Chương 23 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 1. Đức Giê-su nói - Ở đây, có thể nhận thấy rằng Đấng Cứu Độ của chúng ta, sau khi đã thử tất cả các biện pháp có thể đối với các kinh sư và người Pha-ri-sêu, đã dạy họ các giáo lý của Người và xác nhận bằng vô số phép lạ, đã nhắc nhở họ cách kín đáo những việc xấu xa họ nghĩ và làm, mà không có tác dụng; giờ đây, Người công khai những nết xấu của họ trước toàn dân. Nhưng trước khi khiển trách họ, Người cũng chỉ dẫn cho dân chúng kẻo họ coi thường thẩm quyền của chức tư tế.
Câu 2. Các kinh sư - Giới lãnh đạo này tự nhận mình là những người nhiệt thành nhất đối với Luật Mô-sê và có vinh dự làm những người giảng dạy, cắt nghĩa Lề Luật cho dân chúng. Họ ngồi trên tòa ông Mô-sê và có được thẩm quyền trong việc lãnh đạo dân Chúa, chỉ dẫn dân sống theo Lề Luật và ý muốn của Người. Còn Pha-ri-sêu hay biệt phái là những người tự nhận một vị trí cao hơn, họ cho mình là tách biệt với với quần chúng, một tầng lớp cao hơn những người bình thường.
Câu 3. hãy làm, hãy giữ - Bất chấp hành vi sai trái của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, Chúa Giê-su không hề bãi bỏ danh dự của tòa ông Mô-sê. Theo Thánh Augustinô, Thiên Chúa bảo tồn chân lý Ki-tô Giáo nơi Tòa thánh tông truyền Rô-ma, tương ứng với tòa ông Mô-sê của Lề Luật mới, bất chấp tư cách xấu của một số ít Giám mục. Vâng, cho dù một kẻ phản bội, thậm chí như Giu-đa, làm Giám mục, thì điều đó cũng không ảnh hưởng tới tính toàn vẹn nơi đức tin của Giáo Hội thuộc về Thiên Chúa, hay làm thay đổi thái độ sẵn lòng vâng phục và sự tùng phục hoàn hảo nơi các Ki-tô hữu chân thành, bởi lẽ chính Chúa đã đưa ra cho họ chỉ thị rằng: “tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo.”
Câu 4. những gánh nặng - Chúa Giê-su không có ý nói tới những điều viết trong Luật Mô-sê, nhưng nhắc đến các tục lệ, truyền thống và những thứ rườm rà được thêm thắt bởi các kinh sư, luật sĩ và người Pha-ri-sêu.
Câu 5. những hộp kinh - Đó là những mảnh hay cuộn giấy da được người Do-thái dùng để viết Mười Điều Răn hoặc một số câu trong sách Luật. Họ buộc chặt chúng lên trán hay cánh tay mình như môt cách khắc ghi Lề Luật. Truyền thống này phát xuất từ Đnl 6,8 và rất phổ biến trong dân Do-thái. Ở đây, Chúa Giê-su không có ý lên án thực hành như vậy, nhưng Người muốn khiển trách tính tự phụ và giả hình của các kinh sư và người Pha-ri-sêu, những kẻ nghĩ rằng việc mang theo hộp kinh thật lớn và mặc những bộ áo rộng thùng thình sẽ giúp họ trông có vẻ sốt sắng hơn đối với Lề Luật.
Câu 7. ráp-bi - רְבִּי [rǝbbī] - Có nghĩa là “thầy”. Đó là cách mà Giu-đa gọi Chúa trong bữa Tiệc Ly (Mt 26,25). Danh hiệu này là điều mà những người Pha-ri-sêu tìm kiếm, vì nó giúp họ thỏa mãn tính kiêu căng tự phụ.
Câu 8. chỉ có một Thầy - Đó chính là Đức Ki-tô. Và dưới quyền Ngài, những người kế vị Thánh Phê-rô cùng với tất cả các thầy dạy khác của Giáo Hội Công Giáo đều là một, vì họ giảng dạy cùng một giáo lý như nhau. Trong thế giới ngày nay, nơi mà Ki-tô Giáo ngày càng bị phân mảnh thành vô số giáo phái nhỏ lẻ với đức tin lệch lạc và méo mó, người ta có thể tìm ra hai “thầy” không dạy cùng một giáo lý về một điểm nào đó. Nguyên nhân là vì họ tự cho mình quyền đưa vào giáo lý chung những tư tưởng của riêng mình và tùy tiện giải thích Kinh Thánh theo những gì họ nghĩ.
Câu 9-10. đừng gọi ai dưới đất này là cha... đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo - Chúa Giê-su có ý nói rằng Cha chúng ta trên Thiên đàng hoàn hảo hơn bất cứ người cha nào dưới mặt đất này; và chúng ta cũng không đi theo bất cứ nhà lãnh đạo nào, nếu họ kéo chúng ta ra khỏi Đức Ki-tô. Điều này không hề cản trở việc chúng ta tuân theo Lề Luật của Chúa và dành sự tôn trọng cho cha mẹ, người cha đức tin (các Giám mục, linh mục - 1 Cr 4,15) hay các thầy cô giáo dạy dỗ chúng ta.
Ở đây, không có điều gì bị cấm ngoại trừ những hành vi chia rẽ, tự ban thẩm quyền để biến mình trở thành người lãnh đạo, nhà sáng lập của các giáo phái mới hay các nhóm ly giáo .
Câu 13. cửa Nước Trời - Cánh cửa đó chính là Đức Giê-su, như Người xác nhận trong Ga 10,9: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.” Tuy vậy, những người Pha-ri-sêu, ngoài việc từ chối tin vào Chúa và tìm mọi cách chống đối, còn ngăm đe và ngăn cản người khác tin theo Người. Vì vậy, Người nói với họ: Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.
Câu 14. nuốt hết tài sản của các bà góa - Chúa Giê-su nghiêm khắc khiển trách hành động đáng xấu hổ của các kinh sư và biệt phái để họ nhìn lại bản thân, cũng như ngăn họ lôi cuốn thêm những người khác đi theo mình. Bằng quyền lực từ chức vụ, họ nỗ lực thuyết phục các bà góa khấn hứa hoặc dâng hiến tài sản vào Đền Thờ, nhưng thực ra là để dùng của cải đó làm giàu cho bản thân. Theo học giả Ôrigiênê, bất cứ ai là thủ phạm của tội ác đều đáng bị trừng phạt, nhưng những kẻ phạm tội dưới y phục tôn giáo xứng đáng bị trừng phạt nặng nề hơn.
Câu 15. Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, nếu những người ngoại đạo phạm tội mà không có ý thức đầy đủ về tội lỗi, họ không đáng xuống hỏa ngục gấp đôi. Nhưng khi họ được hoán cải thành người có đức tin, được thấy tận mắt thói giả hình và những nết xấu của thầy mình, họ phát hiện rằng những gì ông ta làm đi ngược lại giáo lý mà ông ta dạy, từ đó, họ quay trở về với lối sống cũ và thờ lạy các tượng thần mà họ đã từng từ bỏ. Khi ấy, họ bán linh hồn cho quỷ dữ tới hai lần.
Theo Thánh Augustinô, những kẻ giảng dạy rằng chỉ cần có đức tin là đủ cũng như vậy, họ tìm mọi cách để kết nạp thêm những Ki-tô hữu mù quáng đi theo mình; và rồi, tương tự các kinh sư và biệt phái ở đây, họ làm cho số lượng những kẻ đáng phải xuống hỏa ngục tăng hơn trước gấp nhiều lần.
Câu 16-18. Lòng tham dường như là động lực chính để những người Pha-ri-sêu giảng dạy rằng việc thề với vàng và lễ vật trên bàn thờ sẽ giúp cho lời thề trở nên bị ràng buộc. Bằng cách khuyến khích người ta dâng vàng và lễ vật vào Đền Thờ để lời thề có hiệu lực, họ làm lợi cho các tư tế Do-thái và cho chính mình.
Câu 19. của thánh - Theo Giám mục Theophylact, trong Lề Luật cũ, Chúa Ki-tô không cho phép của lễ được coi trọng hơn bàn thờ, nhưng với chúng ta, bàn thờ được thánh hóa bởi của lễ, vì nhờ ân sủng thần linh, bánh được biến đổi để trở thành thân thể Chúa.
Câu 25. Bằng ngôn ngữ của Đấng có thẩm quyền, Chúa Giê-su lên án những tật xấu của các kinh sư và người Pha-ri-sêu như thói giả hình, sự nhiệt thành mù quáng với những luật lệ nhỏ nhặt, lòng tham vô độ và sự thiếu hiểu biết trong việc quyết định các vấn đề của lương tâm. Những tật xấu này không phải là không được tìm thấy nơi các Ki-tô hữu. Những biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần Pha-ri-sêu và thói đạo đức giả bao gồm:
1. Để ý tỉ mỉ đến những thứ vụn vặt.
2. Thích hơn người và ưa được người ta kính trọng.
3. Thỏa mãn với lòng đạo đức bề ngoài.
4. Tự đánh giá cao bản thân và nóng giận khi bị quở trách.
5. Khắc nghiệt với tha nhân và sẵn sàng áp đặt cho họ những gì mà chính bản thân mình cũng không tuân thủ.
Câu 27. mồ mả tô vôi - Người Do-thái cho rằng việc chạm vào mồ mả sẽ khiến họ ra ô uế, do đó, họ tô trắng chúng bằng vôi để dễ nhận diện. Những mồ mả này, mặc dù bên ngoài có vẻ trắng tinh, sạch sẽ, nhưng bên trong thì hôi thối. Đó là một bức tranh chân thực diễn tả lối sống theo tinh thần Pha-ri-sêu. Theo Thánh Grêgôriô, vào Ngày phán xét, những người sống như vậy sẽ không có bất cứ lý do nào để bào chữa, vì chính họ, trong khi ca ngợi vẻ đẹp của các nhân đức, nhưng bằng lối sống đạo đức giả, họ cho thấy rằng mình đã thất bại trong việc sống những nhân đức ấy.
Câu 28. Chúa Giê-su rất thường xuyên và mạnh dạn lên án những người Pha-ri-sêu vì Người hiểu rõ những suy nghĩ và ý định trong tâm trí họ. Còn chúng ta, những người chỉ có thể đánh giá người khác qua những việc làm bên ngoài và không thể đi sâu vào những điều ẩn giấu trong nội tâm của họ, đừng bao giờ được gọi những hành động tốt đẹp bên ngoài của người khác là đạo đức giả; nhưng hãy đánh giá họ theo những gì chúng ta thấy và biết rõ.
Câu 29. xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính - Những người Pha-ri-sêu, một mặt tỏ ra tôn vinh và tưởng nhớ các vị ngôn sứ, nhưng mặt khác, họ tìm cách và đã thực hiện trót lọt hành vi bách hại tới chết Chúa của các vị ấy.
Câu 32. Chúa Giê-su không tìm cách thúc đẩy những người Pha-ri-sêu gia tăng tội ác của cha ông họ, nhưng Người dự đoán về cái chết của mình và âm mưu mà họ sắp thực hiện đối với Người. Và với việc đổ máu Chúa của các vị ngôn sứ, họ đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên mình.
Câu 35. từ máu ông A-ben - Không phải người Do-thái thời bấy giờ sẽ bị trừng phạt vì những tội ác xa xưa mà họ không gây ra, và cũng không phải họ sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn mức mà họ đáng phải chịu; nhưng Chúa Giê-su muốn nói rằng, bằng cách giết Đấng Mê-si-a của mình, họ sẽ sớm lấp đầy số tội lỗi của họ và khiến Thiên Chúa trút cơn thịnh nộ lên dân tộc Do-thái như thể máu ông A-ben và các ngôn sứ bị sát hại một cách bất công sẽ đổ xuống đầu họ ngay lập tức.
ông Da-ca-ri-a - Một số người cho rằng đó là ngôn sứ Da-ca-ri-a, tác giả cuốn sách cùng tên, vì trong câu đầu tiên của cuốn sách này, ông được giới thiệu là con ông Be-réc-gia. Tuy nhiên, chúng ta không tìm được chi tiết nào cho thấy vị ngôn sứ này bị sát hại theo cách mà Chúa Giê-su nói tới - giết giữa đền thánh và bàn thờ. Có một quan điểm phổ biến hơn cho rằng đó là ông Da-ca-ri-a, người thuyết giảng cho dân chúng và bị họ ném đá đến chết ngay trong sân Đền Thờ theo lệnh của vua Giô-át (2 Sb 24,20). Điều đáng nói là ông Da-ca-ri-a trong sách Sử Biên 2 lại được gọi là con tư tế Giơ-hô-gia-đa. Có nhiều người cho rằng cái tên Be-réc-gia thực chất là một cái tên khác của ông Giơ-hô-gia-đa. Còn Thánh Giê-rô-ni-mô, người dịch Kinh Thánh sang tiếng La-tinh, cho biết rằng trong một bản sao cổ của Tin Mừng Mát-thêu, dưới cái tên Tin Mừng của người Na-da-rét, mà ngài sưu tầm được, thì trong câu này, Chúa Giê-su nhắc tới cái tên Da-ca-ri-a con ông Giơ-hô-gia-đa.
Câu 36. Tôi bảo thật các người: tất cả những tội ấy sẽ đổ xuống đầu thế hệ này - Những người Do-thái này đã có bài học từ cha ông họ, những người liên tục chọc giận Thiên Chúa và phải nhận hậu quả nặng nề vì tội ác gây ra; nhưng những tai họa ấy không khiến họ run sợ mà từ bỏ con đường tội lỗi; trái lại, họ đã tiến xa hơn so với tổ tiên mình trong việc bất trung, bất kính đối với Đấng Toàn Năng. Vì thế, họ sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn.
Câu 37. mà các ngươi không chịu - Có ba sự thật được rút ra từ câu nói này của Chúa Giê-su:
1. Những người bị diệt vong phải chịu hình phạt vĩnh cửu do lỗi của chính mình vì đã từ chối lắng nghe lời mời gọi đến với ơn cứu độ của Thiên Chúa.
2. Ý chí của con người là tự do, không ai có thể đổ trách nhiệm về tất cả sự gian ác của mình cho Thiên Chúa, hoặc cho số phận; vì Thiên Chúa chỉ ruồng bỏ con người, hay đúng hơn, chính con người tự cắt đứt mình khỏi Thiên Chúa, chiếu theo ý định ngoan cố và lì lợm nhằm chống lại Người và chuốc lấy án diệt vong cho chính họ.
3. Con người cần phải tuân theo ý muốn của Thiên Chúa, như chính Đấng Cứu Độ của chúng ta cũng cầu nguyện với Người: xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha (Lc 22,42).
Câu 39. cho đến khi các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa - Đó là vào Ngày tận thế. Và như vậy, cuối cùng, người Do-thái cũng sẽ được hoán cải sang đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.