Chương 16 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu

Câu 1. phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc - Đây là hai giáo phái đối nghịch nhau về mặt giáo lý tôn giáo nhưng cùng rắp tâm hãm hại Chúa Giê-su.

Phái Xa-đốc không tin vào số phận, sự bất tử của linh hồn và sự sống đời sau, nhưng không phủ nhận ý chí tự do. Với họ, nhiệm vụ duy nhất của con người là phải tuân thủ Lề Luật. Nhóm này chỉ chiếm thiểu số trong xã hội Do-thái thời bấy giờ, bao gồm chủ yếu là những người có chức quyền hoặc tham gia vào bộ máy nhà nước. Họ bác bỏ các luật lệ bất thành văn của phái Pha-ri-sêu và chỉ tin vào Lề Luật đã được ghi chép. Tuy nhiên, họ thường buộc phải tuân thủ, ít nhất là về mặt hình thức các quy định của người Pha-ri-sêu, bởi nếu không, sẽ bị chống đối.

Ở đây, hai nhóm này đòi Chúa Giê-su một dấu lạ từ trời để thuyết phục họ rằng Người chính là Đức Ki-tô, Đấng Cứu Thế, nhưng Người đã từ chối vì biết rằng họ chỉ muốn xin cho thỏa trí tò mò và để dò xét Người. Họ không tin vào các phép lạ Người thực hiện trên thân xác người phàm và mong muốn được thấy một phép lạ với các vật thể to lớn như bầu trời hay các đám mây.

Câu 3. Cảnh sắc bầu trời - Chúa Giê-su không có ý phê phán việc dự báo thời tiết thông qua quan sát cảnh sắc thiên nhiên, nhưng Người chê trách những kẻ chỉ chú ý tới những yếu tố của tự nhiên, trong khi những điềm báo về sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a đã và đang được hoàn thành trước mắt thì họ chẳng hề hay biết.

Chúa Giê-su chính là người làm chủ vương trượng trong St 49,10; vị được xức dầu trong Đn 9,26. Các phép lạ Người làm cũng ứng nghiệm Is 29,18; 35,5-6; 61,1. Ngoài ra, còn có rất nhiều bằng chứng xác thực rằng Người là đấng Mê-si-a như: lời của các thiên sứ nói với các mục đồng ở Bê-lem, ngôi sao lạ dẫn đường cho ba nhà chiêm tinh, chứng từ của Chúa Cha và Thần Khí tựa hình dáng chim bồ câu hạ xuống khi Người chịu phép rửa, lời chứng của Gio-an Tẩy Giả về Người,...

Câu 5-7. Các môn đệ theo Chúa nhiệt thành đến nỗi quên đem theo cả bánh, thứ lương thực thiết yếu mà người Do-thái thời bấy giờ thường mang khi đi đường. Cũng có một số người cho rằng các ông đã phân phát hết bánh mình có cho những người nghèo khổ và quên chưa chuẩn bị thêm cho hành trình tiếp theo. Khi Chúa nói về men Pha-ri-sêu và men Xa-đốc, các ông hiểu nhầm rằng Người dặn các ông không được ăn bánh của họ.

Câu 14. Người Do-thái, chẳng hạn như Hê-rô-đê An-ti-pa, nghĩ Chúa Giê-su là ông Gio-an vì Người làm nhiều phép lạ (Mt 14,2).

Một số khác nghĩ Người là ông Ê-li-a vì: (1) Theo lời ngôn sứ Ma-la-khi, ông Ê-li-a sẽ trở lại (Ml 3,23); ông Ê-li-a là người được Thiên Chúa đưa lên trời trong cơn gió lốc - (2 V 2,11). (2) Chúa Giê-su làm nhiều phép lạ lớn lao. Ông Ê-li-a cũng nhờ Danh Đức Chúa mà làm được những việc lạ lùng. (3) Vì lòng can đảm và nhiệt thành của Người khi rao giảng sự thật.

Một số khác lại nghĩ rằng Người là ngôn sứ Giê-rê-mi-a vì sự thánh thiện và tình yêu Người dành cho anh em mình. Ông Giê-rê-mi-a là người được Chúa thánh hóa ngay khi ông còn trong lòng mẹ (Gr 1,5), ông hằng yêu mến anh em đồng bào mình, cầu nguyện nhiều cho toàn dân và tất cả Thành Thánh (2 Mcb 15,14).

Và cũng có người nghĩ Chúa Giê-su là một vị ngôn sứ nào đó.

Câu 15. anh em bảo Thầy là ai - Chúa Giê-su muốn biết suy nghĩ của các môn đệ, những người luôn ở cùng Người, chứng kiến các phép lạ Người làm và cũng làm được các phép lạ nhân danh Người. Dân Do-thái chỉ dám e dè dành cho Người những tước hiệu không tương xứng với thiên tính của Người, nhân dịp này, Chúa muốn thử xem các môn đệ có nhận biết Người hơn họ hay không.

Câu 16. Thánh Phê-rô, người đứng đầu trong số các tông đồ, người trổi vượt trên các anh em mình về sự nhiệt tình, không do dự; và thay mặt tất cả, ông tuyên bố: Thầy là Đấng Ki-tô, Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Người không phải một người phàm, cũng không phải chỉ là một ngôn sứ đơn thuần như các ngôn sứ khác, Người là Con của Thiên Chúa Hằng Sống, không phải con nuôi hay tước hiệu con nhờ ân sủng như các thánh, nhưng Người là Con đích thực của Thiên Chúa.

Câu 17. Dĩ nhiên, Chúa Giê-su là tảng đá góc tường của Giáo Hội, nhưng Người cũng đặt Thánh Phê-rô và các tông đồ là những tảng đá làm nền móng (x. Ep 2,24).

Câu 18. chìa khóa Nước Trời - Đây là cách nói ẩn dụ của Chúa Giê-su để chỉ quyền lực tối cao và đặc quyền mà Người dành riêng cho vị thủ lãnh trong số các tông đồ, đó là Thánh Phê-rô và các Giáo Hoàng kế vị ông.

dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy - Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, mặc dù Thánh Phê-rô và những người kế vị của ông đều là phàm nhân, tuy nhiên, họ vẫn được ban cho quyền lực trên trời. Điều đó không có nghĩa là họ có thể đảo ngược bản án của sự sống và cái chết, nhưng những gì họ tuyên bố được coi là một câu trả lời có tính thần linh từ Thiên đàng, và những gì ông quyết định cũng là một mệnh lệnh từ Thiên Chúa.

Sự ràng buộc hay tháo cởi của Giáo Hội được thể hiện rõ nét ở một số quyền như:

1. Quyền từ chối tha tội.

2. Yêu cầu tội nhân sám hối để được ơn tha thứ.

3. Ra vạ tuyệt thông (dứt phép thông công), đình chỉ tạm thời hoặc huyền chức linh mục (treo chén).

4. Đưa ra các quy tắc và bộ luật cho các cơ quan của Giáo Hội.

5. Xác định những điều thuộc về đức tin thông qua phán quyết và định nghĩa của Giáo Hội.

Câu 20. Có nhiều lý do khiên Chúa Giê-su cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô. Thứ nhất, để tránh sự ghen tức của các kinh sư và biệt phái. Thứ hai, Người cũng không muốn tìm kiếm vinh quang cho riêng mình, nhưng là cho Chúa Cha. Thứ ba, Người muốn dân Do-thái tự cảm nhận Người là Đấng Mê-si-a một cách khách quan dựa vào các phép lạ và những điều Người giảng dạy chứ không phải từ lời chứng của những người thân cận với mình. Cuối cùng, bởi vì thời gian của Người chưa đến, các tông đồ chưa được chuẩn bị đầy đủ cho sứ vụ rao giảng và vẫn còn quá sớm để nhiều người Do-thái có thể lắng nghe và chấp nhận sự thật lớn lao này.

Ngoài ra, có quan điểm cho rằng việc các môn đệ tiết lộ Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô có thể cản trở Cuộc Thương Khó của Người.

Câu 21. Từ lúc đó - Sau khi các môn đệ đã biết và tin chắc rằng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Người tiếp tục tiết lộ tiếp cho các ông rằng: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.

Câu 23. Thánh Phê-rô, một cách vô tình hoặc cố ý, đã không muốn Chúa Giê-su bước vào Cuộc Thương Khó. Suy nghĩ này thể hiện một sự chống đối nghịch lại ý định của Thiên Chúa, vinh quang của Chúa Giê-su, Ơn Cứu Chuộc cho loài người và án phạt dành cho ma quỷ. Ông không hiểu rằng không có gì vinh quang hơn là biến cuộc sống của một người thành sự hy sinh cho Chúa.

Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa - Những người ly giáo đã viện vào câu này để cho rằng Chúa Giê-su đã không chọn Thánh Phê-rô làm tảng đá vững chắc và lâu dài cho Giáo Hội. Vì thế, họ bác bỏ thẩm quyền Giáo Hoàng của ngài và những người kế vị. Tuy nhiên, kết luận này là không đúng, bởi theo những gì mà Thánh Augustinô và các nhà thần học khẳng định, dù Thánh Phê-rô có thể sai lầm trong những điểm liên quan đến luân lý hay các sự kiện, thì ông cũng không bị nhầm lẫn trong việc xác định hay quyết định các điểm liên quan đến đức tin.

Hơn nữa, theo Thánh Giê-rô-ni-mô, ở thời điểm này, Thánh Phê-rô chưa được chỉ định là trụ cột của Giáo hội mà phải đến sau khi Chúa Ki-tô Phục Sinh. Đêm trước Cuộc Thương Khó, Người nói với ông: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32). Như vậy, Chúa đã nhìn thấy trước sự yếu đuối của ông, nhưng sau khi trở lại, ông sẽ làm cho anh em mình trở nên vững mạnh hơn bao giờ hết.

Câu 24. Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo - Ở đây, Chúa Giê-su muốn nói với Thánh Phê-rô rằng ông đừng lầm tưởng sẽ nhận được ngay những vinh quang lớn lao vì đã tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Đừng xem lời tuyên xưng đó là điều kiện đủ cho ơn cứu độ và tưởng rằng những ngày tháng còn lại của cuộc đời sẽ được vui thú, an nhàn. Vì, mặc dù nhờ quyền năng, với tư cách là Con Thiên Chúa, Người có thể giải thoát ông khỏi mọi khó khăn và nguy hiểm, nhưng vì lợi ích của ông, Người sẽ không làm điều này. Người muốn ông tự làm cho mình xứng đáng với những vinh quang và phần thưởng lớn lao hơn.

Câu 25. ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy - Nếu ai, vì vinh hoa, lợi lộc đời này mà bỏ bê việc bổn phận đối với tha nhân, làm những chuyện trái với lương tâm để có của cải và sống sa hoa, thì sẽ không được sự sống đời đời. Ngược lại, ai hy sinh của cải, thời giờ, sức lực, trí khôn đời này cho việc giúp đỡ tha nhân và phụng thờ Thiên Chúa, người đó sẽ được hưởng sự sống đời đời.

Câu 28. trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị - Một số người cho rằng lời tuyên bố này được hoàn thành trong trình thuật Chúa Giê-su biến hình trên núi ở chương tiếp theo. Những người khác thì hiểu sự hiển trị mà Chúa nói đến là vinh quang của Người và của Giáo Hội mà Người thiết lập từ các tông đồ sau khi Phục Sinh và Lên Trời.

Chương 15Chương 17
Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mác-cô