Chương 3 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca
Câu 3. Có thể thấy rõ rằng ở đây, Gio-an Tẩy Giả đã không chỉ rao giảng, nhưng còn làm phép rửa bằng nước cho rất nhiều người. Tuy nhiên, phép rửa của ông không thể giúp người lãnh nhận được tẩy xóa khỏi tội lỗi như Phép Rửa của Chúa Giê-su.
Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, khi Thánh sử Lu-ca nói rằng ông Gio-an “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”, chúng ta phải hiểu: vì những người Do-thái không nhận ra mức độ nghiệm trọng và hậu quả của những tội đã phạm, nên Gio-an Tẩy Giả đã đến để kêu gọi họ thú nhận tội lỗi và giục lòng sám hối; nhờ hoán cải với lòng ăn năn thực sự như vậy, họ có cơ hội tìm ra Đấng Cứu Chuộc đời mình, để từ đó, lãnh nhận ơn tha tội (S. Chrys. hom. x. in Matt.).
Từ những lời này, đã nảy sinh một quan điểm cho rằng phép rửa của ông Gio-an có khả năng xóa bỏ tội lỗi. Điều này là sai lầm và có thể được làm sáng tỏ qua hai đoạn Kinh Thánh: (1) Lc 3,16 - Nơi chính Gio-an tuyên bố rằng ông không làm phép rửa bằng Thánh Thần. (2) Cv 19,1-7 - Nơi Thánh Phao-lô ra lệnh cho những ai chỉ chịu phép rửa của ông Gio-an và chưa từng nghe nói về Thánh Thần, phải chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giê-su.
Như vậy, chúng ta phải kết luận rằng phép rửa của Gio-an Tẩy Giả có tính chất chỉ là một nghi thức hay lễ kết nạp, mà qua đó, người Do-thái ghi danh mình là môn đệ của ông. Sau khi chịu phép rửa này, họ sẽ thực hiện việc đền tội như một sự chuẩn bị cho phép rửa lần thứ hai bằng Thánh Thần và lửa của Chúa Giê-su, nơi họ được xóa bỏ tội lỗi.
Câu 5. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy... - Đây là lời tiên báo của ngôn sứ I-sai-a về ơn giải thoát dành cho dân Ít-ra-en khỏi các thế lực ngoại bang (Is 40,3); nhưng đồng thời, chúng cũng biểu thị ơn cứu độ dành cho nhân loại để thoát khỏi tình trạng làm thân nô lệ cho tội lỗi; tất cả những trở ngại làm trì hoãn ân huệ này sẽ cần phải được loại bỏ, sự khiêm nhường cần lấp cho đầy, lòng kiêu ngạo phải san cho phẳng.
Câu 7. Nòi rắn độc kia - Khi thấy dân chúng vây quanh mình với sự ngưỡng mộ, Gio-an Tẩy Giả không hề cảm thấy vinh dự, thỏa mãn, nhưng đã dành cho họ một lời cảnh báo nghiêm khắc. Đối tượng mà ông nhắm tới chủ yếu là phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc.
Câu 8. sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối - Khi một người biết tuân giữ lề luật, người ấy có quyền hưởng dùng những thứ lành mạnh của thế gian, đồng thời, có khả năng thực hiện những công việc của lòng đạo đức mà không cần từ bỏ những thú vui vô hại—trừ khi anh ta ham muốn chúng. Nhưng nếu người ấy phạm phải tội trọng, hãy để anh ta tiết chế bản thân trước ngay cả những thứ vô hại đó, theo mức độ tương xứng với những gì đã gây ra vì sự nhượng bộ yếu đuối trước tội lỗi của mình. Rõ ràng, người phạm tội ít và người phạm tội nhiều sẽ cần lòng sám hối khác nhau. Và hãy để những người bị lương tâm lên án làm những việc tốt lành cần thiết, để qua đó, bù đắp lại những tổn thương mà chính họ đã gây ra (Thánh Grêgôriô, hom. xx. in Evang.). Đối với các tội nhân, nếu chỉ biết ăn năn chừa tội thì chưa đủ, chúng ta còn phải sinh hoa kết quả cho tương xứng với tội của mình trên tinh thần “làm lành lánh dữ” (Tv 37,27) mà Thánh Vịnh đã chỉ ra. Vì cũng giống như người bị trúng tên trên chiến trường, đâu phải chỉ cần rút tên ra là đủ, nhưng còn phải chữa trị cho lành lặn cả vết thương bên ngoài (Thánh Gio-an Kim Khẩu, hom. x. on S. Matt.).
đừng vội nghĩ bụng rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham - Anh em hãy coi chừng về cách mà Gio-an Tẩy Giả đã kéo người Do-thái ra khỏi việc khoe khoang gia phả và sự ảo tưởng về thân phận dòng dõi Áp-ra-ham; thay vào đó, ông tuyên bố rằng họ chỉ có thể hy vọng về phần rỗi của mình bằng thực hành sám hối và một đời sống thánh thiện (Thánh Gio-an Kim Khẩu, hom. x. on S. Matt.). Đây là một bài học cho những người Công Giáo. Chúng ta đừng hy vọng tìm thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong ngày sau hết với lý do mình là thành viên của tôn giáo chân chính, nhưng phải biết rằng Lòng Thương Xót ấy chỉ có thể có được nếu chúng ta biết sống theo những tôn chỉ mà Đạo đã truyền. Vì như Thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1 Cr 13,2).
Câu 11. Ai có hai áo, thì chia cho người không có - Gio-an Tẩy Giả khuyến khích dân chúng làm việc bố thí cho người nghèo bằng cách cho đi những gì không cần thiết.
Theo Thánh Basiliô Cả, ở đây, chúng ta được dạy phải san sẻ cho những người thiếu thốn về bất cứ thứ gì mình đang có nhiều hơn mức đủ dùng vì tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã trao ban cho chúng ta mọi sự.
Trong Kinh Thánh, việc thực thi bác ái đối với người nghèo được khuyến khích nhiều lần như một phương pháp hữu hiệu để chuộc lại lỗi lầm và tái giao hòa chúng ta với lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Đây là lời khuyên của ngôn sứ Đa-ni-en dành cho vua Na-bu-cô-đô-nô-xo: “tâu đức vua, xin vui lòng nghe theo lời thần đề nghị mà đái tội lập công, bằng cách làm việc nghĩa, là tỏ lòng từ bi đối với người nghèo” (Đn 4,24). Vì lẽ đó, Thánh Gio-an Kim Khẩu nói rằng: “Người nghèo chính là thầy thuốc, và đôi tay của họ là phương dược chữa lành cho thương tích của anh em” (hom. xiv. in ep. 1. ad Tim.).
Câu 15. biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a - Có nhiều lý do khiến họ suy nghĩ như vậy, chẳng hạn như những điều kỳ lạ xảy ra quanh sự kiện ông ra đời; lời giảng hùng hồn, cuộc sống khổ chế và phép rửa mới lạ mà ông mang lại; dấu hiệu từ sự xuất hiện của các nhà chiêm tinh và từ việc Hê-rô-đê ra lệnh giết các thánh anh hài.
Câu 17. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi - Hình ảnh lúa trong sân mà Gio-an Tẩy Giả nói tới ở đây chính là tiền cảnh của Giáo Hội Chúa Ki-tô, nơi kẻ được gọi (lúa) thì nhiều, mà người được chọn (thóc mẩy) thì ít.
Câu 21. Đức Giê-su cũng chịu phép rửa - Về mục đích của việc chịu phép rửa trên sông Gio-đan, chính Chúa Giê-su đã nói rằng: “chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15). Vậy đức công chính Người nói tới ở đây có ý nghĩa gì, nếu không phải là trách nhiệm tự mình thực hiện trước tiên những gì chúng ta muốn người khác thực hiện? Do đó, đừng ai từ chối Phép Rửa của ân sủng Thiên Chúa, vì chính Chúa Ki-tô đã không từ chối phép rửa của lòng sám hối ăn năn.
Theo Thánh Bê-đa, mặc dù mọi tội lỗi của chúng ta đều được tha trong Bí tích Rửa Tội, nhưng sự yếu đuối của xác thịt vẫn chưa được củng cố cách hoàn hảo. Sau khi vượt qua “Biển Đỏ” và vui mừng trước sự hủy diệt dành cho “người Ai-cập”, chúng ta vẫn phải chiến đấu không ngừng nhằm chống lại những kẻ thù đợi sẵn trong “sa mạc” thế gian, với sự đảm bảo chắc chắn về những ân sủng từ Chúa Ki-tô, cho tới khi đặt chân vào “Đất Hứa” cần phải đến là Nước Trời.
trời mở ra - Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, các tầng trời được mở ra, bởi vì chúng đã bị đóng lại cho tới khi Đức Giê-su chịu phép rửa. Kể từ đây, con người, mặc dù là thụ tạo vốn sinh ra dưới thế, sẽ được nhận vào hàng ngũ với các vị thiên thần.
Câu 22. chim bồ câu - Lý do Chúa Thánh Thần hiện ra dưới hình dáng chim bồ câu là vì Người không thể được nhìn thấy trong bản thể của thiên tính. Nhưng tại sao lại là chim bồ câu? Có lẽ là để diễn tả sự đơn sơ trong Bí tích Rửa Tội. Hình ảnh đơn sơ như bồ câu (Mt 10,16) biểu thị sự bình an được trao ban qua phép rửa, được tiên trưng bởi nhánh ô-liu mà con chim bồ câu đã mang về tàu ông Nô-ê (St 8,11), hình bóng của Giáo Hội và nơi ẩn náu an toàn duy nhất trong trận đại hồng thủy.
Câu 23. Trước hết, có thể thấy gia phả này và gia phả trong Tin Mừng Mát-thêu có sự khác biệt khá lớn; đồng thời, trong mỗi gia phả cũng có những chi tiết cần được làm sáng tỏ. Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề bằng cách trang bị một số tri thức tiên quyết:
- Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, từ “sinh ra” được áp dụng cho cả mối quan hệ xa và gần trong một dây huyết thống nối kết giữa con cháu với tổ tiên. Chẳng hạn, nếu A là con, B là cháu và C là chắt của D, thì chúng ta có thể nói rằng D sinh ra B (hoặc C).
- Từ “sinh ra” không chỉ áp dụng với con cái tự nhiên của một người, mà còn với con cái được gán cho người ấy theo luật. Trong đó, một trường hợp thường xảy ra là:
- Nếu một người đàn ông kết hôn với con gái duy nhất của người khác, anh ta trở thành con trai được gán cho người đó theo luật. Chính vì vậy, trong phong tục của người Do-thái, họ thường không ghi tên của phụ nữ trong gia phả. Nếu một gia đình kết thúc bởi một người con gái, gia phả của họ sẽ được ghi chép tiếp bằng tên của con rể.
- Dựa theo các tài liệu tin cậy ngoài Kinh Thánh, ta biết rằng song thân Đức Ma-ri-a là Thánh Gioa-kim và Thánh An-na. Về mặt ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu nhận thấy tên יהויקים [Yəhōyāqīm] (Giơ-hô-gia-kim) dường như là một dạng biến thể của אֶלְיָקִים [Elyaqim] (En-gia-kim), được viết tắt là עֵלִי [Ēli] (Ê-li). Do đó, mặc dù hai cái tên thoạt nhìn có vẻ khá khác nhau nhưng có một sự tương đồng rất lớn về ngôn ngữ giữa Ê-li và Gioa-kim.
- Trong Tin Mừng Mát-thêu, từ ông Áp-ra-ham tới Thánh Giu-se, “con” của một người luôn được gọi theo lẽ thông thường và dựa trên huyết thống trực hệ, Áp-ra-ham sinh I-xa-ác. Nhưng trong Tin Mừng Lu-ca, từ Chúa Giê-su lên tới Thiên Chúa, chữ “con” đã không được sử dụng một cách thống nhất. Chẳng hạn, Chúa Giê-su chỉ là con nuôi của Thánh Giu-se - bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ của Chúa; A-đam chỉ là con của Thiên Chúa theo nghĩa là được Người sáng tạo.
Hệ quả:
- Dựa vào điều 1, chúng ta giải thích được việc bỏ sót một số thế hệ trong gia phả Đức Ki-tô của Thánh Mát-thêu.
- Dựa vào điều 2, 3, 4 và 5, chúng ta có thể hiểu tại sao trong Tin Mừng Lu-ca, San-ti-ên là con của Nê-ri và Thánh Giu-se là con của Ê-li (Thánh Gioa-kim), dù họ đều là con rể.
Như vậy, mọi chuyện đã rõ:
- Thánh Giu-se là con ông Gia-cóp, Đức Ma-ri-a là con ông Ê-li (Thánh Gioa-kim).
- Cả Gia-cóp và Ê-li đều là hậu duệ của Dơ-rúp-ba-ven, ông Gia-cóp thuộc nhánh A-vi-hút và ông Ê-li thuộc nhánh Rê-sa (em trai A-vi-hút).
- Dơ-rúp-ba-ven là con San-ti-ên. San-ti-ên là con ruột Giơ-khon-gia (1 Sb 3,17) và là con rể của Nê-ri.
- Theo nhánh Giơ-khon-gia, Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a là hậu duệ vua Sa-lô-môn; theo nhánh Nê-ri, các ngài là hậu duệ Na-than (anh vua Sa-lô-môn). Như vậy, nơi các ngài, dòng dõi vua Đa-vít đã được tái hợp.
Ý nghĩa: Thánh Mát-thêu bắt đầu gia phả Chúa Giê-su với ông Áp-ra-ham - đây là lời hứa về Đấng Mê-si-a được Thiên Chúa thực hiện cho dân Do-thái; Thánh Lu-ca bắt đầu gia phả Chúa Giê-su với ông A-đam - đây là lời hứa về Đấng Mê-si-a được Thiên Chúa thực hiện cho mọi dân tộc.
Ngoài ra, trong gia phả theo Thánh Lu-ca, có hai cái tên mà thánh sử liệt kê không được Cựu Ước ghi lại là Rê-sa và Nê-ri.
Sau cùng, bất kể khó khăn trong việc giải thích các gia phả này có là gì, thì rõ ràng, chúng phát xuất từ tri thức không đầy đủ của chúng ta về lề luật, phong tục, tập quán và thành ngữ của người Do-thái; và từ sự thiếu hiểu biết của chúng ta về phương pháp thực sự có thể hòa giải những điều dường như mâu thuẫn, hoặc từ một số sai sót có thể đã len lỏi vào bản văn theo thời gian. Không nghi ngờ gì nữa, sự im lặng của những kẻ thù đối với Tin Mừng, cả người Do-thái và dân ngoại, trong thế kỷ đầu tiên, tự nó đã là một bằng chứng đầy đủ rằng không có mâu thuẫn hay sai sót nào có thể được người ta viện dẫn nhằm chống lại phân đoạn này của lịch sử Phúc Âm.