Chương 7 - Chú giải Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu
Câu 1. đừng xét đoán - Đừng vội vàng lên án hay phán xét người khác kẻo chính bạn sẽ bị kết án.
Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, Chúa Giê-su không cấm chúng ta phán xét, nhưng dạy chúng ta phải phán xét sao cho đúng đắn. Trong trường hợp điều đó không liên quan gì đến chúng ta, đừng phán xét. Nếu sự việc không được giải thích rõ ràng, đừng lên án.
Đối với các thẩm phán và bề trên, những người có chức vụ và nhiệm vụ phải phán xét lỗi lầm của người khác, cần dựa vào bằng chứng xác thực và phải luôn nghiêng về phía lòng thương xót nhằm tìm ra các tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội. Những nết xấu không thể che đậy và những tội nhân bị buộc tội với chứng cứ rõ ràng cần phải bị mọi người lên án và khiển trách.
Hãy luôn đặt hành động của người khác dưới cái nhìn thiện chí nhất có thể. Chúa cho phép chúng ta phán xét những hành động thực hiện bởi ý đồ xấu, còn với những hành động do vô ý, hãy phán xét cách khoan hồng nhất.
Ngoài ra, có hai điều cần đặc biệt cảnh giác khi phán xét:
1. Khi nhìn nhận một hành động, đừng đoán mò không có cơ sở về ý định của người thực hiện.
2. Chớ cho rằng một người có vẻ ngoài hung dữ thì không thể là người tốt.
Câu 2. anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy - Đây là một chân lý mà Thiên Chúa bày tỏ cho chúng ta. Hãy kìm hãm sự tự do của mình để không phán xét người khác một cách tùy tiện. Việc chúng ta nhìn nhận hành động của người khác với lòng khoan dung và bào chữa cho ý định của họ với sự nhẹ nhàng, hoặc ngược lại, đánh giá họ với sự hà khắc, lên án họ không thương tiếc, sẽ quyết định cách Thiên Chúa phán xét chúng ta thế nào. Vì sự tha thứ cho tội lỗi của chúng ta tương xứng với sự tha thứ mà chúng ta dành cho người khác, nên sự phán xét của chúng ta cũng sẽ tương ứng như vậy.
Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, nếu người phạm lỗi biết hối hận, chúng ta đừng trách móc hay chửi rủa anh ta vì việc đã làm, nhưng hãy nhẹ nhàng khuyên nhủ. Hãy nhớ rằng ta đang sửa lỗi người anh em chứ không phải trả thù kẻ gây thiệt hại cho mình. Hãy hành xử như một bác sĩ, chữa trị bênh nhân bằng phương pháp thích hợp, giúp đỡ anh ta bằng những lời khuyên khôn ngoan và củng cố anh ta trong tình yêu của Thiên Chúa.
Câu 3. cái rác - cái xà - Đây là cách nói ẩn dụ về tội nhẹ và tội trọng.
Câu 5. Hãy sửa chữa những tội trọng của mình trước rồi hẵng nghĩ tới việc sửa dạy những tội nhẹ của người khác.
Câu 6. Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em - Đừng đem Lời Chúa và những gì là thánh thiện mà dạy cho những người vô đạo, phạm thánh và bất xứng, vì họ sẽ phủ nhận và chà đạp những điều thiêng liêng đó, rồi quay lại giễu cợt, phỉ báng chúng ta.
Những mầu nhiệm thiêng liêng chớ trao cho những người không được Thánh Thần soi sáng. Chúng ta cũng không hiệp thông tôn giáo với bất cứ người nào thùnghịch với chân lý của Chúa Ki-tô, bởi lẽ họ sẽ đem chân lý của Người mà giẫm đạp dưới chân và hành xử một cách khinh miệt.
Câu 7. Sau khi giảng cho các môn đệ về những chân lý cao đẹp và dạy họ những điều răn không hề dễ dàng, để họ không nản lòng, Chúa Giê-su đã cho họ biết: “Anh em cứ xin thì sẽ được”.
Khi dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, chúng ta hãy học hỏi mẫu gương vua Sa-lô-môn (1 V 3,5-15), ông đã cầu xin cho mình một tâm hồn biết lắng nghe và Chúa đã ngay lập tức nhận lời. Chẳng những vậy, Người còn ban cho ông cả những điều tốt đẹp mà ông không kêu xin Người. Vậy nên, trong bất cứ lời cầu nguyện nào, hãy dâng lên Chúa trong sự kiên trì, sốt sắng, và dĩ nhiên, ý cầu xin phải là những điều đẹp lòng Người.
Thánh Gia-cô-bê viết:
Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách. Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm (Gc 1,5-8).
Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc (Gc 4,3).
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khiến nhiều người xin mà không được. Đó là:
1. Họ xin điều xấu và Thiên Chúa dĩ nhiên sẽ không nhận lời, vì Người không phải là tác giả của tội lỗi. Thậm chí, hành động cầu xin đó còn là một sự xúc phạm đến Người.
2. Dù điều họ xin không xấu, nhưng họ xin để phục vụ ý đồ bất chính (Gc 4,3).
3. Họ cầu nguyện, nhưng chính bản thân họ lại là kẻ gian ác. Và “Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi” (Ga 9,31).
4. Họ cầu nguyện mà không có niềm tin, hay cầu nguyện với một đức tin yếu đuối và dao động (Gc 1,6-8).
5. Mặc dù điều họ xin là tốt, nhưng Thiên Chúa từ chối để ban cho họ một ân huệ lớn hơn.
6. Bởi vì Chúa muốn chúng ta kiên trì như chính Người đã hướng dẫn trong dụ ngôn người bạn quấy rầy (Lc 11,5-8); và như vậy, chúng ta sẽ biết quý trọng điều Người ban hơn.
7. Không phải lúc nào Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta điều ta cầu xin, bởi theo Thánh Augustinô, Người thường không ban những điều ta thỉnh cầu, nhưng ban những điều hữu ích và sinh hoa lợi.
Câu 8. Khi chúng ta xin bất cứ điều gì có lợi cho phần rỗi của mình với một sự sốt sắng, kiên trì và khiêm tốn, nhất định Chúa sẽ ban cho chúng ta vào những lúc thích hợp. Còn nếu xin như vậy mà không được, thì chúng ta nên hiểu rằng điều ta xin không có lợi gì cho phần rỗi đời đời.
Câu 9-11. Có nhiều người vì mặc cảm tội lỗi nên không dám cầu xin Chúa điều gì, nhưng đừng nghĩ như vậy. Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương và dù bạn phạm tội gì cũng không được ngã lòng trông cậy vào Người. Người sẽ luôn sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi nếu bạn biết ăn năn, sám hối.
Câu 12. vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó - Tất cả Lề Luật từ trước tới nay đều được gói gọn trong quy tắc vàng này: những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ luôn có được mối tương quan tốt và chu toàn bổn phận với những người xung quanh. Hoàng đế Rô-ma Alexander Severus (208-235) đã nói rằng ông quý trọng các Ki-tô hữu chính vì nguyên tắc sống này.
Câu 13-14. Ý nghĩa ẩn dụ của lời dạy này đã quá quen thuộc với chúng ta. Số người tin Chúa và chọn phần thưởng Nước Trời thay vì chạy theo những sự thế gian luôn là số ít, thậm chí chỉ ở mức rất ít. Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Chúa nói “ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,30), mà số người đi theo Người lại không nhiều, chẳng lẽ họ thích làm khó mình hay sao? Và nếu đã là êm ái, nhẹ nhàng, thì tại sao Chúa lại gọi đó là cửa hẹp?
Để có câu trả lời, chúng ta phải xét vấn đề theo hai cái nhìn khác nhau.
Nếu bạn chọn đi theo Chúa, bạn nhận được ân sủng và bình an đích thực nơi Người. Người sẽ luôn soi sáng cho bạn và bạn dễ dàng đưa ra mọi chọn lựa đúng đắn trong cuộc sống. Tâm tưởng của bạn sẽ được hướng theo những điều có lợi cho phần rỗi đời đời, thay vì chiều theo các đam mê, dục vọng và ước muốn xấu. Khi hành xử ở đời theo những gì Người dạy, bạn cảm thấy tâm hồn luôn vui vẻ, bình an ngay cả khi phải chịu đựng gian khổ, bất công, bắt bớ, bách hại, sỉ vả, lăng nhục, hay thậm chí giết hại. Nhờ đức công chính Chúa ban, bạn thư thái và cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải bon chen, lọc lừa, dối trá, hay giở mọi thủ đoạn để có được giàu sang, danh giá hão huyền. Do đó, có thể nói, việc theo Chúa với bạn là điều êm ái và nhẹ nhàng. Còn với những người không tin Người, họ sẽ cho lối sống của bạn là điên rồ và khờ dại. Với họ, chân lý của Chúa như những cánh cửa hẹp khó đi qua, những cái ách nặng nề mà họ không mang nổi. Những người như vậy luôn luôn chiếm số nhiều.
Câu 15. đội lốt chiên - Hãy coi chừng những kẻ đạo đức giả, những kẻ xuất hiện với vẻ ngoài tôn nghiêm và đem theo thứ tri thức phỉnh gạt. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.
Các nhóm lạc giáo là một ví dụ điển hình. Họ thường xuất hiện trong dáng vẻ của những người nhiệt thành và thánh thiện, họ tự gọi mình là các nhà truyền giáo, các thầy dạy hay những người hiểu rõ về Phúc Âm. Họ thậm chí tự nhận mình là Chúa Giê-su tái thế, một Đấng Cứu Độ mới, hay một nhân vật đặc biệt nào đó được Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a mặc khải, báo mộng để đi loan báo điều nọ điều kia, và người ta phải theo họ thì mới được cứu độ. Đáng buồn là đã có không ít người u mê bị họ phỉnh gạt. Những người nhẹ dạ này thường bị lôi cuốn vào những thị kiến được thêu dệt, những điều bí ẩn và các dấu hiệu, điềm báo về Ngày tận thế mà họ vẽ ra.
Hãy nhớ rằng Giáo Hội là sự kế thừa duy nhất và liên tục từ các Tông Đồ, được Chúa Giê-su thiết lập trên nền tảng là Thánh Phê-rô. Ngoài Chúa Giê-su ra, không còn Đấng Cứu Độ nào khác. Việc Ngày tận thế đến ngay bây giờ, hay ngày mai, hay hàng ngàn năm sau, cũng không quan trọng cho bằng việc luôn luôn tỉnh thức với một đời sống thánh thiện và tránh xa tội lỗi.
Hãy coi chừng các ngôn sứ giả. Họ nguy hiểm hơn nhiều so với người Do-thái thời Chúa Giê-su. Họ thậm chí xuất hiện giống như một phần của Ki-tô Giáo, cũng xây “nhà thờ” và ban các “bí tích”,... nhưng tất cả đều là giả trá. Họ là những con sói dữ mà Thánh Phao-lô đã cảnh tỉnh: “tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng” (Cv 20,29-30). Học giả Ôrigiênê gọi họ là cánh cổng đưa tới sự chết và con đường dẫn xuống hỏa ngục.
Câu 16. Giáo Hội được biết đến với 4 đặc tính: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; những điều này không có ở các bè lạc giáo, và thứ giáo lý có vẻ mới lạ mà họ giảng dạy chỉ dẫn đến những hậu quả tai hại. Những người này đã tự tách mình khỏi Giáo Hội ban đầu vì không muốn phục tùng cách khiêm nhường trước uy quyền do Chúa Ki-tô thiết lập, và ngay giữa họ cũng dần có sự chia rẽ như một hệ quả tất yếu. Với những kẻ đến “Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,17), họ là “những kẻ khinh dể chủ quyền của Chúa” (2 Pr 2,10). Vì lòng kiêu căng, bất phục tùng, họ không ngần ngại đưa ra những giáo lý sai lạc và phạm thánh. Họ sẵn sàng phạm giáo luật, cũng như phớt lờ luật pháp dân sự.
Những người tự gọi mình là các nhà cải cách vào đầu thế kỷ XVI là một ví dụ. Họ đã tạo ra những cuộc chiến đẫm máu ở Đức. Ở Thụy Sĩ, John Calvin (1509-1564) và những người theo ông, dưới cái tên Hugonots, đã lật đổ chính quyền Geneva; đày đọa nước Pháp trong một thời gian dài với các cuộc tàn sát, nội chiến và thường xuyên làm rung chuyển ngai vàng của hoàng đế.
Ở nước Anh, nguyên nhân đầu tiên khiến nó tách khỏi Giáo Hội Hoàn Vũ là nỗi đam mê không kiềm chế được của bạo chúa Henry VIII (1509-1547), việc rời bỏ Giáo Hội giúp ông ta dễ dàng bỏ vợ, ngoại tình và sát hại liên tiếp các hoàng hậu mà ông ta ngoại tình sau đó. Trong triều đại tiếp theo, Edward VI (1537-1553), người bị thao túng bởi giới quý tộc tham nhũng, đã duy trì việc tách khỏi Giáo Hội Công Giáo. Không những vậy, ông ta còn đi xa hơn khi thiết lập những gì được gọi là cải cách: hủy bỏ quy định độc thân của hàng giáo phẩm, bãi bỏ lễ Mi-sa và buộc phải sử dụng Anh ngữ trong các thánh lễ. Trước khi qua đời ở tuổi 15, Edward và Hội đồng Nhiếp chính đã phác thảo một kế hoạch quy định quyền kế vị nhằm ngăn chặn việc đưa nước Anh trở lại với Công Giáo. Chính những quyết định đó đã ảnh hưởng đến các triều đại tiếp theo. Elizabeth I (1533-1603), người con ra đời từ cuộc hôn nhân bất hợp pháp của Henry VIII và Anne Boleyn đã duy trì việc thực thi Anh Giáo.
Hậu quả mà các bè lạc giáo mọi thời đại gây ra luôn là sự chia rẽ Ki-tô Giáo thành vô số những nhóm, phái nhỏ lẻ với đức tin lệch lạc, bị bóp méo và tô vẽ tùy tiện bởi những người sáng lập. Những tín điều về Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a bị họ xuyên tạc; giáo lý về tội lỗi và sám hối bị họ hạ thấp nhằm phục vụ cho lối sống phóng túng, hời hợt; các bí tích, niềm tin thiêng liêng bị họ cho là sai lầm và bãi bỏ. Những “Ki-tô hữu” theo quan điểm của họ ngoài danh xưng tự phong ra thì chẳng khác nào dân ngoại. Những “Ki-tô hữu” này sẵn sàng quay lại nói xấu, chống báng và thậm chí bách hại người Công Giáo - điều này không có gì lạ vì chính cha ông của họ cũng đã làm như vậy, như Robespierre (1758-1794), Marat (1743-1793) và phái Jacobin, những kẻ đã đàn áp và đưa lên máy chém những người Công Giáo bị họ coi là phản cách mạng.
Câu 17. Đừng hiểu nhầm ý nghĩa câu này là một người xấu sẽ không bao giờ làm được việc gì tốt, nhưng chừng nào anh ta còn ở trong tình trạng tội lỗi, anh ta không thể làm được một điều đáng khen nào.
Câu 18. Cũng không phải một người tốt thì sẽ không bao giờ làm điều xấu nào. Sự tốt xấu ở đây nên hiểu là tình trạng chứ không phải bản chất vĩnh viễn không thể thay đổi được. Khi một người quen làm điều xấu bắt đầu làm việc tốt, họ cũng sẽ thành cây tốt và ngược lại.
Câu 21. Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng không phải cứ ai kêu “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời, nhưng họ cần phải làm những công việc để thể hiện đức tin của mình nữa. Bởi lẽ những người không có niềm tin cũng có thể kêu lên “Ôi Chúa tôi!”. Có đức tin mà không có hành động thì cũng không thể được cứu độ (x. 1 Cr 13; Gc 2,14-26).
Câu 22-23. nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ - Đây là những việc làm lớn lao dưới con mắt người Do-thái, nhưng những khả năng này đôi khi cũng được thấy ở những người tội lỗi, như Cai-pha của Tân Ước, hay Bi-lơ-am của Cựu Ước (Ds 22). Với người Do-thái thời bấy giờ, nói tiên tri không phải chỉ là việc nói trước về tương lai, nhưng còn bao gồm tất cả các công việc giảng dạy, giải thích Kinh Thánh, rao giảng cho dân chúng,... Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng các việc đó đều là vô nghĩa cho ơn cứu độ, nếu người thực hiện không làm với đức tin và không vì mục đích tốt đẹp.
Hãy nhớ rằng khả năng làm phép lạ được ban cho một người không phải vì lợi ích của anh ta, nhưng là vì lợi ích của người khác. Đừng ngạc nhiên khi những người tội lỗi cũng có thể làm phép lạ hay những việc phi thường. Những khả năng kỳ diệu đó chỉ đáng tự hào nếu nó được làm với đức tin và đức mến. Bi-lơ-am, một kẻ giả dối, tham lam và không có đức tin vẫn nói được sấm ngôn. Các vua dân ngoại như Pha-ra-ô (St 41), Na-bu-cô-đô-nô-xo (Đn 1) vẫn được Thiên Chúa báo mộng về tương lai trong những thời điểm thích hợp. Và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, ngời bán Chúa lấy 30 đồng bạc cũng đã từng là tông đồ có khả năng trừ quỷ.
Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô kết luận:
Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì (1 Cr 13,1-2).
Câu 24. Những ai biết lắng nghe Lời Chúa mà đem ra thực hành sẽ có đức tin vững chắc và chịu được mọi thử thách, cám dỗ. Còn ai chỉ nghe mà không đem ra thực hành thì đức tin của họ sẽ yếu đuối, hời hợt và không bền chí đến cùng.
Câu 28. Khi Chúa Giê-su giảng dạy, Người thường nói “Thầy bảo cho anh em biết” chứ không phải nhân danh Mô-sê mà nói với họ, vì Người là Đấng có thẩm quyền. Người kiện toàn Lề Luật và chính Người là Đấng ban Lề Luật mới. Còn các kinh sư là những người thỏa mãn với Luật Mô-sê. Họ chỉ biết dập khuôn và truyền lại nguyên văn những gì viết trong sách luật.