Phép rửa
1 Vậy phải nói sao? Chúng ta cứ ở mãi trong tội lỗi, để ân sủng càng lan tràn ư?2 Không phải thế! Chúng ta là những kẻ đã chết đối với tội lỗi, thì làm sao còn sống mãi trong tội được.3 Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?4 Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.
5 Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.6 Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa.7 Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi.
8 Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta.9 Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người.10 Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa.11 Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.
Phục vụ tội lỗi và phục vụ sự công chính
12 Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác.13 Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa.14 Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng.
Người tín hữu được giải thoát khỏi tội lỗi
15 Vậy thì sao? Chúng ta cứ phạm tội ư, vì chúng ta không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng? Không đời nào!16 Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính.17 Tạ ơn Thiên Chúa! Trước kia anh em làm nô lệ tội lỗi, nhưng nay anh em đã hết lòng vâng theo quy luật đạo lý đã đào tạo anh em.18 Anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ sự công chính.19 Ấy là tôi nói theo kiểu người phàm, hợp với tầm hiểu biết yếu kém của anh em. Trước đây, anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân, thì nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện.
Kết quả của tội lỗi và kết quả của sự công chính
20 Khi còn là nô lệ tội lỗi, anh em được tự do không phải làm điều công chính.21 Bấy giờ anh em thu được kết quả nào, bởi làm những việc mà ngày nay anh em phải xấu hổ? Vì rốt cuộc những việc ấy đưa đến chỗ chết.22 Nhưng giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời.23 Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
Cv 13,34; 1 Cr 15,26; 1 Tx 4,17; 2 Tm 1,10-11; Kh 1,18
q. Đức Giê-su đã chiến thắng tội lỗi (5,12-21); Người cũng chiến thắng sự chết là hậu quả của tội lỗi và làm cho người tín hữu liên kết với Người trong bí tích thánh tẩy được giải phóng khỏi tội lỗi, nghĩa là khỏi chết (cc 1-14) và khỏi làm nô lệ tội lỗi (cc. 15-23).
r. 6,1-2 chuyển tiếp phần cuối chương 5 và đưa vào chương 6, đồng thời cũng nêu đề tài: người đã đoạn tuyệt với tội lỗi thì hoàn toàn được sống đời sống mới.
s. Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su. ds: khi chúng ta được dìm xuống thanh tẩy trong Đức Ki-tô Giê-su.
Cũng có phần ám chỉ nghi thức thánh tẩy thời đầu: dìm sâu trong nước.
t. Dìm vào trong cái chết của Người: dịch thoáng. Dìm xuống và được rửa trong cái chết của Chúa Ki-tô. Từ lúc đó giữa người tín hữu và Đức Ki-tô có một mối quan hệ mới và bền chặt.
u. ds: nên một với Đức Ki-tô (bằng cái chết) giống như cái chết của Người... (bằng sự sống lại) giống như sự sống lại của Người. – Ở đây thánh Phao-lô coi sự kiện được sống lại như còn ở trong tương lai (x. c. 8), còn ở trong Cl 2,12 đó là sự kiện đã xảy ra trong quá khứ đồng thời với việc cùng chết với Đức Ki-tô. Nhưng so với 6,11 có thể hiểu được là tuy việc được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô chỉ hoàn tất trong tương lai, nhưng đã được khởi đầu và diễn tiến ngay từ bây giờ.
v. Con người do tội lỗi thống trị. ds: thân thể tội lỗi = con người cũ: không hiểu như là một phần tổ hợp nên con người, nhưng là toàn thể con người, cả thân thể và linh hồn.
x. Thân xác vẫn được coi là dụng cụ phục vụ tội lỗi; vậy chết là thoát khỏi quyền của tội lỗi. Cũng có thể hiểu theo nghĩa luật pháp: khi tội nhân chết rồi thì đơn kiện cáo hết hiệu lực. Động từ thánh Phao-lô dùng vừa có nghĩa là giải thoát vừa hàm nghĩa cho trở nên công chính, một đề tài được thánh Phao-lô rất chú ý trong thư này.
a. ds: Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.
b. Tuy Đức Giê-su không phải là tội nhân (2 Cr 5,21), Người vẫn liên đới với chúng ta qua thân xác giống như thân xác tội lỗi của chúng ta (Rm 8,3), Người cũng muốn liên đới với cái chết của thân xác tội lỗi chúng ta, để nhờ đó, Người giải thoát những ai kết hiệp với Người qua cái chết giống như vậy.
c. Coi mình là xác chết xét về tội lỗi. Kiểu nói mạnh mẽ, đoạn tuyệt với tội lỗi để chỉ còn sống trong Đức Ki-tô Giê-su.
d. Dầu phép thánh tẩy đã làm cho con người đoạn tuyệt với tội lỗi, đóng đinh thân thể tội lỗi cùng với Chúa Ki-tô, nhưng trong thời hiện tại, khi thân xác chưa được biến đổi hoàn toàn, tức là chưa được bất tử (x. 1 Cr 15,54) thì thân xác ấy vẫn còn những khuynh hướng về tội (x. Ga 5,14-16). Tuy nhiên không tất yếu là thân xác đó sẽ phải phục tùng những khuynh hướng về tội, trái lại nhờ ân sủng, đã có thể chiến thắng ngay từ bây giờ.
đ. Những người sống đã từ cõi chết trở về: không hiểu là chết rồi được sống lại; nhưng hiểu là đã chết xét về tội, không còn nô lệ tội nữa, và đang sống.
e. ... sẽ không còn quyền chi...: có lẽ nên hiểu trong văn mạch như là một điều rất mong ước hơn là một quả quyết chắc chắn. Trong điều kiện hiện tại đó là điều mong ước, còn lý tưởng thì vẫn còn đang ở phía trước (c. 9).
Rm 6,14 loan báo đề tài sẽ được khai triển ở ch. 7.
g. Tội lỗi không phải là một trạng thái của tâm hồn, nhưng được hiểu như là một sức mạnh (x. 5,12 tt) bắt con người phải tuân phục nó. Ở đây tội lỗi được ví như một ông chủ: tuân phục tội lỗi tức là làm nô lệ cho tội lỗi; còn người tín hữu đã đón nhận phép thánh tẩy trong Đức Ki-tô thì làm nô lệ Thiên Chúa bằng cách vâng phục Người; đây là sự tự do thật, vì là việc phụng sự xuất phát từ tâm hồn (c. 17), từ lòng yêu mến.
h. Quy luật đạo lý đã đào tạo anh em. ds: mẫu mực giáo huấn anh em đã được giao phó. Ám chỉ lời giảng tiên khởi anh em tín hữu ở Rô-ma đã được nghe, tuy không do thánh Phao-lô giảng (x. Rm 15,15; 16,17), nhưng đó là gia sản chung của Hội Thánh. Thánh Phao-lô tỏ ra thống nhất với các sứ giả Tin Mừng khác (x. Gl 2,2).
i. Ngôn ngữ loài người chỉ soi sáng phần nào mầu nhiệm chứ không hoàn toàn giải thích thỏa đáng được; cũng có thể hiểu là anh em tín hữu còn mới chưa đủ sức để hiểu sâu xa nếu không có một hình ảnh so sánh tương tự.
k. Để trở nên thánh thiện: (x. Lv 17,1; Xh 19,6 tt; Cv 9,13; Cl 1,12 tt...) được kết hiệp với Thiên Chúa, được sống mật thiết với Người. Theo Rm 6, sự thánh thiện chính là làm cho đời sống mới đã lãnh nhận khi chịu phép thánh tẩy được trở thành hiện thực (c. 4).
l. Có cách dịch khác: Bấy giờ, anh em thu được kết quả nào? Những kết quả mà bây giờ anh em thấy xấu hổ vì kết cuộc của những kết quả ấy là sự chết.
m. Cc. 21 và 22 đối chọi nhau: cái chết là kết quả của tội lỗi, còn sự sống đời đời là kết quả của sự thánh thiện; sự thánh thiện này xuất phát từ ơn được trở nên công chính (c. 19). Nhưng c. 23 xác định rõ hơn: cái chết là lương bổng của nguyên nhân là tội lỗi, còn sự sống đời đời lại là ơn Thiên Chúa ban không.