Chương 28 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 2. thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên - Thiên thần xuất hiện và lăn tảng đá ra không phải là để mở lối cho Chúa Giê-su trỗi dậy và bước ra ngoài, Người chắc chắn đã phục sinh và ra khỏi mộ từ trước đó; nhưng là để mở lối cho những người viếng mộ và để cho lính canh biết rằng Người đã sống lại rồi.
Ở chi tiết này, Tin Mừng Mác-cô nói rằng có một thiên thần ngồi bên trong mộ, Tin Mừng Lu-ca và Gio-an nói rằng có hai thiên thần đứng cạnh bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Sự việc có thể được hiểu như sau:
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, sau ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la cùng hai bà khác cũng tên là Ma-ri-a đi ra viếng mộ Đức Giê-su và mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Khi các bà đến nơi, một thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên. Thấy vậy, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi và thiên thần biến mất. Các bà thấy tảng đá đã được lăn ra liền đi vào trong mộ thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân (Ga 20,12). Thấy các bà, hai thiên thần nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?...” (Lc 24,5). Rồi bà Ma-ri-a Mác-đa-la chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và ông Gio-an. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2). Dường như bà chưa kịp kể về các thiên thần thì hai ông đã chạy ra mộ. Ông Gio-an nhanh chân nên chạy tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Rồi khi ông Phê-rô tới nơi và đi vào mộ, thì ông cũng vào theo. Ông đã thấy và đã tin...
Sự khác biệt trong lời kể của các nhà truyền giáo không có gì mâu thuẫn mà đơn giản là họ đã chứng kiến hay được kể lại sự việc trong những bối cảnh khác nhau.
Câu 5. Này các bà, các bà đừng sợ - Có lẽ những sự kiện đau thương liên tiếp xảy ra trong những ngày trước đó đã lấn át lòng tin của họ, và sức nặng của những cơn cám dỗ khiến họ mất đi phần nào trí hiểu biết. Họ đã mang theo dầu thơm ra viếng mộ giống như cách người ta vẫn làm cho những người đã qua đời. Vì vậy, các thiên thần đã an ủi và nói với họ: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24,5-7).
Câu 10. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó - Ga-li-lê sẽ là nơi Chúa Giê-su Lên Trời. Như vậy, vào ngày Chúa Phục Sinh, Người đã hiện ra năm lần:
1. Với bà Ma-ri-a Mác-đa-la (Ga 20,14).
2. Với hai bà Ma-ri-a khác (Mt 28,9).
3. Với Thánh Phê-rô (Lc 24,34).
4. Với hai môn đệ trên đường đi đến làng Em-mau (Lc 24,15).
5. Với Nhóm Mười Một và các môn đệ khác nhưng không có ông Tô-ma (Lc 24,36; Ga 20,24).
Và sau đó tới trước khi được rước Lên Trời, Người cũng đã hiện ra:
1. Tám ngày sau, với các môn đệ có cả ông Tô-ma (Ga 20,26).
2. Với bảy môn đệ đang đánh cá trên Biển Hồ Ti-bê-ri-a (Ga 21,1).
3. Với mười một môn đệ trên núi (Mt 28,16).
Và một số lần khác, chẳng hạn như Thánh Phao-lô kể: Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt... Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ (1 Cr 15,6-7).
Câu 13. Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác - Thánh Augustinô đã chê cười sự mù quáng và khờ dại của những kẻ cứng tin này khi họ bảo người ta làm chứng về một sự việc người khác làm trong khi họ đang ngủ.
Với việc cho đám lính canh một khoản tiền lớn để yêu cầu họ nói dối và che đậy sự thật trọng đại, các thượng tế và kỳ mục cho thấy mình quả thực xứng đáng với những lời này của Chúa Giê-su: Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào (Mt 23,13).
Nhưng kể cả khi họ giở mọi thủ đoạn để lừa gạt người khác, có rất nhiều chi tiết bất hợp lý trong câu chuyện mà họ thêu dệt:
1. Các môn đệ Chúa Giê-su là những người không có vũ trang, đã chạy tán loạn khi Thầy mình bị bắt, đã yếu đuối và sợ hãi đến nỗi không dám xuất hiện khi Thầy bị đóng đinh. Những người như vậy liệu có dám liều lĩnh đến trộm xác Thầy trong sự canh phòng nghiêm ngặt không?
2. Nếu là những người lăn tảng đá khổng lồ khỏi cửa mộ, họ chắc chắn phải huy động một số lượng lớn người tham gia. Vậy chẳng lẽ công việc nặng nhọc và ồn ào này lại không làm cho lính canh tỉnh giấc?
3. Nếu các môn đệ lén lút trộm xác Thầy mình, chẳng lẽ họ lại dại dột và thừa thời gian đến mức nán lại để tháo băng vải và khăn che đầu của Người mà không sợ lính canh phát hiện?
Câu 17. nhưng có mấy ông lại hoài nghi - Đó là những môn đệ chưa được thấy Chúa Giê-su Phục Sinh trước đó.
Câu 18. Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất - Lạc giáo Arius dựa vào chi tiết này để phủ nhận thiên tính của Chúa Giê-su, họ cho rằng quyền năng của Người là được trao chứ bản thân Người không có. Người Công Giáo trả lời rằng: nhân tính của Chúa Giê-su được trao toàn quyền từ chính thiên tính trong Người. Hoặc cũng có thể nói, Người là Chúa Con, mặc dù bình đẳng và cùng là Thiên Chúa, nhận toàn quyền từ Chúa Cha.
Quyền lực này cũng được Chúa Giê-su trao cho các tông đồ. Ngài truyền cho họ hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Chúa đã truyền cho các ông. Và để giúp đỡ họ thực hiện hiệu quả lệnh truyền này, Người hứa sẽ ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế.
Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, Chúa Giê-su không nói rằng Người sẽ ở cùng các tông đồ mọi ngày cho đến hết cuộc đời họ, nhưng là đến tận thế. Như vậy, Người mở rộng lời hứa và lệnh truyền cho cả những người kế vị họ, đó là các Giám mục và linh mục trong Hội Thánh.
Theo Willem Hessels van Est, Chúa Giê-su đã không chỉ truyền các môn đệ đi làm phép rửa cho muôn dân mà thôi, nhưng Người còn truyền các ông phải dạy bảo họ tuân giữ mọi điều mà Người đã truyền. Điều đó cho thấy rằng, bên cạnh việc giảng dạy đức tin cho các tín hữu, còn nhất thiết phải dạy họ những vấn đề liên quan đế thực hành đạo đức, đời sống cầu nguyện và hướng dẫn họ đi vào con đường nên thánh. Sau khi làm phép rửa cho họ, người mục tử phải thực hiện tốt các công việc mục vụ, trong đó, bao gồm việc quản lý và ban các bí tích một cách hiệu quả. Những công việc này rất cần thiết cho người tín hữu và mang lại nhiều lợi ích cho họ chứ không phải là vô dụng như những gì các lạc giáo thường mù quáng kết luận.
Câu 19. trở thành môn đệ, làm phép rửa - Phái Anabaptism lầm tưởng rằng câu này có nghĩa là phải làm cho người khác trở thành môn đệ trước rồi mới được làm phép rửa sau. Do đó, họ cho rằng việc rửa tội cho trẻ sơ sinh là vô tác dụng. Đây là quan điểm sai lầm. Với những người trưởng thành, việc dạy giáo lý dự tòng cho họ trước rồi mới rửa tội là đúng; nhưng với trẻ sơ sinh, những người còn chưa thể nhận biết được gì, việc trì hoãn rửa tội cho các em là sai, bởi lẽ đó là một điều kiện cần cho ơn cứu độ. Giả như đứa trẻ mất đi khi còn chưa có nhận thức thì em sẽ lãnh nhận phép rửa khi nào?
Câu 20. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế - Theo Willem Hessels van Est, lời tuyên bố này của Chúa Giê-su cho thấy hai đặc điểm thiết yếu của Giáo Hội, cụ thể là tính toàn vẹn về giáo lý và tính thánh thiện về đời sống. Bởi lẽ, nếu chỉ khuyết đi một trong hai đặc điểm này, nói cách công bằng, Giáo Hội sẽ không còn là hiền thê của Chúa Ki-tô.
Lời hứa sẽ luôn đồng hành với Hội Thánh sẽ được Chúa Giê-su thực hiện bằng cách: (1) Luôn ngự trong lòng các tín hữu. (2) Hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. (3) Chăm sóc, quan phòng và bảo vệ Giáo Hội qua mọi thời đại.
Theo Giám mục Jacques-Bénigne Lignel Bossuet, sáu dòng cuối cùng của Tin Mừng Mát-thêu thể hiện rõ nhất tính bất khả ngộ (không thể sai lầm) và bất khả khuyết (trường tồn, không thể mất đi) của Giáo Hội Công Giáo duy nhất và thánh thiện mà tất cả mọi người đều được lệnh phải nghe và tuân theo.