Enchiridion Symbolorum

Enchiridion Symbolorum, definitionum et declarationum de rebus fidei et morum

Tuyển tập các Tín biểu, các Định tín và tuyên bố về đức tin và luân lý


Giới thiệu

Cuốn sách này là bản tổng hợp tất cả các bản văn của Giáo Hội về các vấn đề thần học và luân lý Công Giáo khởi từ thời đại các Tông đồ cho đến thời hiện đại. Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1854, nó đã trải qua 43 lần xuất bản và được cập nhật thường xuyên kể từ đó cho đến nay.

Nội dung cuốn sách bao gồm hai phần: phần thứ nhất tổng hợp các “bản tuyên tín”, hay lời tuyên xưng đức tin, kể từ đầu thời đại các Tông đồ cho đến thế kỷ V; phần thứ hai ghi chép lại các “Các văn kiện của Huấn quyền Hội Thánh” theo trình tự thời gian, khởi từ triều đại Đức Giáo Hoàng Clêmentê I (92-99/101?) và tiếp tục cho đến triều đại Đức Bênêđíctô XVI (2005-2013) [ấn bản thứ 43].

Người đưa ra ý tưởng và thực hiện việc biên tập ấn bản đầu tiên là cha Heinrich Joseph Dominicus Denzinger (1819-1883), giáo sư thần học tín lý tại Würzburg, Đức; do đó, ký hiệu viết tắt ban đầu của cuốn sách là Dz. Trong ấn bản đầu tiên này, cha Denzinger đã tập hợp bản dịch tiếng Latinh của khoảng 100 văn kiện giáo hội, bao gồm các bản tuyên tín, các sắc lệnh và tuyên ngôn của các Công đồng (cả Công đồng riêng và Công đồng chung), cùng với các sắc lệnh giáo hoàng kể từ triều đại Đức Clêmentê I đến triều đại Đức Piô IX. Cha Denzinger đã giám sát tổng cộng năm lần xuất bản trước khi qua đời và đã mở rộng việc chọn lọc để đưa vào các trích đoạn từ Thông điệp Quanta cura [Hết sức quan tâm] năm 1865 của Đức Piô IX (cùng với bản “Syllabus” [“Quyết nghị”] của ngài), cũng như các trích đoạn từ Công đồng Vaticanô I. Tuy nhiên, không có bản văn nào từ Công đồng Trentô được cha đề cập đến.

Sau khi cha Denzinger qua đời, công việc phát triển các ấn bản thứ 6 đến 9 được chuyển giao cho cha Ignaz Stahl (1839-1902), giáo sư thần học danh dự tại Đại học Würzburg. Dưới thời cha Stahl, số lượng tài liệu được liệt kê trong Dz đã tăng lên 155 với sự bổ sung các văn kiện từ Công đồng Trentô, các hiến chế của Công đồng Vaticanô I cùng nhiều Thông điệp từ các Đức Giáo Hoàng. Sau khi cha Stahl qua đời, vào năm 1905, việc sản xuất tất cả các ấn bản Dz tiếp theo đã được chuyển giao từ NXB Oskar Stahel sang NXB Herder.

Trong giai đoạn 1908-1921, việc giám sát các ấn bản thứ 10 đến 13 thuộc về cha Clemens Bannwart S.J. (1873-1937) và cha Johannes Baptist Umberg S.J. (1875-1959) (trong vai trò trợ lý). Tận dụng thành quả từ những nghiên cứu uy tín trong thời của mình, cha Bannwart đã sửa lại toàn bộ phần đầu của Dz về các tín biểu và tiến hành sắp xếp lại mục lục hệ thống ra mười danh mục, chính sự phân loại này đã được sử dụng trong phần lớn các cuốn sổ tay về thần học tín lý cho đến tận Công đồng Vaticanô II.

Kể từ ấn bản thứ 14 đến 27 (1922-1951), cha Umberg được xác định là người biên tập tiếp theo của Dz. Là một chuyên gia về thần học bí tích, cha Umberg đã đưa vào cuốn sách nhiều văn kiện thuộc lĩnh vực này, cũng như bổ sung thêm những tham chiếu từ Bộ Giáo luật 1917, đồng thời, đưa trở lại mục lục một phần nội dung về thần học luân lý và sắp xếp nó theo đề mục.

Sau thời cha Umberg, các ấn bản thứ 28 đến 31 (1952-57) được giao cho cha Karl Rahner S.J. (1904-1984) giám sát. Trong ấn bản thứ 28, cha Rahner đã đề xuất những gợi ý về một ấn bản sửa đổi của “Denzinger”. Nhìn chung, các ấn bản trong giai đoạn này chỉ có những thay đổi nhỏ nhằm tạo điều kiện cho dự án sửa đổi về sau.

Cha Adolf Schönmetzer S.J. (1910-1997), người biên tập các ấn bản thứ 32 đến 36 (1963-1976), là người sẽ thực hiện những sửa đổi mà cha Rahner dự kiến. Trong ấn bản thứ 32 năm 1963, cha Schönmetzer đã đưa vào thêm gần 150 văn kiện mới và mở rộng nội dung của khoảng 100 văn kiện khác. Ngoài những thay đổi về nội dung của các tín biểu cũng như các phần giới thiệu, ấn bản thứ 32 còn áp dụng hệ thống đánh số và mục lục hoàn toàn mới. Kể từ ấn bản này cho tới ấn bản thứ 36, “Denzinger” thường được trích dẫn về sau dưới ký hiệu viết tắt là DS. Trong các ấn bản thứ 33 và 34, cha Schönmetzer đã bổ sung nhiều trích đoạn từ các thông điệp của Đức Gioan XXIII và các văn kiện của Đức Phaolô VI; tuy nhiên, không đưa vào bất cứ văn kiện nào của Công đồng Vaticanô II vì dự định sẽ xuất bản chúng trong một tập sách riêng biệt cùng với các tài liệu huấn quyền khác trong giai đoạn này. Dự định ấy đã không được thực hiện cho đến khi cha Schönmetzer qua đời vào năm 1997.

Năm 1981, Giáo sư Peter Hünermann của Đại học Tübingen bắt đầu nghiên cứu ấn bản song ngữ mới của Denzinger và nhen nhóm ý tưởng cập nhật nó một cách toàn diện bằng việc bổ sung các văn kiện chính của Công đồng Vaticanô II và các văn kiện hậu công đồng. Trong số những người đóng góp đề xuất về các tài liệu mới sẽ được bổ sung, có Đức Giám mục Walter Kaspar của Giáo phận Rottenburg-Stuttgart, hiện là Hồng Y, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu. Hünermann và các trợ lý cũng sửa đổi các bản văn gốc sao cho phù hợp với các ấn bản [tài liệu] quan trọng gần đây và đưa ra những thay đổi, bổ sung cho phần Giới thiệu và Mục lục nếu cần.

Hünermann đã quyết định đặt bản dịch tiếng Đức trên các trang đối diện với bản văn gốc bằng tiếng Hy-lạp, tiếng Latinh và các ngôn ngữ khác. Bên cạnh đó, hệ thống đánh số của cha Schönmetzer vẫn được giữ lại nhưng được mở rộng thêm. Trong ấn bản thứ 37 năm 1991, các tín biểu của Giáo Hội Sơ Khai được liệt kê từ số *1 đến 76 (như trong DS), nhưng các văn kiện thuộc Huấn quyền Hội Thánh đã được chuyển từ số 101 đến 4858, với số cuối cùng là “Tông huấn Christifideles laici [Kitô hữu giáo dân]” ban hành năm 1988 của Đức Gioan Phaolô II. Trong khi việc đánh số các văn kiện từ 101 cho tới 3997 vẫn tương ứng với ấn bản thứ 36 của cha Schönmetzer, nhưng một hệ thống mới từ số 4001 trở đi đã được đặt ra để bao quát các văn kiện từ Công đồng Vaticanô II cho đến triều đại Đức Gioan Phaolô II. Năm 1997, một phiên bản CD-ROM của ấn bản thứ 37 đã được phát hành, phiên bản này mở rộng các văn kiện lên tới con số 5041, kết thúc bằng “Phản hồi của Thánh bộ Giáo lý Đức tin về thẩm quyền giáo lý của Tông thư Ordinatio sacerdotalis [Chức linh mục] do Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1994” (11/12/1995).

Phiên bản song ngữ tiếng Ý của ấn bản năm 1991 ra đời vào năm 1995 và phiên bản tiếng Ý thứ hai được xuất bản vào năm 1996. Ấn bản song ngữ tiếng Anh của NXB Ignatius Press bao gồm các văn kiện bổ sung được cung cấp bởi phiên bản CD-ROM năm 1997. Đây là bản dịch tiếng Anh đầu tiên của Denzinger xuất hiện kể từ bản dịch ấn bản thứ 30 năm 1957 do Roy J. Deferrari (1890-1969) thực hiện dưới tựa đề The Sources of Catholic Dogma [Các nguồn của Tín điều Công Giáo].


Giai đoạnẤn bảnNgười biên tậpTên mã
1854-1883[1]1-5Heinrich DenzingerDenzinger
1888-19006-9Ignaz StahlDenzinger
1908-192110-13Clemens Bannwart S.J., Johannes Baptist Umberg S.J.Denzinger
1922-195114-27Johannes Baptist Umberg S.J.Denzinger
1952-195728-31Karl Rahner S.J.Denzinger
1963-197632-36Adolf Schönmetzer S.J.Denzinger-Schönmetzer
1991-201237-43Peter HünermannDenzinger-Hünermann

Bảng niên biểu các ấn bản sách Enchiridion Symbolorum ([1] – năm mất của cha Denzinger)


Vào năm 2012, NXB Ignatius Press đã cho ra mắt ấn bản thứ 43 của cuốn sách này. Độc giả quan tâm có thể mua tại: https://ignatius.com/enchiridion-symbolorum-denzh/

Lên đầu trang