Chương 21 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 1. Bết-pha-ghê - Đây là một ngôi làng của các tư tế Do-thái nằm trên triền núi Ô-liu, cách Giê-ru-sa-lem một dặm về phía đông, trên đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Tên gọi của nó nghĩa là ngôi nhà của những cây vả và cây chà là. Tên gọi này có lẽ xuất phát từ số lượng lớn các cây vả và chà là được trồng ở đó, tương tự như tên gọi của núi Ô-liu.
Câu 5. X. Dcr 9,9.
Câu 7. trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên - Có thể Đức Giê-su đã cỡi trên lưng lừa mẹ một lúc rồi chuyển sang lừa con.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Chúa Giê-su, Người mà chúng ta thấy luôn đi bộ và không để cho người ta tôn mình làm vua (Ga 6,15) lại cỡi trên lưng lừa tiến lên Giê-ru-sa-lem trong tiếng reo hò của dân chúng? Lý do đầu tiên, như đã trình bày ở trên, là để ứng nghiệm lời tiên báo của ngôn sứ Da-ca-ri-a về Đấng Mê-si-a. Lý do thứ hai là để biểu lộ một cách mờ nhạt về phẩm giá làm Vua thực sự của Người trước khi bước vào Cuộc Khổ Nạn; nói cách khác, Người công khai mình là Đấng Mê-si-a. Điều này không chỉ xác nhận niềm tin của các tông đồ, mà còn khiến những người chống đối không còn lý do nào để bào chữa cho sự hoài nghi của họ.
Và như trong tất cả các dịp khác, vẻ vinh quang của Chúa lại được xuất hiện hòa lẫn trong sự khiêm nhường đáng kinh ngạc, khi Người chỉ cỡi trên lưng lừa, một con vật mà người ta dùng để chở đồ.
Câu 9. Sự vui mừng, nồng nhiêt của dân chúng xuất phát từ tình cảm tự nhiên và do họ hoàn toàn tự nguyện. Nó trái với những cuộc tiếp rước hình thức, sáo rỗng và thường do bị ép buộc mà người ta dành cho các vua chúa trần gian.
Hàng năm, Giáo Hội Công Giáo vẫn tái hiện cuộc tiếp đón Chúa Ki-tô trong Chúa Nhật Lễ Lá.
Câu 10. Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem - Chúa Giê-su đã vào thành Giê-ru-sa-lem từ cánh cổng vàng hướng về phía đông, cách Đền Thờ không xa. Dưới tư cách là vị Thượng Tế, Người đã bước vào nhà Cha mình một cách long trọng.
Câu 11. Ngôn sứ - Đức Giê-su được dân Do-thái coi là một vị ngôn sứ. Và cũng chính giữa những tiếng tung hô đó, Người đã khóc thương thành Giê-ru-sa-lem và đưa ra một lời tiên tri được ghi lại trong Lc 19,42-44: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”
Câu 12. đuổi tất cả - Người Do-thái lên Đền Thờ từ khắp các vùng trong miền Giu-đê, có những người vì ở xa, không mang theo của lễ, nên khi tới Giê-ru-sa-lem, họ đã mua những thứ này để dâng tiến. Điều này giải thích vì sao trong Đền Thờ lại xuất hiện những người buôn bán.
Ở đây, chúng ta thấy có cả những người bán bồ câu (để sát tế) và những người đổi tiền. Những người này hành nghề ở một nơi được gọi là tiền đình cho dân ngoại. Vào khoảng năm 20-19 TCN, vua Hê-rô-đê Cả bắt đầu một cuộc cải tạo lớn, gần như tái cấu trúc Đền Thờ Giê-ru-sa-lem Thứ Hai (được xây dựng sau thời dân Do-thái lưu đày ở Ba-by-lon). Cấu trúc này chia Đền Thờ ra bốn khu vực, ngoài ba khu chỉ dành cho dân Do-thái là tiền đình cho tư tế, đàn ông và phụ nữ, thì còn có một nơi được gọi là tiền đình cho dân ngoại. Khu vực này nằm ở phía ngoài của Đền Thờ, bị ngăn cách với khu vực linh thiêng bên trong bằng một hàng cột đá lớn. Ban đầu, nó được mô tả là nơi dành cho những người dân ngoại “tốt lành”, tuy nhiên, họ bị cấm đi vào sâu hơn phía trong. Trong hành lang này, có rất nhiều bảng cảnh báo bằng tiếng Hy-lạp và Rô-ma cho biết rằng người ngoại đi vào bên trong sẽ bị xử tử. Người Rô-ma cho phép chính quyền Do-thái kết án tử hình đối với hành vi phạm tội này ngay cả khi người phạm tội là công dân Rô-ma. Ngoài ra, hành lang này cũng là nơi diễn ra các cuộc tranh luận ôn hòa giữa các kinh sư, luật sĩ với những người dân ngoại về các vấn đề của Do-thái Giáo.
Câu 13. Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện - Is 56,7 - thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp - Gr 7,11.
Trong tất cả các phép lạ Đức Giê-su làm, không có điều gì gây ấn tượng cho tôi hơn việc này: một Người vốn đang trong thân phận bị khinh dể và coi thường, Người mà sau đó bị người ta đóng đinh trên thập giá, lại có thể trục xuất những kẻ mua bán trong Đền Thờ cùng với một số đông các kinh sư và biệt phái mà không vấp phải bất cứ sự chống đối nào. Có một điều gì đó vượt trên nhân tính đã xuất hiện trên vẻ mặt thuộc về thiên giới của Chúa Ki-tô, đó chính là thiên tính được bộc lộ qua ánh nhìn và cử chỉ của Người, khiến những kẻ bị xua đuổi cảm thấy run sợ, mất tinh thần, và thậm chí, không quá khi nói rằng họ đã bỏ chạy.
Câu 15. Hoan hô - Từ gốc là Hosanna. Theo Thánh Augustinô, nó không có ý nghĩa cụ thể mà chỉ dùng kèm theo các câu nói để diễn tả niềm vui, tương tự với từ “raqa” dùng để biểu lộ sự tức giận mà chúng ta đã nhắc tới trong phần chú giải chương 5, câu 22. Ngoài ra, theo Thánh Giê-rô-ni-mô, nó có thể mang ý nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”, được lấy từ Tv 118,25. Đây là một từ tung hô quen thuộc của người Do-thái. Chẳng hạn, trong dịp lễ Lều (Lv 23,39-43), mỗi khi một điều cao quý được xướng lên, họ thường đáp lại bằng từ “hosanna” - “xin cứu chúng con”: Vì Người, Chúa các chúa - hosanna; vì Giao Ước - hosanna; vì Đền Thánh - hosanna,... Những phụ bản này rất dài và được người Do-thái ngày nay xướng lên trong các hội đường của họ. Mặc dù một số câu có thể được thêm vào ở thời đại sau này, nhưng hầu hết chúng có thể đã được sử dụng ngay từ thuở xa xưa.
Câu 16. Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen - X. Tv 8,3.
Câu 18-22. Việc Chúa Giê-su chúc dữ cho cây vả xuất phát từ cơn đói của Người nhưng cũng là một dịp thuận tiện để Người đưa ra chỉ dẫn cho dân Do-thái và tất cả các môn đệ. Cây vả ở đây tượng trưng cho hội đường Do-thái với các thực hành và luật lệ rườm rà mang tính hình thức, thể hiện qua hình ảnh những chiếc lá rậm rạp. Cơn đói diễn tả sự mòn mỏi của Chúa Giê-su khi chờ đợi nó sinh hoa kết trái, đặc biệt là khi Người đã dành ba năm rao giảng để vun trồng. Tuy vậy, tất cả những gì “cây vả” này có thể mang lại chỉ là sự sáo rỗng, hình thức mà không sinh ra bất cứ điều ích lợi nào.
Mặc dù thời điểm sự việc diễn ra không phải là mùa vả (Mc 11,13), nhưng với những người tôi tớ Chúa, không có ngày nào, mùa nào mà họ được miễn cho nhiệm vụ sinh hoa lợi cho vương quốc của Người.
Ngoài ra, chúng ta thấy rằng trong các phép lạ khác, Chúa Giê-su luôn sử dụng quyền năng để chúc lành và đây là lần đầu tiên mà Người dùng nó để chúc dữ. Điều này giúp củng cố đức tin cho các môn đệ và là một dấu chỉ cho họ thấy rằng Người hoàn toàn có thể hủy diệt những kẻ bắt bớ và đóng đinh Người chỉ ít ngày sau đó, nhưng đã chịu đựng tất cả những nỗi đau mà họ gây ra vì lợi ích lớn lao cho phần rỗi của tất cả chúng ta.
Câu 25. phép rửa của ông Gio-an - Có ý chung là giáo lý và lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả.
Thế sao các ông lại không tin ông ấy? - Ông Gio-an đã làm chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a mà Cựu Ước tiên báo.
Câu 28. Cách hiểu chung nhất về hình ảnh hai người con được nhắc đến trong dụ ngôn này là dân ngoại, hay những người thu thuế, những kẻ tội lỗi (người con đầu tiên) và người Do-thái (người con thứ hai). Đối với dân ngoại, họ là những người đã không tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa ngay từ lúc ban đầu, nhưng sau đó, họ đã đón nhận đức tin, được hoán cải và trở thành con cái trung thành của Người. Còn người Do-thái, hay nói đúng hơn, phần đông trong số họ, tự nhận mình là tôi tớ Thiên Chúa, là dân riêng của Người, nhưng rồi lại từ chối đón nhận Tin Mừng và Đấng Mê-si-a. Do đó, Chúa Giê-su nói: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”
Câu 33. Trong dụ ngôn này, gia chủ là hình ảnh ẩn dụ của Thiên Chúa, vườn nho là dân tộc Do-thái, tá điền được thuê là các tư tế Do-thái, đầy tớ trong nhà là các vị ngôn sứ, và người con trai duy nhất của gia chủ chính là Chúa Giê-su. Thông qua dụ ngôn, Chúa chúng ta dạy cho người Do-thái rằng ngay từ lúc ban đầu, Thiên Chúa đã luôn quan phòng, săn sóc họ, không có điều gì tốt đẹp mà Người đã không làm vì phần rỗi của họ. Ngay cả khi họ giết hại các vị ngôn sứ của Người hết người này tới người khác, Người vẫn không quay lưng lại mà sau cùng, còn gửi đến cho họ Người Con yêu dấu duy nhất của mình. Nhưng tất cả những gì họ làm để đáp trả hồng ân cao cả ấy là thái độ khinh bỉ, sự sỉ nhục, tra tấn, và sau cùng, đóng đinh Người Con ấy vào thập giá mà giết đi.
Câu 37. Chúng sẽ nể con ta - Đừng hiểu lầm rằng Chúa Cha không biết được điều mà người Do-thái sẽ làm cho Chúa Con, như chính Chúa Giê-su cũng vạch trần họ ở câu 38: “Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” Nhưng khi nói như vậy, Người muốn chỉ dẫn cho họ biết điều nên làm, cũng như điều mà Thiên Chúa mong đợi ở nơi họ.
Câu 38. Đứa thừa tự đây rồi - Nói như vậy, có nhiều người Do-thái ắt hẳn biết Chúa Giê-su chính là Đấng Cứu Thế, nhưng sự đố kỵ và độc ác khiến họ trở nên mù lòa tới độ nhất quyết không thừa nhận Người là Con Thiên Chúa. Do đó, khi Thánh Phao-lô nói rằng “nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá” (1 Cr 2,8), thì chúng ta phải hiểu rằng ngài đang nói tới những người dân thường, còn các thủ lãnh của họ không thể không hay biết gì về sự thật ấy.
Ngoài ra, Ga 11,47-53 cho biết rằng khi thấy các phép lạ và những công việc tốt đẹp Đức Giê-su làm, các thượng tế và các người Pha-ri-sêu đã đưa ra một lý do điên rồ để biện minh cho ý định bắt giữ Người: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” Và sau cùng, viên thượng tế Cai-pha kết luận: “Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Điều bi đát và trớ trêu cho những người này là không lâu sau khi họ đóng đinh Chúa Giê-su, cả thành Giê-ru-sa-lem và dân Ít-ra-en, cùng với Đền Thờ của họ, đã bị đạo quân của Ti-tô (39-81) vây hãm, công phá, tàn sát và biến nó gần như thành bình địa vào năm 70 SCN.
Câu 41. ông sẽ tru diệt bọn chúng - Đối chiếu với Lc 20,16, chúng ta hiểu rằng câu trả lời này được đưa ra bởi một số người trong nhóm thượng tế và kỳ mục có mặt ở đó và được Chúa Giê-su xác nhận lại, trong khi một số khác kêu lên “Mong đừng có chuyện ấy!” vì họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn này (Lc 20,19).
Câu 42. X. Tv 118,22-23. Các thủ lãnh Do-thái, những người lẽ ra phải làm nhiệm vụ xây nên ngôi nhà của Thiên Chúa, đã loại bỏ Đức Giê-su vì không tin vào Người. Nhưng như những gì Kinh Thánh viết, chính viên đá mà họ tưởng rằng có thể bỏ đi ấy sẽ trở nên đá tảng góc tường của một ngôi nhà vững chắc giúp hợp nhất người Do-thái với dân ngoại, đó là Hội Thánh của Chúa Ki-tô.