Chú giải Tin Mừng Mát-thêu

Chương
Chú Giải
Chương
Chú Giải
Chú giải Tân Ước
Chú giải Cựu Ước

I. Ngũ Thư

01. Chú giải Sách Sáng Thế

02. Chú giải Sách Xuất Hành

03. Chú giải Sách Lê-vi

04. Chú giải Sách Dân Số

05. Chú giải Sách Đệ Nhị Luật

II. Các Sách Lịch Sử

06. Chú giải Sách Giô-suê

07. Chú giải Sách Thủ Lãnh

08. Chú giải Sách Rút

09. Chú giải Sách Sa-mu-en 1

10. Chú giải Sách Sa-mu-en 2

11. Chú giải Sách Các Vua 1

12. Chú giải Sách Các Vua 2

13. Chú giải Sách Sử Biên 1

14. Chú giải Sách Sử Biên 2

15. Chú giải Sách Ét-ra

16. Chú giải Sách Nơ-khe-mi-a

17. Chú giải Sách Tô-bi-a

18. Chú giải Sách Giu-đi-tha

19. Chú giải Sách Ét-te

20. Chú giải Sách Ma-ca-bê 1

21. Chú giải Sách Ma-ca-bê 2

III. Các Sách Giáo Huấn

22. Chú giải Sách Gióp

23. Chú giải Sách Thánh Vịnh

24. Chú giải Sách Châm Ngôn

25. Chú giải Sách Giảng Viên

26. Chú giải Sách Diễm Ca

27. Chú giải Sách Khôn Ngoan

28. Chú giải Sách Huấn Ca

IV. Các Sách Ngôn Sứ

29. Chú giải Sách Ngôn Sứ I-sai-a

30. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a

31. Chú giải Sách Ai Ca

32. Chú giải Sách Ba-rúc

33. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en

34. Chú giải Sách Ngôn Sứ Đa-ni-en

35. Chú giải Sách Ngôn Sứ Hô-sê

36. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giô-en

37. Chú giải Sách Ngôn Sứ A-mốt

38. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ô-va-đi-a

39. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giô-na

40. Chú giải Sách Ngôn Sứ Mi-kha

41. Chú giải Sách Ngôn Sứ Na-khum

42. Chú giải Sách Ngôn Sứ Kha-ba-cúc

43. Chú giải Sách Ngôn Sứ Xô-phô-ni-a

44. Chú giải Sách Ngôn Sứ Khác-gai

45. Chú giải Sách Ngôn Sứ Da-ca-ri-a

46. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ma-la-khi

Chương 10

Câu 1. Chúa Giê-su chọn ra mười hai người trong số các môn đệ và đặt họ làm tông đồ. Theo Tin Mừng Lu-ca, ta biết rằng sau đó, Người còn chọn ra bảy mươi hai môn đệ khác (Lc 10,1). Tuy nhiên, mười hai tông đồ có vị trí cao hơn cả trong số các môn đệ của Ngài.

Con số mười hai được cho là có sự liên hệ với mười hai chi tộc Ít-ra-en. Như dân Ít-ra-en đã sinh sôi nảy nở từ mười hai người con ông Gia-cóp là những vị đứng đầu các chi tộc, tất cả các tín hữu Ki-tô Giáo cũng sẽ phát triển ra toàn thế giới từ tinh thần của các tông đồ. Đây cũng là con số thường xuyên xuất hiện trong Cựu Ước như: mười hai vị ngôn sứ, mười hai con suối tại Ê-lim (Xh 15,27), mười hai tảng đá lấy từ sông Gio-đan (Gs 4,3),…

Câu 2. Ông Si-môn được chọn làm người đứng đầu mười hai tông đồ không phải dựa vào thời điểm được kêu gọi, nhưng dựa vào phẩm giá, vì ông vốn được gọi sau ông An-rê, anh trai mình. Chúa đặt tên cho ông là Phê-rô, trong Tiếng A-ram là כֵּיפָא [kēp̄ā], nghĩa là tảng đá. Ông được coi là tảng đá đầu tiên để Chúa xây dựng Hội Thánh của Người và chính ông cũng được đặt làm người đứng đầu Giáo Hội.

Câu 3. ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê – đây là Thánh Gia-cô-bê Tiền, người bị Vua Hê-rô-đê chém đầu (Cv 12,2), ông là anh trai Thánh Gio-an Tông Đồ. Khác với Thánh Gia-cô-bê Hậu (Gia-cô-bê con ông An-phê), người anh em của Chúa, Giám mục Giê-ru-sa-lem, tử đạo vào khoảng năm 61 SCN.

Câu 5-6. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.

Trong sứ vụ đầu tiên của các tông đồ, Chúa Giê-su sai họ không đi vào vùng đất của những người dân ngoại và các thành thị của dân Sa-ma-ri, nhưng đi rao giảng cho dân Do-thái trước. Điều này hoàn toàn không có gì mâu thuẫn với việc người sai họ “hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Hãy nhớ rằng thời điểm của hai việc sai phái này hoàn toàn khác nhau và được phân tách bởi biến cố Chúa Phục Sinh.

Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, Chúa sai các tông đồ đi rao giảng cho dân Do-thái trước để họ nhận biết Người chính là Đấng Mê-si-a và để những người cứng tin không thể bào chữa rằng: “Chúng tôi đã không nhận biết ông vì ông chỉ sai các môn đệ mình đến với dân ngoại.”

Ngoài ra, theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, việc rao giảng cho dân Do-thái và đối mặt với những sự chống đối, nhạo báng sẽ là sự chuẩn bị cần thiết cho họ trước khi rao giảng cho dân ngoại và phải chịu những sự chống đối dữ dội hơn.

Câu 8. chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ – Không chỉ ban cho các tông đồ sức mạnh và lòng can đảm để rao giảng Nước Trời, Chúa Giê-su còn ban cho họ khả năng làm phép lạ để giúp lời họ rao giảng được hiệu quả. Vì những điều họ loan báo cho dân Do-thái là những điều hoàn toàn mới mẻ và Lề Luật chưa từng nói tới, nên cần những điều lớn lao, kỳ diệu để củng cố.

Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy – Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, ở đây, Chúa Giê-su khuyên răn các tông đồ của mình đừng làm việc vì tư lợi; nhưng bản thân họ đã nhận được ánh sáng đức tin mà chẳng mất gì, thì cũng nên truyền đạt nó cho người khác như vậy.

Ngoài ra, theo Thánh Tô-ma A-qui-nô, Chúa có thể muốn cảnh báo Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người giữ túi tiền, vì ông có thể bị cám dỗ và kiếm trác lợi lộc từ việc truyền giáo.

Với Thánh Gio-an Kim Khẩu, lời khuyên này của Đấng Cứu Độ còn có tác dụng cảnh báo tất cả những người được sai đi, vì họ có thể đắm chìm trong hư vinh và sinh lòng tham lam tư lợi. Để họ không ảo tưởng về chính mình, Người dạy rằng bất cứ phép lạ nào họ làm được đều là Chúa ban cho chứ không phải do sức riêng của họ. Thứ hai, vì họ nhận được Tin Mừng từ Chúa mà chẳng mất gì thì cũng đừng tham lam bất cứ lợi lộc nào từ những người đón nhận lời họ rao giảng.

Câu 11. Đức Giê-su căn dặn các tông đồ khi đến các thành thị hay làng mạc thì cần dò hỏi xem gia đình nào được mọi người chứng nhận là tốt lành, xứng đáng và hãy ở lại nhà đó cho tới lúc rời khỏi thành của họ, đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia (Lc 10,7). Người dặn dò như vậy là để tránh những phiền toái cho các ông trên hành trình truyền giáo và nhằm ngăn ngừa những chuyện gièm pha, nói xấu của dân chúng về các ông. Ngoài ra, cũng là để họ không hiểu sai ý nghĩa của câu mà Người đưa ra trước đó: “Vì thợ thì đáng được nuôi ăn.

Câu 14. hãy giũ bụi chân lại – Đây là một kiểu ứng xử khá quen thuộc của các ngôn sứ và các nhà truyền giáo khi thể hiện thái độ không hài lòng với những kẻ cứng tin và cố chấp trước lời rao giảng của họ. Hành động này nhằm tỏ ra rằng họ đã không lấy bất cứ thứ gì từ những kẻ cố chấp, dù chỉ là những hạt bụi, và chính những bụi đất đó cũng sẽ đứng lên làm chứng chống lại những kẻ không tin trong Ngày Phán Xét (x. Cv 13,51).

Câu 16. Chúa Giê-su không chỉ cho các tông đồ biết rằng họ sẽ như chiên đi vào giữa bầy sói, nhưng còn nhấn mạnh rằng ngay cả khi phải đối mặt với những con sói hung dữ, họ vẫn phải đối xử cách hiền lành như chiên và đơn sơ như chim bồ câu, bất chấp việc có thể bị sói lao vào cắn xé. Đây chính là sự vĩ đại của chân lý và tình yêu Chúa Ki-tô. Đàn chiên của Ngài sẽ chiến thắng và thậm chí, có thể thay đổi bản chất hung dữ của sói không phải bằng sự hung dữ và tàn bạo hơn sói, nhưng chính bởi sự hiền lành, ôn hòa và hồn nhiên.

Ngoài ra, Chúa cũng căn dặn họ cần biết cách hành xử khéo léo và thận trọng khi nói: “anh em phải khôn như rắn”.

Câu 17. Chúa Giê-su cảnh báo trước cho các môn đệ về những sự bắt bớ, bách hại mà họ sẽ phải chịu trong tương lai. Điều đó giúp họ có sự chuẩn bị trước về tinh thần và không nản lòng khi những điều đó xảy đến.

Câu 18. để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết – Điều đó nghĩa là bằng ý chí kiên cường và lập trường kiên định, các ông có thể làm chứng cho Chúa ngay trước mặt vua chúa quan quyền, những kẻ xét xử và luận tội các ông vì vấn đề đức tin.

Câu 19. đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì – Đó là những gì đã xảy ra với Thánh Phê-rô và các tông đồ (Cv 4,1-22; 5,22-33), với Thánh Tê-pha-nô (Cv 7), với Thánh Phao-lô (Cv 22-26) và với rất nhiều vị thánh tử đạo trong Giáo Hội Công Giáo của chúng ta.

Câu 22. kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát – Điều này cho thấy rằng chỉ có đức tin và lòng đạo đức thôi thì không đủ để được cứu độ, chúng ta cần phải là những người bền chí đến cùng, tức là giữ được những đức hạnh đó trong mọi hoàn cảnh và tới giờ sau hết của cuộc đời. Đó cũng là những gì đã được viết trong Sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Nếu như kẻ công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà làm điều bất chính, thì Ta sẽ đặt chướng ngại trước mắt nó; nó sẽ phải chết… Nó sẽ phải chết vì tội lỗi của nó và người ta sẽ không còn nhớ đến việc công chính nó đã làm” (Ed 3,20).

Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, có một số người rất nhiệt thành khi mới đón nhận đức tin, nhưng sau đó, họ không bền chí và thậm chí bỏ đạo. Họ chính là “những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô” (Mt 14,5-6).

Đối với những người như vậy, Thánh Phê-rô cảnh báo rằng: “những kẻ đã thoát khỏi những vết nhơ của thế gian, nhờ được biết Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ, mà lại vướng mắc vào đó một lần nữa và bị thua, thì tình trạng sau này của họ còn tệ hơn trước. Quả thật, thà họ không biết đường công chính, còn hơn là khi đã biết rồi, lại lìa bỏ điều răn thánh đã được truyền cho họ. Điều xảy ra cho họ thật đúng với câu ngạn ngữ sau đây: Chó mửa ra, chó liền ăn lại; heo tắm xong, heo nhảy vào bùn” (2 Pr 2,20-22).

Câu 23. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác – Đây là lời khuyên các Ki-tô hữu được phép chạy trốn khỏi các cuộc bách hại, đó là cách hành xử hợp lẽ, khác với việc bỏ đạo.

anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến – Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, ý của Chúa Giê-su là khi các môn đệ còn chưa rao giảng hết những thành thị trong lãnh thổ Ít-ra-en, thì Người đã đến để cùng rao giảng với họ. Một số người khác thì cho rằng Chúa muốn nói tới sự trở lại của Ngài sau biến cố Phục Sinh.

Câu 24. Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ – Chúa Giê-su muốn nói rằng khi chúng ta trở thành môn đệ của Người, đừng mong được thế gian đối xử tử tế hơn cách họ đối xử với Thầy mình. Hãy sẵn sàng chịu đựng những sự khinh miệt, ngược đãi giống như những gì Người đã trải qua.

Câu 25. Bê-en-dê-bun – Hay Ba-an Dơ-vúp, là tên tượng thần của Éc-rôn (2 V 1,2-3.6.16) – một thứ ngẫu tượng. Tên Bê-en-dê-bun, theo cách gọi của người Do-thái, có nghĩa là chúa tể loài ruồi.

Câu 26. không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết – Không sự chà đạp hay đàn áp nào có thể che giấu chân lý và bôi nhọ những gì là tốt đẹp. Mặc dù có những người luôn cố gắng dùng quyền lực, truyền thông hay những thủ đoạn khác hòng che giấu sự thật mà họ không muốn cho ai biết, nhưng sau hết, sự thật vẫn sẽ được tỏ lộ và hành vi xấu của họ cũng sẽ bị phơi bày.

Câu 27. Qua hình ảnh đêm hôm – ban ngày, rỉ tai – lên mái nhà, Chúa Giê-su muốn truyền cho các môn đệ rằng: những điều mà Người dạy cho họ, vốn ban đầu chỉ có một số ít người được lĩnh hội và phạm vi rao giảng của Người chỉ giới hạn trong miền Giu-đê. Nhưng bây giờ, các ông hãy đem những điều đó đi rao giảng cho hết thảy mọi người và mang lời Chúa đến tận cùng trái đất.

Câu 28. Hãy sợ hỏa ngục chứ đừng sợ nhà tù. Đừng sợ hình phạt tạm thời, những hãy sợ lửa đời đời thiêu đốt.

Câu 29-31. Chim sẻ là loài vật thấp kém hơn nhiều so với con người, nhưng Chúa Quan Phòng vẫn bảo vệ và nuôi sống chúng. Do đó, không ai có thể tước đoạt mạng sống của chúng ta nếu không được Chúa cho phép.

Câu 32-33. Những ai nhận là môn đệ Chúa Ki-tô trước mặt người đời thì Chúa cũng sẽ nhận người đó trước mặt Chúa Cha. Và ngược lại, ai chối Chúa đến cùng, dù với bất cứ lý do nào, thì Chúa cũng sẽ không nhận người đó trong Ngày sau hết.

Câu 34-36. Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, thanh gươm trong câu nói của Chúa Giê-su chính là sự chia rẽ giữa các tín hữu và những người không tin: “Trong vấn đề niềm tin vào Chúa Ki-tô, toàn thể thế giới bị chia rẽ với chính nó; trong mỗi ngôi nhà đều có những người tin và những người không tin” (Catena Aurea, Vol. 6).

Với Thánh Hi-la-ri-ô, thanh gươm tượng trưng cho quyền năng của Tin Mừng: “Cách mầu nhiệm, gươm là thứ sắc bén nhất trong tất cả các loại vũ khí, nó trở thành biểu tượng của quyền bính, của công lý và của việc sửa trị kẻ sai trái. Lời của Chúa cũng được ví như một thanh gươm [Ep 6,17; Dt 4,12], vì thế, thanh gươm được gửi đến trái đất ở đây chính là lời dạy mà Chúa Giê-su trút vào tâm hồn mỗi người” (Catena Aurea, Vol. 6).

Theo Thánh Tô-ma A-qui-nô:

Ở các câu trên, Chúa Giê-su cảnh báo các môn đệ rằng họ không được ngưng việc rao giảng chân lý vì những lời lăng mạ hay nỗi sợ cái chết; bây giờ, Ngài cảnh báo họ không được ngưng công việc đó vì tình cảm xác thịt. Và rằng Ngài đến không phải để đem bình an; nhưng để gây chia rẽ giữa con trai với cha.

Như thế, các môn đệ có thể đang thầm nghĩ rằng: Chúa ơi, tại sao lại có nhiều chuyện xảy đến với chúng con như vậy? Khi Chúa đến chắc sẽ có bình an. Và Chúa nói: anh em đừng tưởng. Nhưng tại sao Ngài lại nói điều này? Trong Tin Mừng Lu-ca, chẳng phải các thiên thần đã hát mừng biến cố Chúa giáng sinh rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”? (Lc 2,14)…

Vậy nên, phải nói rằng bình an có hai loại, cụ thể là tốt và xấu… Có một loại bình an xấu, như đang được nói tới, khi người ta gọi những tai họa là hòa bình (Kn 14,22). Nó là thứ bình an về tình cảm xác thịt, vốn không phải là điều Chúa Giê-su mang tới khi Ngài xuống trần gian. Vì thế, người ta có thể nói rằng Ngài đã cất hòa bình khỏi mặt đất (Kh 6,4). Trong khi đó, có một loại bình an tốt, khi chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên thành một; đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (Ep 2,14), [theo nghĩa đó, chính Người đã thiết lập hòa bình (Ep 2,15)]. Đây cũng là lý do tại sao các thiên thần lại ca lên rằng: bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

Vì thế, Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm. Mà ý định khi dùng một thanh gươm chính là để chia rẽ. Thanh gươm này là Lời Thiên Chúa, vì Lời đó là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi (Dt 4,12). Cũng bởi vậy, Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu hãy cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa (Ep 6,17).

Commentary on Matthew, 883-885, Jeremy Holmes & Beth Mortensen, Aquinas Institute

Câu 38. Có hai loại thập giá mà Chúa Giê-su muốn chúng ta phải mang. Đó là thập giá cho thân xác và thập giá cho linh hồn. Nếu thập giá cho thân xác là việc kiềm chế sự tham lam của xúc giác, vị giác, thị giác, được thể hiện qua việc ăn chay; thì thập giá cho linh hồn chính là lối sống khiêm nhường, tiết độ, hòa nhã,… nhằm kiềm chế những đam mê vô độ của linh hồn.

Câu 39. Nếu ai tìm thấy niềm vui thú và chìm đắm trong những sự thế gian mà không quan tâm tới phần rỗi, thì sẽ đánh mất sự sống đời đời, và ngược lại.

Scroll to Top