Triết học Công Giáo là gì?

Trích dịch từ Anthology of Catholic Philosophy, Introduction (James C. Swindal, Harry J. Gensler S.J., 2005). Người dịch: Augustine Pham.


Trước khi đọc một cuốn sách viết về triết học Công Giáo, chúng ta cần đặt ra một vài câu hỏi như: Triết học Công Giáo là gì? Liệu có triết học đó không? Đâu là điều mà những người biên soạn muốn thực hiện khi đặt nó trong tiêu đề của cuốn sách?

Vì thuật ngữ “triết học Công Giáo” là không rõ ràng, nên hẳn sẽ hữu ích nếu chúng ta phân biệt các nghĩa khác nhau mà cụm từ này có thể có.

Trước hết, nó có thể mang nghĩa là “triết học dựa trên những tiền đề từ đức tin Công Giáo” (có lẽ giống như những gì được tìm thấy trong Thánh Kinh, Thánh Truyền và Giáo huấn của Hội Thánh). Nếu hiểu như vậy, thuật ngữ “triết học Công Giáo” dường như tự mâu thuẫn. Chiếu theo định nghĩa, triết học bao hàm một cuộc điều tra thuần lý vốn không đòi hỏi niềm tin tôn giáo. Cả truyền thống Công Giáo1 và tư tưởng thế tục đều nhất chí rằng, nếu các lập luận của bạn dựa vào niềm tin tôn giáo, thì khi đó, bạn đang bàn đến thần học chứ không phải triết học.

Tiếp theo, “triết học Công Giáo” có thể mang ý nghĩa là “triết học được viết bởi những người Công Giáo.” Theo nghĩa này, quả là có một triết học như vậy—bởi lẽ có nhiều người Công Giáo đã từng viết về nó. Khi nghiên cứu triết học, họ không lập luận dựa trên các tiền đề lấy từ niềm tin tôn giáo của mình; nhưng thực sự thì đức tin cũng có ảnh hưởng đến triết học của họ. Nói chung, những tin tưởng tôn giáo của chúng ta (dù là vô thần, Hồi Giáo, Công Giáo, hay tôn giáo nào đi chăng nữa) rất có thể sẽ tác động lên những vấn đề mà chúng ta nghĩ là quan trọng, cũng như những quan điểm mà chúng ta muốn bảo vệ đến cùng. Hãy thử tưởng tượng có một triết gia X, người nói rằng: “Khoa học là con đường duy nhất để biết, chỉ có vật chất mới tồn tại, ý chí tự do là ảo tưởng, và đạo đức cũng chỉ là những cảm giác của con người.” Triết gia X đó liệu có thể là người Công Giáo không?

Các triết gia Công Giáo, giống như mọi tín hữu, đều là những cá nhân có niềm tin tôn giáo; họ chấp nhận nhiều tin tưởng dựa trên Thánh Kinh hoặc Truyền thống Kitô Giáo. Chẳng hạn, người Công Giáo có xu hướng tin rằng có một Thiên Chúa yêu thương, tuyệt đối hoàn hảo, phi chất thể, có ba ngôi và đã sáng tạo ra thế giới; rằng Thiên Chúa có một kế hoạch cho thế giới, kế hoạch ấy đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn cách tự do để bước theo sự thiện và tình yêu, hơn là sự dữ và tính ích kỷ; rằng cái chết không phải là kết thúc của hiện hữu nơi chúng ta, nhưng hơn thế, là một điểm chuyển đổi; và rằng Thiên Chúa đã trở nên con người trong Đức Giêsu Kitô hầu đưa nhân loại tội lỗi trở về với Thiên Chúa. Các triết gia cùng chia sẻ những tin tưởng tôn giáo này có xu hướng thích suy xét xem các tin tưởng ấy liên hệ thế nào đến lý trí con người. Liệu hai điều này có tương hợp với nhau không? Liệu lý trí con người có thể cung cấp bằng chứng cho một số tin tưởng Kitô Giáo? Liệu đức tin và lý trí có thể tương trợ và soi sáng lẫn nhau—hay chúng tự nhiên đã là kẻ thù?

Những người Công Giáo viết về triết học đi trên nhiều con đường khác nhau. Một số nghiên cứu về triết học phân tích hay triết học lục địa đương đại. Nhiều người lại tập trung vào các lĩnh vực như lôgic, tri thức luận, hay đạo đức học. Một số khác đi sâu vào lịch sử triết học và các nhân vật như Plato, Thánh Tôma, hay Kant. Tuy nhiên, dù đi theo đa dạng các lĩnh vực như vậy, các triết gia Công Giáo có xu hướng chia sẻ “những sự tương đồng có tính cách gia đình” nhất định trong những quan điểm triết học của họ; chẳng hạn, họ có xu hướng tin rằng sự biết không chỉ giới hạn trong những gì có thể kiểm chứng bởi khoa học, rằng con người không phải chỉ là những cỗ máy vật chất, rằng chúng ta có lựa chọn tự do và khả năng bất tử, và rằng một số tiêu chuẩn luân lý về tình yêu và sự công chính là khách quan. Bên cạnh đó, họ thường tìm kiếm nguồn cảm hứng từ các triết gia Công Giáo tiền bối, cách đặc biệt là Thánh Tôma và Thánh Augustinô.

Vấn đề trọng tâm đặt ra trước mắt các triết gia Công Giáo xét như một nhóm chung là vấn đề đức tin và lý trí. Ở điểm này, họ có xu hướng lái xe giữa đường. Một mặt, họ tránh một “thuyết duy lý” cho rằng niềm tin tôn giáo là vấn đề của bằng chứng chặt chẽ, rằng chúng ta có thể thu được đức tin mà không cần đến cuộc chiến đấu mang tính cá vị hay ân sủng của Thánh Thần, rằng nó chỉ là vấn đề đơn thuần của việc nặn ra một bằng chứng. Mặt khác, họ cũng tránh một “thuyết duy tín” cho rằng đức tin không cần đến những nền tảng lý luận và không cần được bảo vệ / biện minh, rằng nó là một bước nhảy vọt trong bóng tối vốn không do bằng chứng mà ra, rằng nó hoàn toàn chỉ là sự lựa chọn hay cảm xúc của con người. Thay vào đó, họ có xu hướng xem đức tin được xây dựng trên lý trí nhưng vượt ra ngoài nó.

Vì thế, các triết gia Công Giáo chia sẻ với nhau những nét tương đồng có tính cách gia đình và những thiên hướng nhất định. Họ có thể có quan điểm cá nhân khác nhau về một số vấn đề; nhưng sau đó, họ phải tự hỏi xem quan điểm triết học của mình ăn khớp ra sao với đức tin mà mình đã lãnh nhận. Tất nhiên, có nhiều người Tin Lành, Do-thái Giáo và Hồi Giáo cũng chia sẻ những mối quan tâm và thiên hướng giống như người Công Giáo, ngay cả khi có những khác biệt giữa các truyền thống này.2

Sau cùng, có một cách tiếp cận thứ ba cho rằng “triết học Công Giáo” là thuật ngữ tham chiếu đến học thuyết Tôma (Thomism), với những học thuyết và phương pháp đặc biệt của nó. Trong nửa đầu thế kỷ XX, học thuyết Tôma có vị trí vượt trội hơn cả trong tư tưởng của các triết gia và các trường đại học Công Giáo, nó nhận được sự hỗ trợ và cổ võ chính thức từ các Đức Giáo Hoàng (đặc biệt là Đức Lêô XIII và Thánh Giáo Hoàng Piô X). Vì thế, học thuyết Tôma có thể được cho là triết học Công Giáo.

Học thuyết Tôma đã hệ thống hóa tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô, vốn xây dựng dựa trên tư tưởng của Aristotle. Trong học thuyết này, siêu hình học phân tích hữu thể thông qua các phạm trù bản chất / hiện hữu, tiềm năng / hiện thể, chất thể / mô thức; tri thức luận xem sự biết là việc trừu tượng từ kinh nghiệm giác quan; lôgic nhấn mạnh đến tam đoạn luận của Aristotle; tâm lý học thuần lý xem linh hồn con người là một mô thức bất tử và lập hữu; đạo đức học được đặt trên luật tự nhiên và lấy—hạnh phúc với Chúa—làm mục đích cho hành động của con người, đồng thời, đưa những quy tắc đạo đức chặt chẽ vào các lĩnh vực như hành vi giết người (bao gồm phá thai và trợ tử), cũng như các vấn đề xã hội (chẳng hạn như quyền có một mức lương đủ sống); triết học về tôn giáo của nó đưa ra năm lý chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Trong thời kỳ mà học thuyết Tôma chiếm ưu thế vượt trội, sinh viên trong các trường đại học Công Giáo phải vượt qua một chuỗi các khóa học về nó. Khi ấy, những cách tiếp cận khác chỉ nhận được rất ít sự cởi mở; quả thực, có nhiều học thuyết của các triết gia trong lịch sử triết học (bao gồm Descartes, Hume, và Kant) đã bị coi là những mối nguy hiểm cho đức tin và bị liệt vào Danh Mục Sách Cấm.3

Học thuyết Tôma bắt đầu suy giảm tầm ảnh hưởng từ thập niên 1950, khi nhiều người Công Giáo bắt đầu mở rộng cách nhìn của họ để bao quát đến các phong trào đương đại như triết học phân tích và triết học lục địa. Công đồng Vaticanô II đã khuyến khích các quan điểm khác và do đó, đẩy nhanh quá trình thay đổi.4 Ngày nay, học thuyết Tôma đã không còn thống trị các trường đại học Công Giáo nữa. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cổ võ tính đa nguyên khi ngài tuyên bố rằng: “Giáo Hội không có triết học riêng của mình, và cũng không phong thánh cho bất cứ một triết học nào ưu tiên hơn các triết học khác.”5

Tuy nhiên, Thánh Tôma vẫn tiếp tục nhận được mối quan tâm mạnh mẽ. Nhiều triết gia đã và đang tiếp nối, theo cách riêng họ, những ý tưởng chủ đạo của ngài; người ta có thể cho rằng vẫn còn đó một phân môn của triết học, không rõ ràng và hầu như thuộc về học thuyết Tôma, mà chúng ta có thể gọi là “triết học Công Giáo”.6 Vai trò của nó có lẽ một phần là để khai thác các tài nguyên từ Thánh Tôma cho một nhóm các triết gia Kitô Giáo rộng lớn hơn, một nhóm đã phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ vừa qua. Alvin Plantinga và các triết gia Tin Lành hàng đầu khác đã mô tả chính họ như những “anh chàng Thomist lén lút”—để biểu thị rằng họ luôn cởi mở để học hỏi tất cả những gì có thể nơi truyền thống triết học Công Giáo có từ Thánh Tôma.7

Vậy triết học Công Giáo là gì? Nó có phải là một khái niệm tự mâu thuẫn, hay là một loại triết học do những người Công Giáo viết ra, hoặc bất cứ cách tiếp cận nào theo chân Thánh Tôma? Có một vài quan điểm về thứ mà nó là, hoặc hẳn sẽ phải là; thậm chí, ngay cả những người đồng biên tập cuốn sách này cũng không hoàn toàn nhất chí.


Chú thích

1 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp Fides et Ratio ban hành năm 1988 rằng: “Ngay cả khi tham gia vào thần học, triết học vẫn phải trung thành với các nguyên lý và phương pháp riêng của nó. Nếu không, sẽ chẳng có gì đảm bảo rằng nó vẫn hướng tới sự thật và đang bước tới sự thật qua con đường của một quá trình do lý trí chi phối. Một triết học không hành động dưới ánh sáng của lý trí theo các nguyên lý và phương pháp riêng của nó sẽ không phục vụ được đáng bao nhiêu mục đích.”

2 Thực sự thì phần lớn những gì mà triết gia Plantinga thuộc phái Calvin nói về triết học Kitô Giáo cũng được áp dụng cho triết học Công Giáo.

3 Danh Mục Sách Cấm (Index Librorum Prohibitorum, có nhiều ấn bản được cập nhật qua các năm) đại diện cho một thái độ phòng vệ vốn sinh trưởng từ phản ứng chống lại cuộc Cải Cách Tin Lành; x. Redmond Burke, What Is the Index? (Milwaukee, Wis.: Bruce, 1952). Danh mục này đã bị hủy bỏ ngay sau Công đồng Vaticanô II.

4 Bài đọc từ Arthur Madigan S.J. sẽ thảo luận về những thay đổi này.

5 Mặt khác, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng phê bình những cách tiếp cận xung đột với các tín điều căn bản của Đức tin Công Giáo.

6 James Swindal đã bảo vệ ý tưởng này trong bài luận “Ought There Be a ‘Catholic’ Philosophy?” trên tập san American Catholic Philosophical Quarterly 73 (1999): 449-75. Trong đó, ông nhấn mạnh đến việc học thuyết Tôma đã tạo ra một sự ưu tiên trong vấn đề hữu thể như thế nào.

7 X. Thomas S. Hibbs, “Popes, Philosophers, & Peeping Thomists,” Christian History 21 (Winter 2002): 40.

Scroll to Top