Chương 27 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 2. Khi trời sáng, các thượng tế và kỳ mục Do-thái thêm một lần nữa họp lại để kết án Chúa Giê-su. Lần này, Cai-pha đã triệu tập đủ bảy mươi hai người trong thượng hội đồng Sanhedrin. Sau khi sử dụng cùng một kịch bản của buổi họp luận tội trước đó, họ trói Người lại như một kẻ chịu án tử hình. Họ cùng nhau giải Người đến tổng trấn Phi-la-tô nhằm mục đích: (1) Thể hiện rằng họ đã đồng lòng nhất trí lên án chết cho Người. (2) Sử dụng thẩm quyền trong dân để gây áp lực lên Phi-la-tô, buộc ông ta phải đưa ra một phán quyết bất công cho người vô tội. (3) Cản trở bất cứ ai có ý định lên tiếng bảo vệ Người.
Câu 3. Sau khi cảm thấy hối hận, Giu-đa chọn cách đi thắt cổ. Theo Thánh Lê-ô Cả, hành động này của anh thể hiện sự ăn năn vô tác dụng kèm theo một tội mới: tuyệt vọng. Thánh Gio-an Kim Khẩu nói rằng trước khi tội nhân thực hiện trót lọt hành vi phạm tội của mình, ma quỷ thường làm cho họ đui mù đến mức không nhận thức được gì về hậu quả mà mình sắp gây ra.
Ỏ đây, mặc dù đã cảm nhận được điều khủng khiếp từ tội ác của mình, đã thú nhận nó và đã tìm cách chuộc tội một phần nào qua việc đem trả lại bạc cho người Do-thái; nhưng vẫn còn rất nhiều điều kiện thiết yếu để Giu-đa có thể sám hối trọn vẹn: (1) Niềm tin vào Đức Ki-tô, Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc và là Đấng duy nhất có quyền tha tội; (2) niềm hy vọng vào ơn tha thứ của Thiên Chúa, và tình yêu dành cho Người, Đấng đã bị tổn thương và xúc phạm nhiều bởi các tội nhân.
Có một Giáo phụ đã từng nói rằng giả như Giu-đa đã trông cậy Chúa với lòng ăn năn thật sự và đã không đi thắt cổ, thì thậm chí có thể có một lòng thương xót cũng đã được dành cho kẻ phản bội.
Câu 7-8. “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm”, “Ruộng Máu” - Trong số ba Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ có Tin Mừng Mát-thêu thuật lại việc tự tử của Giu-đa. Chúng ta sẽ đối chiếu những dữ kiện ở đây với lời của Thánh Phê-rô trong Cv 1,18-19:
Vậy, con người ấy đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất; y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra. Điều đó, mọi người ở Giê-ru-sa-lem đều biết, khiến họ đặt tên cho thửa đất ấy là Kha-ken-đơ-ma, theo tiếng của họ nghĩa là Đất Máu.
Như vậy, thoạt nhìn qua, chúng ta có thể thấy đôi chút khác biệt trong lời kể của hai vị tông đồ về chi tiết này:
- Theo Thánh Mát-thêu, sau khi bán Chúa, Giu-đa hối hận nên đã ném ba mươi đồng bạc vào Đền Thờ rồi đi thắt cổ. Các thượng tế Do-thái đã lấy số bạc đó mà tậu một thửa đất làm nơi chôn cất khách ngoại kiều (*). Thửa đất ấy vì thế mà có tên gọi là “Ruộng Máu”, có ý ám chỉ tới máu của Chúa Ki-tô.
- Theo Thánh Phê-rô, sau khi bán Chúa, Giu-đa lấy ba mươi đồng bạc đó mà tậu một thửa đất rồi đi thắt cổ. Vì thế mà người Do-thái đặt tên cho thửa đất ấy là Đất Máu, có ý ám chỉ máu của chính Giu-đa.
Tuy nhiên, trong lời kể của Thánh Phê-rô, cần hiểu rằng ông đang kể lại câu chuyện của Giu-đa một cách ngắn gọn trước khi bàn với các môn đệ khác để lựa chọn người thay thế kẻ phản bội. Như vậy, ông không có ý nói rằng Giu-đa đã trực tiếp đem tiền công tội lỗi đi mua thửa đất cho mình rồi lại đi thắt cổ (điều này bất hợp lý) nhưng muốn nói rằng tất cả tiền công cho y từ việc bán Thầy cũng chỉ là để tậu lấy một thửa đất mà thôi.
Về cái tên “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm”, có một cách giải thích rằng trong thung lũng Ben Hin-nôm ở phía nam Giê-ru-sa-lem có một khu vực có nhiều đất sét. Sau khi các thợ làm gốm sử dụng, nơi đây hình thành các hào hố và không thể sử dụng để canh tác được nữa. Do đó, các thượng tế Do-thái đã mua nó với giá rẻ mạt để làm nơi chôn cất khách ngoại kiều.
(*) Khách ngoại kiều là những người không cùng dân tộc với người bản địa (ở đây là người Do-thái), có nguồn gốc từ nơi khác nhưng bị lưu đày sau các cuộc chiến tranh hoặc vì lí do nào đó phải đến cư ngụ ở chốn đất khách quê người.
Câu 9-10. lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a - Câu này thực ra được liên kết với cả Sách ngôn sứ Da-ca-ri-a:
Bấy giờ tôi bảo họ: “Nếu các ông cho là phải, thì trả công cho tôi; không thì thôi vậy.” Họ tính công cho tôi là ba mươi đồng bạc. ĐỨC CHÚA liền phán bảo tôi: “Ném số tiền đó vào kho bạc đi! Chúng đánh giá Ta chỉ có bấy nhiêu thôi!” Vậy tôi đã đem ba mươi đồng bạc mà quẳng vào kho bạc Nhà ĐỨC CHÚA (Dcr 11,12-13).
Và Sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a:
Người ta sẽ chôn cất ở Tô-phét vì thiếu chỗ (Gr 7,32) - Tô-phét là một vùng đất thuộc thung lũng Ben Hin-nôm trong phần chú giải câu 7-8.
Người ta sẽ dùng bạc tậu ruộng (Gr 32,44).
Câu 11. Đức Giê-su bị điệu ra trước mặt tổng trấn - Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Vì thế, tổng trấn Phi-la-tô ra ngoài gặp họ và hỏi: “Các người tố cáo ông này về tội gì?” Họ đáp: “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan” (Ga 18,28-30). Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa” (Lc 23,2). Nghe nói như vậy, Phi-la-tô muốn thẩm vấn Chúa Giê-su xem những lời tố cáo của dân Do-thái có đúng hay không, ông ta truyền đưa Người vào dinh và hỏi Người: “Ông là vua dân Do-thái sao?” (Mt 27,11) Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,34-37). Đến đây, Phi-la-tô hiểu rằng Chúa Giê-su không phải là vua theo nghĩa vua chúa trần gian hay có ý định nổi loạn để làm vua như người Do-thái vu khống. Ông ta quay ra hỏi Người cách nhỏ nhẹ: “Sự thật là gì?” Nhưng có lẽ chưa cần nghe câu trả lời của Người, ông ta đi ra ngoài và nói với các thượng tế và đám đông: “Ta xét thấy người này không có tội gì” (Lc 23,4).
Câu 14. tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên - Phi-la-tô hết sức ấn tượng với sự bình thản và ý chí kiên định của Chúa Giê-su, nó hoàn toàn khác hẳn với vẻ lúng túng, sợ hãi của những người bị cáo gian hay sắp phải nhận án tử mà ông từng chứng kiến.
Câu 15-18. Phi-la-tô có ý muốn tha Chúa Giê-su nên tạo cơ hội cho Người được hưởng ân xá. Ông cho rằng ý định của mình sẽ thành công vì Ba-ra-ba là một tên cướp (Lc 23,25 gọi hắn là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người) nên hẳn không có lý gì đám đông lại chọn tha cho hắn thay vì một người vô tội.
Câu 19. chiêm bao - Những giấc mơ kiểu này được Chúa gửi đến cho dân ngoại không phải là điều gì đó bất thường, nhất là vì một lý do chính đáng và cần thiết; chẳng hạn như trong dịp này, nó đưa tới một lời chứng công khai từ dân ngoại về sự công chính và vô tội của Chúa Giê-su.
Câu 21. Trong hai người này - Ở đây, tổng trấn Phi-la-tô liên tục tìm cách tha cho Chúa Giê-su và tạo cơ hội để dân Do-thái thể hiện lòng trắc ẩn, nhưng những người này đã kiên quyết đến cùng để đẩy Người vào chỗ chết.
Lần thứ nhất Phi-la-tô hỏi họ: “Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người?” Họ thưa: “Ba-ra-ba!”. Mặc dù thất vọng, Phi-la-tô tiếp tục hỏi “Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây?” và mong rằng họ xin tha nốt, nhưng họ đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Rồi ông hỏi lại đám đông: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Mặc dù Phi-la-tô hỏi đến lần thứ ba, họ vẫn một mực la lớn: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!” (Lc 23,21-22).
Bấy giờ, Phi-la-tô truyền đưa Đức Giê-su vào trong dinh đánh đòn; rồi cả một cơ đội, có thể lên tới 625 người lính, đánh đập dã man và sỉ nhục Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Sau khi bọn lính hành hạ Người một cách tàn bạo, Phi-la-tô truyền cho Người bước ra ngoài và nói với dân Do-thái: “Đây là người!” (Ga 19,5). Ông mong rằng khi thấy chúa Giê-su bị đánh đập thê thảm như vậy, sự căm thù của họ sẽ chuyển thành thương hại. Nhưng không, họ tiếp tục la lớn: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!” (Ga 19,6).
Ông Phi-la-tô bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.” Người Do-thái đáp lại: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19,6-7).
Nghe lời đó, ông Phi-la-tô càng sợ hơn nữa (Ga 19,8). Ông sợ rằng Người là con một vị thần nào đó, vì người Rô-ma thời bấy giờ theo tôn giáo đa thần. Cũng lại nhân giấc chiêm bao của người vợ, nên ông càng sợ xúc phạm đến thần linh hơn. Ông liền trở vào dinh và nói với Đức Giê-su: “Ông từ đâu mà đến?” Nhưng Đức Giê-su không trả lời. Ông Phi-la-tô mới nói với Người: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?” Đức Giê-su đáp lại: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.”
Từ đó, ông Phi-la-tô tìm cách tha Người (Ga 19,9-12). Vì thấy được điều này, dân Do-thái tìm cách dọa nạt ông và kêu lên rằng: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da.” Khi nghe thấy thế, ông Phi-la-tô truyền dẫn Đức Giê-su ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên tòa, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Híp-ri là Gáp-ba-tha. Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái: “Đây là vua các người!” Họ liền hô lớn: “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Phi-la-tô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da” (Ga 19,12-15).
Và bấy giờ, Phi-la-tô lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” Toàn dân đáp lại: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.
Câu 24. lấy nước rửa tay trước mặt đám đông - Đó là phong tục của người xưa, khi họ muốn tỏ ra là mình vô tội trước mọi tội ác bị cáo buộc, họ lấy nước và rửa tay công khai trước đám đông.
Câu 25. Toàn dân đáp lại: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” - Theo học giả Ôrigiênê, lời cầu nguyện phạm thượng này vẫn được họ tiếp tục cho đến ngày nay và sẽ là lời nguyền rủa kéo dài cho dân tộc Do-thái và con cháu họ.
Thánh Gio-an Kim Khẩu thì thốt lên: Hãy xem kìa, sự điên rồ của người Do-thái! Cơn giận dữ và sự cứng đầu cứng cổ khiến họ không thể hiểu và nhận ra rằng: Họ đã tự nguyền rủa chính mình.
Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã không nhậm lời cầu nguyện bất kính của họ. Trong số những đứa con ngỗ nghịch này, Người đã chọn ra một số kẻ xứng đáng để phục vụ Người. Đầu tiên là Thánh Phao-lô và hàng ngàn người Do-thái đã trở lại Đạo nhờ lời rao giảng của các tông đồ.
Câu 32. Ky-rê-nê - Đó là thủ phủ một tỉnh ở Châu Phi, giáp giới Li-by-a thuộc đế quốc Rô-ma (Cv 2,10). Tin Mừng Gio-an nói rằng Chúa Giê-su đã tự vác thập giá, trong khi ba Tin Mừng còn lại cho là ông Si-môn. Điều này không có gì mâu thuẫn, vì ban đầu bọn lính để Chúa Giê-su tự vác thập giá, nhưng khi thấy Người ngã quỵ nhiều lần vì kiệt sức, chúng đã bắt ông Si-môn vác thập giá cho Người.
Câu 34. rượu pha mật đắng - Hay rượu pha mộc dược (Mc 15,23). Nó thường được trao cho những người phải chịu một cái chết thảm khốc để giúp họ tê dại mà bớt đau đớn. Chúa chúng ta chỉ nếm chứ không uống thứ rượu này, Người muốn nếm trải tận cùng của sự đau đớn trong Cuộc Khổ Nạn.
Câu 35. đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau - Người xưa coi đây là hành vi ty tiện nhất. Nó thường được bọn bất lương thực hiện đối với những người nghèo khổ không có chút tài sản nào. Ở đây, quân lính đã đối xử như vậy với Đấng Cứu Độ của chúng ta, điều mà họ đã không làm đối với hai tên cướp bị đóng đinh cùng Người.
Câu 37. “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái.” - Đây là một tấm bảng ghi lý do phải chết của những người bị đóng đinh. Theo Tin mừng Gio-an, chúng ta biết rằng tấm bảng này được ghi đầy đủ là “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái” và nó được viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp. Khi người Do-thái đọc được tấm bảng này, họ lấy làm khó chịu. Các thượng tế của họ liền tới nói với ông Phi-la-tô: “Xin ngài đừng viết: “Vua dân Do-thái”, nhưng viết: “Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái”.” Ông Phi-la-tô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!” (Ga 19,19-22).
Câu 40. Nếu mi là Con Thiên Chúa - Khi Chúa Giê-su ở trong hoang địa, ma quỷ đã đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!” (Mt 4,3), và giờ đây, trên thập giá, dân Do-thái lại nghe theo xa-tan mà cám dỗ Người: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!”. Nhưng Chúa chúng ta, vì là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, đã không làm theo ý họ. Người chịu đau khổ đến cùng và lấy cái chết để cứu chuộc nhân loại.
Câu 42. Hắn là Vua Ít-ra-en! - Sau khi không thể thuyết phục Phi-la-tô gỡ tấm bảng gọi Chúa Giê-su là Vua dân Do-thái, họ thể hiện sự phủ nhận Người là vua của họ bằng cách nói một lời khinh bỉ và nhục mạ: Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!
Câu 44. Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế - Đó là một trong hai tên cướp, vì tên còn lại đã hoán cải và tin vào Đức Giê-su (Lc 23,39-42).
Câu 45. bóng tối bao phủ cả mặt đất - Một số người cho đó là hiện tượng nhật thực, nhưng có vẻ điều này xảy ra do các đám mây dày đặc đã che khuất mặt trời. Theo học giả Ôrigiênê, cụm từ “cả mặt đất” ở đây ám chỉ vùng Pa-lét-tin và các nước láng giềng chứ không chắc là toàn bộ một nửa bán cầu bị bóng tối bao phủ, đây là cách gọi quen thuộc để nói về toàn bộ lãnh thổ của một vương quốc hay đế chế nào đó.
Câu 46. Trong những giờ phút đau đớn của Chúa Giê-su trên thập giá, chúng ta cần chú ý bốn điểm:
1. Chúa Giê-su cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
2. Lòng thương xót mà Người dành cho tên trộm lành: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
3. Người dặn dò Thánh Gio-an chăm sóc mẹ mình, khi nóii với Đức Ma-ri-a: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,26-27).
4. Chúa Giê-su kêu lên cùng Chúa Cha: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”. Những câu này được Người lấy từ Tv 22,2 để diễn tả sự đau đớn khủng khiếp mà Người đang phải gánh chịu, chứ không có nghĩa phủ nhận thiên tính của Người như lạc giáo Arius lập luận.
Sau đó, Thánh Gio-an thuật lại rằng Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người (Ga 19,28-29). Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua (Tv 69,22).
Câu 47. “Hắn ta gọi ông Ê-li-a!” - Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, người nói đây có thể là một anh lính Rô-ma, người nghe biết ông Ê-li-a nhưng không hiểu tiếng Syriac. Nhưng nếu là một người Do-thái, anh ta hẳn hiểu tiếng A-ram mà Chúa Giê-su sử dụng, nhưng cố tình phao lên cho những người không hiểu tưởng rằng Người là chỉ là kẻ yếu đuối nên phải kêu cầu ông Ê-li-a để cậy nhờ.
Câu 48-49. Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm - Vì người này muốn đẩy nhanh cái chết của Chúa Giê-su. Nhưng những người khác, vì thấy các dấu lạ xảy ra, liền ngăn lại: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!”
Câu 51. bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới - Theo mô tả của Xh 26,31-36, có hai bức màn trướng được sử dụng trong Đền Thờ. Bức thứ nhất ngăn cách giữa khu vực Tiền đình cho người Do-thái với Nơi Thánh; chỉ có các tư tế mới được quyền đi vào Nơi Thánh và họ ở đó dâng lễ hàng ngày. Bức thứ hai ngăn cách Nơi Thánh với Nơi Cực Thánh; chỉ có vị thượng tế mới được quyền đi vào Nơi Cực Thánh và ông chỉ vào đó một năm một lần trong ngày lễ xá tội (Lv 16). Ở đây, bức màn trướng bị xé làm đôi có lẽ là bức phía trong, đặt trước Nơi Cực Thánh. Sự kiện tấm màn này bị xé đôi có ý nghĩa biểu thị rằng: (1) Các nghi lễ của Lề Luật cũ đã bị bãi bỏ và được thay thế bởi Lề Luật mới của Chúa Ki-tô; (2) Bằng cái chết đau thương trên thập giá, Chúa Giê-su mở cửa Thiên Đàng cho những người được tuyển chọn.
Câu 52-53. Mồ mả bật tung - Thánh Giê-rô-ni-mô lưu ý rằng các vị thánh đã không sống lại với thân xác của họ cho đến khi Chúa phục sinh. Và sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh (tức là Giê-ru-sa-lem), và hiện ra với nhiều người.
Câu 54. “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” - Người ta nói rằng sau cái chết của Chúa Giê-su, viên đại đội trưởng này đã lãnh nhận đức tin và sau này đã được phúc tử đạo.
Câu 57. Chiều đến - Thánh Gio-an cho chúng ta biết thêm rằng: Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra (Ga 31-34).
một người giàu sang - Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, nhà truyền giáo không có ý nói về sự giàu có của ông hay thông báo rằng Chúa chúng ta có cả những người bạn giàu sang và nghèo khổ. Sở dĩ tác giả ưu tiên nhắc đến ông Giô-xếp hơn bất cứ ai khác vì ông thuộc giới quý tộc. Do đó, sẽ dễ dàng tiếp cận viên tổng trấn để xin thi hài Chúa Giê-su.
Câu 63. tên bịp bợm - Đây là cách mà người Do-thái gọi Chúa Giê-su. Thánh Augustinô nói rằng các Ki-tô hữu có thể học được sự kiên nhẫn qua những lời lẽ gây tổn thương nặng nề như vậy.
Ở đây, động cơ chính khiến các thượng tế và người Pha-ri-sêu xin Phi-la-tô cho cắt lính canh mồ là mối e ngại của họ rằng lời tiên báo về sự sống lại của Chúa Giê-su sẽ được ứng nghiệm. Thông qua những điều lạ lùng xảy ra quanh cái chết của Người, đặc biệt là việc các mồ mả bị bật tung, họ đã cảm nhận được khúc dạo đầu cho những gì Người tuyên bố. Mặc dù họ không biết về sự Phục Sinh, nhưng một sự sống lại tạm thời, chẳng hạn như cách Chúa Giê-su đã làm cho anh La-da-rô, thì họ hoàn toàn hiểu được. Vì thế, họ cho rằng, nếu để chuyện đó xảy ra, họ sẽ phải lãnh một hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng nói ở đây là, chính từ việc canh giữ hết sức nghiêm ngặt của những người này, mà sự Phục sinh của Chúa Giê-su lại càng được củng cố vững chắc và xác thực hơn. Những người lính mà họ cắt cử đến giữ mồ vô tình lại trở thành những nhân chứng bất đắc dĩ cho một biến cố vô cùng trọng đại.