Thứ Tư Tuần II Mùa Chay – 08/03/2023

Lời Chúa – Mt 20,17-28:

Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”

Bấy giờ, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”

Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Suy niệm:

Ghế tượng trưng cho chức vụ và chức vị. Chính vì thế, bình thường người ta ai cũng thích ghế. Ghế trong tôn giáo cũng như ghế ngoài đời. Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một ghế cao hơn, đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả, và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột.

Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta chuyện tranh cãi giữa nhóm Mười Hai. Vẫn là chuyện những cái ghế. Quan trọng nhất là hai ghế nằm hai bên tả hữu của Thầy khi Thầy vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa. Chỉ tiếc là chuyện tranh cãi này lại xảy ra ngay sau khi Thầy Giê-su tâm sự riêng với các môn đệ về cuộc Khổ Nạn của mình. Chẳng rõ có phải Gio-an và Gia-cô-bê đã nhờ mẹ mình xin giùm không. Từ chối lời xin ngây thơ của một người mẹ thương con là điều không dễ. Thầy Giê-su có bực mình không khi phải chịu một áp lực như thế?

“Các người không biết các người xin gì!” Điều các người xin xa lạ với con đường Thầy sắp đi. Điều các người mơ ước lại là điều Thầy sắp phải quyết liệt từ bỏ: quyền lực, tiếng tăm, vinh dự,… “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Như thế, Thầy Giê-su thách đố họ về khả năng chia sẻ cuộc Khổ Nạn với Ngài, khả năng dám uống chung một chén đắng mà Ngài sắp uống. Chỉ những ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần vinh quang. Chẳng rõ họ có lường được cái giá phải trả không, nhưng đã vội trả lời là uống nổi. Thầy Giê-su xác nhận chọn lựa của họ, nhưng Ngài lại không hứa cho họ ngồi hai bên tả hữu của mình, đơn giản là vì điều đó thuộc quyền của Cha.

Chuyện tranh cãi giữa các môn đệ là cơ hội để Thầy Giê-su vạch ra cách hành xử cho những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội. Chắc chắn nó khác với lối lãnh đạo ngoài đời, khi người ta dùng quyền uy để thống trị và làm bá chủ (c. 25). “Giữa anh em thì không được như vậy,” anh em không được theo thói đời. Thầy Giê-su dạy các môn đệ điều ngược đời: kẻ làm lớn, làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ cho anh em mình (cc. 26-27). Tấm gương lớn nhất là tấm gương Thầy phục vụ (c. 28). Cuộc Khổ nạn sắp đến là việc phục vụ khiêm hạ nhất của Thầy. Lần đầu tiên Đức Giê-su cho biết ý nghĩa cái chết sắp đến của mình, cái chết như giá chuộc để cứu độ muôn người (c. 28).

Mười môn đệ khác có còn ghen tức hai anh em con ông Dê-bê-đê nữa không, nếu họ biết rằng ngồi ghế cao chính là để thấy rõ mà dễ phục vụ hơn?

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top