Chương 2 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Lu-ca
Câu 1. khắp cả thiên hạ - Tức là trong toàn đế quốc Rô-ma. Chiếu chỉ này được ban hành vào năm thứ 752 theo lịch Rô-ma và năm thứ 42 trong triều đại hoàng đế Augustô (63 TCN - 14 SCN) với mục đích liệt kê số lượng nhân khẩu cũng như tài sản của mỗi gia đình, để từ đó, các loại thuế má sẽ được triều đình tính toán và áp dụng. Việc kiểm tra dân số như vậy cũng là một truyền thống mà người Do-thái hay làm vào thời Cựu Ước.
Câu 2. thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri - Đây là cuộc điều tra dân số đầu tiên được thực hiện dưới thời Qui-ri-ni-ô. Chín năm sau khi biến cố Chúa Giáng Sinh, ông ta bị cáo buộc đã tổ chức một cuộc điều tra bất hợp pháp khác, khi Giu-đê bị hạ xuống thành một tỉnh của đế quốc. Sau đó, viên tổng trấn này đã bị cách chức và lưu đày.
Câu 3. Theo Thánh Bê-đa, chiếu chỉ của Augustô đã được thực hiện bởi một sự quan phòng đặc biệt của Thiên Chúa. Theo chiếu chỉ này, mọi công dân Rô-ma bị buộc phải trở về nguyên quán, nhờ đó, Đấng Cứu Độ nhà Ít-ra-en đã thoát khỏi cạm bẫy của Hê-rô-đê cách dễ dàng hơn.
Ngoài ra, cuộc điều tra này còn tạo ra một bằng chứng công khai và sẽ được lưu giữ trong văn khố Rô-ma về sự ra đời và dòng dõi của Đấng Mê-si-a. Augustô chỉ có ý định liệt kê danh sách các thần dân của mình, nhưng vô tình, trong số đó, có cả Thiên Chúa của ông ta.
Câu 4. Nhà truyền giáo đề cập đến thành vua Đa-vít để nhắc chúng ta rằng lời hứa của Thiên Chúa đối với vua (2 Sm 7,12-13) đã được thực hiện, một vị Vua mới và hiển trị muôn đời đã xuất hiện trong dòng dõi nhà vua.
Ngoài ra, ở đây, qua linh hứng, Thánh sử Lu-ca chỉ đề cập đến mối liên hệ giữa Thánh Giu-se (cha nuôi Chúa Giê-su) và vua Đa-vít mà bỏ qua Đức Ma-ri-a (người Mẹ cưu mang Chúa). Một số lạc giáo đã viện vào chi tiết này và cho rằng Chúa Giê-su không thực sự thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Tuy nhiên, Lề Luật có quy định rằng những người trong cùng một chi tộc phải kết hôn với nhau (Ds 36,6-7). Do đó, bằng câu tiếp theo: “Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai”, Thánh sử đã gián tiếp xác nhận rằng Đức Ma-ri-a cũng thuộc dòng dõi vua Đa-vít.
Câu 12. nằm trong máng cỏ - Thánh Giustinô và Thánh Giê-rô-ni-mô cho biết rằng ở phía đông thị trấn Bê-lem có một cái hang khoét vào núi đá, trong đó, có một máng cỏ dành riêng cho gia súc. Vì thế, khi thiên sứ nói đến máng cỏ, các mục đồng dễ dàng hiểu ngay là phải đi đâu để gặp được Hài Nhi.
Về sau, tại vị trí máng cỏ này, Thánh Hêlêna, đã cho xây dựng một nhà thờ nguy nga để tôn vinh Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Thánh Bê-đa nói rằng bà còn cho xây dựng một nhà thờ khác nữa để vinh danh các mục đồng đã đến chiêm bái Chúa Giê-su.
Về số lượng các mục đồng có mặt ở hang đá Bê-lem, Thánh Bê-na-đô kết luận rằng chỉ có ba người làm nghề chăn chiên.
Câu 14. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Glory to God in the highest and on earth peace to those on whom his favor rests) - Bản Kinh Thánh Douay-Rheims sử dụng cách diễn đạt “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Glory to God in the highest; and on earth peace to men of good will).
Cha Haydock lý giải rằng:
Tôi đã dịch là “cho người thiện tâm (thiện chí)” với ý nghĩa: sự bình an và giao hòa sẽ được ban tặng cho loài người chiếu theo thiện tâm của họ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Các bản sao Kinh Thánh Tiếng Hy-lạp hoàn toàn ủng hộ cách diễn đạt này. Và Thánh Hồng Y Bellarmine, bị thuyết phục bởi ý nghĩa vừa nêu, đã sử dụng nó làm một trong những ví dụ điển hình cho việc: ý nghĩa thực sự của bản văn La-tinh sẽ được tìm thấy nơi bản văn Hy-lạp.
Ngoài ra, trong các bản thảo Hy-lạp đáng tin cậy nhất và phù hợp với bản La-tinh Vulgate, cách diễn đạt “cho người thiện tâm” cũng đã được sử dụng và được các nhà chú giải thời các Giáo phụ giải thích rằng: bình an được ban cho những người thiện chí, những người được định sẵn để tin và vâng theo giáo lý Tin Mừng nhờ ân sủng của Thiên Chúa.
Về vấn đề này, sau khi cân nhắc kỹ càng cùng với những người khác, tôi nghĩ rằng không có lý do hợp lý nào để bỏ đi cách diễn đạt cũ của Kinh Thánh Rheim.
Theo Nicholas xứ Lyra, sở dĩ ý chí được đặt ở vị trí ưu tiên so với bất cứ năng lực nào khác của linh hồn vì nó chính là động lực giúp dịch chuyển các phần còn lại; do đó, tính chất tốt-xấu của một hành động phụ thuộc chủ yếu vào ý chí của người thực hiện. Cũng vì điều này, các thiên thần muốn bày tỏ rằng sự bình an mà Chúa Ki-tô mang đến cho nhân loại là bình an trong tâm hồn mà nền hòa bình của đế quốc Rô-ma dưới thời Augustô là một hình ảnh phản chiếu.
Theo Giám mục Theophylact, bình an đã được ban xuống thế gian, vì bản tính con người, vốn trước đó là một kẻ thù của Thiên Chúa, đã được giao hòa và hiệp nhất trở lại với Người nhờ mầu nhiệm Nhập thể.
Theo Giám mục Cornelius Jansen thành Ghent, bài thánh ca của các thiên thần cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa một số bản sao tiếng Hy-lạp (thiện tâm giữa loài người, hoặc cho loài người) và bản sao La-tinh (cho người thiện tâm). Từ nguyên Hy-lạp εὐδοκία [eudokia] biểu thị lòng nhân từ vô vị lợi của Thiên Chúa đối với con người. Vì vậy, câu này dường như được chia thành ba phần: vinh danh Thiên Chúa, bình an dưới thế, và thiện chí cho loài người.
Theo Thánh Augustinô, biến cố Giáng Sinh của Chúa Ki-tô không đem lại sự bình an hay ơn cứu độ cho tất cả mọi người, nhưng cho những ai có thiện chí, tức là những ai muốn đón nhận, vì Người không ban điều ấy một cách trái với ý chí của họ.
Câu 19. suy đi nghĩ lại trong lòng - Theo Thánh Bê-đa, Đức Ma-ri-a đã ghi nhớ và đối chiếu những gì được thực hiện nơi mình, liên quan đến Chúa, với những gì đã được các ngôn sứ tiên báo về Người.
Mẹ suy xét trong lòng những lý lẽ của đức tin.
Câu 21. làm lễ cắt bì - Phép cắt bì này có thể được thực hiện trong Đền Thờ, hội đường hoặc bất cứ nơi nào khác. Ở đây, Đấng Cứu Thế của chúng ta đã chấp nhận phép cắt bì trong đau đớn và khiêm nhường có thể vì nhiều lý do:
1. Để bày tỏ cho thế gian tính chân thực của nhân tính nơi Người cùng với sự khác biệt giữa nhân tính và thiên tính.
2. Người đã chấp nhận phép cắt bì mà chính Người lập ra.
3. Để chứng minh rằng Người thuộc dòng dõi Áp-ra-ham.
4. Dạy chúng ta sự khiêm nhường và vâng phục, bằng cách tuân thủ lề luật mà Người vốn không bị ràng buộc.
5. Bằng cách gánh lấy lề luật, người có thể giải thoát những ai bị chi phối bởi lề luật ấy.
6. Người Do-thái sẽ không thể từ chối Người vì lý do Người chưa chịu cắt bì.
Câu 22. lễ thanh tẩy - Đức Trinh Nữ Ma-ri-a không cần đến lễ này, nhưng Mẹ đã tuân theo lề luật Do-thái một cách tự nguyện, giống như Con Mẹ đã chịu phép cắt bì.
Thánh Lawrence Justinian, Giám mục Venice, trong bài giảng của ngài về sự thanh tẩy, đã nói rằng: ân sủng đã nâng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a lên trên lề luật; nhưng Mẹ chọn cách tuân theo nó với một sự khiêm nhường. Chúa Giê-su Ki-tô, bằng cách tuân thủ luật Mô-sê, đã để lại một mẫu gương cho các nhà quý tộc và thẩm phán trong việc tuân thủ luật pháp do chính mình đặt ra; có như vậy, họ mới có thể mong đợi người khác tuân thủ.
Câu 23. Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa - Xem Xh 13,2 và Ds 8,16.
Câu 24. một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non - Loại của lễ được quy định cho tầng lớp người nghèo trong xã hội Do-thái.
Câu 25. có một người tên là Si-mê-ôn... ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en - Theo Thánh Grêgôriô thành Nyssa, niềm an ủi mà ông Si-mê-ôn mong đợi chính là sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a cùng với ơn cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và sự dữ; đó không phải là sự cứu thoát khỏi các thế lực ngoại bang theo suy nghĩ trần tục của một số người Do-thái. Những người đó cho rằng sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a là để nâng cao quyền lực của họ lên trên tất cả các vương quốc và những người mà họ đã phải khuất phục trước khi Chúa đến.
Nhiều người đã giả thuyết rằng ông Si-mê-ôn là một thầy tư tế Do-thái; tuy nhiên, những nhà chú giải sớm nhất nói rằng ông chỉ là một thường dân.
Câu 31. dành sẵn cho muôn dân - Như vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ được ban cho dân Ít-ra-en mà thôi, nhưng còn được ban cho dân ngoại, những con cái thiêng liêng của Áp-ra ham được sinh ra nhờ lời hứa.
Câu 34. làm duyên cớ - Chúa Giê-su đã đến để chuộc tội và cứu độ nhân loại; nhưng những gì ông Si-mê-ôn tiên báo sẽ xảy ra do hậu quả từ sự mù quáng và cứng tin của nhiều người. Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế gian không phải để làm cho người ta sa ngã; nhưng nhiều người, vì ngoan cố đến cùng, đã một mực từ chối đón nhận và vâng lời Con Một Thiên Chúa, bởi vậy, sẽ có dịp sa ngã.
dấu hiệu cho người đời chống báng - Điều này biểu thị rằng Chúa Ki-tô và giáo lý của Ngài sẽ giống như một dấu hiệu, hay một tấm bia chống lại những mũi tên ác ý của người Do-thái.
Vì vậy, Thánh Phao-lô nói rằng: “Đối với những người bị hư mất, chúng tôi là mùi tử khí đưa đến tử vong” (2 Cr 2,16).
Câu 35. một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà - Lưỡi gươm này chính là sự đau buồn đã làm tổn thương tâm hồn Đức Trinh Nữ Ma-ri-a khi Chúa Ki-tô chịu khổ nạn.
Cả Dionysius Carthusianus và Giám mục Cornelius Jansen thành Ghent đã chú giải đoạn văn này như sau: Kìa Đức Trinh Nữ đầy ơn phúc, Em Bé này đã được đặt làm dấu hiệu cho người đời chống báng, điều sẽ nên như thanh gươm của nỗi đau tột cùng và sẽ đâm thâu tâm hồn Bà! Nhưng một khi Chúa Giê-su Ki-tô bị chống báng, những ý nghĩ của nhiều người Do-thái sẽ lộ ra, và từ đó, có thể biết rằng, trong số họ, ai là người tốt, ai là kẻ gian ác và giả hình.
Câu 40. ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa - Lạc giáo Arius dùng câu này để chứng minh rằng Chúa Giê-su không thực sự là Thiên Chúa, Đấng có sự khôn ngoan tuyệt đối và không thể tăng thêm. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của câu này là: Chúa Giê-su, khi lớn lên về tuổi tác như con người, đã biểu lộ sự Khôn Ngoan của mình nhiều hơn; đồng thời, tự khám phá ra tri thức hoàn hảo và sự Khôn Ngoan của chính mình.
Câu 41. Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua - Câu này có vẻ như mâu thuẫn với Mt 2,22: Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Theo Thánh Augustinô, vấn đề này không khó để trả lời; bởi lẽ cha mẹ Đức Giê-su có thể dễ dàng lên Giê-ru-sa-lem vào những dịp đặc biệt như vậy mà không bị đám đông chú ý, và các ngài có thể trở về một cách âm thầm; hơn nữa, cũng chưa có ai thông báo cho chúng ta biết rằng Ác-khê-lao đã tiếp tục trị vì được bao lâu, do đó, những gì mà Thánh Lu-ca thuật lại có thể đã diễn ra sau khi ông ta đã chết.
Câu 44. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành - Có thể chúng ta sẽ thắc mắc rằng làm thế nào mà Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se lại có thể đi xa đến vậy khi lạc mất con mình; nhưng chúng ta phải lưu ý rằng khi dân Do-thái đi lên Đền Thờ từ khắp các vùng thuộc miền Giu-đê, đàn ông và phụ nữ sẽ đi theo hai đoàn riêng biệt, trong khi trẻ em có thể vô tư đi vào một trong hai đoàn. Bởi vậy, trong khi Thánh Giu-se tưởng rằng Chúa Giê-su đang đi với Mẹ Người, thì Đức Ma-ri-a lại nghĩ con trẻ đang đi cùng với Thánh Giu-se.
Câu 49. nhà của Cha con - Chúa Giê-su xác nhận rằng chỉ Thiên Chúa mới thực sự là Cha của Người.
Câu 51. hằng vâng phục các ngài - Theo Sebastião Barradas S.J., nhà truyền giáo không nói về điều gì khác liên quan đến Đấng Cứu Độ của chúng ta từ năm mười hai tuổi cho đến ba mươi tuổi, ngoại trừ việc Người hằng vâng phục Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Bằng cách này, Chúa Thánh Thần cho các Ki-tô hữu biết rằng không có gì vĩ đại và dễ mến mà họ có thể làm cho bằng việc sẵn sàng vâng phục chỉ dẫn của các đấng bề trên. Ở đây, tất cả những ai làm con cái đều được dạy về sự phục tùng và vâng lời của họ đối với cha mẹ mình.
Câu 52. ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta - Không phải Chúa Giê-su tăng thêm sự Khôn Ngoan ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời so với thời điểm Đức Ma-ri-a thụ thai, nhưng điều này được cho là bởi vì Người đã chọn cách biểu lộ những dấu hiệu ngày càng tăng về mặt trí tuệ theo tuổi đời. Trong cùng một cách thức như vậy, Người cũng tăng thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
Mặt trời, mặc dù luôn chói sáng tự bản chất ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, tuy nhiên, nó sẽ tăng thêm vẻ lộng lẫy của mình cho tới giữa trưa.