Chương 24 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 1. công trình kiến trúc Đền Thờ - Các môn đệ không tò mò hay choáng ngợp vì các kiến trúc ấy, bởi lẽ họ đã nhìn thấy chúng nhiều lần, nhưng họ cảm thấy thương tiếc, vì chỉ một thời gian ngắn trước đó, ngay khi sắp tiến vào Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su đã cảnh báo rằng toàn bộ thành phố cùng với Đền Thờ sẽ bị hủy diệt. Theo Thánh Hi-la-ri-ô, có lẽ họ hy vọng rằng khi chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng và tráng lệ của một công trình kiên cố đã được thánh hiến, họ có thể khiến Người thay đổi ý định. Nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, vốn gây ra bởi tội lỗi của con người, không thể được xoa dịu bằng những phiến đá và các công trình nguy nga, đồ sộ.
Câu 2. sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào - Đây không phải là lời nói cường điệu của Chúa Giê-su. Trên thực tế, sau cuộc vây hãm Giê-ru-sa-lem năm 70, người Rô-ma đã đốt cháy Đền Thờ và san phẳng nó thành bình địa.
Vào năm 363, hoàng đế bội giáo Julianus, người đứng đầu đế quốc Rô-ma thời bấy giờ, đã cố gắng làm sai lệch lời tiên báo của Chúa Giê-su và ngôn sứ Đa-ni-en bằng cách ra lệnh xây dựng lại Đền Thờ thật hoành tráng. Điều này làm cho người Do-thái đường thời cảm thấy vui mừng hả hê. Họ đổ xô đến Giê-ru-sa-lem để bắt đầu việc xây cất và quay ra lăng mạ các Ki-tô hữu. Họ tiến hành dọn dẹp nốt toàn bộ tàn tích của ngôi đền và đào một nền móng mới với hàng ngàn nhân công. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là sau khi họ mất công đào xới vào ban ngày, những trận động đất liên tiếp ban đêm lại làm cho đất đá rơi xuống lấp đầy trở lại các hào móng. Ngày hôm sau, Alipius, người được Julianus giao cho nhiệm vụ xây dựng ngôi đền, với sự trợ giúp của thống đốc tỉnh, đã quyết tâm xây dựng trở lại. Và khi họ cố gắng tiếp cận công trình, một điều lạ lùng đã xảy ra, từ mặt đất, những quả cầu lửa khổng lồ liên tiếp nổ ra và đốt cháy các nhân công khiến họ không thể lại gần. Điều này lặp đi lạp lại nhiều lần khiến Alipius và người Do-thái phải từ bỏ việc xây dựng. Kể từ đó, đã không có một ngôi đền Do-thái nào được xây dựng tại vị trí Đền thờ Giê-ru-sa-lem cũ cho tới ngày nay.
Câu 3. Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế - Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, chúng ta cần lưu ý rằng có ba câu hỏi được đưa ra ở đây. 1. Sự phá hủy Giê-ru-sa-lem; 2. Sự quang lâm của Chúa Giê-su; 3. Ngày tận thế. Câu trả lời của Chúa Giê-su trong chương này sẽ liên quan tới cả ba chứ không chỉ riêng một câu hỏi nào.
Còn về câu hỏi của các môn đệ, theo cha Robert Witham, có thể chính họ cũng không hiểu rằng mình đang hỏi về hai sự kiện riêng biệt. Đắm chìm trong ý tưởng về một vương quốc trần gian, họ cho rằng lần trở lại thứ hai của Chúa Giê-su sẽ sớm xảy ra; và một khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, Đấng Mê-si-a sẽ ngay lập tức khai mở triều đại của mình.
Câu 5. kẻ mạo danh Thầy - Trong số đó, có thầy phù thủy Si-môn, người tự xưng mình là một nhân vật quan trọng và dân Sa-ma-ri gọi ông ta là quyền năng của Thiên Chúa (Cv 8,9). Do đó, Thánh Gio-an Tông Đồ nói rằng: “Anh em đã nghe biết là tên Phản Ki-tô sẽ đến; thế mà giờ đây nhiều tên Phản Ki-tô đã xuất hiện” (1 Ga 2,18). Những tên Phản Ki-tô này là những kẻ lạc giáo, những kẻ nhân danh Chúa Giê-su để dạy các giáo lý khác với những gì Người giảng dạy. Vì vậy, không có gì khiến chúng ta phải ngạc nhiên khi có nhiều người bị dụ dỗ, bởi chính Chúa cũng đã báo trước là sẽ có những người như thế.
Trong số những kẻ mạo danh này, trước khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy năm 70, có Thêu-đa (Cv 5,36), Giu-đa người Ga-li-lê (Cv 5,37) và nhiều kẻ nổi loạn khác, những kẻ tự xưng mình là một nhân vật thần thánh để lôi cuốn dân Do-thái.
Còn từ sau sự kiện năm 70, có lẽ chúng ta không còn lạ gì với vô số trào lưu lạc giáo và phản Ki-tô đã, đang và sẽ nảy nở cho đến Ngày tận thế.
Câu 6-7. Chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh; với những gì chúng ta đã học được từ lịch sử và đang chứng kiến trong thế giới ngày nay, những dấu hiệu này luôn hiện hữu hết sức rõ ràng.
Câu 9. người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy - Điềm báo thứ tư này ám chỉ các cuộc bách hại nhắm vào Giáo Hội. Nó đã xảy ra đúng với các tông đồ trước biến cố năm 70 và với tất cả các vị tử đạo sau đó. Một cuộc bách hại tàn khốc hơn nữa rất có thể sẽ xảy ra với các tín hữu trong thời đại của tên Phản Ki-tô. Thiên tai hoành hành, các vụ đổ máu và sự hủy diệt đối với Gê-ru-sa-lem cũng là hình ảnh báo trước cho những điều còn khủng khiếp hơn thế sẽ xảy ra vào thời cùng tận; điều này cần được thường xuyên đặt ra trong tâm trí của chúng ta. Theo Giám mục Charles Walmesley, các bậc làm cha mẹ phải luôn chuẩn bị đón nhận một phiên tòa đẫm máu của thế gian dành cho mình và cũng hãy dạy dỗ con cái họ sẵn sàng đối mặt với nó, khi đức tin Ki-tô Giáo bị chối bỏ, đó là một sự kiện khủng khiếp đang đến gần; đối với phần còn lại của thế gian, như những gì chúng ta đã học được từ mặc khải, họ sẽ bị bất ngờ như những người rơi vào đại hồng thủy. Xin nhắc lại rằng điều cuối cùng xảy đến cho các Ki-tô hữu có thể là một phiên tòa đẫm máu đúng với nghĩa đen, bởi vì Giáo Hội của chúng ta đã được tẩy rửa bằng máu, khởi đầu bằng máu, lớn lên bằng máu và cũng sẽ kết thúc bằng máu.
Nhưng sau những cơn đau đớn tột độ đó, Ngày tận thế sẽ chấm dứt với Phiên tòa cánh chung, nơi Thiên Chúa xét xử mỗi người tùy theo những gì họ đã làm khi còn sống ở trần gian. Chúa Giê-su Ki-tô, sau những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của mình, sẽ nói rằng: “Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc mình làm” (Kh 22,12). Với sự thiết tha mong mỏi, các tôi tớ Ngài trong mọi thời đại sẽ hiệp lời cầu nguyện cùng thánh Gio-an: “A-men, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!” (Kh 22,20).
Câu 11. ngôn sứ giả - Đó là những kẻ mà Thánh Phê-rô gọi là những thầy dạy giả hiệu (2 Pr 2,1), những kẻ đó sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong - tức là các giáo lý sai lạc với đức tin Ki-tô Giáo.
Câu 12. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi - Vì gương xấu của những kẻ gian ác, lòng mến của mọi người sẽ trở nên nguội lạnh. Và ngay cả trong hàng ngũ các Ki-tô hữu, chúng ta cũng sẽ hiếm khi gặp được một người dám đứng ra bênh vực anh em mình, vì họ sợ bị người ta biết mình là Ki-tô hữu. Như Thánh Phao-lô đã rất đơn độc khi đứng ra biện hộ trước triều đình Rô-ma: “Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ” (2 Tm 4,16).
Câu 13. kẻ nào bền chí đến cùng - Đó là những người kiên trì giữ vững đức tin và lòng mến qua các cuộc bách hại.
Câu 14. Tin Mừng này... sẽ được loan báo trên khắp thế giới - Đây là điềm báo thứ năm và cũng là điềm báo cuối cùng của Ngày tận thế, khi mà mọi quốc gia trên toàn cầu đều được loan báo về Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô.
Câu 15. Đồ Ghê Tởm Khốc Hại - Cách hiểu đơn giản nhất là các tượng thần và các biểu hiện ngoại giáo, hay sự suy đồi về luân lý của Ki-tô Giáo.
Câu 16. thì bấy giờ - Nhờ chỉ dẫn của Chúa Giê-su, sau này, khi Giê-ru-sa-lem bị quân đội Rô-ma tấn công, các Ki-tô hữu đã chuyển qua thành Pella thuộc Tra-khô-nít (Lc 3,1) bên kia sông Gio-đan thuộc quyền cai trị của vua Ác-ríp-pa (Cv 25,13) để lánh nạn.
Câu 22. Nếu những ngày ấy không được rút ngắn lại, thì không ai được cứu thoát - Chúa Giê-su cảnh báo trước về sự xuất hiện của tên Phản Ki-tô và nhắc nhở các Ki-tô hữu phải luôn cảnh giác. Vì những cám dỗ của nó nguy hiểm đến nỗi, nếu thời cùng tận không được rút ngắn lại, mọi người sẽ sa ngã và không ai có thể được cứu thoát.
Câu 23. thì anh em đừng tin - Những từ này thường được hiểu là lời cảnh báo dành cho các Ki-tô hữu trước sự lôi cuốn của những kẻ lạc giáo. Họ nhắm vào những tín hữu có đức tin không vững vàng và điều đáng buồn là có không ít người đã đi theo. Chúng ta hãy luôn cảnh giác, vì nếu không giữ vững đức tin của mình, chúng ta có nguy cơ đánh mất linh hồn cho quỷ dữ.
Câu 28. Xác chết nằm đâu, diều hâu tụ đó - Đây có lẽ là một câu tục ngữ hoặc một câu nói quen thuộc của người Do-thái. Một số nhà chú giải hiểu “xác chết” ở đây chính là Chúa Ki-tô, Người đã chết vì tội lỗi chúng ta; và trong lần trở lại thứ hai, các thiên thần và các thánh của Người, giống như “diều hâu”, sẽ xuất hiện cùng với Người trong Cuộc phán xét.
Theo Jacobus Tirinus, câu này có nghĩa rằng trong Ngày tận thế, tất cả nhân loại, như bản năng tự nhiên, sẽ “bay” đến gặp Chúa Ki-tô để nhận phán quyết dành cho mình.
Thánh Hi-la-ri-ô thì hiểu điều này theo nghĩa đen, rằng nơi mà thân xác Chúa Giê-su bị treo trên thập giá cũng sẽ là nơi Ngài xuất hiện trong Ngày phán xét, tức là gần cánh đồng Giô-sa-phát, theo lời ngôn sứ Giô-en (Ge 4,2).
Câu 30. dấu hiệu của Con Người - Theo các Giáo Phụ, thập giá Chúa Ki-tô, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ (1 Cr 1,23) sẽ xuất hiện chói lọi trên bầu trời. Và khi ấy, những kẻ đã kết án và đóng đinh Người sẽ đấm ngực than van cùng với những kẻ nhạo cười của mọi thời đại, vì họ đã từng lăng mạ và coi khinh Đấng mà lẽ ra họ phải dành cho Ngài sự tôn kính, thờ phượng và lòng mến yêu.
Câu 34. thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra - Tức là quốc gia của người Do-thái sẽ không ngừng tồn tại, cho đến khi tất cả những điều này được hoàn thành, tức là cho đến Ngày tận thế. Ngoài ra, cũng có thể hiểu rằng, thế hệ của những người đang lắng nghe Chúa Giê-su khi ấy sẽ không qua đi trước khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy.
Câu 36. không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi - Lạc giáo Arius đã sai lầm khi dựa vào chi tiết này để lập luận rằng Chúa Giê-su không thực sự là Thiên Chúa vì Ngài không biết Ngày tận thế xảy đến khi nào. Và vì không ai biết được, họ kết luận Chúa Thánh thần cũng không phải Thiên Chúa một cách chân thật.
Về phần mình, chúng ta cần hiểu rõ và nắm chắc một số điểm sau đây:
1. Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần chắc chắn biết rõ Ngày tận thế xảy đến khi nào, bởi lẽ Ba Ngôi Thiên Chúa đồng bản thể, cùng một tính, một phép, cùng sự khôn ngoan, hiểu biết và mọi sự hoàn hảo tuyệt đối.
2. Chúa Giê-su không thể không biết gì về thời điểm được ấn định cho Ngày tận thế, vì trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết (Cl 2,3). Nơi Người, nhân tính và thiên tính được hợp nhất làm một. Việc quy kết bất cứ sự thiếu hiểu biết nào đối với Chúa Ki-tô là lỗi của những kẻ lạc giáo.
Vào thế kỷ VI, ở A-lê-xan-ri-a, Ai-cập, có một lạc giáo xuất hiện với tên gọi là Agnoetae hay Themistius. Nhóm này nảy sinh từ một cuộc tranh luận thần học về bản chất thân thể Chúa Ki-tô giữa Giám mục Severus thành An-ti-ô-khi-a (459/465-538) và nhà thần học Julian thành Halicarnassus (? - sau 527), nhưng rồi sau đó, bị một phó tế có tên Themistius phát triển thành một lạc giáo. Ông ta cho rằng Chúa Giê-su, mặc dù là thần linh, nhưng chỉ có tri thức giới hạn và lấy dẫn chứng rằng Người không biết Ngày tận thế xảy đến khi nào và La-da-rô được chôn ở đâu (Ga 11,34).
3. Chúa Ki-tô, với tư cách là một con người, biết về thời điểm của Ngày phán xét không phải vì Người chỉ là một con người mà thôi, nhưng vì Người vừa là con người, vừa là Thiên Chúa.
4. Các Giáo Phụ giải thích rằng, ở đây, Chúa Ki-tô trả lời các môn đệ với tư cách là sứ giả của Chúa Cha, và vì vậy, Người chỉ đưa ra cho họ những gì họ nên được biết.
Nói cách khác, những điều mà người ta cho rằng Chúa Giê-su không biết là những điều Người không muốn tiết lộ cho họ.
Câu 37-38. Điều tương tự thời ông Nô-ê cũng sẽ xảy ra khi Con Người quang lâm. Trong những ngày ấy, bất chấp những lời cảnh báo và các tai họa xảy đến, thiên hạ vẫn sẽ dành mối quan tâm của họ cho những những thú vui nhằm thỏa mãn nhu cầu của xác thịt như chuyện ăn, chuyện uống, chuyện cưới vợ, lấy chồng,... và thờ ơ với số phận chung cục của mình.
Câu 40. một người được đem đi, một người bị bỏ lại - Một người được lên Thiên đàng còn một người phải xuống hỏa ngục.
Câu 42. Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến - Con người chúng ta có thể đôi lúc bị giảm đi phần nào sự chú ý, nhưng hãy cố gắng giữ cho mình một tinh thần cảnh giác liên tục. Đấng Toàn Năng không hé lộ Ngày cánh chung cho chúng ta chính là để chúng ta luôn khát khao mong mỏi ngày ấy và tập trung giữ mình sao cho xứng đáng với ơn cứu độ.