Chương 5 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 1. Cách trình bày Tám Mối Phúc Thật ở chương này có một số khác biệt với cách trình bày trong Lc 6,20-22.
Câu 2. Người mở miệng - Đây là một kiểu diễn tả phổ biến trong Kinh Thánh nhằm thể hiện một điều quan trọng sắp được công bố (x. Đn 7,16; G 3,1; 33,2).
Câu 3. Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó - Theo cách giải thích chung nhất, sự nghèo khó về tâm hồn chính là sự khiêm nhường. Tuy nhiên, có một số người hiểu sai sự nghèo khó này là sự thiếu thốn về tiền của, và vì thế, họ muốn những người nghèo phải sống trong tình trạng túng thiếu với thái độ cam chịu.
Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giê-su lại chọn nói về đức tính này đầu tiên. Những người khiêm nhường luôn cảm thấy đau khổ vì những yếu kém và thiếu sót của mình; những người luôn nặng lòng với sai lầm của bản thân như vậy thường có cách đối xử hiền lành và khoan dung với những người khác. Người có được đức tính này dễ trở nên trong sạch về lương tâm và không một khổ nạn, bắt bớ hay bất công nào có thể cướp đi sự khiêm nhường của họ. Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu:
“Sự nghèo khó về tâm hồn này có ý nghĩa gì nếu không phải là sự khiêm nhường và nhẫn nại. Nhân đức này được đặt ở vị trí đầu tiên bởi vì nó là cha của mọi nhân đức khác; trong khi ngược lại, sự kiêu ngạo chính là nguồn cơn của mọi tội lỗi. Sự kiêu ngạo đã tước đi tình trạng công chính nguyên thủy của nguyên tổ, và sẽ không có cách nào khác đưa chúng ta về sự thuần khiết ban đầu ngoài đức khiêm nhường.
Chúng ta có thể cầu nguyện và nhanh chóng có được lòng thương xót, đức khiết tịnh hoặc bất cứ nhân đức nào, nhưng nếu những nhân đức đó không đi cùng đức khiêm nhường, chúng sẽ giống như những nhân đức nơi người Pha-ri-sêu, không bén rễ, không sinh hoa trái.”
Câu 4. Đất Hứa mà Chúa Giê-su muốn nói tới là nơi ở trên Thiên đàng sẽ được ban cho những người xứng đáng. Việc sử dụng chữ “Đất Hứa” giúp những người Do-thái cảm thấy dễ hiểu hơn, vì khái niệm này đã có trong Cựu Ước, dẫu chỉ mang ý nghĩa trần thế. Chính vua Đa-vít, trong Tv 36, cũng đưa ra lời hứa tương tự cho những ai biết kính sợ ĐỨC CHÚA.
Câu 5. Phúc thay ai sầu khổ - Chúa Giê-su không nói về nỗi sầu khổ vì những sự thế gian, Người muốn nói tới sự sầu khổ chính đáng, chẳng hạn như các tội nhân đau đớn, than van vì tội lỗi của mình, họ sẽ được an ủi. Như Thánh Phao-lô viết: “Quả vậy, nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết” (2 Cr 7,10). Tương tự như vậy, Chúa Giê-su cũng đã nói với các môn đệ: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20).
Câu 6. Phúc thay ai khát khao nên người công chính (Trong một số bản Kinh Thánh dịch là Phúc thay ai đói khát) - Sự đói khát mà Chúa Giê-su muốn nói đến ở đây là niềm khao khát được trở nên công chính và thánh thiện. Giám mục Rupert thành Salzburg (660-710) cho rằng sự đói khát này còn để chỉ niềm mong mỏi công lý nơi những con người bị xã hội bỏ rơi, các cô nhi, quả phụ không có ai bênh vực. Những người như vậy sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng trong vương quốc của Người.
Câu 7. Phúc thay ai xót thương người - Lòng thương xót của chúng ta đối với thân xác và linh hồn của tha nhân sẽ làm cho Thiên Chúa hài lòng. Và Người sẽ trả công cho chúng ta chiếu theo những gì chúng ta đã làm cho các anh chị em đồng loại.
Câu 8. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch - Người có tâm hồn trong sạch là người biết thực thi mọi nhân đức, giữ tâm hồn khỏi mọi suy nghĩ xấu, hay biết giữ gìn đức khiết tịnh. Sự thuần khiết của tâm hồn như thế là điều kiện để nhìn thấy Thiên Chúa, như thánh Phao-lô viết “vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa” (Dt 12,14). Có những người thương xót người nghèo nhưng bản thân lại thích mua sắm xa xỉ và có nhiều ham muốn. Như thế, chúng ta hiểu rằng chỉ có lòng thương xót là chưa đủ, muốn nhìn thấy Thiên Chúa, chúng ta phải ở tình trạng thuần khiết, không tỳ ố.
Câu 13. Chúa Giê-su phong cho các môn đệ của mình là muối cho đời, nghĩa là chính họ sẽ đem Tin Mừng đến cho muôn dân để họ nhận biết chân lý và quay về với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Ngài cũng nghiêm khắc cảnh báo rằng nếu họ không giữ được đức tin và lòng mến, nhưng để tâm hồn chùng xuống, thì như muối nhạt đi, chính họ sẽ bị Thiên Chúa chối từ và bị người đời chà đạp.
Câu 15. Đức Giê-su đến không phải để bãi bỏ Luật Mô-sê nhưng là để kiện toàn. Mặc dù Người bãi bỏ một số lễ nghi rườm rà, máy móc theo truyền thống Do-thái, nhưng các giới răn vẫn được Người giữ nguyên và bổ sung cho hoàn hảo, trong đó, đặc biệt là việc làm nổi bật giới răn yêu thương.
Câu 18. Vì, Thầy bảo thật anh em - Trong Tiếng Anh là “Amen, I say to you”. אָמֵן [āmēn] trong tiếng Híp-ri có nghĩa là đồng ý, xác nhận một điều gì đó là đúng, là thật.
Câu 20. các kinh sư và người Pha-ri-sêu - Đây là những nhóm người được đề cao trong xã hội Do-thái thời bấy giờ. Các kinh sư là những người thông thạo Luật Mô-sê, trong khi phái Pha-ri-sêu là những người tuân thủ Lề Luật cách rất nghiêm ngặt. Như vậy, Đức Giê-su cho chúng ta thấy mức độ hoàn hảo mà Người muốn hướng chúng ta đến. Đó là ngoài việc tin vào Chúa, chúng ta cũng phải tuân giữ Lề Luật một cách nghiêm ngặt, thậm chí hơn cả các người được coi là giữ đạo khắt khe, nhiệm nhặt nhất thời bấy giờ.
Câu 22. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.
Bản Kinh Thánh Công Giáo The New American Bible:
But I say to you, whoever is angry with his brother will be liable to judgment, and whoever says to his brother, 'Raqa,' will be answerable to the Sanhedrin, and whoever says, 'You fool,' will be liable to fiery Gehenna.
Như vậy bản Kinh Thánh Tiếng Việt đã dịch ra nghĩa tường minh, dễ hiểu hơn cho độc giả. Có một số từ ngữ nhìn có vẻ khác, con xin dịch lại sách chú giải như sau:
- Giận anh em mình - các bản văn Tân Ước Tiếng Hy-lạp và các bản thảo sơ khai ghi là tức giận vô cớ. Tuy nhiên, Thánh Giê-rô-ni-mô, người đã soạn bản Tân Ước Tiếng La-tinh từ những bản văn có giá trị nhất thời bấy giờ, đã cho biết từ tức giận vô cớ chỉ xuất hiện trong một số bản sao Tiếng Hy-lạp chứ không phải từ những bản văn nguyên gốc. Có thể ban đầu nó được ghi ở lề giấy như một kiểu chú giải, nhưng các dịch giả về sau đã đưa nó vào bên trong văn bản. Vì lý do này, trong nhiều trường hợp, các học giả thích sử dụng bản văn La-tinh hơn bản văn Hy-lạp.
- Raqa - Thánh Augustinô nghĩ rằng đây không phải là một từ có ý nghĩa, nhưng chỉ là một loại từ ngữ dùng xen kẽ trong câu nói để thể hiện sự tức giận. Một số người khác cho rằng đây là một từ cổ trong ngôn ngữ Xy-ri - Can-đê dùng để biểu thị một người nhẹ dạ, khờ khạo, mặc dù không đến mức bị gọi là đồ ngốc.
- Sanhedrin - Thượng Hội Đồng Do-thái bao gồm bảy mươi hai người, đây là nơi chuyên xét xử những vụ án nghiêm trọng nhất trong dân Do-thái.
- You fool - Đồ ngốc - Đây là một cách miệt thị và xúc phạm nặng nề.
- fiery Gehenna - Thung lũng Ben Hin-nôm rực lửa. Thung lũng Ben Hin-nôm là một địa danh được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh Cựu Ước, đó là nơi các vua Do-thái vô đạo (A-khát, Mơ-na-se) đã hỏa thiêu con cái của mình mà tế thần Mô-léc (x. 2 V 23,10; 2 Sb 28,3; Gr 7,31; 19,2-6; 32,35). Thung lũng này bị Thiên Chúa nguyền rủa, nó bị gọi là thung lũng giết chóc hay thung lũng tàn sát. Vùng đất Tô-phét trong thung lũng bị gọi là một cái lò thiêu (Is 30,33) mà chương cuối Sách ngôn sứ I-sai-a đã mô tả rằng ở đó, xác những kẻ phản loạn chống lại Thiên Chúa sẽ phải chịu hình phạt: “giòi bọ rúc rỉa chúng sẽ không chết, lửa thiêu đốt chúng sẽ không tàn lụi” (Is 66,24). Qua hình ảnh này, Chúa Giê-su lần đầu tiên hé mở cho chúng ta về hình phạt hỏa ngục, về lửa không hề tắt dành cho các kẻ gian ác ở đời sau.
Ngoài ra, các mức độ hình phạt trong lời dạy của Chúa Giê-su cũng cho thấy sự khác biệt về mức độ của tội lỗi. Tội nhẹ sẽ bị phạt ít hơn và tội trọng sẽ bị phạt nặng hơn.
Câu 23-24. Chúa Giê-su dạy chúng ta nên dừng bất cứ công việc nào, kể cả những việc được Người chấp nhận, nếu chúng ta chưa hòa giải với người anh em mình trước. Người cần điều đó hơn là của lễ dâng lên bàn thờ, hay nói cách khác, đó mới chính là của lễ đẹp lòng Người hơn cả. Ta không thể bước tới bàn thánh hay dự các phép bí tích mà trong lòng không có đức ái. Hãy yêu thương những người thân cận và rộng hơn là hiệp thông trong tình huynh đệ với tất cả các anh em trong cùng đại gia đình đức tin.
Câu 25-26. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công - tức là hãy biết tận dụng thời giờ trong cuộc đời trần thế để hòa giải với anh em khi vẫn còn cơ hội, kẻo đến ngày phán xét, anh sẽ bị tống ngục. Theo Thánh Cyprianô, Ambrôsiô và học giả Ôrigiênê, chữ “tống ngục” ở đây được hiểu là xuống luyện ngục.
Câu 29-30. Ý nghĩa ẩn dụ của hành động móc mắt và chặt tay là việc từ bỏ các dịp tội cho dù chúng gắn bó với chúng ta đến mức nào, bởi lẽ đó chính là nguy cơ khiến chúng ta không được cứu độ.
Câu 32. ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp - Có một số bản Kinh Thánh, chẳng hạn như bản Douay-Rheims, ghi là ngoại trừ trường hợp gian dâm (excepting the cause of fornication) - để diễn tả tình trạng chung sống của hai người khác giới mà không qua hôn nhân hợp pháp.
Đối với hôn nhân hợp pháp, Chúa Giê-su nhấn mạnh đó là một ràng buộc vĩnh viễn mà hai bên không thể tách rời, bởi lẽ “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Việc rẫy vợ hay bỏ chồng cũng không được chấp nhận vì sẽ đẩy đối phương tới chỗ ngoại tình, và sau khi ly hôn, nếu người nào tái hôn với người khác cũng bị coi là phạm tội ngoại tình.
Câu 33. đừng thề chi cả - Nhiều người dễ hiểu lầm rằng Chúa Giê-su cấm chúng ta thề bất cứ điều gì trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không phải vậy, chúng ta được phép thề nếu vì một nguyên nhân chính đáng, và khi cần thiết, có thể kêu cầu Chúa làm chứng cho mình - đó là một hành động hợp với công lý và tôn giáo (x. Rm 9,1; 2 Cr 11,31; Gl 1,20).
Tuy nhiên, chúng ta không được thề một cách tùy tiện và kêu cầu danh Chúa với ngôn từ thô tục, bởi lẽ hành vi đó thể hiện sự thiếu tôn kính và coi thường Thiên Chúa. Lời thề cần được đặt trong sự thật và công lý nhằm mục đích tôn vinh Thiên Chúa, hoặc để bảo vệ bản thân và người khác cách chính đáng.
Câu 35. Phái Anabaptism (thế kỷ XVI) dịch Kinh Thánh theo nghĩa đen, họ không cho phép người ta thề dưới bất cứ hình thức nào trong mọi tình huống, thậm chí ngay cả khi cần bảo vệ mình trước tòa án. Quan điểm này giống với phái Waldenses (thế kỷ XII) và phái Pelagian (thế kỷ IV).
Câu 38. đừng chống cự người ác - tức là không dùng cái ác chống lại cái ác hay giữ ý định báo thù.
giơ cả má bên trái ra - để cho nó lấy cả áo ngoài - đây là lời khuyên các Ki-tô hữu cần biết tha thứ cho người khác và chịu đựng những đau khổ do người khác gây ra mà không nuôi lòng oán hận. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta phải cam chịu những sự bất công như thể không biết phân biệt tốt - xấu, hay khi một người bị tấn công nguy hiểm tới thân thể lại không được phép tự vệ chính đáng.
Phái Anabaptism dịch Kinh Thánh theo nghĩa đen, họ cho rằng con người phải cam chịu tất cả mọi điều bất lợi mà người khác gây ra cho mình, bao gồm cả việc không được biện minh trước tòa án. Tương tự như vậy, Luther cho rằng các Ki-tô hữu không dược phản kháng cuộc tấn công của quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Câu 41. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm - Nghĩa ẩn dụ của lời dạy này là hãy biết kiên nhẫn với người khác, nhất là khi hướng dẫn, giảng dạy họ; hoặc dành thêm lòng bác ái khi giúp đỡ người.
Câu 43. Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù - Trong Sách Lê-vi chỉ có câu này: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Có thể sau đó, các kinh sư, luật sĩ đã thêm vào chữ hãy ghét kẻ thù và phổ biến tư tưởng này trong dân Do-thái. Chúa Giê-su đã bác bỏ và nói rằng đó là điều sai lầm.
Câu 46. người thu thuế - đây là tầng lớp bị ghét bỏ trong xã hội Do-thái thời bấy giờ do những việc bất công và tống tiền mà họ gây ra cho đồng bào mình.