ĐOẠN THỨ NHẤT: KINH NGUYỆN TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU (2558-2758)
2558
“Mầu nhiệm đức tin thật là cao cả.” Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm ấy trong Tín biểu các Tông Đồ (Phần I) và cử hành trong phụng vụ bí tích (Phần II) để đời sống của các tín hữu nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần hầu tôn vinh Thiên Chúa Cha (Phần III). Vậy mầu nhiệm này đòi buộc các tín hữu phải tin, phải cử hành và phải sống mầu nhiệm ấy trong tương quan sống động và cá vị với Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Tương quan này là cầu nguyện.
“Đối với tôi, cầu nguyện là sự hướng lòng lên, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là tiếng kêu tri ân và yêu mến cả trong cơn thử thách lẫn trong lúc vui mừng.”1
Cầu nguyện là gì? (2559-2565)
Cầu nguyện xét như hồng ân của Thiên Chúa (2559-2561)
25592613 / 2763
“Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là cầu xin Thiên Chúa ban cho những điều xứng hợp.”2 Chúng ta cầu nguyện từ vị trí nào? Từ chỗ cao của tính kiêu căng và ý riêng của chúng ta, hay “từ vực thẳm” (Tv 130,1) của một trái tim khiêm nhường và thống hối? Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.3 Khiêm nhường là nền tảng của cầu nguyện. “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26). Khiêm nhường là thái độ đón nhận cách nhưng không hồng ân cầu nguyện: trước mặt Thiên Chúa, con người là kẻ ăn xin.4
2560
“Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban!” (Ga 4,10). Sự kỳ diệu của việc cầu nguyện được mặc khải ngay bên bờ giếng, nơi chúng ta đến tìm nước cho mình. Nơi đó, Đức Kitô đến gặp mọi người; Người đi bước trước trong việc tìm chúng ta và xin nước uống. Chúa Giêsu khát; lời xin của Người xuất phát từ cõi sâu thẳm của Thiên Chúa, Đấng khát mong chúng ta. Cầu nguyện, dù chúng ta có biết điều này hay không, là cuộc gặp gỡ giữa sự khao khát của Thiên Chúa với sự khao khát của chúng ta. Thiên Chúa khát khao chúng ta khao khát Ngài.5
2561
“Hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10). Lời cầu xin của chúng ta, một cách nghịch lý, lại là một lời đáp. Là lời đáp lại tiếng than trách của Thiên Chúa hằng sống: “Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước” (Gr 2,13); là lời đáp của đức tin trước Lời hứa ban ơn cứu độ cách nhưng không;6 là lời đáp của tình yêu trước nỗi khát khao của Người Con duy nhất.7
Cầu nguyện xét như Giao Ước (2562-2564)
2562
Lời cầu nguyện của con người xuất phát từ đâu? Cho dù cầu nguyện được diễn tả cách nào (qua cử chỉ và lời nói), cũng là trọn cả con người cầu nguyện. Nhưng để chỉ nơi xuất phát việc cầu nguyện, Sách Thánh đôi khi nói đến linh hồn hoặc tinh thần, nhưng thường nhất - hơn một nghìn lần - nói đến trái tim. Chính trái tim cầu nguyện. Nếu trái tim vẫn còn xa Thiên Chúa, thì lời cầu nguyện là vô ích.
25632699 / 1696
Trái tim là nơi ta ở, nơi ta cư ngụ (theo cách nói của người Sêmít hay của Thánh Kinh: nơi ta “bước xuống”). Trái tim là nơi thầm kín của chúng ta mà lý trí của chúng ta cũng như của kẻ khác không thể thấu hiểu được; chỉ có Thần Khí Thiên Chúa có thể thăm dò và biết được nó. Trái tim là nơi diễn ra quyết định, trong cõi sâu thẳm nhất của các xu hướng tâm thần của chúng ta. Đó là nơi của chân lý, nơi chúng ta chọn lựa giữa sự sống và sự chết. Đó cũng chính là nơi để gặp gỡ, bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên chúng ta sống (là sống) trong tương quan: trái tim là nơi của giao ước.
2564
Cầu nguyện Kitô Giáo là một tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô. Đó là hành động của Thiên Chúa và hành động của con người. Lời cầu nguyện xuất phát từ Chúa Thánh Thần và từ chúng ta, hoàn toàn hướng về Chúa Cha, trong sự kết hợp với ý chí nhân loại của Con Thiên Chúa làm người.
Cầu nguyện xét như hiệp thông (2565)
2565260 / 792
Trong Giao Ước Mới, cầu nguyện là mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha vô cùng nhân hậu của mình, với Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần. Ân sủng của Nước Trời là “sự kết hợp của toàn thể Ba Ngôi Chí Thánh... với toàn thể tâm trí con người.”8 Như vậy, sống cầu nguyện là luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa Chí Thánh và trong sự hiệp thông với Ngài. Việc hiệp thông sự sống này lúc nào cũng có thể thực hiện được, vì nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta đã nên một với Đức Kitô.9 Sự cầu nguyện mang đặc tính Kitô Giáo khi đó là sự hiệp thông với Đức Kitô và được triển nở trong Hội Thánh là Thân Thể Người. Các chiều kích của cầu nguyện cũng chính là những chiều kích của tình yêu Đức Kitô.10
Đề mục
Mục 1: Trong Cựu Ước (2568-2597)
Mục 2: Khi thời gian viên mãn (2598-2622)
Mục 3: Trong thời của Hội Thánh (2623-2649)
CHƯƠNG II: TRUYỀN THỐNG CẦU NGUYỆN (2650-2696)
Mục 1: Những nguồn mạch của kinh nguyện (2652-2662)
Mục 2: Con đường cầu nguyện (2663-2682)
Mục 3: Những người hướng dẫn cầu nguyện (2683-2696)
CHƯƠNG III: ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN (2697-2758)
Mục 1: Những cách diễn đạt việc cầu nguyện (2700-2724)
Chú thích
1 Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Manuscrit C, 25r: Manuscrits autobiographiques (Paris 1992) 389-390.
2 Thánh Gioan thành Đamát, Expositio fidei, 68 [De fide orthodoxa 3, 24]: PTS 12,167 (PG 94,1089).
3 X. Lc 18,9-14.
4 X. Thánh Augustinô, Sermo 56, 6, 9: ed. P. Verbraken: Revue Bénédictine 68 (1958) 31 (PL 38,381).
5 X. Thánh Augustinô, De diversis quaestionibus octoginta tribus, 64, 4: CCL 44A, 140 (PL 40,56).
6 X. Ga 7,37-39; Is 12,3; 51,1.
7 X. Ga 19,28; Dcr 12,10; 13,1.
8 Thánh Grêgôriô thành Nazien, Oratio 16, 9: PG 35,945.
9 X. Rm 6,5.
10 X. Ep 3,18-21.