01. Chú giải Tin Mừng Mát-thêu
05. Chú giải Sách Công Vụ Tông Đồ
13. Chú giải Thư 1 Thê-xa-lô-ni-ca
14. Chú giải Thư 2 Thê-xa-lô-ni-ca
20. Chú giải Thư của Thánh Gia-cô-bê
21. Chú giải Thư 1 của Thánh Phê-rô
22. Chú giải Thư 2 của Thánh Phê-rô
23. Chú giải Thư 1 của Thánh Gio-an
24. Chú giải Thư 2 của Thánh Gio-an
25. Chú giải Thư 3 của Thánh Gio-an
Chương 19
Câu 3. có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không – Những người Pha-ri-sêu thêm một lần nữa gài bẫy Chúa Giê-su và mong Người lỡ lời để có cớ buộc tội. Họ hỏi Người về quyền ly dị vợ vì một lý do nào đó. Với trí khôn hạn hẹp, họ tin chắc mình sẽ thành công bởi họ nghĩ: Nếu Chúa Giê-su nói rằng điều đó không hợp pháp, họ sẽ buộc tội Người về tội phỉ báng vì Cựu Ước viết: Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. (Đnl 24,1). Mặt khác, nếu Người nói rằng điều đó là hợp pháp, họ sẽ buộc tội Người ủng hộ những kẻ rẫy vợ vì thèm muốn phụ nữ khác.
Nhưng Chúa Giê-su Ki-tô, với sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đã làm họ phải im miệng bằng chính thẩm quyền của Kinh Thánh mà họ cố gắng trích dẫn để chống lại Người. Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. Như vậy, mối dây hôn nhân giữa vợ với chồng là một sự ràng buộc nghiêm ngặt đến nỗi họ trở nên một xương một thịt và không thể tách rời.
Câu 4. Thuở ban đầu – Thánh Giê-rô-ni-mô, Thánh Gio-an Kim Khẩu và Giám mục Theophylact lý giải rằng lúc ban đầu, khi Thiên Chúa sáng tạo ra muôn loài, Ngài đã không phán với bất cứ sinh vật nào giống như cách Người đã làm với con người, khi kết hợp một nam với một nữ. Từ đó, theo quan điểm của Thánh Augustinô, hôn nhân một vợ một chồng và tính bất khả phân ly của nó đã được Đấng Sáng Tạo thiết lập ngay từ thuở ban đầu.
Câu 5. Xem St 2,24.
Câu 7-8. Những người Pha-ri-sêu không hài lòng với câu trả lời của Chúa Giê-su và họ trích dẫn sách Luật Mô-sê để chất vấn Người lần thứ hai. Chúa chúng ta đã trả lời họ rằng sở dĩ có luật như vậy vì họ lòng chai dạ đá. Nói cách khác, luật rẫy vợ được dưa ra nhằm mục đích ngăn chặn những tội ác lớn hơn chẳng hạn như những kẻ vì thèm muốn phụ nữ khác mà đẩy vợ vào chỗ chết để được tự do, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.
Câu 9. ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình – Trong chương 5, Chúa Giê-su dạy rằng: ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình; như vậy, kết hợp với chỉ dẫn bổ sung ở đây, ta biết rằng trong trường hợp phải ly thân, nếu bất kỳ bên nào, vợ hoặc chồng cưới người khác thì đều phạm tội ngoại tình.
Về các vấn đề hôn nhân và ly hôn, Thánh Phao-lô khẳng định: với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hòa với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ. (1 Cr 7,10)
Câu 11. Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu – Không phải ai cũng có khả năng sống độc thân và khiết tịnh bởi đó là một ân sủng mà Thiên Chúa chỉ dành cho một số người, khi họ cầu nguyện và khấn xin Người. Chúa Giê-su đã nhân cuộc đối thoại với những người Pha-ri-sêu để ca ngợi đức khiết tịnh mà Người mô tả như một món quà tuyệt vời và tốt lành từ ơn trên. Do đó, có thể thấy rằng, bên cạnh các điều răn, còn có những lời khuyên Phúc Âm dành cho các Ki-tô hữu. Việc tuân thủ những lời khuyên này không chỉ phù hợp với Lề Luật mà còn giúp chúng ta xứng đáng hơn trong việc dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa, nhất là cho chúng ta có nhiều hơn sự tự do và giảm bớt các trở ngại trong việc phụng sự Người.
Chúa Giê-su đã không tán thành kết luận mà các môn đệ đưa ra trước đó: Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn. Để tránh việc họ nhầm lẫn và lên án cả những cuộc hôn nhân trong sạch, đồng thời, để khuyến khích họ đề cao đời sống khiết tịnh, Người đã trả lời rất khôn khéo nhằm đưa ra chỉ dẫn: hôn nhân trong sạch là điều tốt những sẽ tốt hơn nếu không kết hôn, bởi đức khiết tịnh là một món quà tuyệt vời của Thiên Chúa. Điều này cũng được Thánh Phao-lô trình bày rất rõ ràng trong 1 Cr 7,25-35.
Câu 13. để Người đặt tay trên chúng – Đây là một phong tục của người Do-thái khi họ dẫn trẻ nhỏ đến với những người được kính trọng trong dân, thường là các vị cao niên, để họ đặt tay trên chúng và tin rằng như vậy, chúng sẽ nhận được phúc lành từ họ. Trong Giáo Hội Công Giáo, các Giám mục và linh mục cũng thường đặt tay trên các trẻ nhỏ với ý nghĩa tương tự.
Ở đây, các môn đệ la rầy những trẻ em được đưa đến không phải vì họ không muốn các trẻ ấy được chúc lành mà họ sợ rằng chúng sẽ quấy rầy Chúa chúng ta. Nhưng Chúa Giê-su bảo họ đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai có trái tim hồn nhiên và đơn sơ giống như chúng.
Theo Thánh Gio-an Kim Khẩu, nếu chúng ta muốn vào Nước Trời, chúng ta phải bắt chước những đức tính của trẻ nhỏ. Tâm hồn của chúng thoát khỏi mọi đam mê, dục vọng và những ý định trả thù. Chúng có thể tha thứ và gần gũi với bất cứ ai đã làm cho chúng đau buồn, thậm chí coi họ như những người bạn thân thiết nhất. Mặc dù cha mẹ nhiều lần trách phạt, chúng vẫn sẽ trung thành với họ, yêu thương họ và coi sự nghèo khó của họ vượt trên sự quyến rũ của vàng bạc hay châu báu. Chúng không tìm kiếm những gì vượt quá mức cần thiết, không ham muốn vẻ đẹp xác thịt, không đau buồn khi đánh mất niềm vui thế gian. Do đó, Đấng Cứu Độ của chúng ta nói rằng Nước Trời là của những ai giống như chúng.
Theo truyền thống, Thánh I-nha-xi-ô Giám mục thành An-ti-ô-khi-a (?-108) là một trong số các trẻ nhỏ được Chúa Giê-su chúc lành trong trình thuật này.
Câu 16. Bấy giờ có một người đến – Trình thuật Lc 18,18 thì cho biết người này lã một thủ lãnh trong dân Do-thái. Một số người phỏng đoán rằng thanh niên này có lẽ đưa ra câu hỏi không phải để nhận được một lời khuyên bảo mà chỉ để thử Đức Giê-su giống như những người Pha-ri-sêu. Tuy nhiên, trình thuật Mc 10,22 cho biết anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi. Do đó, có thể thấy anh ta đến gặp Chúa với sự chân thành nhưng không đủ quyết tâm để từ bỏ của cải mình đang có.
Câu 17. Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi – Trình thuật Lc 18,19 thì ghi lại rằng Chúa Giê-su nói “Sao ông nói tôi nhân lành? Chẳng có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”. Lạc giáo Arius (khởi xướng bởi Arius (250/256-336), một kỳ mục tại A-lê-xan-ri-a, Ai-cập) đã dựa vào chi tiết này để phủ nhận sự đồng bản thể của Chúa Giê-su và Chúa Cha, họ cho rằng Chúa Giê-su không phải là Thiên Chúa một cách đúng đắn và chân thật. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Ở đây, chúng ta phải hiểu rằng khi Chúa Giê-su nói như vậy, Người muốn tái khẳng định rằng mọi sự tốt lành đều xuất phát từ Thiên Chúa và do đó, Người biểu lộ rằng mình chính là Thiên Chúa.
Câu 21. Nếu anh muốn nên hoàn thiện – Điều này cho thấy có một sự khác biệt giữa những thứ thuộc về điều răn và những thứ mang tính chất lời khuyên nhằm hướng tới sự hoàn hảo. Sự hoàn hảo của Tin Mừng về cơ bản bao gồm việc tuân thủ nghiêm ngặt các điều răn của Thiên Chúa, được bổ trợ bằng cách chấp nhận không chỉ sự nghèo khó tự nguyện, nhưng còn bao gồm tất cả những lời khuyên khác trong Tin Mừng như sự khiết tịnh trọn đời và sự vâng phục tuyệt đối.
Rồi hãy đến theo tôi – Việc theo Chúa Ki-tô với Thánh Augustinô và các vị tông đồ, chính là không lập gia đình, không có tài sản và sống trong cộng đoàn; cuộc sống như vậy đem tới một phần thưởng lớn lao trên Trời. Toàn bộ sự hoàn hảo của một Ki-tô hữu được gói trọng trong việc đi theo Chúa Giê-su, bằng cách bắt chước những nhân đức của Người. Những người có được sự nghèo khó và khiết tịnh không ngay lập tức trở nên hoàn hảo, nhưng họ bước vào con đường hoàn hảo, bằng cách tạo điều kiện cho mình có thể tiến bộ nhiều nhất, xóa bỏ những trở ngại và đặt sang một bên những mối tậm tâm của thế gian.
Theo tu sĩ Ni-cô-la xứ Lyra (1270-1349), trong chương này, Chúa Giê-su Ki-tô đưa ra ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh trong câu 12, và ở câu này là nghèo khó và vâng phục.
Câu 22. buồn rầu – Người thanh niên tỏ ra buồn bã và bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải. Như vậy, anh ta chọn cách gắn bó với những gì đã sở hữu, những của dư thừa đời này hơn là tìm kiếm điều anh ta mong muốn – sự sống đời đời.
Câu 25. Thế thì ai có thể được cứu? – Các môn đệ sửng sốt vì họ biết rằng không phải chỉ những người giàu có mà ngay cả những người nghèo cũng dồn một phần tâm trí của mình cho sự giàu sang.
Câu 28. đến thời tái sinh – Ở đây, Chúa Giê-su gọi sự phục sinh nói chung là tái sinh bởi lẽ sau đó, không chỉ thân xác con người mà toàn thể vũ trụ cũng sẽ được đổi mới. Lời hứa cho các tông đồ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en không phải chỉ giới hạn đối với các tông đồ và người Do-thái, nhưng còn được mở rộng cho các Ki-tô hữu và thế gian, cho thiên thần và loài người. Như Thánh Phao-lô tuyên bố: Nào anh em chẳng biết rằng dân thánh sẽ xét xử thế gian sao? Nào anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các thiên thần sao? (1 Cr 6,2-3)
Thánh Giê-rô-ni-mô, Thánh Augustinô, Thánh Grêgôriô và nhiều người khác cho rằng những người làm việc tông đồ, những người từ bỏ của cải đời này để đi theo Chúa Ki-tô với tất cả tinh thần và thiện chí, những người bằng mọi cách thúc đẩy triều đại Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng sẽ được vinh dự ngồi tòa phán xét cùng với Chúa Ki-tô trong thời tái sinh.