Chú giải Tin Mừng Mát-thêu

Chương
Chú Giải
Chương
Chú Giải
Chú giải Tân Ước
Chú giải Cựu Ước

I. Ngũ Thư

01. Chú giải Sách Sáng Thế

02. Chú giải Sách Xuất Hành

03. Chú giải Sách Lê-vi

04. Chú giải Sách Dân Số

05. Chú giải Sách Đệ Nhị Luật

II. Các Sách Lịch Sử

06. Chú giải Sách Giô-suê

07. Chú giải Sách Thủ Lãnh

08. Chú giải Sách Rút

09. Chú giải Sách Sa-mu-en 1

10. Chú giải Sách Sa-mu-en 2

11. Chú giải Sách Các Vua 1

12. Chú giải Sách Các Vua 2

13. Chú giải Sách Sử Biên 1

14. Chú giải Sách Sử Biên 2

15. Chú giải Sách Ét-ra

16. Chú giải Sách Nơ-khe-mi-a

17. Chú giải Sách Tô-bi-a

18. Chú giải Sách Giu-đi-tha

19. Chú giải Sách Ét-te

20. Chú giải Sách Ma-ca-bê 1

21. Chú giải Sách Ma-ca-bê 2

III. Các Sách Giáo Huấn

22. Chú giải Sách Gióp

23. Chú giải Sách Thánh Vịnh

24. Chú giải Sách Châm Ngôn

25. Chú giải Sách Giảng Viên

26. Chú giải Sách Diễm Ca

27. Chú giải Sách Khôn Ngoan

28. Chú giải Sách Huấn Ca

IV. Các Sách Ngôn Sứ

29. Chú giải Sách Ngôn Sứ I-sai-a

30. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a

31. Chú giải Sách Ai Ca

32. Chú giải Sách Ba-rúc

33. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en

34. Chú giải Sách Ngôn Sứ Đa-ni-en

35. Chú giải Sách Ngôn Sứ Hô-sê

36. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giô-en

37. Chú giải Sách Ngôn Sứ A-mốt

38. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ô-va-đi-a

39. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giô-na

40. Chú giải Sách Ngôn Sứ Mi-kha

41. Chú giải Sách Ngôn Sứ Na-khum

42. Chú giải Sách Ngôn Sứ Kha-ba-cúc

43. Chú giải Sách Ngôn Sứ Xô-phô-ni-a

44. Chú giải Sách Ngôn Sứ Khác-gai

45. Chú giải Sách Ngôn Sứ Da-ca-ri-a

46. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ma-la-khi

Chương 22

Câu 1. Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn – Và Người đúc kết cuộc đối thoại với các thượng tế và kỳ mục bằng cách tái diễn tả một lần nữa: (1) Sự ruồng bỏ của Thiên Chúa đối với người Do-thái. (2) Sự kêu gọi dân ngoại đến với đức tin chân thật. (3) Phán quyết cuối cùng dành cho cả dân Do-thái và dân ngoại.

Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, ý nghĩa của dụ ngôn này có sự khác biệt cơ bản với dụ ngôn khách được mời xin kiếu trong Lc 14,15-24, mặc dù chúng khá giống nhau về mặt diễn đạt.

Câu 2. một vua kia mở tiệc cưới cho con mình – Chủ đề chính của dụ ngôn này là lời khẳng định của Chúa Giê-su rằng người Do-thái, mặc dù nhiều lần được mời gọi tin vào Đấng Ki-tô, nhưng chỉ một số ít trong số họ tin Người. Nhà vua là hình ảnh ẩn dụ của Thiên Chúa, người con là Chúa Giê-su, cô dâu là Giáo Hội, đám cưới là mầu nhiệm Nhập thể, tiệc cưới là vinh quang của Thiên Chúa ở đời này và đời sau, đầy tớ trong nhà là các vị ngôn sứ và đầy tớ sau cùng là Gio-an Tẩy Giả.

Thông qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su muốn nhắn nhủ hai điều: (1) Có nhiều người được mời gọi vào nước Thiên Chúa, tức là Giáo Hội Chúa Ki-tô, nhưng chỉ có một số ít đáp lời. (2) Không phải tất cả những người đáp lời đều được cứu, tức là xứng đáng với “bữa tiệc,” vì có những người không mặc y phục lễ cưới trà trộn vào. Những người đó sẽ bị quẳng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Câu 3. đầy tớ – Trải suốt chiều dài lịch sử mặc khải, người Do-thái đã nhiều lần được mời gọi tới dự “tiệc cưới” trong Nước Trời. Ban đầu là ông Mô-sê và sau đó là các vị ngôn sứ đã không ngừng loan báo cho họ biết rằng Đấng Mê-si-a sẽ đến và chính Người sẽ khai mở “bữa tiệc.” Khi thời gian tới hồi viên mãn, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng cho họ rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Cuối cùng, họ được chính Người Con tới mời gọi một cách tha thiết: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28) và “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!” (Ga 7,37). Không chỉ bằng lời nói, Đức Giê-su còn dùng nhiều phép lạ và các công việc tốt đẹp mà thuyết phục họ. Sau khi Phục Sinh, thông qua Thánh Phê-rô và các tông đồ khác, Người vẫn không ngừng loan báo cho người Do-thái rằng bữa tiệc của Người đã sẵn sàng; vì Hội Thánh Chúa Ki-tô đang được thiết lập, con đường đưa đến hạnh phúc vĩnh cửu đã được mở ra cho toàn thể nhân loại.

Câu 5. kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn – Đó là những người từ chối Thiên Chúa vì những sự thế gian và xem thường lời mời gọi của Người. Thay vì phần rỗi đời đời, họ dành toàn bộ tâm trí cho những thứ chóng qua và các đam mê, dục vọng; với con bò, đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, của cải, vợ con. Từ hình phạt dành cho những người này, chúng ta học được rằng con người ta không thể đưa ra bất cứ lý do chính đáng nào để biện minh cho sự bỏ bê, trễ nải việc linh hồn. Họ có thể ngụy biện bằng những cái cớ khách quan và ngăn trở vô lý khiến họ không đón nhận Chúa Ki-tô; nhưng tất cả những điều này đều bắt nguồn từ sự kiêu ngạo, thái độ đứng bên lề tôn giáo, hay sự tôn kính con người (*). Những lý do sáo rỗng này sẽ không có chút giá trị nào trước sự phán xét công thẳng của Thiên Chúa trong Ngày Cánh Chung.

(*) Sự tôn kính con người [human respect] ở đây không có nghĩa là thái độ và cách hành xử tôn trọng mà chúng ta dành cho tha nhân, vốn không có gì sai trái, nhưng dùng để chỉ việc sợ hãi con người hơn kính sợ Thiên Chúa. Những người ở trong tình trạng như vậy xu hướng quan tâm đến những gì mọi người nghĩ về mình hơn là việc Chúa nghĩ thế nào về họ. Đây là một nỗi sợ phạm đến Thiên Chúa và là căn nguyên của nhiều thứ tội khác, cả về tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.

Câu 6. sỉ nhục và giết chết – Đó là cách mà người Do-thái đã đối xử nhiều lần với các vị ngôn sứ (x. Kn 2,19-20).

Câu 7. sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng – Chúa Giê-su tiên báo về cuộc vây hãm Giê-ru-sa-lem vào năm 70 SCN bởi đạo quân của Ti-tô, người sau này trở thành hoàng đế Rô-ma. Theo sử gia Do-thái Josephus, sau cuộc vây hãm này, 1,1 triệu người đã thiệt mạng, cả thành Giê-ru-sa-lem cùng với Đền Thờ đã bị phá hủy gần như thành bình địa. Một chương bi thương trong lịch sử dân tộc Do-thái.

Câu 8. những kẻ đã được mời lại không xứng đáng – Như vậy, mặc dù biết những kẻ được mời không xứng đáng, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn sai các tôi tớ đi kêu gọi họ. Và khi người Do-thái tiếp tục giữ thái độ ngoan cố, khinh miệt và vô ơn, họ làm cho mình càng trở nên không xứng đáng đến dự tiệc trong nước của Người.

Câu 9. ra các ngã đường – Như vậy, sau khi người Do-thái một mực từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa, các tôi tớ của Người sẽ được sai đến với dân ngoại, giống như những gì Thánh Phao-lô tuyên bố: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13,46).

Câu 10. bất luận xấu tốt – Trước đó, Chúa Giê-su tuyên bố rằng những người thu thuế và những cô gái điếm cũng có thể được vào Nước Thiên Chúa (Mt 21,31) và những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót (Mt 20,16). Đối với những người Do-thái ngoan cố và cứng tin, việc dân ngoại được kêu gọi và trở nên con cái Thiên Chúa quả là khó chấp nhận.

Câu 11. không mặc y phục lễ cưới – Những người theo phái Calvin cho rằng y phục này chính là đức tin và chỉ cần có đức tin là đủ để được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa, tức là được cứu độ. Quan điểm sai lầm này bị bác bỏ ngay trong Kinh Thánh (x. 1 Cr 13; Gc 2,14-26).

Câu 12. Người ấy câm miệng không nói được gì – Vị khách trà trộn này là hình ảnh ẩn dụ của các tội nhân không xứng đáng được hưởng ân sủng của Thiên Chúa. Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, việc đi dự tiệc cưới với quần áo ô uế ở đây diễn tả tình trạng rời khỏi thế gian trong mặc cảm tội lỗi. Với những người chấp nhận nằm xuống theo cách như vậy, sự xúc phạm tới Thiên Chúa của họ cũng không thua kém gì những kẻ khước từ lời mời gọi của Người. Chi tiết “người ấy câm miệng không nói được gì” thể hiện rằng anh ta không có gì để tự bảo vệ mình, anh ta tự kết án mình, ngã lòng trông cậy và nhanh chóng chìm vào những nỗi thống khổ; điều khủng khiếp này không từ ngữ nào có thể diễn tả được.

Câu 15. Đây là cuộc đối thoại thứ ba của Chúa Giê-su với người Do-thái. Đề tài của nó liên quan đến hành vi dân sự của con người dựa trên những chỉ dẫn và sự chi phối của tôn giáo.

Câu 16. phe Hê-rô-đê – Có một số ý kiến ​​cho rằng trong thời kỳ này, có một giáo phái trong dân Do-thái được gọi là phe Hê-rô-đê bao gồm chủ yếu là các cận vệ và binh lính của Hê-rô-đê An-ti-pa, tên gọi của nhóm này xuất phát từ việc họ tin rằng ông ta chính là Đấng Mê-si-a.

Ở đây, những người lính này đã đến Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt Qua sẽ diễn ra trong một vài ngày sau đó. Những người Pha-ri-sêu đã tranh thủ gửi các môn đệ của mình đi với họ nhằm tìm cách bắt Đức Giê-su ngay lập tức nếu Người lỡ lời khi rao giảng.

Điều đáng nói là những người này đã tìm cách bắt giữ Chúa Giê-su dựa vào lời nói, bởi lẽ họ không thể phát hiện ra bất cứ hành động sai trái nào ở nơi Người.

Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật – Những người này đã sử dụng lối nói giả hình có vẻ thân thiện với Chúa Giê-su vì nghĩ rằng như thế sẽ làm cho Người mất cảnh giác và lỡ lời; nói cách khác, họ lầm tưởng rằng, giống như những người khác, Chúa chúng ta có thể bị lôi cuốn bởi những lời nịnh hót và tâng bốc. Đó cũng là cách mà tất cả những kẻ đạo đức giả thường làm. Đầu tiên, họ ca ngợi những người mà họ muốn tiêu diệt bằng những lời dối trá, dẫn đối phương ra khỏi con đường sự thật và sau đó, đẩy người ta vào tất cả những sự khốn nạn và đau khổ.

Câu 17. có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không – Xê-da là danh hiệu của các hoàng đế Rô-ma, đế quốc đang đô hộ Ít-ra-en khi ấy.

Trong khoảng thời gian quanh biến cố Chúa Giê-su giáng sinh, có một nhân vật tên là Giu-đa đến từ Ga-li-lê đã đứng lên sách động người Do-thái nổi dậy. Mặc dù cuộc khởi nghĩa này đã bị quân đội Rô-ma đàn áp dã man bằng bạo lực và bản thân Giu-đa cũng bị hành hình, nhưng giáo lý mà ông tuyên bố đã không tiêu tan cùng với ông. Một số người, bao gồm cả những người Pha-ri-sêu, có quan điểm cho rằng việc dân Chúa phải phục dịch những người ngoại bang và những kẻ thờ ngẫu tượng (người Rô-ma) là điều trái với Lề Luật.

Do đó, câu hỏi được nhóm người giả hình này đưa ra cho Chúa Giê-su thực sự rất ác ý và khiến người trả lời dễ bị đưa vào tình thế bất lợi giữa một số đông quần chúng dễ kích động. Nếu Chúa trả lời rằng điều đó là hợp pháp, Người sẽ vấp phải sự căm ghét của những người Do-thái vì họ cho việc nộp thuế này là một sự bóc lột bất công và sự phục dịch những kẻ ngoại bang như vậy là sỉ nhục Thiên Chúa. Còn nếu Chúa nói rằng việc nộp thuế là bất hợp pháp, Người sẽ phải gánh chịu sự chống đối của những người thuộc phe Hê-rô-đê và sẽ bị tố cáo lên Xê-da. Đó cũng là điều mà những kẻ gài bẫy kia mong chờ; vì trong trường hợp đó, họ sẽ rất dễ thuyết phục Phi-la-tô rằng Chúa Giê-su và các môn đệ theo Ngài là những người ủng hộ Giu-đa Ga-li-lê; và những người bị buộc tội phản loạn như vậy sẽ phải chịu một kết cục thảm khốc, giống như những người bị giết ngay tại bàn thờ mà chúng ta đọc thấy trong Lc 13,1.

Có một điều đáng chú ý ở đây là mặc dù câu trả lời của Đức Giê-su dường như có lợi cho việc nộp thuế, nhưng sau này, khi đưa Người ra trước tòa tổng trấn Phi-la-tô, những kẻ bắt Người đã cáo gian với ông một cách trắng trợn rằng: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da” (Lc 23,2).

Câu 18. hỡi những kẻ giả hình – Đức Giê-su tuyên bố cho những kẻ thử Người biết rằng Người hiểu rõ những ác ý và toan tính xấu xa nơi thâm tâm của họ. Bằng kết luận như vậy, Chúa chúng ta cũng lên tiếng cảnh tỉnh và mong muốn họ hoán cải khi thấy được quyền năng của Người. Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, việc bị Chúa kết án và trừng phạt ngay ở đời này sẽ tốt cho người ta hơn là được Người tha cho để trừng phạt ở đời sau.

Câu 21. của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa – Bằng câu trả lời khôn ngoan này, Chúa Giê-su đã khiến những kẻ thử Người phải im miệng và rút lui trong sự bối rối.

Kết luận mà Người đưa ra có thể được hiểu như sau: Vì bạn là công dân của Xê-da, điều mà bạn thừa nhận một cách công khai và rõ ràng khi chấp nhận đồng tiền với hình ảnh và danh hiệu của ông ta, trên đó ông ta tự xưng mình là chúa của A-xi-a, Xy-ri và Giu-đa,… Do đó, bạn phải hoàn thành việc nộp thuế này dưới tư cách là một thần dân cống nạp cho người ở địa vị tối cao. Nhưng hãy nhớ rằng những gì Xê-da đòi hỏi ở bạn chỉ là những thứ chóng qua, chẳng hạn như đồng tiền được ông ta phát hành, được đóng dấu bằng hình ảnh và danh hiệu cá nhân. Còn những điều vốn chỉ thuộc về Thiên Chúa, như linh hồn của bạn cùng với sự thờ phượng và tôn kính Người, thứ đã được đóng dấu bằng hình ảnh của Đấng Tối Cao, thì chính Chúa chứ không phải Xê-da, sẽ đòi hỏi ở bạn.

Theo học giả Ôrigênê, điều mà Chúa Giê-su truyền cho chúng ta phải dâng lên Thiên Chúa ở đây không gì khác chính là tình yêu thương và tấm lòng tri ân, cảm tạ. Bên cạnh đó, Người dạy chúng ta phải biết sống cân bằng giữa hai thái cực (chỉ phục vụ Thiên Chúa và chỉ tôn trọng quyền bính), bởi lẽ có một số người rơi vào trạng thái cực đoan, họ cho rằng con người phải dâng tất cả những gì mình có cho Thiên Chúa và không để cho “Xê-da” bất cứ thứ gì, nói cách khác, phải dành tất cả thời gian để chăm sóc linh hồn còn thể xác thì không.

Ngoài ra, như đã đề cập ở câu 17 bên trên, mặc dù Chúa Giê-su xác nhận rõ ràng nghĩa vụ phải trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da, nhưng sau này, khi điệu Người ra trước dinh Phi-la-tô, người Do-thái đã cáo gian rằng Người ngăn cản dân chúng nộp thuế. Theo cách tương tự, bất chấp giáo huấn của Hội Thánh về việc tôn trọng quyền lực thế tục, có nhiều người vẫn không ngừng vu khống rằng giáo lý của chúng ta đối nghịch với các thể chế và có âm mưu lật đổ sự thống trị của chính quyền dân sự. Nhưng hãy đưa cho những người này bản tuyên bố chung do Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIV (1769-1774) gửi toàn thể các Giám mục trong thế giới Ki-tô Giáo: “Hãy cẩn trọng với những người mà anh em có trách nhiệm phải giáo huấn họ về luật Tin Mừng. Hãy giúp cho họ có ý thức ngay từ khi còn nhỏ về bổn phận cần phải phục tùng đối với các vị vua của họ, tôn trọng thẩm quyền và luật pháp họ đưa ra không những vì sợ bị phạt, mà còn vì lương tâm.”

Ở phía ngược lại, các vua chúa trần gian và dân thường không thể yêu sách hay gây áp lực để đòi hỏi các chức vị hay thẩm quyền trong Giáo Hội. Thánh Athanasiô (296/298-373), khi đề cập đến vấn đề này, đã đưa ra trích dẫn từ một bức thư của Giám mục Hosius thành Corduba (256-359) gửi cho hoàng đế Rô-ma Constantius II (317-361), một người theo lạc giáo Arius:

“Hãy ngừng lại, tôi cầu xin ngài, hãy nhớ rằng ngài chỉ là một phàm nhân. Hãy sợ Ngày Phán Xét và ngừng can thiệp vào các vấn đề của Giáo Hội; đừng ra lệnh hay sai khiến ai trong chuyện này, nhưng hãy học hỏi ở chúng tôi. Chúa đã giao phó đế chế này cho ngài theo cùng một cách mà Người đã ủy thác cho Giáo Hội những gì thuộc về Giáo Hội. Và như người áp đặt lên đế chế của mình những điều chống lại các lệnh truyền của Chúa bằng con mắt thù nghịch, ngài cũng hãy cẩn trọng kẻo vì sự can thiệp bất hợp pháp này mà ngài sẽ phạm phải một tội trọng.”

Tương tự như vậy, khi bị hoàng đế Rô-ma Valentinian II (371-392), theo lời xúi giục của bà mẹ Justina (340-388), yêu sách mình lập ra một giáo hội cho lạc giáo Arius ở Milan, thánh Ambrôsiô đã viết thư hồi đáp và khẳng định: “Chúng tôi trả Xê-da những gì thuộc về Xê-da và trả Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Việc cống nạp cho Xê-da sẽ không bị bỏ qua. Nhưng Giáo Hội là của Thiên Chúa và không thể được trao lại cho Xê-da; vì đền thờ của Thiên Chúa không thuộc quyền của Xê-da. Có thể nói, trong tất cả các danh hiệu mang lại vinh dự cho hoàng đế, có danh hiệu nào đáng trọng hơn là khi ngài được gọi là con cái của Giáo Hội? Một hoàng đế tốt sẽ ở trong Giáo Hội, nhưng không phải đứng trên Giáo Hội.”

Câu 24. X. Đnl 25,5.

Câu 29. Các ông lầm – Những người thuộc phái Xa-đốc đã sai lầm vì không tin vào sự sống lại, và giả như có tin thì với họ, cuộc sống đời sau cũng sẽ diễn ra giống như đời này. Vì không thể nhận thức được điều gì khác hơn, họ tự cho rằng mình là đúng khi phủ nhận sự bất tử của linh hồn sau khi chết. Nếu biết Kinh Thánh, họ đã không phạm phải sai lầm này, vì trong Cựu Ước có rất nhiều chi tiết nhắc tới sự phục sinh của con người vào ngày sau hết (G 14; 19,26-27; Is 26,19; Ed 37,1-14; Đn 12,2-3). Ngoài ra, Chúa Giê-su còn nói rằng họ là những kẻ không biết tới quyền năng Thiên Chúa, bởi lẽ một khi đã tạo ra con người từ tro bụi, chắc chắn sẽ không có gì khó khăn với Ngài khi cho họ trỗi dậy một lần nữa từ bụi tro.

Câu 30. giống như các thiên thần – Dĩ nhiên, con người là thụ tạo có cả linh hồn và thể xác, còn các thiên thần là các thụ tạo thuần linh khác với chúng ta. Nhưng khi nói như vậy, Chúa Giê-su cho chúng ta biết rằng sau khi phục sinh, những người được tuyển chọn sẽ trở nên bất tử và bất khả thụ nạn (không thể đau khổ) giống như các thiên thần, và niềm vui của họ sẽ hoàn toàn thuần linh.

người ta chẳng lấy vợ lấy chồng – Theo Thánh Cyprianô, tình trạng của những người tu trì và linh mục cũng được các Giáo Phụ định hướng giống như cuộc sống của các thiên thần.

Câu 32. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống – Ở đây, Chúa Giê-su chứng minh sự phục sinh của thân xác bằng sự bất tử của linh hồn, bởi trên thực tế, hai nguyên lý này không thể tách rời nhau. Linh hồn bất tử nhất định phải có một ngày được đoàn tụ với thân xác, để từ đó, linh hồn ấy nhận được phần thưởng hay phần phạt đời đời trong chính thân xác hiện nay nó đang mặc.

Thánh Giê-rô-ni-mô đã sử dụng trình thuật này làm một luận điểm để chống lại lạc giáo Vigilantius (Vigilantius (370-406) là một linh mục nhưng sau này đã khởi xướng lạc giáo, ông ta đặc biệt lên án việc tôn kính các vị thánh và thánh tích của họ). Cũng giống như Vigilantius, nhiều người trong thời đại ngày nay vẫn luôn tìm cách hạ thấp sự tôn vinh mà Giáo Hội Công Giáo dành cho các vị thánh và gọi họ chỉ đơn giản là những người chết. Nhưng Thiên Chúa chúng ta không phải Thiên Chúa của kẻ chết. Chẳng hạn như những tổ phụ Do-thái mà Chúa Giê-su nhắc tới ở đây, mặc dù họ đã chết về mặt thân xác theo cách nhìn của người đời, nhưng linh hồn họ vẫn đang sống dưới ánh nhìn của Thiên Chúa. Những linh hồn đó, chính Người đã tạo dựng cho họ được bất tử và chắc chắn Người cũng hoàn toàn có thể dùng quyền năng mà cho họ được tái hợp một lần nữa với thân xác ban đầu.

Phái Xa-đốc là một giáo phái có tính chất phàm tục, họ phủ nhận sự phục sinh của thân xác, sự tồn tại của linh hồn và các thiên thần, cũng như bất cứ cuộc sống tương lai nào ở một thế giới khác (Cv 23,8). Họ cũng không công nhận bất cứ cuốn sách nào trong Cựu Ước ngoài năm cuốn sách được viết bởi ông Mô-sê (hay còn gọi là Ngũ Kinh, bộ sách bao gồm Sáng Thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân Số và Đệ Nhị Luật). Biết được điều đó, Chúa Giê-su đã trích dẫn một câu trong sách Xuất Hành (Xh 3,15) để cho họ hiểu rằng Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp vẫn đang sống, bởi lẽ Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê ở thời điểm 200 năm sau cái chết của ông Gia-cóp (người sống sau cùng trong số ba vị tổ phụ) rằng Ta là (I am) Thiên Chúa của Áp-ra-ham, chứ không nói là Ta đã là (I was) Thiên Chúa của Áp-ra-ham. Người sẽ không bao giờ tự gọi mình là Thiên Chúa của kẻ chết, cũng giống như không có ông vua nào lại giới thiệu mình là vua của những người đã không còn nữa.

Câu 34. những người Pha-ri-sêu họp nhau lại – Sau khi Chúa Giê-su làm cho phái Xa-đốc phải rút lui, có một số người trong nhóm kinh sư lên tiếng “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm” (Lc 20,39). Những người Pha-ri-sêu, đối thủ của phái Xa-đốc có lẽ cảm thấy khó chịu và tìm cách để tiếp tục thử Người. Thay vì cả nhóm sẽ ra câu hỏi và phải chịu ê chề như phái Xa-đốc, nhóm này đã chọn một người thông luật ra trước. Điều này tạo lợi thế cho họ bởi vì họ khá đông. Nếu người thông luật này thất bại thì đó chỉ là thất bại của riêng anh ta và những người khác sẽ lần lượt ra thử Đức Giê-su. Còn nếu anh ta chiến thắng thì cả nhóm sẽ cùng ra mặt để tấn công Người.

Câu 40. đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy – Đó là đức tin và đức mến. Đức tin dĩ nhiên là nhân đức tiên quyết cần phải có, nhưng đức mến còn quan trọng hơn. Nếu một người có được cả hai nhân đức này, người ấy sẽ hoàn thành tất cả lệnh truyền được công bố bởi Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ.

Câu 45.Vậy nếu vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì làm sao Đấng Ki-tô lại là con vua ấy được?” – Những người Pha-ri-sêu rốt cuộc cũng á khẩu không thể trả lời Chúa Giê-su. Ở đây, Người muốn nhấn mạnh cho họ hiểu rằng có hai phần bản tính ở nơi Đấng Ki-tô. Xét về nhân tính, Người là con cháu vua Đa-vít, tức là ở thân phận thấp kém hơn ông. Nhưng xét theo thiên tính, Người là Con Thiên Chúa, đó là chức vị cao trọng trổi vượt hơn vua Đa-vít. Và vì thiên tính đó, được Thánh Thần soi sáng, chúng ta gọi Người là Chúa.

Scroll to Top