Chương 4 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 1. Ngay sau khi chịu phép rửa của Gio-an Tẩy Giả, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa. Người ăn chay và cầu nguyện để chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng và để chiến thắng sự cám dỗ của ma quỷ. Qua hành động này, chúng ta học được cách chuẩn bị cho ơn gọi của mỗi người. Hãy đặt mình vào cô đơn, tĩnh lặng để trò chuyện với Chúa bằng những lời cầu nguyện và từ đó, nhận được sự trợ giúp thiêng liêng của Người. Những kho tàng ân sủng quý giá mà chúng ta mong đợi cũng sẽ đến giống như khi chúng ta dự phần vào các phép bí tích. Hãy thu mình lại và tạm quên đi thế giới xung quanh cùng với những sự bận tâm về nó trong một thời gian.
Để chuẩn bị chống lại cám dỗ, hãy trải nghiệm sự trợ giúp thiêng liêng trong mọi khó khăn của cuộc sống.
Cuộc sống của con người là một cuộc chiến, nói như thánh Hi-la-ri-ô, nó không được dành để dùng cách lãng phí, nhưng là để bắt đầu một cuộc chiến liên lỉ chống lại các kẻ thù thuộc linh. Muốn trở nên mẫu gương về sự thánh thiện, con người phải trải qua những thử thách khó khăn và không ngừng nghỉ vì xa-tan không muốn điều gì hơn là sự sa ngã của các thánh.
Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, qua những thử thách này, chúng ta trau dồi sức mạnh nhận được từ ơn trên, được gìn giữ khỏi tính kiêu ngạo và tự phụ. Chúng ta xác nhận từ bỏ ma quỷ và mọi công việc, quyến rũ của chúng như đã hứa trong lễ Rửa Tội. Chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc tấn công trong tương lai. Chúng ta tin một cách có cảm xúc vào phẩm giá mà chúng ta đã được nuôi dưỡng và cảm nhận rõ rệt sự hiện diện của kẻ thù thuộc linh luôn cố gắng dùng mọi phương cách để tước đoạt chúng ta.
Cả Thánh Gio-an Tẩy Giả và Đức Giê-su, bằng cách đi vào hoang địa để chiêm niệm, cầu nguyện, ăn chay và chịu đau khổ, đã đưa ra một hình phạt đối với thân xác và trở thành cảm hứng cho các vị ẩn sĩ, những người đã náu mình khỏi sự dữ thế gian bằng những việc làm tương tự.
Câu 2. Chúa Giê-su ăn chay ròng rã 40 đêm ngày và sau đó người thấy đói.
Giống như ông Mô-sê và ông Ê-li-a đã nhịn ăn trong 40 đêm ngày (Xh 34,27-28; 1 V 19,7-8), các Tông đồ cũng lập ra Mùa Chay, truyền thống đó đã luôn được Hội Thánh tuân giữ từ thời các Giáo Phụ.
Ở đây, Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng ta nhịn ăn không phải là để kìm chế thân xác và các đam mê, dục vọng vốn chống lại linh hồn, nhưng để làm gương cho chúng ta bắt chước.
Câu 3. Khi Chúa Giê-su đói, tên cám dỗ liền xuất hiện vì nó thấy đó là thời điểm thích hợp để xúi giục Người, nhưng Người đã không làm theo lời nó là biến đá thành bánh ăn nhằm xoa dịu cơn đói và phục hồi cơ thể.
Qua chi tiết này, chúng ta nhận được một bài học là ngay giữa những nỗi thống khổ của thể xác và khi giữ chay, những cơn cám dỗ cũng sẽ không buông tha chúng ta. Trong những lúc như vậy, theo Thánh Grêgôriô, chúng ta không những không để mình buông theo cám dỗ mà hơn thế, càng phải củng cố sức mạnh tinh thần nhằm không để nó vượt qua.
Ở đây, tên cám dỗ có thể đã xuất hiện dưới hình dạng con người và cám dỗ mà nó đưa ra là hoàn toàn ngoại tại, giống như những gì đã xảy ra với nguyên tổ A-đam và E-và trong Vườn Địa Đàng, bởi lẽ việc để cho ma quỷ gợi ra những tư tưởng xấu trong tâm trí rõ ràng không phù hợp với sự hoàn hảo nơi Đức Ki-tô. Hiển nhiên, bằng quyền năng của mình, Ngài có thể biến đá thành bánh ăn nhưng Ngài đã chọn cách khiêm nhường hơn là biểu lộ sức mạnh. Nếu A-đam đầu tiên đã sa ngã, chịu thua ma quỷ vì sự kiêu ngạo, thì A-đam thứ hai là Đức Giê-su lại cho thấy một mẫu gương hoàn hảo khi chiến thắng ma quỷ bằng sự khiêm nhường.
Câu 4. Chúa Giê-su nhắc lại câu trong Sách Đệ Nhị Luật: “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra” (Đnl 8,3).
Thánh Grêgôriô khi đọc câu này đã nhận xét: “Nếu Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, khi bị ma quỷ cám dỗ, đã trả lời một cách rất ôn hòa, trong khi Ngài hoàn toàn có thể chôn vùi nó dưới đáy hỏa ngục, chúng ta cũng nên làm như vậy khi nhận lấy những đau khổ do người đồng loại gây ra. Nên biết chịu đựng và coi đó là một mối lợi hơn là tỏ ra phẫn nộ mà hủy hoại chính mình. Con người bao gồm linh hồn và thể xác; thể xác được nuôi sống bởi cơm bánh, còn linh hồn lớn lên nhờ Lời Chúa. Vậy nên mới có câu: Lex est cibus animae (Luật là lương thực cho linh hồn).”
Câu 5. Trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, đây là cám dỗ thứ ba, tuy nhiên, hầu hết các nhà chú giải đều tuân theo trình tự của Tin Mừng Mát-thêu. Ở xứ Pa-lét-tin, tất cả các công trình đều được xây theo dạng mái bằng với lan can hoặc bờ bao trên nóc. Có lẽ chính trên lan can này mà ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giê-su.
Ở đây, ba cám dỗ mà nó đưa ra phát xuất từ ba nguồn chính dẫn tới tội lỗi: (1) vật dục, (2) lòng kiêu ngạo, và (3) ước muốn xấu (1 Ga 2,16).
Chúng ta có thể hy vọng thắng được cám dỗ thứ nhất bằng cách ăn chay và tin tưởng vào Chúa Quan Phòng; cám dỗ thứ hai bằng sự khiêm nhường; cám dỗ thứ ba bằng cách coi thường tất cả những sự thế gian vốn không đáng để người Ki-tô hữu phải bận tâm.
Câu 6. Ma quỷ trơ trẽn trích dẫn Kinh Thánh (Tv 91,11-12) và dùng với nghĩa sai trái. Theo Thánh Augustinô, các nhóm lạc giáo cũng có thói quen như vậy, trong khi Giáo Hội trích dẫn nguyên văn các trích đoạn trong Kinh Thánh với nghĩa chính xác, giống như Chúa Giê-su. Bằng cách này, Giáo Hội muốn mọi người khi nghiên cứu Kinh Thánh - cuốn sách khó hiểu và bí ẩn nhất mọi thời đại - cần có sự chuẩn bị về mặt tâm trí và tâm hồn, vì rằng những lương thực tốt nhất, nếu không sử dụng đúng cách, cũng sẽ trở thành chất độc chết người.
Trong thời đại của Cha Haydock, một số nhóm truyền giáo ở Ai-len đã thúc đẩy một chương trình sai lầm, trong đó, họ coi việc phổ biến Kinh Thánh là quy tắc duy nhất của đức tin mà không quan tâm tới việc trích dẫn và giải nghĩa nó một cách chính xác. Trong ấn bản Kinh Thánh của mình, họ thậm chí tùy tiện in bức thư của Đức Giáo Hoàng Piô VI gửi Tổng giám mục Florence với nội dung bị cắt xén, bóp méo và chỉnh sửa. Trên thực tế, họ đã lấy nội dung đó từ bức thư của nhóm Jansen bên Đức và mô tả nhóm này là những người Công Giáo tốt lành. [Jansenism là một phong trào thần học gây tranh cãi diễn ra trong khoảng thế kỷ XVII-XVIII, phát xuất từ quan điểm mới của Giám mục Cornelius Jansen thành Ypres (1585-1638) về tội nguyên tổ, sự sa ngã, ân sủng và tiền định. Phong trào này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Dòng Tên. Trong Tông hiến Cum occasione ban hành năm 1653 bởi Giáo Hoàng In-nô-xen-tê XI (1574-1655), năm luận điểm chính của phong trào này bị coi là lạc giáo.]
Câu 9. Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi. - Ma quỷ, cha của nghề nói dối, lại hứa cho Chúa Giê-su những gì mà chính nó cũng không sở hữu.
Mặc dù nó được gọi là thủ lãnh thế gian (theo nghĩa xấu) (Ga 12,31) nhưng quyền năng của nó cũng bị giới hạn. Trong Mt 8,31-32, đám quỷ này thậm chí không thể tự mình nhập vào bầy heo cho đến khi được Chúa Giê-su cho phép.
Ma quỷ thì hứa ban vương quốc thế gian cho những ai theo nó, còn Chúa Giê-su hứa ban Vương Quốc Thiên Đàng cho những ai theo Người.
Câu 10. Chúa Giê-su không trích dẫn nguyên văn, nhưng tổng hợp các trích dẫn từ Sách Đệ Nhị Luật: Đnl 5,7.9; 6,13; 10,20. Người đã làm cho ma quỷ thất vọng khi tuyên bố chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.
Câu 11. Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người - Sau khi dùng mọi mưu chước mà không cám dỗ được Chúa Giê-su, quỷ bỏ đi và chờ đợi thời cơ (Lc 4,13). Qua chi tiết này, chúng ta học được rằng việc chiến thắng một cơn cám dỗ không có nghĩa là sau đó chúng ta được an toàn, nhưng hãy tận dụng thời gian đình chiến đó để cảm tạ Chúa vì Người đã trợ giúp chúng ta và hãy sẵn sàng cho những trận chiến tiếp theo, hãy bổ sung sức mạnh tinh thần cho bản thân bằng Bí tích Thánh Thể. Hình ảnh các thiên thần đến hầu hạ Chúa Giê-su cũng giúp ta có động lực tin tưởng vào phần thưởng trên Thiên Đàng sẽ được ban nếu chúng ta vượt qua các cơn cám dỗ để đi tới thắng lợi sau cùng.
Câu 12. Đức Giê-su lánh qua miền Ga-li-lê. Trước đó, Người đã vào hoang địa suốt 40 đêm ngày, đó cũng là khoảng thời gian mà Gio-an Tẩy Giả đưa ra lời chứng về Người và sứ vụ Người sắp thực hiện.
Việc Chúa Giê-su lánh đi khi biết Gio-an Tẩy Giả bị bắt, trong một số trường hợp, có thể dùng làm cơ sở để các Ki-tô hữu biết chạy trốn khỏi những cuộc bắt bớ.
Câu 14. Trích Sách ngôn sứ I-sai-a:
Nhưng sẽ không còn bóng đêm ở nơi đang bị ngặt nghèo. Thời đầu, Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Gio-đan, vùng đất của dân ngoại.
Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi (Is 8,23; 9,1-2).
Câu 17. Sau khi Gio-an Tẩy Giả bị tống ngục, Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Người đã để cho vị sứ giả thực hiện nhiệm vụ trước mình. Như vậy, chính Gio-an Tẩy Giả đã làm chứng về Đức Giê-su chứ Người không tự làm chứng về mình trước, do đó, người Do-thái không có cơ sở để nói rằng “Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật!” (Ga 8,13).
Ngoài ra, ở đây, chúng ta cũng thấy có sự khác biệt lớn giữa sứ vụ rao giảng của Gio-an Tẩy Giả và sứ vụ của Đức Giê-su. Ông Gio-an làm phép rửa để giục lòng sám hối và đưa ra hình phạt đời đời để cảnh tỉnh người Do-thái, trong khi Đức Giê-su lại làm dịu đi những khó khăn của việc đền tội khi Người nhắc nhở chúng ta nhẹ nhàng hơn: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”
Câu 18. Đức Giê-su tỏ cho chúng ta thấy việc thiết lập Hội Thánh của Người không phải là một việc xa xôi trên trời, Người đã chọn những môn đệ đầu tiên theo cách khiêm nhường nhất. Người không chọn các triết gia hay những nhà hùng biện, nhưng đã bắt đầu từ những người bình dân làm nghề chài lưới.
Câu 21. Những kẻ thù của Giáo Hội sơ khai, như triết gia Porphyrius (234-305) hay hoàng đế bội giáo Julianus (331/322-363) và những người khác, thường lập luận rằng Chúa Giê-su đã chọn những người dốt nát, nhẹ dạ và dễ áp đặt làm Tông đồ để tiện bề truyền giáo và không phải đề phòng.
Linh mục, học giả Công Giáo người Tây Ban Nha, Alfonso Salmeron (1515-1585) có quan điểm như sau:
Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở việc Chúa Ki-tô thuyết phục những người ít học làm tông đồ đi theo mình, người ta hẳn có một vài cơ sở để đưa ra một cuộc tranh luận như vậy. Nhưng nếu sau đó, mười hai con người dốt nát này đã chiến thắng sự hiểu biết, tài hùng biện và thuật ngụy biện của các triết gia, cùng với quyền lực trong tay các bạo chúa, và cuối cùng là chiến thắng cả ma quỷ, đam mê và dục vọng... thì chúng ta có thể kết luận như những gì Thánh Phao-lô đã viết:
“Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cr 1,26-29).
Câu 23. Hội đường là nơi tụ họp của những người theo Đạo Do-thái. Ở đó, họ gặp nhau vào các ngày lễ để cầu nguyện, đọc và nghe lời Chúa, cũng như thực hiện các thực hành khác mà lề luật quy định.