Chú giải Tin Mừng Mác-cô

Mục Lục
Chú Giải Kinh Thánh

Chương 13

Xem chú giải Mt 24.

Câu 14. Thánh Bê-đa Khả Kính đã đưa ra một minh họa tuyệt đẹp về đoạn văn này theo nghĩa thiêng liêng. Ngài nói, khi chúng ta thấy Đồ-Ghê-Tởm-Khốc-Hại đứng ở nơi nó không được phép đứng, nghĩa là khi lạc giáo và tội ác ngự trị ở nơi mà lẽ ra phải dành cho chân lý và nhân đức; thì bấy giờ ai ở miền Giu-đê, nghĩa là những người giữ được đức tin chân chính của mình; hãy trốn lên núi, tức là vươn lên tới đỉnh cao của sự hoàn thiện; và những ai ở trên sân thượng là những người đã đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa để sống theo thần khí; thì đừng xuống, tức là đừng sa vào lối sống theo xác thịt như trước đây nữa.

Điểm chung của tất cả các lạc giáo là chúng đều hướng đến Đồ-Ghê-Tởm-Khốc-Hại, đặc biệt là đánh mất các bí tích, sự thờ phượng Thiên Chúa và hy lễ Mình Máu Chúa Ki-tô; là những điều mà nếu thiếu đi, không tôn giáo nào có thể tồn tại được.

Câu 20. Nếu Chúa không rút ngắn những ngày ấy lại, thì không ai được cứu thoát – Chúa Giê-su đang nói về cuộc bách hại của tên Phản Ki-tô. Đó là một giai đoạn khủng khiếp khôn tả và sẽ xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Tuy vậy, thời hạn mà những kẻ gian ác được phép chà đạp Thành Thánh – tức là Giáo Hội của Chúa Ki-tô, sẽ không kéo dài quá bốn mươi hai tháng hay ba năm rưỡi (Kh 11,2). Chúa Ki-tô sẽ dành thời gian này để thanh tẩy Hội Thánh và thử thách các tôi tớ của Người; do đó, Người cho phép họ gục ngã dưới quyền lực của tên bạo chúa hung ác: Nó được phép giao chiến với dân thánh và thắng họ, và nó được ban quyền trên mọi chi tộc, mọi nước, mọi ngôn ngữ và mọi dân (Kh 13,7) – đây cũng là những điều đã được ngôn sứ Đa-ni-en nhắc tới trong thị kiến mà ông được thấy (Đn 7,21.25).

Khi bàn về thời kỳ kinh hoàng đó, Thánh Augustinô nói: nó sẽ là cơn bách hại cuối cùng, xảy ra gần trước Ngày phán xét và sẽ tấn công vào Giáo Hội ở khắp mọi nơi trên thế giới; điều đó nghĩa là thành phố của chúa Ki-tô sẽ bị bách hại bởi thành phố của ma quỷ cho tới khi lãnh thổ của chúng được mở rộng ra toàn cõi đất.

Nhưng Đấng Cứu Độ của chúng ta sẽ chấm dứt những tai họa này vì những người được chọn, Người không muốn họ bị cám dỗ bởi sức mạnh của chúng; và Người sẽ từ trời xuống để giết chết tên Phản Ki-tô bằng hơi thở từ miệng Người, và sẽ tiêu diệt bằng ánh huy hoàng, khi Người quang lâm (2 Tx 2,8).

Câu 32. Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không – Nhưng làm sao Chúa Con có thể không biết gì về Ngày sau hết đó? Nếu đúng như vậy, chúng ta phải kết luận rằng bản tính của Người là không hoàn hảo. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng ý nghĩa của câu này không phải là Đấng Ki-tô thực sự không biết gì về thời điểm xảy ra Ngày tận thế, nhưng chỉ là cuộc trò chuyện với các môn đệ khi ấy không phải là dịp thuận tiện để Người tiết lộ bí mật này.

Thánh Augustinô nói: Không phải Chúa Ki-tô không biết gì về ngày giờ, như học thuyết mà một số kẻ lạc giáo Agnoetae (*) thuộc nhóm Eutychian chủ trương; nhưng bởi vì Người biết về nó không theo kiểu một thầy dạy thông thường của chúng ta, những người dạy người khác kể cả những điều không mang lại lợi ích gì cho họ.

Theo Thánh Ambrôsiô, việc Con Thiên Chúa không biết về ngày giờ không phải vì Người dựa vào thiên tính của mình – bản tính giúp Người thấy rõ và hiểu biết mọi sự; nhưng dựa vào nhân tính – bản tính không tự mình hay sử dụng ánh sáng của mình để biết về ngày đó, nhưng nhờ vào mặc khải do thiên tính, vốn kết hợp mật thiết với nó, đưa ra.

Xem thêm chú giải Mt 24,36.

(*) Eutychian là những người theo Eutyches (380-456), một kỳ mục và viện phụ sống tại Constantinôpôli. Eutyches cho rằng nhân tính của Chúa Ki-tô bị khuất phục và hấp thụ bởi thiên tính của Người như thể một đại dương hấp thụ một giọt giấm. Lạc thuyết này đã bị bác bỏ và lên án tại Công đồng chung Chalcedon năm 451.

Agnoetae là lạc giáo được khởi xướng khoảng năm 534 bởi một phó tế sống tại A-lê-xan-ri-a, Ai-cập, có tên là Themistius. Ông ta cho rằng Chúa Giê-su, mặc dù là thần linh nhưng chỉ có tri thức giới hạn và lấy dẫn chứng rằng Người không biết Ngày tận thế xảy đến khi nào và anh La-da-rô được chôn ở đâu (Ga 11,34)).

Câu 33. Có thể một số người nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu Chúa Ki-tô tiết lộ cho họ thời điểm của Ngày tận thế, để họ không phải mòn mỏi mong chờ. Nhưng trái lại, Thánh Augustinô, Thánh Grêgôriô và các vị thánh khác đảm bảo với chúng ta rằng, Thiên Chúa đã thể hiện lòng thương xót bao la của Người khi giữ chúng ta trong sự thiếu hiểu biết này, để chúng ta luôn luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng cho ngày đó. Vì nếu chúng ta biết chính xác ngày giờ, điều chắc chắn này sẽ tạo ra dịp khiến chúng ta sống thiếu cảnh giác và phạm tội một cách dễ dàng hơn.

Theo Thánh Grêgôriô, Thánh Augustinô và Thánh Bônaventura, Thiên Chúa đã để chúng ta trong tình trạng không chắc chắn này nhằm mục đích ngăn chúng ta gắn bó với những sự thế gian. Đó là những thứ mà dù có thấy chúng ngay trước mặt trong mỗi giây phút của cuộc đời, chúng ta cũng có thể đánh mất chúng bất cứ lúc nào. Thay vào đó, chúng ta hãy khao khát những thứ mà mình sẽ luôn luôn sở hữu một khi đã đạt được chúng rồi, đó là hạnh phúc Thiên Đàng. “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).

Câu 35. Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng – Tức là hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng cho Ngày phán xét ở mọi giai đoạn của cuộc đời: thời thơ ấu, tuổi trẻ, tuổi trưởng thành và tuổi già.

Mục Lục
Chú Giải Kinh Thánh