Dẫn Nhập Triết Học

Chương
Triết học
Chương
Triết học

Trích dịch từ Introduction Générale à la Philosophie (Jacques Maritain, ấn bản Anh ngữ, 1947). Người dịch: Augustine Pham.


Ghi chú của Nhà xuất bản

Ấn bản tiếng Pháp của tác phẩm này, dưới tựa đề Introduction Générale à la Philosophie, đã được ra mắt như là cuốn đầu tiên trong giáo trình 7 tập có nội dung liên quan đến Lôgic, Lý thuyết về tri thức, Vũ trụ luận, Tâm lý học, Siêu hình học, Đạo đức học, Mỹ học và Lịch sử triết học. Nhưng vì sáu cuốn còn lại vẫn đang trong quá trình biên soạn, nên có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta tách cuốn sách này và sử dụng nó như một tài liệu tương đối độc lập với các cuốn khác.

Về mặt tổng thể, toàn bộ giáo trình được biên soạn nhằm mục đích cung cấp một bộ sách giáo khoa cho các khóa học thông thường trong các trường đại học, như cách nó đã được áp dụng tại Pháp; và vì thế, ở phiên bản in ấn, những đoạn sinh viên nên đọc đầu tiên sẽ sử dụng cỡ chữ lớn, đồng thời, những đoạn chỉ đơn thuần là lời giải thích hay kiến thức mở rộng sẽ sử dụng cỡ chữ nhỏ hơn. Tuy nhiên, cách thức trình bày đó sẽ không được áp dụng trong bản dịch này nhằm giúp cho bộ sách tương thích hơn với độc giả thông thường, không có khóa học đại học nào như vậy được dự kiến mở ở Anh và Mỹ.

Bản dịch sau đây dựa theo ấn bản tiếng Pháp được tái bản lần thứ mười một.


Nhập đề

Mục đích chính yếu của tôi khi viết cuốn sách này là đưa ra một bản trình bày trung thực về hệ thống triết học của Aristotle và Thánh Tôma, đồng thời, lấy ánh sáng của nó để đánh giá các hệ thống triết học quan trọng đã theo nhau xuất hiện trong ba thế kỷ gần đây, cũng như những vấn đề chính được luận bàn trong triết học hiện đại. Tôi đã cố gắng sử dụng phương pháp trình bày thích nghi với bối cảnh đương đại và đưa ra tri thức theo cấp độ tăng dần sao cho phù hợp nhất có thể đối với quá trình khám phá tri thức của người đọc, trong đó, không cung cấp những tri thức mà người đọc chưa biết và chưa hiểu, hay giới thiệu những khái niệm và mệnh đề mới mà những điều trước đó không có khả năng chuẩn bị hay dẫn đưa người đọc tới chúng. Phương pháp này đã giúp tôi thoát khỏi một vài vấn đề trong cách trình bày của các sách giáo khoa truyền thống, và trên hết, giúp tôi phóng chiếu tầm quan trọng và mở rộng phạm vi của cuốn sách một cách đáng kể. Vả lại cũng vì thế, mặc dù có phương pháp, nhưng tôi đã quay trở lại với những gì mà Aristotle từng sử dụng. Ba cuốn đầu tiên trong bộ Siêu hình học của ông không gì khác chính là một lời dẫn nhập bao quát vậy.

Một tác phẩm thuộc loại này, nếu tỉ mỉ, sẽ đòi hỏi phải bàn luận chi tiết đến một số điểm nhất định, mà nếu không thực hiện, sẽ khiến cho nghiên cứu mà nó thúc đẩy đánh mất đi toàn bộ giá trị dưới tư cách một bộ môn về tinh thần. Tôi sẽ không đúng với triết học truyền thống nếu giản lược nó về một số ít ỏi những điều đã không còn mới mẻ, hay một vài mẩu chuyện cũ rích trong siêu hình học duy linh, cũng như xao lãng việc đưa ra những đường nét trí tuệ tốt đẹp hay cho thấy năng lực của nó trong những phân tích sắc sảo.

Đối tượng mà tác phẩm này hướng tới là những người mới học. Vì thế, nó có thể không cố gắng phỏng lại chiều sâu hay sự phong phú của những biện chứng tinh tế mà người ta có thể tìm thấy trong những luận thuyết dành cho các chuyên gia, thay vào đó, ở mức độ hoàn toàn sơ đẳng. Tuy nhiên, nó vẫn phải bảo đảm được tính cách khoa học phù hợp với một bản trình bày triết học.

Một số độc giả có thể e dè đối với thuật ngữ học kinh viện. Nhưng chưa từng có ngành nghiên cứu, môn học, loại hình thể thao, hay thậm chí, ngành công nghiệp nào có khả năng không cần tới một hệ thống thuật ngữ đặc thù—mà thường là khô khan và mất tự nhiên hơn nhiều so với từ vựng triết học. Một mặt, việc yêu cầu các triết gia phải sử dụng ngôn ngữ đời thường chẳng khác nào ngụ ý rằng khoa học của họ chỉ là một đề tài bạo gan trong thảo luận, hay những suy đoán vô tích sự trên ghế dựa sau giờ ăn tối. Nhưng mặt khác, có lẽ cũng là chính đáng khi đòi hỏi rằng không nên có thuật ngữ chuyên môn nào được sử dụng cho đến khi nó được định nghĩa một cách rõ ràng.

Sau cùng, tôi phải nói rằng, nếu triết học của Aristotle, như đã được hồi sinh và làm phong phú thêm bởi Thánh Tôma và triết phái của ngài, có thể được gọi cách chính xác là Triết học Ki-tô Giáo[*] vì những nỗ lực không biết mệt mỏi của Giáo Hội trong việc thúc đẩy nó như là thứ triết học chân chính duy nhất, đồng thời, vì nó hài hòa cách hoàn hảo với các chân lý của đức tin, thì mặc dù vậy, nó không được đề xuất ở đây hầu nhận được sự chấp thuận của người đọc vì lý do Ki-tô Giáo, nhưng bởi vì nó đúng đắn một cách rõ ràng. Sự đồng thuận giữa hệ thống triết học được dựng nên bởi một người ngoại giáo với những tín điều của đức tin hẳn là một dấu chỉ bên ngoài, một bảo đảm vượt trên triết học đối với các chân lý của nó; đảm bảo ấy không đến từ sự đồng thuận của nó đối với Đức tin, nhưng đến từ lý chứng của chính nó, rằng nó nhận được thẩm quyển của mình dưới tư cách là một triết học.

Tuy nhiên, mặc dù giữa lý trí và đức tin có sự phân biệt, nhưng chúng không bị tách rời, và vì tôi đang viết để hướng tới các độc giả chủ yếu là Ki-tô hữu, nên tôi không phủ nhận rằng đôi chỗ mình có nhắc đến những tri thức quen thuộc đối với mọi tín hữu Công Giáo, hoặc đến những khai triển thần học nhất định đối với các nguyên lý triết học, nhằm đưa triết học vào vị trí thích hợp trong tư duy Ki-tô Giáo một cách tốt hơn, hoặc giúp họ duy trì sự thống nhất về mặt tư tưởng. Và có một thực tế là trong các lập luận, cũng như trong chính cấu trúc của việc trình bày về triết học của chúng ta, không phải đức tin, nhưng chính là lý trí, và chỉ mình nó, đã chiếm trọn vẹn nền tảng và nắm giữ quyền thống trị không thể phân chia.


Dẫn nhập (Ấn bản 1947)

Các triết gia đã từng được gọi là những nhà khôn ngoan. Pythagoras, người đầu tiên phát minh ra thuật ngữ triết học (φιλία τῆς σοφίας [filía tís sofías], yêu mến sự khôn ngoan),i xét thấy rằng khôn ngoan theo nghĩa chặt chỉ thuộc riêng về Thiên Chúa, vì lý do đó, ông không muốn được gọi là một nhà khôn ngoan, nhưng chỉ đơn thuần là một người bạn, hay một người mộ mến khôn ngoan. Sự nhún nhường của ông, tự nó, đã là dấu hiệu của một sự khôn ngoan vĩ đại. Vì tính siêu phàm và khó với của những chân lý cao siêu, và vì sự yếu đuối nơi bản tính của chúng ta “trong rất nhiều khía cạnh bị lệ thuộc,” đã không cho phép con người có được “quyền sở hữu khôn ngoan”ii để hoàn toàn tự do sử dụng. Do nhiều ràng buộc khác nhau, Pythagoras đã giữ triết học ở lại trong một danh xưng không chắc chắn, để từ đó, ông không được gọi là một nhà khôn ngoan nữa, nhưng đúng hơn nhiều, là một kẻ hành khất trước cửa nhà khôn ngoan. Tuy nhiên, triết học cũng không phải thứ gì khác hơn là chính khôn ngoan, trong chừng mực mà bản tính con người hoàn toàn có thể tiếp cận.

Nó không phải một loại khôn ngoan được thông ban cách siêu nhiên vào linh hồn mà con người sở hữu qua một sự chiếu rọi phi thường. Cũng không phải loại khôn ngoan tự phát và vô thức (chẳng hạn như cái khôn của các con vật, hay thậm chí là của những sinh vật bậc thấp) vốn nhờ vào bản năng tự nhiên. Nhưng nó là khôn ngoan của con người xét như con người mà anh ta thu được nhờ sự lao động của trí năng, bởi lý do này, nó được thu lượm một cách khó khăn và chỉ được nắm giữ cách không chắc chắn, đồng thời, những người kiếm tìm nó nên được gọi là các triết gia hơn là các nhà khôn ngoan.

Đó là bản tính của triết học phát xuất từ từ nguyên của thuật ngữ và từ vị trí mà nó được sử dụng trong lối nói thông thường. Một triết gia là một người khôn ngoan theo nghĩa phàm nhân. Và người dành tâm huyết cho triết học, bằng cách sử dụng khôn ngoan phàm nhân, sẽ phải bảo đảm cho các đồng nghiệp của mình thấy được những quan điểm tuyệt vời nhất mà tại đó, sự hiểu biết của con người có thể vươn tới những vấn đề lớn vốn thu hút tư tưởng của cả giới.

Định nghĩa triết học là “khôn ngoan phàm nhân” (hay “khôn ngoan nhân loại”) vẫn là một định nghĩa sơ sài và mang tính danh nghĩa, thứ chỉ đơn giản là đưa ra sự tán thành có thể có về ý nghĩa của thuật ngữ. Để đạt tới một định nghĩa sâu sắc hơn, một định nghĩa thực sự hé lộ bản tính của đối tượng, chúng ta sẽ phải nghiên cứu theo trình tự lịch sử cụ thể về sự hình thành hay khởi nguyên của cái mà mọi người đã đồng ý gọi là triết học.

Khi làm như vậy, chúng ta sẽ tuân theo phương pháp của Aristotle trong chừng mực tối đa có thể cho một cuốn giáo khoa về giải nghĩa. Đây là điều thường bị bỏ qua trong những cuốn sách dạy về các kết luận nhưng dường như bỏ qua tinh thần của ông. Nhà duy thực vĩ đại đó đã không đề cao bất cứ thứ gì là tiên nghiệm và luôn nghiên cứu sự phát triển về mặt lịch sử của một vấn đề trước khi đề xuất giải pháp của riêng ông, nhờ đó, nó xuất hiện như đích đến tự nhiên của một quá trình khám phá. Phương pháp như vậy chắc chắn sẽ buộc chúng ta phải thực hiện một nghiên cứu lạc đề đáng kể vào lĩnh vực lịch sử, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, đây là điều không thể bỏ qua.

Một mặt, từ góc nhìn thực tiễn và mang tính giáo dục, một trình thuật về nguồn gốc lịch sử của tư tưởng triết học là phương pháp dẫn nhập tốt nhất cho những người mới bắt đầu làm quen với các vấn đề của triết học, dẫn họ vào một thế giới hoàn toàn mới lạ của những suy đoán thuần lý, và trang bị cho họ nhiều tri thức vô cùng hữu ích một cách tự nhiên. Điều kiện tiên quyết số một đối với họ là phải biết mình đang nghiên cứu gì, và phải có một khái niệm đủ sống động và chính xác về các vấn đề triết học được trình bày dưới dạng đơn giản tối đa.

Mặt khác, để công bằng đối với bản thân môn học của chúng ta, nói thẳng ra, nếu không có sự kiểm tra hay biện minh cụ thể từ trước, các kết luận liên quan đến bản tính, đối tượng, phẩm giá, v.v. của triết học sẽ chỉ là để trình bày quan niệm truyền thống về nó dưới một khía cạnh độc đoán và tiên nghiệm hoàn toàn lạ lẫm, đồng thời, có nguy cơ bắt sinh viên của chúng ta làm nô lệ cho những công thức sáo rỗng. Ngược lại, ngay từ đầu, với một bản tóm tắt sơ lược về lịch sử triết học cổ đại cho đến thời của Aristotle, nghĩa là đến khi kết thúc giai đoạn hình thành của nó, chúng ta trình bày triết học trong nguồn gốc và cấu trúc của môn học, qua đó, cho thấy quá trình chuyển tiếp giữa—việc giảng dạy lẽ thường—và—tri ​​thức khoa học—của các triết gia đã được thực hiện như thế nào, cũng như cách thức các vấn đề lớn của triết học đã tự nảy sinh ra sao, hay bằng cách nào, một quan niệm cá biệt về triết học, thứ sau này sẽ được đưa ra để kiểm chứng trong thảo luận, lại là kết quả tất yếu từ cuộc điều tra lịch sử này, và được áp đặt cách tự nhiên vào tư tưởng. Chúng ta không cần e ngại khi nhấn mạnh đến những vấn đề sơ bộ này, những vấn đề mà chúng ta sẽ phải xem xét lại từ một góc độ khác trong phê bình. Bởi lẽ chúng liên quan đến chính sự tồn tại, bản tính và giá trị của triết học.


Chương 1. Tư tưởng triết học trước khi có Triết học theo nghĩa chặt

1. Dẫn nhập

Suy đoán triết học, cách chính xác, vì là thành quả cao nhất có thể đạt tới của lý trí, đã không được biết đến bởi tất cả các chủng tộc thời nguyên thủy. Quả thực, ngay cả phần lớn những nền văn minh cổ đại cũng hoặc không có triết học, hoặc đã thất bại trong việc khám phá ra bản tính thực sự và đặc điểm phân biệt của nó. Bất luận thế nào, triết học cũng chỉ xuất hiện ở thời điểm rất muộn, khoảng thế kỷ VIII và đặc biệt là thế kỷ VI TCN, rồi sau đó, tìm ra chính lộ dẫn tới sự thật nhờ vào thành tựu mà có lẽ phải xếp vào loại phi thường nếu chúng ta xét đến vô số những con đường sai lầm được vạch ra bởi các triết gia và các trường phái triết học.

Tuy nhiên, một số trong những sự thật sơ đẳng nhất mà triết học bàn bạc đã được biết đến rất lâu trước khi triết học ra đời, và điều quan trọng hơn là những sự thật này được tìm thấy trong những dạng thức ít nhiều thô sơ và sai lầm có phần nghiêm trọng nơi những người cổ đại, ngay cả trong những thời kỳ cổ xưa nhất. Mặc dù vậy, chúng đã không được học lấy từ bất cứ triết gia nào, nhưng phát xuất một phần từ những bài tập hoàn toàn mang tính bản năng và tự phát của lý trí mà chúng ta gọi là lẽ thường, và trên hết là từ truyền thống nguyên thủy.

2. Truyền thống nguyên thủy

Những chứng từ khả tín của lịch sử kết hợp với những kết luận của thần học1 giúp chúng ta chứng minh sự tồn tại của một truyền thống nguyên thủy chung cho các chủng tộc khác nhau và quy về nguồn gốc loài người. Và thậm chí, nếu thiếu đi bất cứ nguồn thông tin xác thực nào, thì một phỏng đoán cho rằng con người đầu tiên đã nhận được tri thức cùng lúc với sự hiện hữu từ Thiên Chúa, và rằng nhờ giáo dục, anh ta có thể hoàn thiện phần việc còn lại sau khi được dựng nên, cũng là điều hợp lý.

Nhưng liệu tri ​​thức này, cùng với tôn giáo nguyên thủy mà nó đã được hiệp nhất, có thể được loài người lưu truyền một cách nguyên vẹn hay không? Một mặt, chúng ta có những chân lý về những điều cao siêu tột đỉnh được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ kia, nhưng mặt khác, trí thông minh nhân loại cũng đã sớm bị chi phối bởi giác quan và trí tưởng tượng. Một sự mất cân đối đến mức cực đoan hẳn đã phá hoại truyền thống được tiếp nhận từ thuở ban đầu, khi dần dần từng chút một, sự lãng quên tích tụ lại trên nó, sai lầm làm ô uế nó, và nó trở thành con mồi cho những thối nát của đa thần giáo và các hình thức tôn giáo biến chất hơn (thờ vật linh, thờ vật tổ, thờ ngẫu tượng, ma thuật, v.v.). Tuy nhiên, bất chấp những biến đổi mà nó trải qua, truyền thống nguyên thủy đã bảo tồn cho nhân loại suốt nhiều thời đại một khoản ký gửi hao hụt dần của những chân lý nền tảng. Khoản ký gửi này hàm chứa trong nó nhiều quan niệm triết học—có nghĩa là, những quan niệm liên quan đến những vấn đề cao siêu nhất thuộc phạm vi của lý trí. Nhưng vì chỉ được đưa ra giảng dạy bởi một truyền thống tôn giáo chứng thực cho những giáo huấn mang tính bản năng của lẽ thường, nên chúng cũng chỉ được nhận biết theo kiểu tiền triết học và tồn tại trong tình trạng tiền triết học mà thôi.

3. Người Semite và người Ai-cập

Quả không có gì ngạc nhiên khi tất cả những người sống trong thời kỳ sơ khai2 của lịch sử đều không biết gì về suy đoán triết học. Nhưng điều đáng kinh ngạc là ngay cả một số nền văn minh từng phát triển rực rỡ cũng không hề có lĩnh vực này—lấy ví dụ, người Semite, và thậm chí ngay cả người Ai-cập. Bất chấp nền văn hóa có tính khoa học ở trình độ cao được đạo diễn bởi giới quý tộc tinh hoa, nhưng có vẻ những quan niệm triết học duy nhất mà người Ai-cập và Can-đê sở hữu lại chỉ là những ý niệm hết sức bình thường được hàm chứa trong tôn giáo của họ, liên quan đến Thượng Đế, linh hồn và trạng thái của linh hồn con người sau khi chết, cùng với những mệnh lệnh luân lý. Những chân lý như vậy (tương tự như trường hợp của mọi chủng tộc khác) sẽ càng trở nên trong sáng và nguyên tuyền hơn nếu chúng ta càng trở về xa hơn với nguồn gốc ban đầu của chúng. Và giống như những tin tưởng khoa học, chúng chưa từng được coi là chủ đề của nghiên cứu và suy đoán thuần lý, trái lại, chỉ được chấp nhận cách đơn giản như một phần của truyền thống thiêng liêng. Tôn giáo đã thay thế triết học, và từ tôn giáo, các chủng tộc này đã tiếp nhận những chân lý triết học nhất định, dù triết học thì không có. Về vấn đề này, người Do-thái cũng không hơn gì so với các đồng sự Semite. Khinh miệt khôn ngoan phàm nhân và những thành tựu của lý trí thuần túy, và quả thực, vì không có năng khiếu trong những khảo cứu thuộc loại này, họ đã không sản sinh ra bất cứ triết gia nào (ít nhất là trước Philo, người cùng thời với Chúa Giêsu Kitô), nhưng chỉ có các ngôn sứ và Lề Luật.

4. Người Ấn-Âu

Trong khi đó, nơi tất cả những nền văn minh Ấn-Âu vĩ đại, người ta đã thấy có một sự thúc đẩy nào đó, dù ở nhiều dạng thức khác nhau, về phía suy đoán—thuần lý và triết học—theo nghĩa chặt. Nhưng chỉ tại Hy-lạp (và trên quy mô lớn ở Ấn Độ) mà sự thúc đẩy này mới thành công trong việc đạt tới một bộ môn khoa học được phân biệt với tôn giáo. Ngoài ra, ở những nơi khác, trong trường hợp này, một tôn giáo truyền thống đã không thay thế triết học, nhưng triết học, hay đúng hơn là khôn ngoan phàm nhân, đã thâm nhập vào tôn giáo và bị lẫn lộn với nó. Ở đó, nhà khôn ngoan đã đảm nhiệm một phận vụ thiêng liêng. Ông không phải là người đứng đầu một trường phái triết học nào cả, nhưng là nhà sáng lập của một giáo phái tôn giáo, nếu không muốn nói là một tôn giáo mới.

4.1. Người Ba Tư

Đối với những người Ba Tư, những người mà tôn giáo nguyên gốc của họ, dựa trên những văn bia cổ, hầu như là một loại tôn giáo độc thần, vào khoảng thế kỷ VIII hoặc VI TCN, Zoroaster (hay Zarathustra) đã lập lên Hỏa giáo (Mazdeism, hay Zoroastrianism), một loại tôn giáo coi lửa là tượng trưng cho Thiên Chúa. Đây là thành quả có sức ảnh hưởng mạnh mẽ của suy đoán trong nỗ lực nhằm đưa ra lời giải thích hợp lý cho nan đề mà con người đã phải đối diện ngay từ đầu, vấn đề sự dữ. Nó đã hệ thống hóa (và vô tình làm sai lệch) một số chân lý nền tảng nhất định vốn bắt nguồn từ truyền thống nguyên thủy. Do thất bại trong việc nhận biết Thiên Chúa là nguyên lý tối thượng duy nhất và là nguồn gốc của mỗi sự vật tồn tại, trong chừng mực chúng tham dự vào hiện hữu; và vì không hiểu rằng sự dữ chỉ đơn thuần là sự thiếu hụt của hữu thể khi không có hiện hữu tích cực, vì thế, không có thụ tạo nào là dữ tự bản tính; nên Zoroaster đã dừng lại ở thuyết nhị nguyên và giảng dạy về sự hiện hữu của hai nguyên lý vừa vô tạo vừa vĩnh cửu là nguyên lý Sự Thiện (Ormuzd) và nguyên lý Sự Dữ (Ahriman). Ông cho rằng hai nguyên lý này cùng chia sẻ sự thống trị vũ trụ với nhau và tham gia đồng thời vào một trận chiến liên lỉ không có hồi kết. Trong chừng mực Ahriman được đồng nhất với thiên thần nổi loạn của truyền thống nguyên thủy, Hỏa giáo có xu hướng biến ma quỷ thành một vị thần đối trọng với Thiên Chúa.


[Trong phần tiếp theo, Jacques Maritain đã đưa ra bản trình bày ngắn gọn về các học thuyết và xu hướng triết học ẩn chứa trong các tôn giáo lớn ở Đông phương như Đạo Bà La Môn, Phật Giáo, Lão Giáo và Nho Giáo dựa trên những dữ kiện mà ông nhìn nhận là “vẫn chưa đạt tới sự chắc chắn” và chỉ có thể cung cấp “một lời giải thích có khả năng đúng nhất về niềm tin của họ”. Trong bản tóm lược tổng thể về các tôn giáo lớn của người Ấn-Âu (Arya), ông cho rằng: “chúng ta không chỉ bắt buộc phải cô lập các khía cạnh trí tuệ của các tôn giáo mà người học triết quan tâm bằng một quá trình trừu tượng hóa, nhưng còn phải đơn giản hóa đáng kể và giảm thành một sự phân loại nhân tạo đối với những học thuyết có độ phức tạp cao và dao động mà đôi khi, tính không thống nhất của chúng cũng đã làm nản lòng các sử gia. Bên cạnh đó, cũng cần phải nói thêm rằng những giải thích về tư tưởng Đông phương mà các học giả đưa ra phần lớn vẫn chỉ là phỏng đoán, cách đặc biệt trong chừng mực liên quan đến triết học, và trong nhiều trường hợp là vô cùng thiếu sót.” Nhằm tránh lạc đề vào lĩnh vực tôn giáo, con xin lược bớt phần này và tiếp tục với nội dung ngay sau đây.]


5. Người Hy-lạp – Những người được chọn của khoa lý luận

Trong thế giới cổ đại, thực sự chỉ riêng tại Hy-lạp mà khôn ngoan nhân loại mới tìm ra chính lộ, nhờ sự hòa hợp vinh phúc giữa các năng lực của linh hồn, cùng một nỗ lực dài hơi nhằm vươn tới trật tự và một bộ môn về tinh thần, mà lý trí nhân loại đã đạt tới sức mạnh đầy tràn và sự trưởng thành của nó. Do đó, chủng tộc Hy-lạp nhỏ bé đã xuất hiện giữa các đế chế cường thịnh ở Đông phương như người đàn ông được vây quanh bởi những đứa trẻ to xác, và thực sự, họ có thể được gọi là những người phát ngôn cho lý trí và lời con người, giống như cách dân tộc Do-thái được gọi là cơ quan ngôn luận của mặc khải và Lời Chúa.

Ngoài ra, cũng chỉ riêng ở Hy-lạp, chúng ta mới thấy triết học giành được quyền tự chủ và được phân biệt cách rõ ràng với tôn giáo. Ít nhất là trong thời đại tinh tuyền và huy hoàng nhất của nó, tư tưởng Hy-lạp đã nhận ra những giới hạn của riêng mình và sẵn lòng đưa ra một phạm vi được đóng khung chặt chẽ, phạm vi của nghiên cứu khoa học về những sự thật thuần lý; trong khi ngược lại, tôn giáo của họ, thứ đã bị suy thoái rất nhiều từ thời Homer, đã ngày càng trở nên hư hoại và tỏ ra không có khả năng trong việc đáp ứng các nhu cầu của trí tuệ con người. Đúng vậy, sẽ đến một lúc nào đó, khi người Hy-lạp lạm dụng triết học và lý trí trong sự kiêu căng, đã cố gắng nắm lấy những điều thuộc về Thiên Chúa bằng khôn ngoan phàm nhân, điều đã khiến họ bị phê bình một cách xác đáng bởi Thánh Phaolô: “đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội” (Rm 1,21) và “sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa” (1 Cr 3,19). Nhưng mặc dù được sinh ra từ tư tưởng con người, triết học của họ đã không bị nhiễm uế bởi những sai lầm và đối tượng duy nhất của nó vẫn là sự thật.


Chú thích

[*] Đây là quan điểm phổ biến vào thời của Jacques Maritain. Tuy nhiên, sau Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã cởi mở với những cách tiếp cận khác. Trong Thông điệp Fides et ratio [Đức tin và lý trí], Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng Giáo Hội “không có triết học riêng của mình, và cũng không phong thánh cho bất cứ một triết học nào ưu tiên hơn các triết học khác” (Fides et ratio, số 49). Để bàn thêm về vấn đề này, độc giả có thể tham khảo bài dịch “Triết học Công Giáo là gì?”. [Ghi chú của người dịch]

i Cicero, Tusculanae Disputationes, v. 8; x. Diogenes Laertius, i, 12.

ii Aristotle, Metaphysics i, 2, 982 b. Thánh Tôma, In I Metaphysics, 1. 3. x. De Veritate, q. 7, a. 7.

1 P. Lemonnyer, O.P. (Schmidt), La Révélation primitive et les données actuelles de la science. Paris, 1914.

2 Sơ khai đối với một nhánh cá biệt của nhân loại và trong chừng mực mà tri thức của chúng ta về quá khứ vẫn còn rộng mở, nhưng không phải là sơ khai theo nghĩa tuyệt đối. Đằng sau những gì mà chúng ta gọi là nhà nước nguyên thủy của các dân tộc đã biết, là một giai đoạn lịch sử dài của loài người mà chúng ta không hề có thông tin.

Scroll to Top