Chú Nhật XXIII Thường Niên – 10/09/2023

Lời Chúa – Mt 18,15-20:

Khi ấy, Đức Gê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

“Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

Suy niệm:

Sống với nhau trong cộng đoàn Hội Thánh, thế nào cũng có chuyện này chuyện kia xảy ra. Có những đụng chạm nhỏ có thể bỏ qua dễ dàng. Đức Giê-su đòi ông Phê-rô phải tha đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,22). Nhưng cũng có những lỗi, những tội gây tai hại rất lớn cho một cá nhân, và từ đó, ảnh hưởng xấu đến cả cộng đoàn. Khi đó, Đức Giê-su không khuyên các Ki-tô hữu sống dĩ hòa vi quý, cố chịu đựng cho qua, coi như không có chuyện gì. Ngài khuyên chúng ta nên thẳng thắn góp ý xây dựng, chẳng những vì lợi ích của người bị hại và của cộng đoàn, mà còn vì lợi ích của chính người phạm tội nữa.

Chúng ta không có quyền để cho người anh em của mình đi lạc. Bỏ chín mươi chín con chiên để tìm con chiên lạc và đưa nó về: đó là bổn phận của người mục tử và của cả chúng ta (Mt 18,12). Đức Chúa đã long trọng phán với ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Nếu ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ đường xấu,… Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8). Chúa Cha không muốn cho ai trong cộng đoàn phải hư mất. Ngài quý từng con người, dù đó là một người bé mọn (Mt 18,14). Như thế, sửa lỗi cho người anh em là cùng làm việc với Thiên Chúa, để giữ lại người anh em này cho cộng đoàn. Sửa lỗi chỉ để thể hiện một điều, đó là tình yêu. Tình yêu huynh đệ phải chi phối toàn bộ tiến trình sửa lỗi.

Câu đầu tiên của bài Tin Mừng này dùng từ “anh em” hai lần. Điều đó cho thấy người phạm tội nặng vẫn là anh em của tôi. Đó không phải là kẻ thù, nhưng là người tôi không muốn mất. Chính vì thế, tôi phải kiên nhẫn bước vào một hành trình để giúp người anh em nhận lỗi, hoán cải và trở về nẻo chính đường ngay. Tôi phải đi nhiều bước trong hành trình này. Từng bước một, bước nọ sau bước kia, không vội vã dùng ngay những biện pháp mạnh. Luôn luôn đợi chờ, luôn luôn hy vọng, luôn tạo cơ hội để có những cuộc gặp gỡ thân tình và nâng niu những điểm sáng mong manh. “Không bẻ gãy cây lau bị giập; không dập tắt tim đèn leo lét.”

Trong tiến trình sửa lỗi người anh em, Đức Giê-su mời chúng ta đi qua ba bước. Bước một là gặp gỡ riêng tư với người anh em phạm lỗi. Sự kín đáo cho thấy danh dự của người này được tôn trọng. Nếu không thành công, ta mới qua bước hai. Cuộc gặp gỡ lần này đông hơn vì có thêm một hai người nữa. Hy vọng người phạm lỗi gặp được cái nhìn khách quan hơn. Nhưng nếu người ấy vẫn khăng khăng không nghe, lúc đó mới đưa ra trước cả cộng đoàn Hội Thánh địa phương. Từ chối lắng nghe tiếng nói của Hội Thánh là tự tách lìa, không còn coi mình thuộc về cộng đoàn nữa. Lúc đó, cộng đoàn sẽ coi người ấy như người ngoài, như dân ngoại.

Cộng đoàn Hội Thánh chẳng hề muốn mất một người anh em, nhưng nếu người ấy cứ không nghe thì đành phải chịu (cc. 16.17). Không nghe là khép lại với con người, cũng là khép lại với Thiên Chúa. Bởi đó, quyết định cầm buộc của Hội Thánh dưới đất cũng là quyết định của Thiên Chúa trên trời (Mt 18,18). Chỉ mong Hội Thánh làm mọi quyết định trong bầu khí cầu nguyện, bình tâm phân định để tìm ý Chúa với rất nhiều tình yêu (Mt 18,20).

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top