QUYỂN V. TÀI SẢN VẬT CHẤT CỦA GIÁO HỘI (ĐIỀU 1254-1310)

Điều 1254

§1. Do quyền bẩm sinh, Giáo Hội Công Giáo có thể thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất một cách độc lập với quyền bính dân sự, đế theo đuổi những mục đích riêng của mình.

§2. Những mục đích riêng chính yếu là: tổ chức việc thờ phượng Thiên Chúa, trợ cấp thích đáng cho hàng giáo sĩ và các thừa tác viên khác, làm việc tông đồ và bác ái, nhất là đối với những người nghèo.

Điều 1255

Giáo Hội toàn cầu và Tông Tòa, các Giáo Hội địa phương cũng như tất cả mọi pháp nhân công hay tư, đều là những chủ thể có khả năng thủ đắc, duy trì, quản trị và chuyển nhượng tài sản vật chất chiếu theo quy tắc của luật.

Điều 1256

Dưới quyền bính tối cao của Đức Giáo Hoàng Rôma, quyền sở hữu tài sản thuộc về pháp nhân nào đã thủ đắc tài sản ấy cách hợp pháp.

Điều 1257

§1. Tất cả mọi tài sản vật chất thuộc về Giáo Hội toàn cầu, Tông Tòa hay các pháp nhân công khác trong Giáo Hội, đều là tài sản của Giáo Hội và được quản trị theo các điều luật sau đây, cũng như theo các quy chế riêng của những pháp nhân ấy.

§2. Các tài sản vật chất của một pháp nhân tư được quản trị theo các quy chế riêng của pháp nhân ấy, chứ không theo các điều luật này, trừ khi luật minh nhiên quy định cách khác.

Điều 1258

Trong các điều luật sau đây, từ ngữ Giáo Hội không những được hiểu là Giáo Hội toàn cầu hay Tông Tòa, nhưng còn được hiểu là bất cứ pháp nhân công nào trong Giáo Hội, trừ khi văn mạch hay bản chất sự việc cho hiểu cách khác.


Đề mục

Chương 2. Các ngày sám hối (Điều 1249-1253)Đề mục 1. Thủ đắc tài sản (Điều 1259-1272)