Chú giải Tin Mừng Mát-thêu

Chương
Chú Giải
Chương
Chú Giải
Chú giải Tân Ước
Chú giải Cựu Ước

I. Ngũ Thư

01. Chú giải Sách Sáng Thế

02. Chú giải Sách Xuất Hành

03. Chú giải Sách Lê-vi

04. Chú giải Sách Dân Số

05. Chú giải Sách Đệ Nhị Luật

II. Các Sách Lịch Sử

06. Chú giải Sách Giô-suê

07. Chú giải Sách Thủ Lãnh

08. Chú giải Sách Rút

09. Chú giải Sách Sa-mu-en 1

10. Chú giải Sách Sa-mu-en 2

11. Chú giải Sách Các Vua 1

12. Chú giải Sách Các Vua 2

13. Chú giải Sách Sử Biên 1

14. Chú giải Sách Sử Biên 2

15. Chú giải Sách Ét-ra

16. Chú giải Sách Nơ-khe-mi-a

17. Chú giải Sách Tô-bi-a

18. Chú giải Sách Giu-đi-tha

19. Chú giải Sách Ét-te

20. Chú giải Sách Ma-ca-bê 1

21. Chú giải Sách Ma-ca-bê 2

III. Các Sách Giáo Huấn

22. Chú giải Sách Gióp

23. Chú giải Sách Thánh Vịnh

24. Chú giải Sách Châm Ngôn

25. Chú giải Sách Giảng Viên

26. Chú giải Sách Diễm Ca

27. Chú giải Sách Khôn Ngoan

28. Chú giải Sách Huấn Ca

IV. Các Sách Ngôn Sứ

29. Chú giải Sách Ngôn Sứ I-sai-a

30. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a

31. Chú giải Sách Ai Ca

32. Chú giải Sách Ba-rúc

33. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ê-dê-ki-en

34. Chú giải Sách Ngôn Sứ Đa-ni-en

35. Chú giải Sách Ngôn Sứ Hô-sê

36. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giô-en

37. Chú giải Sách Ngôn Sứ A-mốt

38. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ô-va-đi-a

39. Chú giải Sách Ngôn Sứ Giô-na

40. Chú giải Sách Ngôn Sứ Mi-kha

41. Chú giải Sách Ngôn Sứ Na-khum

42. Chú giải Sách Ngôn Sứ Kha-ba-cúc

43. Chú giải Sách Ngôn Sứ Xô-phô-ni-a

44. Chú giải Sách Ngôn Sứ Khác-gai

45. Chú giải Sách Ngôn Sứ Da-ca-ri-a

46. Chú giải Sách Ngôn Sứ Ma-la-khi

Chương 26

Hội đồng của người Do-thái chống lại Chúa Giê-su được tổ chức vào ngày thứ Tư, tức là hai ngày trước lễ Vượt Qua. Vì Giu-đa đã bán Chúa và người Do-thái đã kết án tử cho Ngài vào ngày này, nên từ xa xưa, Giáo Hội có truyền thống ăn chay ngày thứ Tư và kiêng thịt vào ngày thứ Sáu, ngày mà Chúa Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá để cứu chuộc nhân loại. Trong hai chương sau đây, tôi sẽ ghép nối các dữ kiện quan trọng có liên quan từ bốn cuốn Tin Mừng để độc giả có được cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn về các diễn biến trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Ki-tô.

Câu 3. dinh – Người Do-thái thường tổ chức hội đồng tại những nơi công cộng, tại cổng hoặc dinh của giới quý tộc.

Câu 5. Không nên làm vào chính ngày lễ – Sau đó, họ đã thay đổi kế hoạch này vì Giu-đa đã nộp Chúa Giê-su vào tối thứ Năm. Theo Thánh Giê-rô-ni-mô, khi những người này nói “Không nên làm vào chính ngày lễ” thì không phải họ không dám làm vì sợ xúc phạm đến Thiên Chúa hay vì sợ phạm tội ác trong lễ Vượt Qua, nhưng họ sợ dân chúng sẽ gây náo động theo hướng có lợi cho Đức Giê-su, Người được coi là một vị ngôn sứ.

Mặc dù hành động đẩy Chúa Giê-su vào chỗ chết của họ, cũng như hành vi phản bội của Giu-đa, ở một khía cạnh nào đó, vô tình xúc tác vào việc mang tới ơn cứu độ cho nhân loại, nhưng không thể lập luận rằng đó là công trạng của họ, hay vì như thế mà họ tránh khỏi án phạt tương ứng. Bởi lẽ Thiên Chúa không tiền định cho họ phải làm như vậy, cũng không phải họ làm vì muốn đem lại ơn cứu độ cho người khác, nhưng bởi sự ngoan cố, cứng tin đến cùng và những mưu toan xấu mà ý chí tự do của chính họ đã đưa ra.

Câu 6. Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a tại nhà ông Si-mon Cùi – Theo Thánh Augustinô, sự kiện Chúa Giê-su được xức dầu trong Tin Mừng Mát-thêu không được liên kết với yếu tố thời gian. Sự kiện này thực sự không diễn ra vào ngày thứ Tư vì trong Ga 12,1, Thánh Gio-an thuật lại rõ rằng nó xảy ra sáu ngày trước lễ Vượt Qua; và nó cũng khác với lần Chúa Giê-su được xức dầu tại nhà ông Si-môn người Pha-ri-sêu trong Lc 7,36. Ở đây, Thánh Mát-thêu dẫn ra sự kiện này để đặt nó cùng dịp với sự phản bội của Giu-đa, vì lòng tham của y sẽ được nhắc tới.

Về ông Si-mon Cùi, Thánh Ambrôsiô cho rằng ông là một người đang bị phong cùi, và như vậy, Chúa Giê-su không ngần ngại đến nhà của những người mắc bệnh, vì Người có thể thanh tẩy họ. Thánh Giê-rô-ni-mô thì cho rằng ông Si-mon chỉ là người đã từng mắc bệnh nhưng đã được Chúa Giê-su chữa khỏi, ông được gọi là cùi chỉ vì chứng bệnh trước đây của mình. Quan điểm này có vẻ hợp lý hơn, vì người Do-thái thời bấy giờ bị cấm giao thiệp với người bị phong cùi.

Câu 7. một người phụ nữ – Đó là cô Ma-ri-a, chị gái anh La-da-rô (Ga 12,3).

Câu 8. các môn đệ lấy làm bực tức – Dường như các môn đệ bị thuyết phục bởi câu nói giả hình của Giu-đa, hoặc có thể vì họ nghĩ đến những người nghèo.

Câu 10. Sao lại muốn gây chuyện với người phụ nữ này? – Qua chi tiết này, Chúa Giê-su dạy chúng ta không nên đòi hỏi những hành vi đạo đức ở mức hoàn hảo từ các tân tòng hay những người trẻ tuổi trong việc phụng sự Chúa. Bằng cách chấp nhận việc xức dầu và nói thay cho người phụ nữ, Chúa Giê-su khen ngợi đức tin như chồi non mới mọc của cô, và rằng sự dịu dàng trong hành động mà cô thể hiện sẽ là nguồn nước tưới giúp cho chồi non ấy sinh nhiều hoa trái. Do đó, khi thấy những việc lành của người khác, mặc dù có thể vẫn còn một số điểm không hoàn hảo, chúng ta vẫn cần phải giữ cái nhìn nhân ái và giúp đỡ để họ hoàn thiện hơn trong tương lai.

Câu 11. Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu – Chúa Giê-su muốn nói về sự hiện diện hữu hình giống như một người bằng xương bằng thịt đang nói chuyện với họ, hay những người nghèo mà họ có thể gặp gỡ để bố thí hàng ngày. Câu này không hề mâu thuẫn với câu: Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20).

Câu 13. kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô – Sự nghiệp lừng lẫy hay kỳ công của các vua chúa rồi cũng sẽ bị lãng quên. Những người xây dựng thành trì, pháo đài và đồn lũy; những người phát động chiến tranh và giành chiến thắng trong các cuộc chinh phạt; những người khuất phục các quốc gia, áp đặt luật lệ lên hàng triệu người và cho dựng tượng để tôn vinh chính mình; tất cả họ rồi cũng sẽ thành người thiên cổ và chẳng còn ai nhớ tới, thậm chí đã lãng quên từ lâu. Nhưng câu chuyện về một người phụ nữ đơn sơ, nghèo khổ, trong một ngôi nhà của người bị phong cùi, cùng với hành động xức dầu của cô cho Đức Ki-tô sẽ được kể lại qua nhiều thế hệ và ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Câu 15. cho tôi bao nhiêu – Giu-đa đã bán Thầy mình với giá tiền của một nô lệ (Xh 21,32) không phải vì sợ hãi, nhưng vì lòng tham. Theo Thánh Lê-ô Cả, trong tất cả các đam mê của con người, ham muốn lợi lộc thấp hèn là thứ đáng khinh hơn cả; linh hồn của những kẻ tham lam sẽ không ngần ngại lao xuống hỏa ngục chỉ vì chút lợi nhỏ mà họ thèm khát. Trong tâm hồn của những người như vậy, những người coi tiền bạc là chúa tể đời mình, sẽ không còn đọng lại chút dấu vết nào của danh dự, công bình, hay ngay thẳng.

Ở đây, có thể Giu-đa nghĩ rằng khi nộp Thầy vào tay người Do-thái, Chúa Giê-su sẽ dễ dàng thoát khỏi đám người đó như Người đã làm ở Na-da-rét (Lc 4,30) và trong Đền Thờ (Ga 10,39).

Câu 18. đến nhà một người kiaMc 14,13Lc 22,10 còn đưa thêm những chi tiết rõ ràng hơn.

Câu 19. tiệc Vượt Qua – Bao gồm một con chiên, bánh không men và rau đắng (Xh 12,8).

Câu 22. Các môn đệ buồn rầu quá sức – Có ba nguyên nhân khiến các môn đệ cảm thấy buồn rầu như vậy: (1) Họ biết rằng người Thầy mà mình yêu mến sắp phải ra đi để chịu một cái chết đau đớn và nhục nhã; (2) vì biết những điều Người tiên báo chắc chắn sẽ xảy ra, họ lo sợ rằng biết đâu trong một phút yếu đuối và sai lầm, họ có thể trở thành kẻ phản bội; (3) Vì không biết ai sẽ là kẻ bán Chúa, họ hoang mang và không dám nghi ngờ người nào trong nhóm mình. Vì thế, họ lần lượt hỏi Thầy: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?

Rất có thể Chúa Giê-su đã tiên báo tới ba lần về việc có kẻ nộp Người: (1) Khi bắt đầu bữa ăn tối (Mt 26,21); (2) Sau khi rửa chân (Ga 13,18); (3) Sau khi lập Bí tích Thánh Thể (Lc 22,21).

Câu 25. Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi – Sau khi các môn đệ đã hỏi Chúa Giê-su và nhận được câu trả lời, Giu-đa cũng mạo hiểm đưa ra câu hỏi. Với sự giả hình, anh muốn giấm giếm những toan tính xấu bằng cách hỏi một câu tương tự những người còn lại. Nhưng thay vì “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”, anh hỏi Chúa: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?”. Và Người trả lời: “Chính anh nói đó!”. Theo Thánh Rabanus Maurus, câu trả lời này có thể được Chúa nói với giọng nhỏ vừa đủ để Giu-đa nghe thấy nhưng các môn đệ khác thì không.

Câu 26. Cũng trong bữa ăn – Trong bữa ăn này, Chúa Giê-su đã thiết lập Bí tích Thánh Thể. Đó là hồng ân cao cả và là món quà tuyệt vời nhất mà Người dành cho nhân loại chúng ta. Để tạo ra ấn tượng sâu sắc hơn cho các môn đệ, Người không lập nó ngay khi bắt đầu sứ vụ rao giảng của mình, nhưng đã thực hiện vào những giờ phút cuối cùng được ở bên các ông. Trước đó, để chuẩn bị cho các ông niềm tin vào bí tích này, Người đã làm phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na và đã hóa bánh ra nhiều trong hai dịp khác.

dâng lời chúc tụng – Chúa Giê-su đã thánh hóa bánh và rượu trước khi thiết lập bí tích này và cũng thực hiện trong bữa ăn (Lc 22,20; 1 Cr 11,25).

đây là mình Thầy – Người tuyên bố rõ ràng và tuyệt đối rằng “đây là mình Thầy” chứ không phải “đây là vật tượng trưng cho mình Thầy” hay “coi như đây là mình Thầy”. Người Công Giáo duy trì niềm tin sau những lời dạy rõ ràng của Chúa Giê-su trong Kinh Thánh và truyền thống của Giáo Hội rằng: Trong Bí tích Thánh Thể, “có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Đức Ki-tô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Đức Ki-tô trọn vẹn” (Công đồng Trentô 1545-1563). Tuy nhiên, đó không phải là thịt và máu theo cách hiểu thô tục của người Do-thái tại hội đường Ca-phác-na-um, những người đã vấp ngã vì lời dạy của Chúa (Ga 6,22-66). Nếu những người Tin lành, đối lập với các Giáo phụ, phủ nhận mối liên hệ giữa chương 6 của Tin Mừng Gio-an với bí tích này, thì sự phủ nhận của họ “xuất phát từ nỗi sợ rằng nó sẽ tạo ra lợi thế cho giáo lý về sự biến đổi bản thể” – theo William Cleaver (1742-1815), Giám mục Anh giáo Bangor, xứ Wale. Trong sự biến đổi kỳ diệu đó, bằng lời tuyên bố “đây là mình Thầy” và tác động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su tại Bữa Tiệc Ly và chính Người, thông qua các linh mục chủ tế, sẽ làm cho Bánh và Rượu trở thành Mình Máu Thánh Chúa, nhưng không phải theo cách nhìn thấy được và tràn ngập trong máu me như những người Do-thái lầm tưởng. Đây là giáo lý và niềm tin bất biến của Giáo Hội qua mọi thời đại, cả ở Phương Đông lẫn Phương Tây.

Để xem những từ này đã được giải thích thế nào bởi Giáo Hội sơ khai, chúng ta hãy cùng tham khảo một số trích đoạn từ các tác phẩm của một số tác giả nổi tiếng nhất trong năm thế kỷ đầu tiên.

Thế kỷ I

Quan điểm của Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a (?-107), Giám mục, tử đạo:

– (Về những kẻ lạc giáo) Họ kiêng Thánh Thể và hy lễ, vì họ không tuyên xưng Thánh Thể là Mình Máu của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế, Người đã chịu đau khổ vì tội lỗi chúng ta.

– Bí tích Thánh Thể là liều thuốc trường sinh, liều thuốc giải cứu khỏi cái chết, nhờ đó, chúng ta luôn sống trong Chúa Ki-tô.

– Tôi khao khát Bánh của Chúa, là Mình của Chúa Giê-su Ki-tô, và Rượu, là Máu của Người.

Thế kỷ II

Quan điểm của Thánh Giustinô Tử đạo (100-165) trong tác phẩm biện hộ cho các Ki-tô hữu trước hoàng đế Antoninus Pius (86-161) và thượng viện Rô-ma:

– Không ai được phép dự phần vào của ăn này ngoại trừ những người tin rằng các giáo lý của chúng tôi là đúng và những người đã chịu phép rửa để được tái sinh, được xóa bỏ tội lỗi và sống theo những gì Chúa Ki-tô đã dạy. Vì chúng tôi không coi đó là bánh và rượu thông thường, nhưng là Mình và Máu của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng tôi, Người đã nhập thể bởi Lời của Thiên Chúa; vì vậy, chúng tôi được dạy rằng của ăn này, thứ nuôi dưỡng mình và máu của chúng tôi, chính là Mình và Máu của Chúa Giê-su nhập thể.

Thế kỷ III

Quan điểm của Thánh Cyprianô (200-258), Giám mục, tử đạo:

– Tấm bánh mà Chúa Giê-su trao cho các môn đệ đã được biến đổi không phải về ngoại hình, nhưng về bản tính, để trở nên Mình Máu Thánh Người nhờ sức mạnh Toàn Năng của Ngôi Lời.

Thế kỷ IV

Quan điểm của Thánh Cyrillô thành Giê-ru-sa-lem (313-386), Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh – khi viết cho các tân tòng mới được rửa tội:

– Đừng coi Bánh và Rượu này là những thứ trần tục và tầm thường, nhưng là Mình và Máu Thánh Chúa Giê-su Ki-tô, như Người đã đảm bảo với chúng ta. Mặc dù các giác quan có vẻ gợi lên trong anh em suy nghĩ đó nhưng hãy để niềm tin làm cho anh em tin tưởng vững vàng. Đừng phán đoán điều này bằng vị giác, nhưng hãy xác tín bằng đức tin vào Chúa chúng ta. Khi Người nói “đây là mình Thầy” thì còn ai dám nghi ngờ? Và khi Người quả quyết “đây là máu Thầy” thì còn ai ngần ngại không dám nói đó là Máu Người nữa chăng? Người đã biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na, thì chẳng lẽ lại không thể biến rượu trở nên Máu mình sao? Vì thế, chúng ta hãy đón nhận Rượu và Bánh này với tâm tình rằng đó thực sự chính là Mình Máu Chúa Ki-tô. Và khi chúng ta rước Thánh Thể vào lòng, chúng ta được kết hợp với Người, cũng như Người hiện diện và lan tỏa nơi tất cả chúng ta.

Quan điểm của Thánh Ambrôsiô (340-397), Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh:

– Chẳng lẽ lời của Chúa Ki-tô lại không đủ sức biến đổi Bánh và Rượu này hay sao? Chính lời ấy đã từng tạo ra những thứ vốn không hề tồn tại từ đầu, và cũng chính lời ấy đã làm cho những thứ đang tồn tại hóa thành hư vô. Và hiển nhiên, việc biến đổi bản tính của các sự vật sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc ban cho chúng một bản tính mới.

Ngoài ra, chúng ta có thể xác nhận tính chân thực của Bí tích kỳ diệu này thông qua mầu nhiệm Nhập thể. Chúng ta biết rằng Chúa Giê-su được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Việc một trinh nữ sinh con rõ ràng là điều trái với tiến trình tự nhiên, nhưng đó là sự thật. Vậy nên, khi chúng ta nói về sự biến đổi của Thân Thể ấy, Thân Thể của Người được sinh ra bởi một Trinh Nữ, việc sử dụng lý lẽ của tiến trình tự nhiên để giải thích là điều không hợp lý.

Thế kỷ V

Quan điểm của Thánh Gio-an Kim Khẩu (347-407), Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh:

– Ngài đã cho chúng ta được ăn chính Ngài và đặt mình vào vị trí của lễ hy sinh vì chúng ta.

– Có biết bao người nói rằng họ muốn thấy hình dạng và y phục của Ngài, nhưng Ngài không chỉ cho họ thấy hình dạng mà còn cho họ chạm vào, cho họ ăn và rước chính Ngài vào lòng… nhờ đó, chúng ta được nuôi dưỡng, được trộn lẫn và được nên một thân thể, một xác thịt với Chúa Ki-tô.

Câu 27. Tất cả anh em hãy uống chén này – Chúa Giê-su nói điều này với mười hai tông đồ và tất cả các ông đã uống chén rượu đó (Mc 14,23).

Điều cần lưu ý ở đây là Chúa Giê-su không lệnh cho mọi tín hữu bắt buộc phải uống chén thánh. Tất cả những gì Người muốn chúng ta thực hiện là thánh hiến, hiệp dâng và quản lý bí tích mầu nhiệm này. Đây là một điểm mà dựa vào đó, vì một  số lý do chính đáng, Giáo Hội có thể cho phép hoặc không cho phép giáo dân uống chén thánh. Điều này hoàn toàn không làm cho người lãnh nhận bí tích bị thiệt thòi. Theo Giáo lý Công Giáo về sự hiện diện thực sự, người lãnh nhận bí tích sẽ nhận được một lợi ích như nhau bất kể chỉ rước một trong hai, Mình hoặc Máu Thánh Chúa Ki-tô. Trong Ga 6,58, Chúa Giê-su cũng khẳng định: Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

Câu 28. đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội – Trong Giao Ước cũ mà Thiên Chúa thiết lập với dân Do-thái, chính ông Mô-sê đã lấy máu các con bê, con dê hòa lẫn với nước, rồi dùng len đỏ thắm và cành hương thảo mà rảy trên chính cuốn Sách Luật cũng như trên toàn dân và nói: Đây là máu giao ước, Thiên Chúa đã truyền cho anh em tuân giữ. Rồi, cũng theo cách thức đó, ông rảy máu vào lều thánh và mọi đồ phụng tự (Dt 9,19-21). Theo Thánh Phao-lô, Chiếu theo Lề Luật, hầu hết mọi sự đều được thanh tẩy bằng máu. Không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ (Dt 9,22). Vậy, để thiết lập Giao Ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với loài người, chính Chúa Giê-su đã đổ máu mình ra trên thánh giá để chuộc tội cho nhân loại, những ai tin vào Người sẽ được ơn tha thứ và được hưởng sự sống đời đời.

Câu 31. tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy – Vì khi thấy Thầy bị bắt, tất cả các môn đệ sẽ chạy trốn và bỏ rơi Người.

Câu 34. Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần – Tin Mừng Mác-cô thuật lại chi tiết hơn: Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần (Mc 14,30).

Câu 36. một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni – Thánh Gio-an cho biết thêm rằng đó là một thửa vườn, bên kia suối Kít-rôn, một nơi mà Giu-đa cũng biết (Ga 18,1-2); còn thánh Lu-ca thì nói rằng Người đi ra núi Ô-liu như đã quen (Lc 22,39).

Câu 38. Tâm hồn Thầy buồn đến chết được – Chúa Giê-su không buồn rầu vì những đau khổ mà Người sắp phải chịu một cách tự nguyện để cứu độ chúng ta, nhưng Người buồn vì sự bất hạnh của Giu-đa, sự vấp ngã của các môn đệ, sự ruồng bỏ của Thiên Chúa đối với dân Do-thái và sự hủy diệt dành cho thành Giê-ru-sa-lem.

Câu 39.Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” – Qua lời cầu nguyện này, chúng ta thấy được hai ý chí tương ứng với hai phần bản tính nơi Chúa Ki-tô. Một cách tự nhiên, ý chí con người trong Ngài được thể hiện qua nỗi sợ hãi và sự rung động của tâm hồn trước cái chết. Tuy nhiên, ý chí con người đó không hề chống lại ý chí thần linh, khi Người nói xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.

Theo Thánh Lêô Cả, những lời cầu nguyện này là một chỉ dẫn tuyệt vời dành cho tất cả các Ki-tô hữu. Nó bừng cháy trong lồng ngực của những người tuyên tín và trao triều thiên cho các vị tử đạo. Vì liệu ai có thể vượt qua sự căm ghét của thế gian, những cuộc tấn công của các chước cám dỗ và sự khủng bố của những kẻ bắt bớ; nếu không phải là Chúa Ki-tô, trong tất cả và vì tất cả, đã thưa lên cùng Chúa Cha: xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. Hãy để tất cả con cái của Giáo Hội thấu hiểu những lời này, rằng khi những tai họa giáng xuống, chúng ta có thể đón nhận điều xảy đến và kêu lên: xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.

Câu 41. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn – Câu này được Chúa Giê-su hướng đến các môn đệ vì mặc dù tinh thần hăng hái của họ đã sẵn sàng để vượt qua bất cứ cơn cám dỗ nào, nhưng thể xác của họ thì lại yếu đuối và mệt mỏi đến nỗi sẽ thất bại nếu không được củng cố sức mạnh bằng những lời cầu nguyện.

Câu 44. cầu nguyện lần thứ ba – Theo Thánh Rabanus Maurus, Chúa Giê-su đã cầu nguyện ba lần khác nhau để xin Chúa Cha cho chúng ta: ơn tha thứ về những tội lỗi trước đây, gìn giữ chúng ta khỏi những điều xấu xa hiện tại và bảo vệ chúng ta trước những tai họa trong tương lai; và giúp chúng ta có thể học cách cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Câu 49. Giu-đa tiến lại gần Đức Giê-su và nói: “Ráp-bi, xin chào Thầy!”, rồi hôn Người – Đây là một thói quen chào hỏi của người Do-thái. Sau lời chào làm hiệu của Giu-đa, Tin Mừng Lu-ca thuật lại rằng Người đã nói với anh: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”. Còn Tin mừng Gio-an thì cho biết nhóm người này thậm chí không biết Đức Giê-su là ai, kể cả Giu-đa; và khi Người hỏi: “Các anh tìm ai?” Họ đáp: “Tìm Giê-su Na-da-rét.

Câu 51. vung tay tuốt gươm – Người vung gươm ra chém tên đầy tớ của viên thượng tế chính là Thánh Phê-rô, vì ông đã hiểu nhầm lời Chúa Giê-su trước đó: ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua (Lc 22,36); câu này có ý cảnh báo rằng nguy hiểm đã gần kề chứ không phải lời khuyên các ông nên chuẩn bị vũ khí.

Và khi thấy đám đông đến bắt bớ Người, các môn đệ liền hỏi: “Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không?” Nhưng Đức Giê-su lên tiếng: “Thôi, ngừng lại” (Lc 22,49.51).

Câu 52. tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm – Ở đây, Chúa Giê-su không lên án việc sử dụng gươm với mục đích chính đáng hay khi có thẩm quyền hợp pháp. Theo viện phụ Euthymius, bằng cách nói như vậy, Chúa chúng ta tiên báo rằng người Do-thái, những người mang gươm giáo đến bắt bớ Người, sẽ chết vì gươm của người Rô-ma. Ở một khía cạnh khác, Người không muốn Thánh Phê-rô và các môn đệ sử dụng vũ lực và lòng nhiệt thành để bảo vệ mình, nhưng sẵn sàng chịu mọi đau khổ và không một chút trì hoãn để bước vào Cuộc Khổ Nạn.

Câu 53. hơn mười hai đạo binh thiên thần – Một đạo binh bao gồm sáu nghìn người, như vậy, hơn mười hai đạo binh sẽ là hơn bảy mươi hai nghìn người. Nhưng chúng ta hiểu rằng Chúa Giê-su chỉ muốn nói đến một số lượng rất đông đảo.

Câu 56. Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết – Nhưng Thánh Phê-rô đã nhanh chóng bám theo Người. Ngoài ra, Tin Mừng Mác-cô cho biết còn có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng (Mc 14,51-52). Có lẽ đó là một người nào đó ở gần khu vườn và đã bị đánh động vì những tiếng ồn ào của đám đông.

Câu 57. điệu đến thượng tế Cai-pha – Trước đó, họ điệu Đức Giê-su đến ông Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha (Ga 18,13). Ở đây, những kẻ bắt bớ đã điệu Đức Giê-su đến nhà những người này nhằm chất vấn Người về các vấn đề giáo lý của Do-thái giáo, và khi Người đưa ra các câu trả lời, họ sẽ cố sức tìm ra cớ để buộc tội Người. Đây là hành động trái với công lý thông thường, vì họ đã bắt giữ một người trước khi có chứng cứ buộc tội. Theo sử gia Do-thái Josephus, Cai-pha đã mua chức thượng tế này chứ không phải được truyền lại một cách hợp pháp. Vậy nên sẽ không có gì bất ngờ khi một người như vậy đưa ra bản án bất công cho người vô tội.

Câu 58. Ông Phê-rô theo Người xa xa – Tin mừng Gio-an thì cho biết ông đi cùng một môn đệ khác (Ga 18,15). Có vẻ đó chính là Thánh Gio-an.

Câu 63. ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không? – Câu hỏi này một lần nữa được những kẻ bắt bớ đưa ra cho Chúa Giê-su vào sáng hôm sau (Lc 22,66).

Câu 65. xé áo mình ra – Đó là tục lệ của người Do-thái nhằm thể hiện sự phản đối và ghê tởm khi họ nghe thấy một điều phạm đến Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đây, chính Cai-pha đã vi phạm Lề Luật vì người làm thượng tế sẽ không được xõa tóc và xé áo (Lv 21,10).

Câu 67. Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người – Sau đó, thượng hội đồng này đã giải tán để họp lại vào sáng hôm sau. Trong khoảng thời gian giữa hai buổi họp đó, Chúa Giê-su đã bị bỏ rơi trong sự cô đơn. Vì lợi ích của chúng ta, Người chấp nhận từ bỏ chính mình, chịu xúc phạm và phỉ báng bằng những ngôn từ khốn nạn nhất; chịu đánh đập và hành hạ bởi đủ mọi thứ đòn thâm độc từ bàn tay của những kẻ bất lương. Chúng ta hãy luôn khắc sâu những sự hy sinh đó trong tâm trí mình và hãy nhớ rằng Người đã chịu tất cả những điều ấy vì ơn cứu chuộc cho chúng ta để sống sao cho xứng đáng với Người.

Câu 75. Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết – Thánh Augustinô nghĩ đến khung cảnh khi Phê-rô chối thầy lần thứ ba, đứng giữa đám người tội lỗi, Đức Giê-su đưa mắt nhìn về phía người môn đệ mình đã chọn làm đá tảng, tất cả nỗi nhục nhã và tủi hổ ập xuống trên Phê-rô. Các sử gia cổ đại nói rằng ông đã khóc lóc thảm thiết như thế mọi ngày trong suốt cuộc đời mình. Theo lời kể của Thánh Giáo Hoàng Clêmentê, Thánh Phê-rô luôn bắt đầu việc cầu nguyện quen thuộc mỗi ngày từ tiếng gà gáy đầu tiên cho đến sáng, những dòng lệ không ngừng tuôn dài trên khuôn mặt ông và ông cay đắng than van về tội ác ghê tởm của mình.

Scroll to Top