Chân Phước Bartolo Longo, người của chuỗi Mân Côi

Chân phước Bartolo Longo

Chân phước Bartolo Longo (1841-1926)

Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, có rất nhiều vị thánh có quá khứ được coi là “bất hảo”. Con đường hoán cải để trở nên thánh thiện và được tôn vinh của họ giống như một phép màu nhiệm của Đức Tin. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu hành trình quay về với Chúa nhờ chuỗi Mân Côi của một người đã từng là tư tế thờ quỷ – chân phước Bartolo Longo.

Bartolo sinh ngày 10 tháng 2 năm 1841 tại thị trấn nhỏ Latiano, gần Brindisi ở miền nam nước Ý trong một gia đình Công Giáo giàu có. Cha mẹ của anh là những người sùng Đạo. Tuổi trẻ của anh cũng là khoảng thời gian mà nước Ý đang trải qua một phong trào dân tộc chủ nghĩa lan rộng. Một trong những mục đích của phong trào này là lôi kéo người ta rời khỏi Giáo Hội và từ bỏ đức tin.

Bartolo đã bị cuốn vào trào lưu xã hội đó trong những năm học đại học ngành luật ở Na-pô-li và anh đã rời bỏ đức tin của mình. Anh trở nên hăng say tới độ không những bỏ Đạo mà còn tham gia rất nhiều nghi lễ huyền bí tôn thờ quỷ Xa-tan và dụ dỗ nhiều người Công Giáo khác đi theo mình. Chính sự “sốt sắng” này đã đưa anh trở thành tư tế của đạo thờ quỷ.

Nhưng trái ngược với những gì các đồng đạo hứa hẹn, chức tư tế thờ Xa-tan không mang tới cho Bartolo sự bình an và hạnh phúc mà thay vào đó, sau khi được “thụ phong”, anh bắt đầu bị trầm cảm nghiêm trọng và phải chịu những cơn lo lắng cực độ trong tâm hồn. Cuối cùng, những dấu hiệu khủng khiếp đó đã khiến anh quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ của một linh mục Công Giáo. Theo lời khuyên của bạn bè, anh được dẫn đến một linh mục đạo đức thuộc Dòng Đa Minh là cha Alberto Radente.

Bằng những hiểu biết sâu rộng của mình, cha Radente đã dẫn dắt Bartolo trong đức tin, giúp anh biến chuyển từ chỗ lạc lối trong những điều huyền bí của ma quỷ mà quay về với Chúa. Bartolo bắt đầu có những trải nghiệm an bình và ước muốn sâu sắc cho một chuyển đổi lớn lao trong trái tim. Đã không mất nhiều thời gian để anh hoàn toàn từ bỏ những giáo lý và thực hành sai lạc của đạo quỷ. Với sự sốt sắng của mình, anh thậm chí đã xông vào một buổi lễ tối của nhóm thờ quỷ, dương cao chuỗi Mân Côi trước những người tham dự và lên tiếng khiển trách những gì họ đang làm. Anh cảnh báo họ rằng những thực hành của họ là sai trái và kêu gọi họ quay trở lại đạo Công Giáo để tìm ra sự thật.

Là một luật sư có trình độ, Bartolo tiếp tục công việc pháp lý của mình sau khi chuyển đổi lớn lao trong tâm hồn. Vì đã được đưa trở lại với Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a và Giáo Hội thông qua sự hướng dẫn của một linh mục Dòng Đa Minh, Bartolo quyết định trở thành một giáo dân dòng ba Đa Minh. Buổi lễ khấn dòng của anh diễn ra vào Lễ Đức Mẹ Mân Côi, ngày 7 tháng 10 năm 1871. Trong buổi lễ, anh được đặt tên là “Anh Rosario”, có thể dịch là “người của Mân Côi”.

Sau khi khấn dòng, Bartolo đã thực hiện một chuyến đi đến Pompeii để giúp nữ bá tước giàu có tên Marianna de Fusco một số vấn đề pháp lý. Khi đến Pompeii, anh bị bất ngờ bởi tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của cư dân thành phố. Anh đã bị sốc khi thấy rằng rất ít tín hữu Công Giáo thực hành phụng vụ hoặc hiểu biết về giáo lý. Nhiều người thậm chí đã rơi vào lầm lạc và đang thực hành những nghi lễ tương tự như những gì anh đã từng thấy trong đạo quỷ. Điều này làm anh đau đớn rất nhiều vì anh biết rằng những cư dân đó cũng như những người mà anh đã lôi kéo trước kia. Anh cảm thấy sợ hãi vì anh đã từng là tư tế thờ Xa-tan và những ký ức đó bóp nghẹt tâm hồn anh. Dù đã được ơn hoán cải, thực trạng ở Pompeii nhắc nhở Bartolo về những gì trong quá khứ và tạo ra ám ảnh khó phai. Anh như đứng trên bờ vực tuyệt vọng và thậm chí còn có ý định tự sát.

Khi trái tim chìm sâu hơn vào tuyệt vọng, Bartolo nhớ về những gì cha Radente từng nói với anh về cuộc đời và sứ vụ rao giảng của Thánh Đa Minh. Anh nhớ Đức Ma-ri-a đã từng hứa với Thánh Đa Minh rằng những ai siêng năng Lần Hạt Mân Côi sẽ tìm được sự cứu rỗi. Những lời này cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí của Bartolo, và đó cũng là câu trả lời cho nỗi tuyệt vọng của anh. Kinh Mân Côi đã trở thành vũ khí thiêng liêng để anh để đánh bại sự trói buộc của Xa-tan. Tại thời điểm đó (1873), anh đã quyết định ở lại trong thung lũng Pompeii để truyền bá Kinh Mân Côi. Anh bắt đầu ngay lập tức ý tưởng đó bằng cách phục hồi lại một nhà thờ đã đổ nát nơi đây.

Với lòng nhiệt thành giúp đỡ người khác, Bartolo đã thành lập các cộng đoàn, trại trẻ mồ côi, bệnh viện, trường học cùng nhiều tổ chức và cơ sở khác như một phần của kế hoạch đưa Công Giáo trở lại khu vực và khôi phục thành phố cổ Pompeii vốn bị chôn vùi bởi khói bụi núi lửa vào năm 79. Thiên Chúa đã rất hài lòng với những nỗ lực của anh, và vào năm 1884, một điều tuyệt vời đã xảy ra đã khiến toàn bộ thế giới Công Giáo hướng ánh mắt về thành phố bị lãng quên Pompeii.

Một cô bé tên là Fortuna Agrelli tuyên bố đã nhận được một thị kiến về Mẹ Thiên Chúa và trải nghiệm một sự chữa lành thông qua bức tranh Kinh Mân Côi của Bartolo. Fortuna đã bị nhiều bệnh tật trong nhiều năm, tất cả các bác sĩ mà bố mẹ cô bé mời tới đều bó tay. Tuy nhiên, gia đình không bỏ cuộc. Họ bắt đầu một chuỗi ba tuần cửu nhật và cầu nguyện với Kinh Mân Côi trong 27 ngày để mong Fortuna được khỏi bệnh. Vào cuối tuần cửu nhật thứ ba, Mẹ Ma-ri-a xuất hiện với Fortuna trông giống hệt như mô tả trong bức tranh của Bartolo (bức tranh này được Bartolo cho phục dựng lại kèm theo chỉnh sửa từ bản gốc đã cũ nát mà anh nhận được từ cha Alberto Radente khi xây dựng lại nhà thờ). “Mẹ đã hiện ra trong hình ảnh đang ôm Chúa Giê-su Hài Nhi và ban chuỗi Mân Côi cho Thánh Đa Minh và Thánh Ca-ta-ri-na thành Siena.” Trong khi thấy Mẹ, cô bé đã cầu xin mẹ chữa lành bằng cách gọi Mẹ là “Đức Mẹ Mân Côi”. Đáp lại, mẹ với cô bé rằng Mẹ hài lòng với danh hiệu này và rằng cô bé sẽ được chữa lành. Mẹ cũng thông báo rằng trong tương lai, bất cứ ai muốn nhận ân sủng từ Thiên Chúa nên cầu nguyện ba tuần cửu nhật và thêm 27 ngày cầu nguyện với chuỗi Mân Côi.

Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi Pompeii

Tranh vẽ Đức Mẹ tại nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii

Tin tức về sự chữa lành của Fortuna lan truyền nhanh chóng. Chính từ sự kiện này, Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã nhận thêm cảm hứng để thúc đẩy hơn nữa việc đọc Kinh Mân Côi.

Năm 1885, Bartolo kết hôn với Nữ bá tước Marianna de Fusco, họ cùng nhau tiếp tục phát triển các nhà thờ và những công trình khác. Khi Đức Giáo Hoàng Leo XIII qua đời vào năm 1903, Bartolo và vợ quyết định cung hiến toàn bộ nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi của Pompeii cho Tòa Thánh. Sau khi hoàn tất các thủ tục, nhà thờ đã được trao cho Tòa Thánh vào năm 1906.

Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi Pompeii 02

Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi tại Pompeii

Bartolo sống thêm 20 năm và tiếp tục thực hiện những công việc thiện nguyện lớn ở Pompeii trước khi qua đời vào ngày 5 tháng 10 năm 1926. Bartolo Longo đã được Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II phong chân phước vào năm 1980, và đã vinh dự trở thành một trong những chứng nhân vĩ đại nhất của Kinh Mân Côi trong lịch sử Giáo Hội.

Ngày lễ của ông là ngày 5 tháng 10, cùng ngày với Thánh Faustina Kowalska.

Lược dịch từ bài viết của Cha Donald Calloway dòng Các Cha Ma-ri-a trên catholicexchange.com