc sơ xuất, hoặc sau khi các tông đồ qua đời, ma quỷ đã gieo rắc tội lỗi và sự xấu xa vào lòng một số lượng lớn các Ki-tô hữu. Những người này đánh mất các ân sủng, hoặc trở thành lạc giáo, và vẫn sẽ tiếp tục hòa lẫn vào các tín hữu khác trong một danh xưng bên ngoài là Ki-tô hữu, mặc dù về bản chất, họ đã trở thành cỏ lùng giữa ruộng lúa.
Câu 29. Đừng, sợ rằng - Những lời cầu nguyện của các tội nhân biết hối cải không bao giờ bị Chúa coi thường. Qua chi tiết này, Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng không được cắt đứt quan hệ một cách quá vội vàng đối với một người anh em sa ngã; vì bất cứ điều gì xấu anh ta làm ngày hôm nay thì ngày mai, có thể anh ta sẽ nhận ra tội lỗi của mình và ăn năn hối cải.
Theo Thánh Augustinô, Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta chịu đựng những người ngoại đạo và những người lạc giáo, không chỉ vì lợi ích của chúng ta (những người như thế thường được Chúa dùng để thử thách xem ai là người công chính), nhưng còn vì lợi ích của họ; bởi lẽ, đôi khi, những người hư hỏng và biến chất sẽ có ngày trở lại con đường của công chính và sự thật. Do đó, hãy để cả hai phát triển cho đến mùa thu hoạch, tức là đến Ngày phán xét. Thánh Giê-rô-ni-mô cũng khẳng định rằng chúng ta không nên dùng bạo lực để ép buộc ai đó chấp nhận các giáo lý tôn giáo, thay vào đó, những sự bất đồng chính kiến giữa họ với chúng ta phải được khuyên bảo bằng lời nói, chinh phục bằng lý lẽ và xác tín bằng lý trí.
Câu 31-33. Hình ảnh hạt cải và nắm men đại diện cho Tin Mừng của Chúa Ki-tô, vốn thoạt đầu chỉ là thiểu số và thậm chí bị người ta coi thường, nhưng khi được rao giảng bởi các tông đồ, Tin Mừng ấy sẽ phát triển và lan tỏa ra khắp thế giới. Những lợi ích mà Tin mừng mang lại sẽ trổi vượt hơn hết mọi giáo lý và bất cứ lời giảng dạy nào khác.
Câu 35. X. Tv 78,2
Câu 44. Kho báu ở đây được hiểu là Tin Mừng của Chúa Ki-tô, cánh cửa đưa chúng ta lên Thiên đàng. Khi một người tìm thấy chân lý trong Tin Mừng, anh ta tìm thấy Nước Trời và sẽ sẵn sàng bán mọi thứ gần gũi, thân thuộc và quý giá đời này mà mua cho được kho báu ấy. Đối với anh ta, đó không hề là một cái giá đắt.
Câu 52. Chữ kinh sư ở đây được hiểu là những môn đệ Chúa Giê-su trong chức vụ ghi chép và giảng dạy Kinh Thánh (x. Mt 23,34). Họ không những đã biết những gì viết trong sách luật (Cựu Ước), nhưng còn được biết đến giáo huấn Chúa Giê-su (Tân Ước). Do đó, khi đem những điều ấy ra giảng dạy, họ giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.
Câu 55-56. Theo truyền thống, Thánh Giu-se là một thợ mộc. Điều này được xác định chủ yếu dựa trên những gì nhà thần học Theodoret (393-458) để cập trong một tác phẩm ghi lại lịch sử Giáo Hội. Theo đó, dưới thời hoàng đế bội giáo Julianus, nhà hùng biện người Hy-lạp Libanius (314-392/393) đã hỏi một Ki-tô hữu thánh thiện bằng giọng điệu khinh miệt về Chúa Giê-su rằng “con trai gã thợ mộc lúc đó đang làm gì?” Người được hỏi đã đáp lại ông ta một cách rất thông minh rằng “con trai bác thợ mộc đang đóng quan tài cho Julianus”. Ông đã bị xử tử không lâu sau đó.
Những người Do-thái ở Na-da-rét đã vấp ngã vì Chúa Giê-su. Họ cho rằng Người là con bác thợ mộc Giu-se, và với xuất thân như vậy, họ không tin rằng Người là bậc khôn ngoan và hiểu biết. Sự khờ dại này khiến Thánh Gio-an Kim Khẩu lấy làm kinh ngạc, bởi lẽ vua Đa-vít, tổ phụ của họ, cũng chỉ là con của một bác nông dân, và ngôn sứ A-mốt trong Cựu Ước cũng chỉ là một người chăn chiên.
anh em, chị em - Đây là các con của bà Ma-ri-a, vợ ông Cơ-lô-pát (Mt 27,56; 28,1; Mc 15,40; 16,1; Ga 19,25). Bà là chị em của Đức Ma-ri-a. Theo cách thường thấy trong Kinh Thánh, họ được gọi là anh em, chị em của Chúa Giê-su vì có quan hệ họ hàng gần gũi với Người.